Thực sự, câu chuyện về việc « không thể » hình thành một liên minh chính trị của người Việt hải ngoại rất đáng được suy nghĩ và cắt nghĩa, trong mục đích nhằm giải quyết vấn đề, để tiến tới chỗ có thể bàn tới các giải pháp cho việc này. Bởi vì theo quan sát của cá nhân tôi, mong muốn tạo liên kết để hình thành các tổ chức mạnh là một mong muốn có thực và tồn tại ở nhiều người. Và mong muốn đó không hề là ảo tưởng, mà có thể thực hiện được, trong một điều kiện quá thuận lợi mà các nước dân chủ trao tặng cho người Việt hải ngoại. Nếu điều kiện khách quan là hoàn toàn thuận lợi, vậy thì lực cản chính nằm ở đâu ? Câu trả lời không phải là quá khó : nằm ở chính cộng đồng người Việt, hoặc nói cách khác, nằm trong chính mỗi người.
Việc nhận thức về lực cản này là bước đầu tiên cần phải làm, nếu quả thực những người mong muốn liên kết có nhu cầu đi tới hành động thực sự chứ không chỉ dừng lại ở mong muốn. Dĩ nhiên, bước thứ hai, sau khi phân tích các nguyên nhân tạo nên lực cản, là tiến hành các thao tác cụ thể của việc thành lập liên minh. Nhưng các thao tác cụ thể chỉ có thể thực hiện được, khi đã vượt qua bước thứ nhất.
Chân thành cảm ơn ông Thạch Đạt Lang, trong bài phản hồi bài báo của tôi, đã cho biết một số nguyên nhân tạo ra tình trạng chia rẽ trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Những phân tích thẳng thắn như phân tích của ông Thạch Đạt Lang là hết sức cần thiết, và rất có ý nghĩa. Trong bài ông Thạch Đạt Lang có đề cập đến những người có tâm và có tầm đã lặng lẽ rút khỏi các hoạt động vì cảm thấy không thể làm thay đổi thực tế. Hy vọng ông cảm thấy rằng lúc này đây đã là thời điểm mà những người đó cần tập hợp lại với nhau để thể hiện tâm và tầm của mình.
Công việc phân tích và nhận thức các nguyên nhân của sự chia rẽ chỉ có hiệu quả khi mà chính bản thân những người trong cuộc tiến hành các phân tích này. Tôi không phải là « người trong cuộc », vì tôi không thuộc về cộng đồng người Việt hải ngoại, tôi không có tất cả các kinh nghiệm của người Việt hải ngoại. Tôi ra nước ngoài chỉ trong một thời gian ngắn và chỉ để đi học. Về cơ bản, tôi thuộc về cộng đồng trong nước. Nói điều này để xác định vị thế một cách rõ ràng, vì điều này là hết sức cần thiết trong quá trình nhận thức, cũng như hành động. Từ vị thế của một người không thuộc cộng đồng người Việt hải ngoại, tôi xin đóng góp một điểm mà tôi quan sát được, mà theo tôi, điểm này có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến việc hình thành một liên minh không những khó khăn mà trong mắt nhiều người còn là « không thể ».
Điều khó khăn có lẽ nằm ở chỗ cuộc đấu tranh không có một mục tiêu chung. Ít nhất có thể nhận thấy một số mục tiêu chính sau đây : có những người Việt hải ngoại đấu tranh vì mục đích dân chủ hóa Việt Nam, có những người đấu tranh để khôi phục lại lá cờ vàng hay nói cách khác là để khôi phục chế độ Việt Nam Cộng hòa trước 75, có những người hoạt động vì mục đích từ thiện, giúp đỡ những người nghèo hay các nạn nhân của hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam, có những người hoạt động một cách hợp pháp (theo pháp luật Việt Nam) cho quá trình giúp Việt Nam hội nhập quốc tế.
Với các mục tiêu khác nhau như vậy, người Việt hải ngoại tập hợp lại thành các nhóm nhỏ và đi theo những con đường nhỏ của mình. Các mục tiêu này không giúp liên kết mà trái lại trên thực tế trở thành loại trừ lẫn nhau, theo nghĩa là khiến cho các nhóm không thể nào hợp tác được với nhau. Giờ đây, nếu muốn hình thành một liên minh, hoặc thành lập một tổ chức đủ lớn để thu hút sự tham gia đông đảo, người Việt hải ngoại cần tiến tới xác định một mục tiêu chung. Từ mục tiêu chung này mới có thể thống nhất trên một số phương pháp chung.
Tôi sẽ dừng lại ở đây, tạm thời chưa đưa ra quan niệm của tôi về mục tiêu này. Hy vọng rằng bài viết mang tính chất đặt vấn đề này của tôi có thể gặp được một sự quan tâm chung, để mọi người cùng thảo luận. Có thể từ chỗ thảo luận chung sẽ đi tới chỗ hình thành những nỗ lực chung cho Việt Nam, bởi vì chúng ta chỉ có một Việt Nam mà thôi.
Paris, 27/11/2016
Nguyễn Thị Từ Huy
Bài bình luận gần đây