You are here

Những người trẻ

Nhìn từ Hồng Kông:

Tôi thần người ra ngắm. Say mê ngắm những bức ảnh Joshua Wong, Nathan Law, Lester Shum... Như lửa đốt. Vâng. Những bức ảnh có lửa. Như nhen nóng từng mạch máu, lồng ngực mình.

Khi còn trong tù. Xem những hình ảnh đấy qua bản tin truyền hình, tôi đã muốn vùng dậy, co chân đạp bung nát cái khung sắt bịt bùng trước mặt. Gì đấy như thôi thúc. Như hổ nhục!

VTV, truyền hình quốc gia- vẫn miệt mài với các game show tạng Đàm Vĩnh Hưng, Lại Văn Sâm. Một thế hệ trẻ, suốt ngày hô hố, mở mồm văng tục, coi những Đàm Vĩnh Hưng, Lại Văn Sâm, Sơn Tùng, Lệ Rơi, Ngọc Trinh... là thần tượng.

Những trò SV nhảm nhí. Những người lính cầm súng hoà cuộc nhảy nhố, lố lăng để xướng danh “chúng tôi là chiến sĩ”. Chưa bao giờ, thế hệ trẻ lại hùng hồn tự chứng minh mình bằng những trò hề vô bổ, nhố nhăng vậy.

Nhìn những Joshua Wong, Nathan Law, Lester Shum... thấy lồng ngực mình như nghẹn tức. Khi dấn thân, lãnh đạo phong trào sinh viên xuống đường đòi dân chủ, Joshua Wong mới 17 tuổi. Nathan Law, Lester Shum... cũng vậy. Họ là lớp người trẻ, rất trẻ.

Tại sao lớp trẻ Việt? Câu hỏi đó, nhiều khi cứ như một vết đạn, cày xoáy đâu đó trong lồng ngực, nhức nhối.

Bức bối. Nhiều khi cứ nghĩ quẩn. Đội ngũ trí nhân khoa bảng thì vùi đầu câm lặng. Nhận cái bằng vinh danh cũng cúi gập mình như...(không dám ví) trước ông Chủ tịch nước.

Và một thế hệ trẻ, những thế hệ trẻ chỉ biết tưng tửng hô hố cùng các game show mạt hạng.

Lớp trẻ Việt đâu? Sao đến giờ, vẫn chỉ nhan nhản đến chán nhàm các lời dạy răn của những cụ già hưu như Vũ Khoan, Vũ Ngọc Hoàng oang oảng chối tai về “tha hoá quyền lực” và những mớ lý luận hồng.

Công tâm, không phải không có. Thật ra, tôi cũng đã thấy, đã nghe, đã gặp được vài bạn trẻ như mong ước, kỳ vọng. Nhưng quả thật, để cháy bùng lên như một Joshua Wong, hoặc Nathan Law, Lester Shum thì... chưa thể!

Nhiều lần, tâm sự cùng các anh Nguyên Ngọc, Chu Hảo, Nguyễn Quang A, Bùi Minh Quốc... rằng: Lớp già các anh. Thế hệ tôi nữa. Hình như chúng ta chỉ còn vai trò thắp lửa.

Vâng. Và không ít “cụ bác” trong cái thế hệ già ấy, cả thế hệ sắp già như chúng tôi, vẫn miệt mài thắp thổi. Cố nhen giữ. Cho dù nhiều khi, cũng chỉ giá trị như một biểu trưng nhằm kích hoạt, đánh động cho những nguồn lửa của các thế hệ sau. Nhiều bận, bi quan đến mức tự hỏi “liệu thế hệ mình, liệu chúng ta có còn sống đến khi nhìn thấy sự đổi thay”?

Nhìn cách phản ứng của người Hồng Kông hôm nay, nhất là lớp trẻ, và đặc biệt là cuộc nổi loạn trong lễ tuyên thệ của các tân nghị sĩ trẻ Hồng Kông hôm 12/10 vừa qua. Cho thấy cái nhu cầu “thay áo” thoát Trung đã gần như một cuộc chiến- quyết liệt!

Hồng Kông, khi trao trả về Trung Quốc, đã bị thay áo. Cho dù vẫn mị mạo rằng “một quốc gia hai chế độ”. Nhưng rõ ràng, Trung Hoa đại lục (Trung Cộng) đã nhét ép lên Hồng Kông một tấm choàng khác. Tấm áo khác, suốt gần 10 năm ngứa hôi trên một thân thể Hồng Kông, vốn là biểu trưng của thịnh vượng.

Còn với chúng ta. Hay chúng ta, người Việt chúng ta, những thế hệ già chúng ta, đã như chiếc áo mặc quen rồi không còn nghe thối nữa?

Những mồi lửa

Cay nghiệt đấy. Nhưng phải dũng cảm nhìn thật vậy, để thấy lớp trẻ Việt vì sao lâu thức? Và một khi, đã nhen thức được vài mồi lửa quí, thì nuôi giữ sao cho sớm cháy bùng thành những ngọn đuốc lớn.

Công tâm. Đã dần thấy những chuyển thay, cho dù chỉ là những mồi lửa vừa nhen.

Tôi biết, có những bạn trẻ đứng bên Joshua Wong, Nathan Law, Lester Shum... ngay từ lúc cao trào của cuộc cách mạng dù Hồng Kông.

Tôi biết, có một Hội phụ nữ nhân quyền Việt rất trẻ. Tôi biết, có một Liên đoàn lao động Việt rất trẻ. Tôi biết, một vài nhóm hội theo mô hình các tổ chức xã hội dân sự đã từng bước manh nha hình thành. Tôi biết, một Phương Uyên mảnh khảnh nhưng bất khuất hiên ngang trước vành móng ngựa. Tôi biết, một thanh niên trẻ Võ Văn Trung 20 tuổi cắt tay viết khẩu hiệu máu đuổi Tàu. Tôi biết, một sinh viên Nguyễn Anh Tuấn với lá đơn “tự thú, xin vào tù” để phản đối điều luật mơ hồ 88. Tôi biết, một Trịnh Bá Phương với tuyên ngôn dõng dạc “nếu tôi chết, đừng chôn, hãy khiêng xác tôi khắp phố phường Hà Nội” (cho dù cả bố mẹ Phương đều phải vào tù). Tôi biết, một tù nhân thiếu niên 15 tuổi Nguyễn Mai Trung Tuấn bất khuất cỡ Lý Tự Trọng chẳng là cái đinh gì. Tôi biết, một Phạm Đoan Trang bị đánh què chân, kẹp đôi nạng gỗ vẫn hiên ngang xuống đường. Và hôm qua, là một Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh...

Ấy là những nguồn lửa quí. Vâng. Chính các bạn, mới là những người nhóm lửa. Chính các bạn mới là mồi lửa để bùng đốt.

Rất thích, ấn tượng với câu nói của Joshua Wong “Tôi không muốn cuộc đấu tranh cho dân chủ phải truyền lại cho đời sau. Đây là trách nhiệm của chính thế hệ chúng tôi”.

Một thế hệ trẻ. Vâng. Là họ, chứ không phải giới trí nhân khoa bảng vùi đầu câm điếc kia. Càng không phải là những lão già hưu, hoặc sắp hưu lú lẫn với thứ tư tưởng “dân chủ vạn lần” mụ mị.

Những lớp trẻ ấy, mới thật sự là thế hệ thay áo. Chỉ họ, mới là lớp người dị ứng nhất, trước tấm áo choàng “giải phóng” mà các thế hệ bố mẹ ông bà chúng, quen đến mức không nhận ra mùi.

Nhưng nói vậy, không phải đổ gánh cho lớp trẻ.  Bởi nếu còn có thể- tôi, thế hệ tôi sẵn sàng hoá tro than để các bạn cháy bùng. Và vì thế, tôi căm ghét những ai đang tâm đổ hắt nước lạnh lên những mồi lửa ấy. Sách nhiễu, ngục tù, chỉ khiến họ trưởng thành và thiêu nóng thêm lòng căm thù nơi họ.

Dẫu biết rằng cái nước Việt này không phải Hồng Kông. Dẫu biết rằng chốn Ba Đình kia, còn lâu mới thấy được cảnh xé quăng Hiến pháp, như... phỉ đái vào lời thề Trung Cộng như thế.

Vẫn biết, nhiều bạn trẻ đấy. Trẻ có học đàng hoàng. Bị mấy gã công an côn đồ đấm cho vêu mặt, toét đầu hộc máu vẫn không dám “ẳng” lên một tiếng. Vẫn biết nhiều, quá nhiều bạn trẻ, rống họng gào hơn khóc cha khóc mẹ trước những “thần tượng” Lại- Đàm.

Nhưng thôi, kệ. Vẫn cứ phải nhìn về phía những đốm lửa kia, để nuôi lấy niềm tin. Và, để lòng ta không nguội lạnh.