You are here

Ngày Quốc tế Nhân quyền và Nhân quyền cho Việt Nam.

Ảnh của songchi

Song Chi.

Uploaded with ImageShack.us
Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được Liên Hiệp Quốc công bố vào ngày 10.12.1948

Ngày 10 tháng 12 năm nay có hai sự kiện vẫn diễn ra hàng năm trên thế giới nhưng ít nhiều liên quan đến Việt Nam.
Thứ nhất là lễ trao giải Nobel Hòa Bình 2010 cuối cùng vẫn diễn ra tại Oslo, Na Uy mặc cho người được giải là ông Lưu Hiểu Ba đã không thể có mặt, cũng không ai có thể thay ông đi nhận, và mặc cho sức ép nặng nề từ phía chính quyền Trung Quốc chung quanh sự kiện này. Báo chí nước ngoài thi nhau đưa tin về một hình ảnh vô cùng ấn tượng “Giải Nobel Hòa Bình được đặt lên một chiếc ghế trống”! Nếu sự kiện giải Nobel Hòa Bình năm nay được trao cho một nhân vật bất đồng chính kiến người Trung Quốc cũng là niềm vui chung và niềm hy vọng cho những người đấu tranh dân chủ ở Việt Nam vốn có một hoàn cảnh tương tự, thì việc Việt Nam nằm trong danh sách 18 quốc gia (nhưng cuối cùng chỉ có 17 vì Serbia đổi ý), không tính Trung Quốc, không có mặt tại buổi lễ như một hình thức ngấm ngầm ủng hộ hoặc sợ mất lòng Trung Quốc là một nỗi nhục cho người Việt Nam dù ai cũng thừa biết, Hà Nội đương nhiên không bao giờ dám chọc giận Bắc Kinh trong một vụ việc như vậy. Bởi khi nhìn lại danh sách những quốc gia không có mặt thì hầu hết đều bị xếp vào loại độc tài, hoặc chưa được thế giới xếp hạng cao về thành tích tự do, dân chủ, nhân quyền, và vẫn là thiểu số (18 trên tổng số 65 quốc gia được mời), trái ngược với tuyên bố của Trung Quốc rằng phần lớn các nước đã ủng hộ lời kêu gọi của Bắc Kinh đòi tẩy chay lễ trao giải. Thậm chí trong buổi họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh ngày 7 tháng 12, Phát Ngôn Viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Khương Du còn nói thêm rằng hơn 100 quốc gia ủng hộ lập trường của Trung Quốc.

Uploaded with ImageShack.us
Lễ trao giải Nobel Hòa Bình 2010 diễn ra vào ngày 10.12 tại Oslo, Norway. Nguồn: bbc.co.uk

Ðiều này cho thấy, dù hiện đã là cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới và đã dùng hết sức mạnh kinh tế, ảnh hưởng về ngoại giao lẫn các biện pháp hù dọa khác nhau, Trung Quốc vẫn chưa có đủ uy tín để buộc thế giới phải nghe theo mình, mơ gì đến vai trò bá chủ hoàn cầu, lãnh đạo thế giới! Tương lai có thuộc về Trung Quốc hay không chưa biết, nhưng có một điều chắc chắn rằng, các quốc gia chọn lựa con đường tự do dân chủ luôn luôn chiếm số đông và ngày càng đông hơn. Việt Nam không lẽ cứ mãi chọn cho mình con đường đứng về phe thiểu số?
Tự nhiên có một suy nghĩ nếu một ngày nào đó không xa, chiến tranh thế giới lần thứ ba diễn ra, giữa Trung Quốc và Mỹ chẳng hạn, đứng về phía Mỹ chắc chắn sẽ là hàng loạt các nước dân chủ tiến bộ trên thế giới, còn đứng cạnh Trung Quốc sẽ là những quốc gia nào? Chắc lại là một số trong những quốc gia vắng mặt hôm nay tại Oslo, gồm có Việt Nam, Kazakhstan, Nga, Venezuela, Cuba, Tunisia, Morocco, Sudan, Algeria, Ả Rập Saudi, Iraq, Iran, Ai Cập, Pakistan, Afghanistan, Sri Lanka, Philippines. Và có thể, cộng thêm Bắc Hàn, Miến Điện. Như vậy cuộc chiến sẽ kết thúc với thắng lợi thuộc về phe nào? Có thể Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trong vòng một, hai thập niên nữa, nhưng liệu Trung Quốc có chiến thắng được cả thế giới dân chủ như Đức quốc xã của Hitle xưa kia đã đại bại vì chống lại cả nhân loại yêu chuộng tự do, hòa bình. Những người lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam nghĩ gì về viễn cảnh này?
Ngày 10 tháng 12 hàng năm cũng là ngày Quốc Tế Nhân Quyền. Như thường lệ, vào ngày này, các tổ chức nhân quyền và nhân dân các nước, đặc biệt tại các quốc gia độc tài, quân phiệt, tìm cách nói lên những vi phạm nhân quyền trong quốc gia mình để kêu gọi thế giới lưu tâm. Cộng đồng người Việt tỵ nạn tại nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Ðức, Úc, Na Uy, v.v. cũng nhân dịp này biểu tình phản đối sự chà đạp nhân quyền trắng trợn vẫn còn diễn ra tại Việt Nam, đồng thời kêu gọi quốc tế làm áp lực đảng Cộng Sản Việt Nam; còn ngay tại Việt Nam, Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế, một nhà hoạt động dân chủ từng ngồi tù nhiều năm đã lên tiếng kêu gọi mọi người ký tên vào “Bản Lên Tiếng Chung của Những Người Việt Nam Yêu Nước Nhân Ngày Kỷ Niệm 62 Năm Công Bố Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc”. Nhiều người trong và ngoài nước đã nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi này.
Trong khi đó, đại sứ Mỹ ở Hà Nội, ông Michael Michalak đã lên tiếng tố cáo chính phủ Việt Nam gia tăng kiểm soát Intenet, tấn công những trang mạng chỉ trích chính quyền, bắt bớ những người bất đồng chính kiến... trong 2 năm qua, với trên 24 người bị bắt và 14 người bị kết án chỉ vì “đã bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa.”

Uploaded with ImageShack.us
Ông Michael Michalak (trái) Đại sứ Mỹ tại VN. Nguồn: Reuters.

Như thường lệ, Việt Nam chắc chắn sẽ lại bác bỏ, cho rằng những chỉ trích này là thiếu cơ sở hoặc thiếu khách quan. Nhưng sự thật thì vẫn là sự thật.
Hãy hỏi hàng trăm ngàn dân oan từ khắp mọi vùng quê nghèo trên đất nước đang ngày đêm tuyệt vọng vác đơn đi khiếu kiện để đòi lại đất đai ruộng vườn bị chính quyền địa phương cưỡng chiếm bằng cách này cách khác với giá đền bù rẻ mạt; hãy hỏi hàng triệu công nhân đang vắt mình đến kiệt sức để làm thuê với giá bèo bọt 50-70 USD/tháng cho các công ty nhà nước và các công ty nước ngoài tại Việt Nam cũng như hàng trăm ngàn công nhân khác phải rời nước ra đi theo con đường xuất khẩu lao động-thực chất là một hình thức buôn người để bán sức lao động công khai và hợp pháp dưới chế độ cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đang phải làm việc như trâu bò ở xứ người; hãy hỏi những giáo dân ở giáo xứ Thái Hà, Đồng Chiêm, Tam Tòa, Cồn Dầu, tăng sinh Bát Nhã…về những vụ biểu tình bị đàn áp đẫm máu cũng chỉ vì muốn đòi lại đất đai của nhà thờ hoặc muốn được tự do tu tập; hãy hỏi linh hồn của hàng chục người bị công an dùng nhục hình đánh đến chết ngay tại trụ sở phường, quận…chỉ vì những sai phạm rất nhỏ như quên đội mũ bảo hiểm hay cãi nhau với láng giềng; hàng triệu nhà báo đang làm việc cho các tờ báo chính thức của nhà nước hay hàng triệu blogger và những người viết lách tự do cho các trang báo “lề trái”; đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ cho đến các nhà khoa học đã từng lên tiếng phản biện trong rất nhiều dự án, chính sách sai lầm của nhà nước; những con người vì tình yêu và nỗi lo âu cho thực trạng xã hội VN cũng như tương lai, vận mệnh của đất nước, dân tộc…đã lên tiếng phát biểu chính kiến một cách ôn hòa và bị xách nhiễu, bị bắt bớ, cầm tù và hàng trăm tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị khác trong đó có những người đã bị giam đến mười, hai mươi năm và hơn nữa…hãy hỏi và hãy hỏi…rằng trên đất nước Việt Nam cho đến tận ngày hôm nay, những quyền căn bản của con người đã thực sự được tôn trọng hay chưa?

Uploaded with ImageShack.us
Hàng ngàn người đổ về UBND tỉnh Bắc Giang ngày 25.7.2010 biểu tình phản đối công an đánh chết người. Nguồn: TTX Vàng Anh.

Nếu ai đó còn mù mờ không rõ khái niệm nhân quyền hoặc cố tìm cách lý giải “nhân quyền ở VN khác với nhân quyền các nước” như ông Thượng tướng công an Nguyễn Văn Hưởng, chỉ xin hỏi lại một cách đơn giản, rằng đối với một người dân bình thường ở Việt Nam, họ có tin vào sự công minh của pháp luật ở VN không? Họ có thực sự nghĩ rằng công an là bạn của dân, luật pháp sẽ đứng về phía họ nếu có chuyện gì sai trái, bất công xảy đến cho gia đình họ từ phía các cơ quan nhà nước gây ra? Trong suốt cuộc đời của mình từ lúc đặt chân đến trường mẫu giáo cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay, họ có thể sống mà không “tự kiểm duyệt”, “tự biên tập” mình cái gì được phép nói cái gì không với chính quyền, họ có được phép biết chuyện gì đang xảy ra trên đất nước này từ việc mất đất mất biển cho đến việc Trung Quốc đã, đang và sẽ làm tổn hại cho Việt Nam từ kinh tế, chính trị, xã hội như thế nào, nguy cơ mất nước ra sao, nợ công của quốc gia, những bất ổn về kinh tế, những sai lầm trong đường hướng phát triển về kinh tế và chính trị đã, đang và sẽ dẫn VN tiếp tục đi vào con đường tụt hậu so với các nước láng giềng…? Khi có bất cứ chuyện gì sai trái của chính quyền, người dân có được phép biểu tình phản đối, thậm chí khi đất nước đứng trước mối họa bành trướng từ Bắc Kinh, người dân có được quyền bày tỏ thái độ phản đối Bắc Kinh và bày tỏ lòng yêu nước một cách công khai qua các hình thức biểu tình ôn hòa? Đất nước là của chung 86 triệu con dân VN nhưng trong tất cả những việc lớn có liên quan đến vận mệnh đất nước, sự tồn vong của cả dân tộc từ mở rộng thủ đô, chi tiêu như thế nào cho đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, dự án cho thuê rừng sát biên giới, khai thác bauxite ở Tây Nguyên, xây đường sắt cao tốc Bắc Nam v.v… và v.v…có ai hỏi ý dân hoặc ngay cả nếu dân có ý kiến, nhà nước có nghe?
Khi câu trả lời là không, thì đó là sự thật về thực trạng nhân quyền của Việt Nam. Mặc cho nhà nước VN tiếp tục lừa dối dân chúng. Thời buổi này, dù có bưng bít thông tin đến đâu cũng là bất khả. Chỉ một cụm từ “công an đánh dân chết người” chẳng hạn, gõ vào google là có hàng loạt kết quả ngay!
Người Việt Nam lại tiếp tục ngậm ngùi, tủi nhục vì từ nhiều năm qua, Việt Nam trước mắt thế giới hầu như chỉ gắn với những hình ảnh không mấy tốt đẹp từ nạn xuất khẩu lao động, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, nạn tham nhũng cho đến đàn áp tôn giáo, đàn áp tự do ngôn luận, quyền con người chưa được tôn trọng, v.v. Chả bù cho Na Uy, quốc gia nhỏ bé với dân số 4,8 triệu người, lại luôn luôn xếp hạng cao trong nhiều lĩnh vực từ chỉ số tự do báo chí, chỉ số chất lượng cuộc sống, phát triển con người...
Bao giờ cho tới một ngày, người dân Việt Nam được hưởng những quyền làm người đầy đủ như trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền do Liên Hiệp Quốc công bố vào ngày 10 tháng 12, 1948, nghĩa là từ 62 năm trước?