You are here

Đối thoại và lòng tin (I)

Tôi dự định, trước khi tiếp tục các phần tiếp theo của chủ đề « bộ phận nào trong xã hội có thể đẩy nhanh quá trình dân chủ hóa ? », sẽ viết một số bài giới thiệu về hoạt động bầu cử tổng thống đang diễn ra ở Pháp, làm cơ sở cho diễn giải của tôi về các vấn đề của Việt Nam.

 Tuy nhiên, vài ngày gần đây, sau khi đọc hai bài viết, bài « Đã đến lúc cần phải đối thoại » của ông Chu Hảo và bài « Người Việt và xu hướng khen ngợi nồng nhiệt hay thất vọng thái quá » của bà Song Chi, tôi thấy trước mắt cần tiếp tục phát triển thêm những chủ đề được nêu ra trong hai bài viết này, trong mạch suy nghĩ chung có thể đã được gợi lên ở nhiều người trong cộng đồng.

Việt Nam đang ở một thời điểm có quá nhiều vấn đề trầm trọng, những người quan tâm thời cuộc và quan tâm đến cuộc sống trong hiện tại và tương lai của chính mình, đều đã biết và hiểu về những vấn đề này, nên tôi chỉ nêu vắn tắt : vấn đề an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ ; vấn đề ô nhiễm tới mức đe dọa hủy diệt môi trường sống (rừng, biển, đồng bằng, sông ngòi…) ; văn hóa, giáo dục, luật pháp, y tế tất cả đều xuống cấp ; nợ công, tham nhũng, thất nghiệp, nghèo đói và những hậu quả thương tâm của nó, trong khi mà làn sóng di cư của những người giàu, những người có tiền, dâng cao hơn bao giờ hết (những người bỏ nước ra đi tìm nơi đáng sống có nghĩ gì không khi họ ôm hết tiền bạc ra đi và để lại trên xứ sở này những đứa trẻ mới 11 tuổi đã phải thắt cổ tự tử vì nghèo ? Xin xem bài trên blog Thụy My hôm chủ nhật 28/8 vừa qua) ; thêm vào đó là tình trạng bất an do thiếu an toàn thực phẩm, thiếu an toàn giao thông; và bạo lực tràn lan khắp mọi tầng lớp xã hội, đến mức lãnh đạo cao cấp xử lý nhau một cách công khai theo phương thức xã hội đen…

Trong bối cảnh đó, ông Chu Hảo cho rằng xã hội đã ở vào tình trạng nguy hiểm, không thể đợi thêm được nữa. Và ông viết một bài báo ngắn đăng trên trang Bauxite, đề xuất một cuộc Đối thoại giữa chính quyền và các đại diện của xã hội và của nhân dân, nhằm tìm ra lối thoát cho các vấn đề của quốc gia, nhằm tìm giải pháp cho hệ thống chính trị Việt Nam. Các mối nguy hiểm của Việt Nam, theo ông Chu Hảo, là hậu quả của đường lối chính trị cộng sản và là hậu quả của một bản hiến pháp phản tiến bộ.

Nhiều người ủng hộ đề nghị này của ông Chu Hảo. Bởi vì trong lịch sử của các chế độ cộng sản thế giới, một Hội nghị bàn tròn như thế đã từng diễn ra ở Ba Lan. Hơn nữa, đối thoại là một nguyên tắc của dân chủ. Trái với quan niệm mà có lẽ vẫn còn tồn tại ở nhiều người đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam hiện nay, hai trong số các nguyên tắc quan trọng của dân chủ là đối thoại và thỏa hiệp. Và dân chủ được định nghĩa bằng sự sở hữu quyền lực một cách ôn hòa, bằng con đường bầu cử, tức là bằng sự cho phép của đa số trong xã hội. Vì thế, nếu một lãnh đạo được bầu bởi 51% dân số, thì 49% còn lại phải chấp nhận thỏa hiệp, tức là chấp nhận bị lãnh đạo bởi một người mà mình không muốn chọn vào vị trí quyền lực.

Khi nhìn nhận theo cách này thì đề xuất đối thoại của ông Chu Hảo là một đề xuất theo tinh thần dân chủ.

Vấn đề là một cuộc đối thoại như vậy có thực hiện được ở VN lúc này hay không?

Điều này có lẽ chỉ có thể thực hiện được và có được kết quả mong muốn khi có hai điều kiện sau đây:

-Bản thân giới lãnh đạo có nhu cầu đối thoại.

-Những người khởi xướng đối thoại có được một sự ủng hộ đông đảo và rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, đồng thời áp lực của các hoạt động phản ứng của người dân phải đủ mạnh.

Hai điều này có tồn tại ở VN hiện nay không? Việt Nam đã có đủ điều kiện cho một cuộc  đối thoại như vậy hay chưa?

Xin đọc bài «  TƯỚNG W. JARUZELSKI (1923 – 2014) » đăng trên trang Dân Quyền nếu quý vị muốn hiểu rõ hơn vấn đề. Để Ba Lan có được Đối thoại bàn tròn năm 1988 thì người dân Ba Lan đã phải không ngừng biểu tình, đình công suốt trong hai thập kỷ, kể từ những năm 1970, và chấp nhận bị chính quyền đàn áp đến mức đổ máu. Kết quả của cuộc đấu tranh đó là Công đoàn Độc lập « Đoàn kết » được chính thức đăng ký vào năm 1980. Đồng thời,  tướng W. Jaruzelski, người chỉ đạo, giám sát các cuộc đàn áp nhân dân, lại chính là người đứng ra định hướng và chỉ đạo tổ chức cuộc Đối thoại bàn tròn lịch sử, nghĩa là giới lãnh đạo ở Ba Lan có nhu cầu đối thoại. Chính là với hai điều kiện đó mà cuộc Đối thoại mới có thể được tổ chức và thành công ở Ba Lan.

Nếu so với thực tế của Ba Lan năm 1988, thì thực tế của chúng ta hiện nay cho thấy rằng Việt Nam còn thiếu cả hai điều kiện đó.

Muốn tạo ra hai điều kiện này, người Việt Nam phải làm rất nhiều việc. Hy vọng là tất cả những người muốn đất nước được dân chủ hóa để tự bảo tồn và phát triển sẽ suy nghĩ và thảo luận rốt ráo về những việc này, đồng thời không chỉ thảo luận mà còn tiến hành các hành động cụ thể nữa.

Ở đây, trong bài này, tôi đề cập đến một yếu tố làm tiền đề cho việc thiết lập hai điều kiện trên đây để một ngày nào đó có thể tiến tới một cuộc Đối thoại. Yếu tố này phần nào đã được đề cập đến trong bài viết của Song Chi.

Yếu tố đó là: lòng tin.

(Còn tiếp)

Paris, 31/8/2016

Nguyễn Thị Từ Huy