You are here

Praha những ngày cuối năm 2016

Cuối cùng rồi cũng tới Praha. Thành phố của hai nhân vật, có lẽ tôi chưa lường hết được ý nghĩa của những gì mà tác phẩm của họ mang lại cho tôi. Hai nhân vật đó là Franz Kafka và Václav Havel.

Như một sự tình cờ, tôi ở trong một khách sạn trên quảng trường Venceslas, ngay tại địa điểm trước đây có những văn phòng của công ty bảo hiểm nơi Kafka từng làm việc. Và cách đó không xa, chỉ khoảng vài phút đi bộ, là quảng trường Thành phố Cổ, nơi Kafka từng sống trong căn nhà số 2, bên cạnh Đồng hồ thiên văn nổi tiếng của Praha, và sau đó là căn nhà số 5, cũng trên quảng trường này. Xa hơn một chút, đi bộ thêm chừng 5 phút đến sau nhà thờ Thánh Nicolas, sẽ gặp ngôi nhà trong đó Kafka đã chào đời. Đi thêm mươi phút nữa sẽ tới bảo tàng Kafka. Dấu ấn của Kafka ở khắp xung quanh.

Thế giới đã tốn bao nhiêu giấy mực để nói về nhà văn này. Giờ đây, nếu khi ngồi ở cà phê Louvre, vốn khi xưa Kafka vẫn lui tới đàm đạo cùng bàn bè về văn chương và triết học, cần viết vài dòng về ông thì sẽ viết gì đây ?

Bất chấp vẻ buồn thảm toát lên từ những câu chuyện của ông, bất chấp ấn tượng tuyệt vọng mà các tác phẩm mang tính chất mê cung của ông để lại cho người đọc, văn chương của Kafka không thuộc loại văn chương yếm thế. Trái lại, đó là thứ văn chương của một sức mạnh bên trong, một thứ sức mạnh khó nắm bắt nhưng luôn hiện diện ở đó, trên từng chữ. Có thể cảm thấy sức mạnh ấy trong nỗ lực bền bỉ nhằm tiếp cận lâu đài của K trong tiểu thuyết « Lâu đài », trong nỗ lực kháng cự đến tận cùng của Josef K. trong tiểu thuyết « Vụ án ». Josef K. đã kháng cự lại phán quyết của toà án giành cho anh, đã kháng cự bằng cách không ngừng tìm hiểu vì sao mình bị kết án, kháng cự đến tận cái chết. Trong tiểu thuyết «Vụ án » Josef K. không phải là trường hợp duy nhất, nhiều người khác cũng rơi vào hoàn cảnh giống anh, nhưng họ không bị giết chết, không bị thủ tiêu như K. Họ chấp nhận, họ im lặng, không tìm hiểu, họ mua luật sư, mua toà án, và họ bị kết tội nhưng không bị giết chết. Josef K. cuối cùng đã bị giết vì anh không chịu khuất phục, anh không mua luật sư, không mua toà án, vì anh muốn hiểu, và muốn biết. Nếu không có cái sức mạnh đẩy anh không ngừng đi tới trong hành trình tìm tiểu, cũng là hành trình của cuốn tiểu thuyết, thì anh cũng như những người khác, chấp nhận làm một bộ phận của cỗ máy phi lý để có thể tồn tại. K không chấp nhận sự phi lý, K muốn tìm một sự lý giải cho số phận của anh. Sự kháng cự đó dẫn đến cái chết. Bất chấp nỗi nhục nhã mà K cảm nhận trước khi chết (« như một con chó »), cái chết của K, như một nghịch lý, lại chính là sự khẳng định cái sức mạnh bên trong, sức mạnh của sự kháng cự.

Chính ở đây, ở Praha, mà tôi nhìn thấy điều đó một cách rõ ràng.

Václav Havel là một kiểu kháng cự khác, một kiểu phản kháng khác, phản kháng chính trị, cũng bền bỉ không kém gì K, nhưng có một kết thúc có hậu. Từ văn học, sân khấu, qua tù nhân bất đồng chính kiến, đến tổng thống của Cộng hoà Séc, hành trình của Havel là hành trình của ý thức đạo đức cá nhân và ý thức trách nhiệm cá nhân, chống lại sự lừa dối và sự tha hoá của hệ thống chính trị cộng sản.

Đọc sách và hiểu các tác giả là một chuyện. Nhưng khi đi trên các đường phố Praha sẽ có một cảm nhận lạ lùng, một cảm nhận rất khác khi đọc sách, cảm nhận về sức mạnh bên trong của những người Praha nói riêng và người Séc nói chung, cái sức mạnh được bảo tồn từ nhiều thế kỷ qua sự hiện diện của toàn bộ nền văn hoá mà thành phố Praha mang chứa trong lòng nó. Chính nền văn hoá ấy đã kháng cự lại những gì muốn huỷ diệt nó, để tiếp tục tồn tại trong một sắc màu khó tả, sắc màu của thành phố khi nó ánh lên dưới ánh sáng mặt trời, khó có thể dùng từ nào khác hơn để gọi tên nếu không phải là: sắc màu Praha.

Praha, 24/12/2016

Nguyễn Thị Từ Huy