Ở thời điểm này, tôi chỉ thấy có hai trường hợp sau đây là cứu được Trần Huỳnh Duy Thức (nếu mọi người nhìn thấy những khả năng khác, xin cứ trình bày, biết đâu những thảo luận có thể giúp chúng ta cứu được ông ấy) :
1/ Có khoảng 80-90% người lao động Việt Nam ngừng làm việc vô thời hạn, làm tê liệt nền kinh tế và sự vận hành của toàn bộ quốc gia, cho đến khi tính mạng của Trần Huỳnh Duy Thức được cứu sống. Một vài người hay một vài nhóm người tuyệt thực cùng ông ấy trong một vài ngày thì có thể bày tỏ sự chia sẻ, bày tỏ mối quan tâm, bày tỏ tình đồng loại, nhưng không thể cứu được Trần Huỳnh Duy Thức.
Có thể xảy ra việc 90% dân số lao động ngừng làm việc để cứu sống Trần Huỳnh Duy Thức không ? Điều này chỉ có thể xảy ra với điều kiện là 90% dân số lao động ở Việt Nam được biết về tình trạng của Trần Huỳnh Duy Thức, được biết về ý nghĩa của hành động tuyệt thực của ông, đồng thời họ phải và vượt qua được sự vô cảm đã trở thành căn bệnh mãn tính, sự vô cảm đã đạt đến giới hạn tàn nhẫn, và vượt qua được nỗi sợ hãi (chính là nguyên nhân của sự vô cảm). Điều này có thể xảy ra hay không, tùy thuộc vào chính những người đồng bào của Trần Huỳnh Duy Thức, những người đang sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam.
Và để chín mươi phần trăm số người lao động được biết về Trần Huỳnh Duy Thức, điều này lại tùy thuộc hoàn toàn vào truyền thông chính thống (báo chí, truyền hình…). Cần phải đối diện với sự thật là mạng xã hội chỉ có thể tác động tới một bộ phận rất nhỏ trong xã hội. Vì thế, số phận của Trần Huỳnh Duy Thức, ông ấy có thể sống hay chết, phụ thuộc rất lớn vào truyền thông chính thống, phụ thuộc rất lớn vào nhận thức, trách nhiệm, tình người của đội ngũ nhà báo chính thống.
Hơn tất cả các bộ phận dân cư khác trong xã hội, các nhà báo chính thống là những người có khả năng nhiều nhất để cứu sống Trần Huỳnh Duy Thức. Họ có muốn cứu ông ấy hay không, hay họ để cho ông ấy chết ? Chỉ có họ mới có câu trả lời, không ai trả lời thay họ được.
2/ Nhà nước sẽ thả Trần Huỳnh Duy Thức vô điều kiện, hoặc đáp ứng yêu cầu của ông ấy.
Thực ra, trong bối cảnh hiện nay, chỉ có nhà nước Việt Nam mới có thể cứu Trần Huỳnh Duy Thức một cách nhanh chóng nhất, để ngăn ngừa những hậu quả tai hại về thể chất mà cuộc tuyệt thực khiến Trần Huỳnh Duy Thức phải gánh chịu.
Nếu cả hai trường hợp trên đây đều không xảy ra, nếu chẳng may Nhà nước để cho Trần Huỳnh Duy Thức chết, thì sao ?
Người Việt Nam có chấp nhận điều ấy không ? Người Việt Nam sẽ nghĩ gì về chính mình ?
Thế giới sẽ nghĩ gì về Nhà nước và người dân Việt Nam ? Nếu Nhà nước, trong khi có đủ mọi phương tiện để cứu Trần Huỳnh Duy Thức nhưng lại để ông ấy chết thì có thể xem là một vụ giết người cố ý không?
Dĩ nhiên, còn cần phải nói rất nhiều về việc này, và sẽ còn có rất nhiều người nói về việc này.
Paris, 28/5/2016
Nguyễn Thị Từ Huy
Bài bình luận gần đây