You are here

Nhân chuyến thăm Ba Lan của Tổng thống Nga: Quá khứ bi kịch và một tương lai mở cửa?

Lê Diễn Đức

Vào sáng ngày 18/04/2010 máy bay của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hạ cánh xuống sân bay thành phố Krakow, Ba Lan.

Trước đó, ngày 10/04, vài giờ sau khi xảy ra tai nạn máy bay tại Smoleńsk (thuộc Nga) làm chết vợ chồng Tổng thống Ba Lan và 94 người đi cùng, Tổng thống Nga đã gửi điện chia buồn tới lãnh đạo Ba Lan và ngày thứ Hai ông đã đến Đại sứ quán Ba Lan tại Moscow ghi vào sổ tang tỏ lòng thương tiếc cái chết của Tổng thống L. Kaczyński, phu nhân và các thành viên bị tử nạn khác. Rất nhiều người Nga cũng đã tới đặt hoa, đốt nến trước Đại sứ quán Ba Lan.

Ngày 12 tháng 4 nước Nga tuyên bố quốc tang. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga để quốc tang tưởng niệm cái chết của công dân nước khác.

Tổng thống Medvedev qua Ba Lan dự lễ an táng Tổng thống Kaczynski rơi vào ngày tro bụi núi lửa làm tê liệt vận chuyển hàng không cả châu Âu. Phải sử dụng máy bay quân sự bay tầm thấp tránh rủi ro, Medvedev là một trong số ít người đứng đầu nhà nước từ nước ngoài đã tới Ba Lan.

Nhiều nhà lãnh đạo khác vì lý do an toàn đã hủy bỏ chuyến bay sang Ba Lan, trong đó có Tổng thống Hoa Kỳ Obama, Tổng thống Pháp Sarkozy và Thủ tướng Đức Markel...

Vắng bóng nhiều nguyên thủ phương Tây quan trọng, lễ tang Tổng thống L. Kaczyński trở thành cuộc hội ngộ ngẫu nhiên của lãnh đạo các nước thuộc Liên Xô cũ: Tổng thống Nga Medvedev, Tổng thống Ukraine Yanukovich, Tổng thống Lithuania Grybauskaite, Tổng thống Georgia Saakashvili và nhiều đại diện của các nước cựu cộng sản châu Âu khác.

Sự hiện diện của Tổng thống Nga vào thời điểm hết sức nhạy cảm sau vụ tai nạn vô tiền khoáng hậu và sự bùng nổ cảm xúc mạnh mẽ của dân chúng Ba Lan, đã đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ Nga - Ba Lan, mối quan hệ của những thăng trầm lịch sử nghiệt ngã.

Vào chính dịp này, ông B. Komorowski, bấy giờ là Chủ tịch quốc hội Ba Lan, giữ Quyền Tổng thống, đã mời Medvedev thăm chính thức Ba Lan.

BỐI CẢNH VÀ PHẢN ỨNG

Trong ngày 6/12/2010, Tổng thống Medvedev và phu nhân có mặt tại thủ đô Ba Lan, đáp lại lời mời trên.

Cần lưu ý rằng, người anh song sinh của vị Tổng thống tử nạn là chủ tịch đảng “Luật pháp và Công lý”. Lực lượng đối lập lớn nhất này trong quốc hội Ba Lan và một bộ phận người Ba Lan vẫn không thiện cảm với Kremlin và không tin người Nga trung thực. Họ công khai tỏ ý nghi ngờ trách nhiệm của Nga trong vụ tai nạn máy bay.

Đúng ngày Medvedev tới Ba Lan, hiệp hội “Một thế giới tốt hơn” tổ chức biểu tình trước Lãnh sự quán Nga tại thành phố Poznan với mục đích “biểu hiện tình đoàn kết với các nạn nhân của an ninh Nga: các nhà báo và các nhà tranh đấu nhân quyền, chống lại chủ nghĩa đế quốc Nga và sự chiếm đóng Chechnya”.

Một số cuộc biểu tình tương tự cũng xảy ra ở thành phố Krakow, Gdansk, Warsaw và một cuộc khác ngay trước Dinh Tổng thống Ba Lan, nơi đón tiếp Medvedev. Những người biểu tình mang cờ Ba Lan và biểu ngữ: “Chúng tôi đòi sự thật về tai nạn Smolensk!”, thậm chí “Russia go home!”.

Những cuộc biểu tình này thực ra chỉ là sinh hoạt bình thường trong một quốc gia dân chủ, nhưng rõ ràng là hạt sạn trong chuyến đi của Medvedev.

Tuy nhiên, theo cuộc thăm dò dư luận do “Polskie Radio” thực hiện, có tới 93% người Ba Lan đánh giá cuộc viếng thăm Ba Lan của Tổng thống Nga có tác động tích cực đến quan hệ Ba Lan – Nga, chỉ 2% nghĩ có ảnh hưởng xấu và 5% không có ý kiến.

NGA CẦN GÌ Ở BA LAN?

Nhấn mạnh việc Nga coi Ba Lan là một nước quan trọng, là một phần của tình hình chung trên lục địa châu Âu, nhà bình luận chính trị nổi tiếng, Tổng biên tập báo Nga "Rosiya Globalnoy Politike" Fyodor Lukyanov cho rằng Tổng thống Medvedev tới Ba Lan với mục đích tăng cường những thay đổi tích cực từ hơn một năm nay trong quan hệ song phương.

Ông Marek Menkiszak từ Trung tâm Nghiên cứu phương Đông của Ba Lan nhận định Nga cần Ba Lan trong ba vấn đề.

Thứ nhất, thận thiện với Ba Lan, Nga sẽ không gặp phải cản trở trong quan hệ với các quốc gia hàng đầu của Liên minh châu Âu và NATO. Ba Lan sẽ không ngặn chặn những sáng kiến hợp tác sâu hơn của Nga với các tổ chức này như đã từng xảy ra.

Tiếp theo là giao thông vận tải. Ba Lan là quốc gia quá cảnh cần thiết trong kết nối giữa Nga và Tây Âu. Không phải tự nhiên người Nga muốn hợp tác xây dựng đường tàu tốc độ cao chạy qua Ba Lan nối Moscow với Berlin.

Thứ ba là thị trường. Người Nga đang nhìn Ba Lan như là một khoảng trắng trên bản đồ để mở rộng kinh doanh. Họ muốn Ba Lan tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Kaliningrad và nhập khẩu điện từ nhà máy này. Họ cũng đề cập đến việc mua cổ phần của hãng lọc dầu Ba Lan Lotus, dự phần vào thị trường năng lượng Ba Lan. Song song Ba Lan là nhà nhập khẩu khí đốt lớn và tin cậy của Nga.

Những gì nổi cộm trong chuyến công du của Tổng thống Dmitry Medvedev?

ĐIỀU TRA TAI NẠN MÁY BAY

Tám tháng đã trôi qua, áp lực của dư luận Ba Lan vẫn còn rất lớn lên tiến trình điều tra tai nạn máy bay và việc chuyển giao tài liệu từ phía Nga.

Trong cuộc phỏng vấn với Tomasz Lis, người dẫn chương trình bình luận chính trị trên truyền hình công Ba Lan, Tổng thống Nga xác nhận đã có kết luận của Uỷ ban Hàng không Quốc tế. Ông khẳng định tất cả các tài liệu: băng ghi âm hội thoại giữa phi hành đoàn với tháp điều khiển, các quyết định vào lúc đó, các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định, sẽ được chuyển hết cho Ba Lan.

"Thứ nhất, Ba Lan đã bị mất đi vị Tổng thống và một phần tinh hoa của dân tộc mình, và đây thực sự là một thảm kịch quốc gia. Thứ hai, cần phải nhận thức rằng nếu chúng tôi không chuyển giao một cái gì đó, quan hệ của chúng ta sẽ trở nên căng thẳng trong nhiều thập kỷ nữa. Vì vậy, tôi nhắc lại, chúng tôi đã làm tất cả những gì cần thiết” – Medvedev nhấn mạnh.

Ông nói thêm rằng sự hợp tác này cải thiện đáng kể mối quan hệ giữa Ba Lan và Nga, tuy là hiệu ứng từ một sự kiện bi thảm, nhưng người Nga đã cơ hội thể hiện những ý định tốt của mình.

"Chúng ta nên mở tối đa việc giải thích những lý do của thảm họa để xóa bỏ nghi ngờ của những người đã bị mất người thân yêu của họ. Còn với những người – giả sử không có cảm tình với Nga - để làm cho mọi thứ rõ ràng và dễ hiểu” - Tổng thống Nga nói.

Chủ nhật, một ngày trước khi Medvedev đến Ba Lan, đoàn công tố Liên bang Nga do Tổng công tố Yuri Chaika dẫn đầu tới Warsaw với mục tiêu cải thiện hợp tác trong hoạt động điều tra, trao đổi kinh nghiệm, mở hội nghị chung, v.v… Nghị trình này đã được điều chỉnh thời gian để kết hợp vào chuyến thăm của Medvedev.

Vấn đề Nga trả lại cho Ba Lan xác máy bay bị tai nạn chắc chắn cũng là ưu tiên trong cuộc đàm phán.

THẢM SÁT KATYN NĂM 1940

Cũng trong cuộc phỏng vấn đã nêu, Tổng thống Nga cho biết những khó khăn trong quan hệ Nga - Ba Lan và với một số nước khác là một chuỗi "những sự kiện khủng khiếp trong quá khứ và những thảm kịch thực sự, không thể phủ nhận”.

Nhắc đến vụ thảm sát 22 ngàn sĩ quan Ba Lan do an ninh Xô Viết thực hiện tại rừng Katyn vào năm 1940, ông cho biết ông đã nói sự thật này cho dân chúng Nga, và vừa mới đây quốc hội ở Nga đã ra nghị quyết lên án tội ác của chủ nghĩa Stalin và xác nhận Liên Xô là một chế độ toàn trị.

“Tất cả điều này cho thấy sự thay đổi trong ý thức xã hội ở Nga. Nhưng tôi cho rằng những thay đổi này nên diễn ra không chỉ ở Nga. Để chuyển đổi các mối quan hệ của chúng ta trong quan hệ đối tác, hướng vào tương lai, và tất nhiên lâu dài, những thay đổi cũng cần được diễn ra trong ý thức xã hội Ba Lan. Có nghĩa rằng người Ba Lan nên nhìn vào một nước Nga mới” - Tổng thống Medvedev nói.

ĐƯỜNG ỐNG PHÍA BẮC

Đường ống “Nord Stream” do Nga và Đức xây dựng (dự tính hoạt động trong 2011 -2012) vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức, chạy dưới đáy biển Baltic, bỏ qua Ba Lan và các nước cộng hòa Baltic, đã gây nhiều tranh cãi và không phải đã không gây khó khăn cho Nga và Đức. Ít nhất, Liên hiệp châu Âu đã không cho dự án vay tiền theo lãi suất ưu đãi đầu tư mà theo lãi suất thương mại.

Dự án khổng lồ này đã bị dư luận quốc tế chỉ trích, mạnh nhất từ Ba Lan và các nước Baltic. Trước hết sự phản ứng có thể vì các nước này bị mất đi khoản thu nhập hàng tỷ đôla từ nguồn quá cảnh. Nhưng người ta cũng nói đến ảnh hưởng xấu của nó lên môi trường sinh thái. Đồng thời họ lo sợ Nga sử dụng đường ống dẫn khí đốt làm công cụ gây áp lực chính trị, như trong cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine vào năm 2005.

Medvedev cho rằng có thể gọi “Nord Stream” là một dự án chính trị, nhưng theo ông, đây là trường hợp “hành động vì lợi ích của nhau". Lợi ích của Nga là làm sao bán khí đốt với số lượng lớn nhất và lợi ích của các nước châu Âu là mở rộng nguồn dẫn năng lượng và khí đốt để sưởi ấm và phục vụ công nghiệp”. Ông cũng khẳng định khi có cơ hội cải thiện quan hệ với NATO thì "sẽ là tội lỗi nếu không tận dụng nó".

LÁ CHẮN TÊN LỬA

Medvedev cho biết dù chính quyền Barack Obama từ bỏ xây dựng hệ thống lá chắn chống tên lửa tại Ba Lan và CH Czech theo kế hoạch của chính phủ W. Bush, vấn đề an ninh phòng thủ vẫn để ngỏ.

“Tôi đã nói với Tổng thống Obama rằng, những gì chúng ta tạo ra hiện nay có ý nghĩa không chỉ đối với riêng tôi hay ông ấy, mà là trong 10 năm tới, khi hệ thống phòng thủ tên lửa bốn giai đoạn phát triển. Vì vậy, hoặc là sáng kiến chung của Nga và NATO, để bảo vệ chúng ta chống lại đe dọa chung, hoặc nếu Nga không có chỗ đứng của mình trong hệ thống này vào năm 2020, có thể dẫn tới khả năng hệ thống chống tên lửa trở thành yếu tố gây mất cân bằng vũ khí hạt nhân. Điều này đồng nghĩa với sự làm giảm khả năng quốc phòng của Nga, và do đó sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới” - Tổng thống Nga phân tích.

KẾT LUẬN

Cuộc viếng thăm Ba Lan của Tổng thống Nga cho thấy, muốn xây dựng tương lai tốt đẹp, các bên liên quan phải có can đảm và bản lĩnh nhìn nhận sự thật để thanh toán sòng phẳng với quá khứ. Tránh né sự thật không bao giờ tạo được lòng tin.

Mặt khác, là quốc gia nhỏ nằm sát nước Nga láng giềng khổng lồ vẫn chưa quên ảnh hưởng bao trùm của mình trong thời kỳ cộng sản, nếu Ba Lan không tự khẳng định mình, khó có thể có sự cư xử tương kính và bình đẳng của nước Nga.

Sự tự khẳng định của Ba Lan bao gồm nhiều yếu tố.

Ba Lan xóa bỏ chế độ cộng sản, trở thành thành viên của Liên hiệp châu Âu và liên minh quân sự NATO, củng cố vị trí trên bàn cờ chính trị thế giới, có chỗ dựa vững chắc của các đồng minh và cộng đồng các quốc gia dân chủ vì cùng chia sẻ những giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền.

Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và văn hóa cao là những điểm mạnh khiến nước lớn phải vị nể và nhìn nhận bằng con mắt của đối tác. Thua kém Nga rất nhiều lần về diện tích, dân số, tài nguyên, tiềm lực quân sự, từ một nền kinh tế kiệt quệ hậu cộng sản, sau 20 năm, trong năm 2009 Ba Lan đã vươn tới vị trí 21 trong 190 nền kinh tế thế giới, so với Nga ở hạng 12 (theo GDP - ranking của World Bank).

Việt Nam có hoàn cảnh lịch sử và địa chính trị khá tương đồng Ba Lan, nhưng trong quan hệ với người láng giềng Trung Quốc thiếu hẳn những yếu tố mà Ba Lan có. Một nhà nước Việt Nam với thể chế chính trị và ý thức hệ hiện nay, khó có thể tìm kiếm được đồng minh quân sự tin cậy và có được một nền kinh tế phát triển bền vững, hoặc là sẽ phải nằm vào vòng khống chế của Trung Quốc hoặc sẽ bị Trung Quốc nuốt chửng.■

Ngày 5-6/12/2010 - © RFA