You are here

Tạ ơn quê nhà….

Em viết thư, chúc anh một mùa ThanksGiving hạnh phúc và ấm áp. Anh xin nhận và trước khi chúc lại em điều gì đó, anh xin một phút được trầm tư một mình. Trầm tư để buộc trí nhớ tập trung vào một vùng trũng để có thể nhặt ra vài ký ức trước khi viết cho em.
Như vậy là đã hơn hai mươi năm anh biết Lễ Tạ Ơn nơi xứ người. Hai mươi mùa lễ đọng lại trong anh những gì? Nhiều lắm em ạ, nhưng cái lấp lánh nhất trong anh là không khí gia đình, là suy niệm về những câu chuyện của mùa lễ và nhất là tình thần “tạ ơn” của người bản xứ đã hòa vào anh như thế nào.
Còn nhớ những ngày đầu, người sponsor dẫn anh tới một ngôi nhà rộng lớn, nơi đây tập trung hơn trăm người đủ mọi sắc dân. Thức ăn nấu sẵn với gà tây nướng, rượu vang đỏ, bánh bí rợ cũng như những thức ăn của nước Mỹ mà khi ấy anh không có một chút khái niệm nào.
Người ta chúc nhau và chúc cả cho anh, một người di dân vừa đặt chân xuống vùng đất hứa Hoa Kỳ mới hai ngày. Với số vốn tiếng Anh ít ỏi, anh thẹn thùng đứng nhìn họ nói chuyện mà lòng không ngớt tự hỏi: Họ đang làm gì vậy?
Lễ tạ ơn đối với anh đơn giản và đầy câu hỏi như vậy đấy em. Thế mà lạ thay, hình như tại nước Mỹ này anh thấy việc “tạ ơn” chừng như xảy ra hàng ngày chung quanh anh. Đôi khi ngay một ngã tư đường, nơi có người cơ nhỡ đứng im lặng cầm tấm bảng nhỏ ghi” Food for work” anh lại muốn tạ ơn thương đế vì mình không phải như người cơ nhỡ kia.
Anh lại cảm thấy muốn tạ ơn mỗi khi bước chân vào sở làm, nhiều người chào hỏi anh như một ông chủ nhỏ mặc dù trên anh có ít nhất mười ông chủ khác anh cần phải chào. Lời chào nhẹ nhàng của họ khiến anh nhớ lại mình cũng từng phải chào những cai tù, những trưởng trại , những công an khu vực, thậm chí cả cái anh du kích nhỏ và xanh như cây sậy trong xóm.
Hai cái chào khác nhau này đã giúp anh hiểu rõ hơn hai tiếng tạ ơn. Tạ ơn thượng đế đã cho anh tuy sống trong một xã hội có nghèo có giàu, nhưng anh hãnh diện sống và hãnh diện với những thành quả ít ỏi mà anh tận lực đạt tới. Anh tạ ơn đất nước, con người nơi đây. Anh cũng tạ ơn ngôi trường mà anh tốt nghiệp khi đã gần tuổi 40.
Nhưng em ạ, anh cũng tạ ơn quê hương của mình nữa.
Đi xa, mỗi lần nhớ quê, anh lại thấy như máu trong tim nóng hơn một chút. Anh mừng vì vẫn còn có nơi để mà nhìn về, để mà hướng tới. Mỗi lần nghĩ về quê, thường thì hình ảnh của thơ dại tràn tới, nằm đấy và cựa quậy những háo hức của thuở thiếu thời. Rồi tình yêu, rồi bạn bè rồi những ứơc ao niên thiếu. Bao nhiêu điều quê hương đã cho không đủ để anh nói lên lời cảm tạ hay sao?
Tuy nhiên mỗi lần muốn nói lời tạ ơn thì anh lại buồn. Cái buồn nhẹ lắm em ạ, nhưng sao mà nó bâng khuâng, nó thấm thía đến buốt lòng.
Còn biết bao điều anh muốn tạ ơn vì không thể nào làm được. Anh tạ ơn từng gói mỉ tôm nhỏ nhoi đang nằm trong tay những đứa bé mà con mắt đói đến nỗi không thể liếc ngang. Anh tạ ơn những chú bộ đội run rẩy ôm người già bơi trong dòng nứơc xiếc. Anh tạ ơn những chiếc áo cũ ôm chặt người thiếu phụ rách tươm trong buổi chiều nước rút. Còn gì nữa, còn gì nữa, em ơi…
Quê nghèo bây giờ cần nhiều bàn tay đưa ra lắm mà anh thì xa quá tay không vói tới, trong khi lòng cứ ngày một mỏi mòn. Anh xin mượn lời tạ ơn vào dịp lễ này để gửi tới em để em chuyển lại cho những tấm lòng lấp lánh xót thương khi chính họ đôi khi cũng rất cần những xót thương từ người khác.
Tạ ơn cả em mữa, vì em đã nhắc cho anh nhớ một điều rất thật: người ta sống cần phải biết ơn nhau.
Mặc Lâm. Mùa Tạ ơn 2010