You are here

em tập làm văn

truyện ngắn nguyễn thị thảo an

Nguyễn Thị Thảo An là nhà văn viết truyện ngắn đặc sắc hiện nay. Những truyện như Đỉnh Trời Tròn, Những Dòng Sông Không Chảy, Lính Mới, Lửa Bạc, Đường Ra Khỏi Basra, Đi Về Phía Mặt Trời, Mén… để lại những dấu ấn rực rỡ trong lòng người đọc, khiến chúng ta khâm phục trí tưởng tượng, óc sáng tạo và khả năng diễn đạt của tác giả. Cô đã cho người đọc được sống nhiều cuộc đời khác nhau ở những không gian khác nhau với nhiều xúc động. Trong truyện ngắn Em Tập Làm Văn, Nguyễn Thị Thảo An vẽ lại hành trình của mình từ hình ảnh cô bé đi vớt mặt trời tới cô bé nhạy cảm và thông minh tìm tòi và khai phá tâm hồn mình và cõi văn chương ở những bước đầu. (NXT)

Tôi đọc ở đâu đó, người ta viết rằng, “Trí óc của trẻ con như một ngọn nến đốt ở nơi nhiều gió: Ánh sáng của nó xao động luôn.” Nhớ lại, thuở bé tôi thường mơ những giấc mơ đội đá vá trời, mà giấc mơ nào cũng là những chuyến viễn du hoang tưởng không có đường về. Sau chuyến bỏ nhà “đi vớt mặt trời” về, cả nhà tôi trêu, “Sáu tuổi mà mơ vớt mặt trời, tới khi sáu mươi tuổi mày chỉ vớt lăng quăng thôi.”

Năm lên tám, đường mơ ngắn dần. Tôi bắt đầu chú ý những sự vật chung quanh.
Sách giáo khoa định nghĩa như thế nào nhỉ? Mẹ là người đàn bà sinh ra mình. Thế sao mẹ tôi bắt tôi gọi má Chín là mẹ, mẹ nuôi, trong khi má Chín không có liên hệ chi, lại chẳng nuôi tôi ngày nào. Má Chín là người đàn bà đẹp nhất xóm. Mắt má to, mi dài như hai hàng dừa rợp bóng, da thịt nõn nà. Mẹ tôi nói, má Chín không con nên thương tôi như con ruột. Con người không thể sống nổi nếu không có tình thương, mẹ bảo thế. Ý mẹ muốn tôi có tình thương của hai bà mẹ, tôi sẽ sống khỏe, hạnh phúc nhiều hơn những đứa trẻ bình thường. Nhưng còn má Chín không có tình thương của con cái, má sẽ héo hon như một cái cây không đơm hoa, kết trái. Vì vậy, tôi phải đóng vai như một đứa con ruột thật sự của má Chín. Vai này dễ ợt. Mỗi sáng, tôi soi gương chải tóc và tự nhủ, “Tôi là con của má Chín.” Rồi ôm cặp, chạy bay qua nhà má Chín, hôn má trước khi đi học. Trưa về, tôi cũng ghé qua đó, sà vào lòng má, kể lể chuyện học hành. Buổi chiều, tôi tíu tít giúp má xắt hành, đập tỏi, canh củi lửa, rồi loanh hoanh với má trong bữa cơm chiều. Buổi tối, sau khi học bài, tôi dụi đầu vào ngực má, lim dim ngửi mùi thơm từ hai núi thịt nõn nà nằm sau lớp vải mềm như nhung và nghe má ru bằng những nhịp võng ầu ơ. Đôi khi tôi giả vờ ngủ quên, má Chín bồng tôi trở về giao lại cho mẹ với những lời xin lỗi lí nhí. Lỗi không phải ở má, lỗi của tôi. Tôi mê muội trong cái cảm giác bồng bềnh trên mây khi má khệ nệ ẳm tôi về nhà. Chỉ những đêm ba Chín về thì tôi rút.Tôi ghét ba Chín. Những người hàng xóm thời ấy đều không thích ba Chín. Họ ganh tỵ, còn tôi thì ghen tỵ. Nghe nói, ba Chín không làm gì nhưng giàu lắm, ba Chín mua cho má Chín một căn nhà, một chiếc ô tô và có hẳn một tài xế. Mẹ tôi nói, “Má Chín mày làm bé cho người ta, chứ nếu không, tại sao ba Chín mấy bữa mới về nhà một lần.” Tôi nóng mặt, đâm ghét mẹ nói xấu má Chín. Ô, mà hình như mẹ đang ghen. Có lần, mẹ ôm tôi vào lòng, rươm rướm nước mắt và bảo, má Chín thương tôi một, mẹ thương tôi mười. Và hỏi, mẹ với má Chín, con thương ai. Tôi nói, tôi thương mẹ, cho mẹ vui. Thật ra tôi cũng thương má Chín nữa.
Phương pháp “tự kỷ ám thị” thành công quá đỗi. Không những tôi yêu má Chín thật. mà má Chín cũng yêu tôi. Điều này làm mẹ không vui. Ngày ba Chín chính thức kết hôn và đưa má qua Pháp, họ đến nhà xin đưa tôi theo cùng. Má hứa sẽ cho tôi ăn học tới nơi tới chốn, sau này để tôi phụ giúp gia đình. Mẹ tôi lạnh nhạt, chúng tôi nghèo nhưng không bỏ con. Ba má Chín năn nỉ suốt cả buổi chiều. Tôi nhớ, mẹ không mời má Chín ngồi, thậm chí không có một ly nước trà. Sau cùng, tôi trở thành người quyết định cuối cùng. Mẹ yên chí, tin tưởng tôi. Má Chín cũng yên chí, tin tưởng tôi. Lúc đó tôi tưởng tượng lưu lạc ở nước ngoài, má Chín cô đơn lắm. Tôi quyết định theo má Chín. Mẹ tôi nổi điên, trách má Chín đã dụ dỗ tôi, và mắng tôi ăn phải “bùa mê thuốc lú”. Trong cơn mưa chiều hôm ấy, hình ảnh má Chín đứng dầm mưa khóc lóc trước nhà đã ám ảnh tôi mãi đến bây giờ. Còn tôi bị mẹ canh giữ chặt chẽ, sợ tôi trốn theo má Chín. Tôi khóc, mẹ cũng khóc. Mẹ cảm thấy như đang mất một đứa con. Trong mắt mọi người, tôi là một đứa con phản bội, một kẻ tội lỗi “trời không dung, đất không tha”, một kẻ “tham sang phụ khó”. Tôi yêu má Chín là có lỗi với mẹ? Nếu tôi không yêu má Chín, tôi cũng có lỗi với má Chín. Phụ lòng một người, tôi tin cảm giác khó chịu hơn bị người ta phụ.
Hai năm sau, má Chín lại trở về, thuyết phục mẹ thay đổi quyết định. Má hứa, sẽ đưa tôi về thăm nhà trong mỗi mùa Hè. Mẹ tôi đuổi má Chín đi. Khi tôi tất tả chạy ra con đường lớn, bóng má không còn. Nhưng tôi tưởng tượng hình ảnh má với bao nỗi thất vọng. Lần đó, tôi đứng ngắm con đường vắng tanh rất lâu. Đó là lần cuối tôi nghe về tin tức má. Nhớ má, tôi giấu nỗi buồn trong lòng. Nhưng mẹ tôi khóc sưng mắt. Mẹ nói, “Bả có giỏi thì đẻ đi, có con rồi mới biết.” Tôi thờ ơ coi mẹ khóc như coi người ta diễn kịch trên sân khấu. Trong nhà, tôi là đứa trẻ khờ, mơ mộng viển vông, đầy hoang tưởng, chẳng ai chú ý.

“Mẹ sinh con, trời sinh tính.” Tôi không biết cái gì sinh ra tâm hồn con người, hẳn nó có liên quan đến trí tuệ và kiến thức. Chắc không phải mẹ sinh. Nói thì mơ hồ, nhưng những điều đó không phải là những kiến thức vỡ lòng thời thơ ấu ư? Có thể những thầy cô của lớp vỡ lòng cũng là người sinh ra tâm hồn tôi. Nhớ má, tôi bỗng nao nức đi tìm những bà mẹ giấu mặt của mình.
“Ngôi trường” đầu tiên tôi học là trường Duy Tân. Trường ở ngay ngã tư, cách nhà tôi dăm bước. Nói cho ra vẻ chứ đấy chỉ là một lớp học. Người ta nhét gần một trăm đứa học trò đủ mọi trình độ vào chung một lớp. Bởi “trường” chỉ có một phòng duy nhất. Một thầy buổi sáng, một cô buổi chiều, bao biện hết từ vỡ lòng đến lớp nhất. Ông hiệu trưởng là người Bắc di cư, tuổi chỉ ngoài bốn mươi, nhưng để râu ba chòm phất phơ. Các thầy cô giáo đều là con cái trong nhà luân nhau dạy trẻ trong xóm. Trường chỉ dạy đánh vần và thuộc lòng bảng cửu chương. Khi cô Xuân mặc áo dài và lên lớp thì học trò rơi rụng dần. Xuân bằng tuổi chị thứ tôi và mới học Đệ Lục (lớp Bảy bây giờ), mẹ bắt tôi nghỉ và chuyển qua học lớp Cô Mười. Nghe đồn cô dạy giỏi, mẹ tôi nói. Lớp học tại nhà, học trò ngồi chen chúc. Cô là một người đàn bà mập mạp, bới tóc. Hai má phúng phính. Cổ, vai, lưng, đùi và chân cách nhau bởi những lằn ngấn. Cô mặc áo dài, ngồi một chỗ, tay cầm roi nhịp nhịp, kêu tên từng đứa. Chưa làm bài, cô đánh. Quên làm bài, cô đánh. Làm sai, cô đánh. Không biết làm, cô cũng đánh. Trong lớp đứa nào cũng bị đòn. Đi học mới một tuần, hai bàn tay tôi sưng đỏ, không cầm nổi bát cơm. Mẹ tôi nóng ruột chửi, con mẹ Mười mất dạy, sử dụng roi vọt không phải là giáo dục. Lần này nghỉ, mẹ bắt chị lớn dạy tôi học ở nhà chờ đến khi đủ tuổi vào trường công.

Nghỉ lớp Cô Mười, tôi mừng hết lớn. Học ở nhà, cô giáo lại là chị, tôi “trở quẻ” ngay. Tôi bắt chị lên thời khóa biểu, phải dạy đúng giờ, phải theo sách vở, mua bảng và phấn, phải có sổ điểm, sử dụng viết đỏ chấm điểm, không được tùy tiện nghỉ hay dời buổi học. Mọi lý do phải có sự gật đầu của tôi.
Chị tôi nghe xong một mớ “nội quy”, ôm bụng cười ngặt ngoẽo.
“Mày là cô giáo hay tao là cô giáo?”
“Chị chứ ai.” Tôi cầm cây thước trỏ ngay chị.
“Không có trường nào học trò lại ra lệnh cho cô giáo.” Chị vẫn cười không ngớt.
“Rủi tao dạy sai hay chấm điểm sai thì sao?” Chị cắc cớ hỏi.
“Học trò làm sai, bị phạt. Cô giáo dạy sai cũng bị… phạt.” Tôi ngần ngừ trả lời.
“Phạt làm sao?” Chị ỡm ờ.
“Tối, chị phải ngâm thơ hay kể truyện.” Tôi đáp y như nội quy đã có sẵn.
“Còn mày không thuộc bài thì phạt thế nào?”
“Thì em phải nghe chị ngâm thơ hay kể truyện, bất cứ truyện nào, bài nào” Tôi lưỡng lự đáp.
“ A! Mày ăn gian.” Chưa nghe hết câu chị tôi đã la lên và xông vào cù. Tôi té lăn, vừa sợ, vừa cười, vừa năn nỉ.
Phải công nhận chị tôi là một cô giáo giỏi.
“Quả cau nho nhỏ.
Cái vỏ vân vân.
Nay anh học gần.
Mai anh học xa
Tiền bạc thời của mẹ cha.
Ngòi bút, cây viết thực là của anh.”

“Khoai lang và khoai sọ
Hai mình gần nhau
Hai ta cùng loại
Lang và sọ, nào khác gì nhau.”
Dạy tôi đánh vần và đọc thành thạo chưa đủ, chị còn dẫn tôi ra chợ chỉ cho tôi biết cái nào là lang, cái nào là sọ. Tôi nói, khoai lang là chị, khoai sọ là em, ý nói chị em phải biết thương nhau, đúng không? Chị cú nhẹ đầu tôi một cái rồi cười.
Cái lớp học một thầy, một trò, cột chị và tôi lại với nhau. Và hơn nữa, những hình phạt ngâm thơ, kể truyện là những lớp vỡ lòng, mở ra cho tôi một chân trời mới mà người ta sau này phải đi bằng những đôi hia vạn dặm.

Tôi không nhớ rõ trường tiểu học công lập Tân Phú thành lập hồi nào. Nhưng từ khi nhập học chị không còn dạy tôi học mỗi trưa. Vậy mà mỗi buổi tối, nhất là những đêm trăng, cơm nước xong, tôi trải manh chiếu cũ ở giữa sân giữa những bóng xoài lả lơi in trên nền gạch và chờ chị.
“Em ở thành Sơn chạy giặc về,
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi,
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt,
Trời xanh không thấy bóng Ba Vì… ”
Những đêm ấy trước hiên nhà, dưới bóng trăng vằng vặc, tôi mơ hồ thấy những cánh đồng loang loáng nước còn xanh rì cọng mạ. Không một bóng người. Chỉ có những dấu chân sục bùn còn sủi bọt tinh tươi.
Mỗi sáng tôi đi học. Mẹ dúi cho gói xôi. Gói xôi nắm chặt lại còn nhỏ hơn lòng bàn tay, nó trôi tuột xuống bụng gọn lỏn như người ta nuốt một hòn sỏi. Con đường từ nhà tới trường khá xa, gói xôi không đủ lót lòng, bởi vừa tới trường thì tôi lại đói.
Cảm giác cồn cào trong ruột sẽ chấm dứt khi tôi gặp con Sen. Sen là lớp trưởng lớp Năm (tức lớp Một sau này). Cô Cúc giao Sen làm lớp trưởng với một cây thước dài và quyền hành như một cô giáo. Khi vắng cô, Sen đi lên đi xuống, tay nhịp nhịp cây thước, nó lừ mắt nhìn chúng tôi như cảnh sát canh tội phạm. Ai nói chuyện, nó đánh. Nói khẽ, nói thầm, nó cũng đánh. Thậm chí, nhúc nhích, cục cựa, nó cũng đánh. Sen bắt chúng tôi để hai tay lên bàn, mắt nhìn thẳng. Ngồi lâu ngứa tay, tôi gãi, nó nhào tới khẽ vào hai tay tôi in những lằn đỏ. Tôi bặm môi, chảy nước mắt. Nó nhâng nhâng cái mặt, ra vẻ con nhà. Sen ghét hay nói đúng hơn nó “thù” tôi, tôi biết. Bởi buổi vào lớp đầu tiên, những năm ấy người ta xếp lớp nam nữ riêng, thế mà tôi ngang nhiên hỏi Sen, “Mày là con trai, sao vô lớp con gái hả?” Cả lớp cười ré lên. Tôi vẫn ngơ ngác chưa hiểu tại sao. Sen đen thui, cao và ốm, tay chân khẳng khiu. Đã vậy nó còn cắt tóc tém, gương mặt choắt cheo, hai má xương xương với đôi mắt nhỏ xíu khô khốc, không có lông mi, môi thâm và chẳng bao giờ cười.
Mỗi ngày tôi đều bị Sen đánh với nhiều lý do khác nhau. Ngoài chuyện lỡ nhầm nó là con trai còn vô số các nguyên nhân khác. Thí dụ, da tôi trắng, da Sen đen; môi tôi đỏ, môi Sen thâm. Sen cáo ầm lên, tôi thoa son đi học. Tôi phải đứng im để nó khám môi. Các bạn trong lớp thương tôi hơn cũng làm nó căm ghét. Khiếu kiện với cô, chả ăn nhằm. Cô Cúc tin Sen lắm. Có một ngày chị tôi tới tận lớp, chụp cây thước dài bẻ rụp làm đôi trước mặt Sen và dọa, sẽ gập nó làm đôi như cây thước vậy. Con nhỏ sợ xanh mặt.
Ít lâu sau, Sen nghỉ học, nhưng hình ảnh Sen vẫn là nỗi ám ảnh tôi mãi tới sau này.
Năm sau lên lớp Tư. Cô giáo tên Loan, đẹp như ca sĩ Kim Loan hát bản Căn Nhà Ngoại Ô trong đài phát thanh Quân Đội. Nhưng cô Loan thật sự không dạy, cô giao cho con nhỏ Lê thị Nông lên lớp. Hàng ngày giao bài cho lớp trưởng chép trên bảng xong, cô ra hành lang và nói chuyện cả buổi với ông trung úy của một đơn vị Biệt Khu Thủ Đô đóng ở gần trường. Lũ học trò vừa chép bài, vừa ngó qua cửa sổ. Chúng nó xầm xì, cái ngực cô Loan to bằng cái đầu ông trung úy. Qua cô Loan tôi phát hiện, phụ nữ mặc áo chít eo là để đôn ngực to gấp đôi ngực thật.
Năm lên lớp Ba, nguyên cả lớp không có một đứa nào làm nổi phép tính trừ có nhớ. Sau khi phát hiện sự thật này, mắt cô Liên đỏ hoe và chỉ biết kêu trời. Cô bắt cả lớp mỗi ngày học sớm một giờ để bắt kịp chương trình.
Song song với môn toán, cô bắt đầu dạy môn học mới, môn tập làm văn. Cô nói, sau khi biết đọc, người ta phải biết viết, viết những điều mình nghĩ. Môn tập làm văn là bước khởi đầu cho môn luận văn sau này. Bài tập làm văn lớp Ba đơn giản với cách tìm những chữ đồng nghĩa, trái nghĩa và tập đặt câu. Ví dụ, “Hãy đặt những câu trái nghĩa với những chữ sau đây: cường tráng, tài giỏi, phi thường, thịnh vượng,…”
Khi cô ra ngoài, cái lớp ồn như ong vỡ tổ. Ai cũng hiểu nghĩa những chữ này, nhưng tìm chữ trái nghĩa đứa nào cũng bí. Tôi viết, trái nghĩa với cường tráng là yếu đuối, trái với tài giỏi là bất tài. Từ chữ bất tài tôi suy diễn, bất cứ chữ gì cứ thêm chữ bất, chữ không là thành chữ trái nghĩa. Như, “bất” tài trái nghĩa với tài giỏi, “không” phi thường trái nghĩa với phi thường, “không” thịnh vượng trái nghĩa với thịnh vượng. Viết xong, tôi lại nghĩ, không lẽ bài tập làm văn dễ thế ư? Nếu dễ vậy, cô chỉ cần dặn thêm bớt một chữ “không” hay “bất”, cần chi phải cho bài tập. Tôi ngồi cắn bút, suy nghĩ nát óc về vấn đề này. Con nhỏ Dương thị Út, nổi tiếng lanh lợi nhất lớp tôi cũng nghĩ y như tôi. Nó tuyên bố quy tắc này với nguyên cả lớp. Lũ bạn gật gù tán thành. Tiếng ngòi viết đồng loạt rào rào trên giấy. Đầu cây viết đã bị tôi cắn nát, mơ hồ nhận ra điều bất ổn.
Khi cô trở về, mọi người đã nộp tập lên bàn. Cô kinh ngạc đọc từng bài, đôi mắt mở lớn, rồi lắc đầu bực dọc. Cô mắng cả lớp là một bọn lười, lười suy nghĩ. Cô nói, “Lười chân tay, có thể sau này cá em sẽ nghèo; nhưng lười suy nghĩ sẽ biến các em thành người vô dụng. Trời sinh con người hơn con vật là biết suy nghĩ, nhưng các em đã không sử dụng khả năng suy nghĩ của mình.”
Hôm ấy, cô buồn lắm nhưng vẫn chịu khó đọc từng bài và kêu từng đứa lên để sửa từng chữ. Đến phiên tôi, cô nói,
“Trái nghĩa với phi thường là tầm thường, trái với cường tráng là yếu đuối chỉ đúng về nghĩa, nên tìm một từ có gốc Hán tự thì tương xứng hơn như bạc nhược chẳng hạn. Còn mạnh khỏe mới trái với yếu đuối.”
“Nhưng những từ này em chưa đọc bao giờ.” Tôi phân trần.
Cô Liên giở ngay cuốn sách giáo khoa đầu bàn và chỉ ngay một bài cả lớp mới đọc hôm qua. Tôi chúi mắt nhìn, thì ra cô mắng không sai, tất cả những từ trong bài tập đều có trong những bài tập đọc. Chỉ trách, tôi đọc như con vẹt mà không nhớ một chữ nào.
Những bài tập sau có khá hơn nhưng ngay trong giờ tập làm văn, tôi vất vả lục lọi trong trí nhớ của mình. Tôi nhận ra, cùng một lúc, tôi không thể nhớ hết mọi chữ. Đầu óc con người chứ không phải thư viện có thể lưu trữ tất cả sách vở. Làm thế nào để nhớ nhiều từ ngữ nhất? Cuối cùng tôi nghĩ ra cách, học bài nào tôi đều ghi những từ đồng nghĩa, phản nghĩa vào trong một quyển sổ nhỏ. Tôi để dành nhiều ngày để tra cứu lại những bài đọc cũ, và sau này cả những bài cô không bắt đọc. Quyển sổ nhỏ hết chỗ ghi, tôi mua cuốn sổ lớn. Những buổi trưa Hè, tôi ngồi nhẩn nha đọc lại từng từ. Cuối năm lớp Ba, cô Liên tặng tôi cuốn Em Tập Làm Văn của Bùi Văn Bảo.
Tôi nghĩ, lớp vỡ lòng của tôi chính là năm học lớp Ba. Ngoài sự thương khó, học trò ai cũng yêu mến cô Liên vì nét hiền dịu đẹp đẽ từ trong ra ngoài. Năm đó chiến tranh, trường Tân Phú di tản tạm thời trong khu nhà tiền chế. Lớp học chật chội, lại không có cửa. Mỗi khi mưa chúng tôi ngồi chùm nhum giữa lớp để tránh tạt. Tôi nhớ, những năm đó Mỹ có chương trình hổ trợ học đường, cô Liên đội áo mưa đi lãnh bánh mì và phô mai về cho cả lớp. Chưa đầy hai tháng, cô bảo chúng tôi chương trình hổ trợ học đường người Mỹ chuyển qua cho Bộ, Sở phân phối. Cô buồn rầu, có thể sau này chúng tôi không được ăn bánh mì và phô mai nữa.

Tranh Nguyễn Trung

Tôi không tiếc chuyện ăn bánh mì và cũng chẳng lo cho cái bụng đói. Mùa Hè sắp tới, chúng tôi lên lớp và bỏ cô ở lại. Buổi học cuối nhiều đứa níu áo dài của cô khóc. Trong ký ức, tôi xếp cô Liên đứng sau má Chín, bởi cô cũng là một người mẹ, mở cánh cửa cho những tâm hồn non dại.
“Chúng em là lũ chim non,
Là đàn chim nhỏ giữa vòm trời cao,
Là hoa xuân tắm nắng đào,
Là hy vọng của đồng bào Việt Nam,
Mai này gánh vác giang san,
Làm cho nòi giống vẻ vang hùng cường.
Nước nhà trông đợi em ơi,
Hãy nên ghi nhớ những lời thầy khuyên.”
Chúng tôi chia tay cô Liên và mang theo những bài thơ cô dạy đi suốt cuộc hành trình.

Mùa Hè năm ấy qua nhanh. Ngôi trường Phú Lộc mới xây khang trang thay thế cho khu nhà tiền chế. Ngày tựu trường, chúng tôi vào lớp mới. Lũ bạn cũ bị phân tán khắp nơi, nghe nói đó là phương pháp giáo dục hiện đại khiến chúng tôi có nhiều bạn hơn. Khối lớp Ba của cô Liên đối diện khối lớp Nhì. Ra vào, chúng tôi vẫn gặp lại cô và cúi chào kính cẩn. Nhưng không còn ai khóc. Con người mau quên đến dễ sợ. Cô Liên cũng chẳng lấy thế làm buồn. Có đôi lúc tôi yên lặng ngắm cô từ xa. Đầu năm, cô tất bật lo cho đám học trò mới, rồi cô sẽ rầy la, sẽ bảo ban như cô đã với lớp cũ. Nhiều năm trôi qua, cô quen như thế. Nhưng mà tôi không quen, lớn lên tôi nguyện sẽ không chọn nghề thầy, để khỏi thấy cảnh, “Trường giang, sóng sau dồn sóng trước.”*

Cô giáo năm học mới là cô Mai. Khi cô bước vào lớp, trong đầu của bốn mươi lăm đứa học trò là bốn mươi lăm bảng so sánh. Bốn mươi lăm bảng so sánh cho ra một kết quả. Cô Mai thua cô Liên xa. Cô Mai không đẹp như cô Liên. Cô Mai ngâm đen, mắt hơi nhỏ, môi tim tím. Giọng cô khàn, lại hay la. Cả lớp chống tay lên càm, nghe cô giảng với bộ mặt eo sèo. Làm sao “nuốt” nổi một năm với cái cô đáng chán này? Chúng tôi thầm nghĩ. Chỉ có một người không chán, đó là cô Mai. Mặc những bộ mặt ơ hờ hay đưa đám, cô Mai vẫn tận tâm giảng. Với những bài toán khó, cô lấy những que tre gắn lên bảng biểu thị từng con số cụ thể cho chúng tôi dễ thấy. Giọng cô khàn, nhiều khi bị ho hay sặc sụa tưởng sắp đứt hơi trong lúc giảng bài.
Chương trình nửa năm sau của lớp Nhì, môn tập làm văn biến thành luận văn. Đề tài là tả đồ vật, con người, súc vật, cảm giác,… Cô nói, một bài luận có ba phần: nhập đề, thân bài và kết luận. Đó là xương sống của một bài văn. Chúng tôi bám sát cái xương sống này và làm luận như một cái máy.
“Nhà em có nuôi một chó. Nó tên là con Mực. Nó có một cái mình, một cái đầu, bốn cái chân và một cái đuôi. Trên đầu có hai con mắt, hai lổ tai, một cái mõm, một cái mũi. Lông nó đen tuyền,… Kết luận, em thương con chó của em, vì nó biết giữ nhà. Nó là người bạn thân thiết của em.”
Bài tả con chó nhà em có bốn mươi lăm bài giống nhau. Điểm khác duy nhất là cái tên chó. Vện, Mực, Kiki hay Tôtô.
Đề tả con mèo, chúng tôi gò lưng viết rào rào. Những dòng mực tím sột soạt, trải dài trên giấy.
“Nhà em có nuôi một con mèo. Nó tên là con Miêu, (Mi Mi hay Meo Meo). Nó có một cái đầu, một cái mình, bốn cái chân, và một cái đuôi. Đầu nó có hai con mắt, hai lổ tai, một cái mõm, một cái mũi… Kết luận, em thương con mèo của em vì nó biết bắt chuột. Nó là người bạn thân thiết của em.”
Chúng tôi thở phào, môn luận văn dễ hơn tập làm văn. Lớp Nhì dễ hơn lớp Ba. Bậc thang thứ hai dễ hơn bậc thềm thứ nhất.
Sang đề tài tả con trâu, chúng tôi làm theo “mửng” cũ.
“Nhà em có nuôi một con trâu. Trông nó to như con bò. Nó có một cái mình, một cái đầu, hai cái sừng, bốn cái chân, và một cái đuôi. Đầu nó có hai con mắt, hai lổ tai, một cái mõm, một cái mũi… Em thương con trâu nhà em vì nó biết kéo cày. Nó là người bạn thân thiết của em.”
Chúng tôi nộp bài với niềm hãnh diện. Từ nay, bất kể mèo, chó, cọp, dê, rồng, rắn, kể cả khủng long… gì gì đi nữa, chúng tôi cũng tả được.
Nhưng buổi sáng hôm sau, cô Mai dằn mạnh ba xấp bài, con chó, con mèo, con trâu xuống bàn, mắng té tát.
“Coi đây, bốn mươi lăm bài luận giống nhau như đúc. Bốn mươi lăm con chó, bốn mươi lăm con mèo, bốn mươi lăm con trâu không có con nào khác. Các em nghĩ đi, tôi như phải đọc một bài tả con chó 45 lần, coi một con chó tới 45 lần, làm sao chịu nổi?”
“Tại sao?” Cô rảo qua từng hàng ghế, lừ mắt nhìn từng đứa giống như người ta đi duyệt binh. Tới đứa nào đứa nấy cụp mắt xuống, trốn cái nhìn giận dữ của cô. Tôi hơi ngạc nhiên, bài giống nhau là phải, hình như tất cả con chó đều giống nhau kia mà. Con nhỏ Lê thị Hồng “tới số”, nó bị cô chỉ, nên đứng lên trả lời y như tôi nghĩ.
“Thật à? Tất cả con chó đều giống nhau?” Cô Mai hỏi đố, “Vậy nếu con chó nhà hàng xóm chạy qua nhà em, em có nhận ra không?” Con Hồng đớ lưỡi.
Cô Mai lên bảng, cô vừa lấy mấy trang luận văn trải ra trên bàn, vừa đọc vừa ghi.
“Nhà em có nuôi một con chó” Câu này 45 đứa viết giống nhau, cô Mai nói, và lườm con mắt như quét ánh đèn pha ngang qua lớp.
“Con chó có một cái mình, một cái đầu, bốn cái chân và một cái đuôi.” Cô lấy phấn trắng vẽ vội lên bảng một con gì đấy cũng có mình, đầu, đuôi và bốn cái chân.
“Đầu có hai lổ tai, hai mắt, một mũi và một cái mõm.” Cô điểm sơ sơ trên đầu cái con chi đó đầy đủ chi tiết vừa nêu. Xong, cô trỏ lên bảng, hỏi. “Con này là con gì?”
“Con chó.” Cả lớp đồng thanh. Có vài đứa nói, “Con mèo.”
Cô Mai lắc đầu, “Tôi nói, nó là con nai, tôi sai chỗ nào?” Chúng tôi ngớ ra.
Được thể, cô liệt kê một hơi, “Nó cũng có thể là con dê, con ngựa, con lừa, con la, con cừu, con sói,… Cũng được nữa, phải không?”
“Ừ nhỉ.” Tôi nghĩ thầm, với từng ấy đầu, mình, chân, đuôi, mắt, mũi, miệng,… thì con gì cũng có. Cô mắng là phải.
Để chúng tôi suy nghĩ, cô soạn ra những bài đã đánh dấu. Đây, 25 con chó tên Mực, 10 con tên Phèn, 5 con Kiki, 5 con Tôtô. “Không có con chó nào tên khác cả?” Cô hỏi.
Không một ai trả lời.
Sang bài con trâu, cô Mai mang bài chúng tôi ra đọc, “Nhà em có nuôi một con trâu.” Cô mắng ngay, “ Ngốc ơi là ngốc? Nhà các em ở thành phố, nuôi trâu để làm gì hả?” Cô đọc tiếp, “Con trâu to như con bò.” Cô lắc đầu, “ Nếu đề tả con bò, các em sẽ lại viết là con bò to bằng con trâu, phải không?”
Để ra cả nửa giờ, cô hướng dẫn cả lớp phân tích đặc điểm của các loài chó, mèo, trâu, bò. Cô bảo, trên đời không có vật nào giống vật nào, người ta không nhận ra vì không chịu nhìn kỹ đó thôi. Nói xong, cô lôi trong tủ sách nhỏ của lớp lấy ra ba con heo đất. Loại ống heo nung sơn màu cam, trên lưng có một vòng tròn vàng biểu tượng cho đồng tiền và có chữ Tài vẽ theo kiểu chữ Tàu triện đỏ. Có một khe nhỏ bên trên để bỏ đồng bạc lọt vào. Để ba ống heo thành hàng ngang trên bàn, cô bảo chúng tôi tự do lên trên quan sát và mỗi đứa phải ghi ra ba điểm khác nhau.
Ba con heo bằng đất, sản xuất theo kiểu đại trà, con nào giống hệt con nấy, làm chi có điểm khác nhau. Cả lớp thay nhau rờ rẩm, sờ mó, lật sấp, lật ngửa, cũng không thấy có một điểm nào khác nhau nói chi tới ba điểm. Cuối cùng, có đứa trật tay, một con heo rớt bể tan tành. Chúng tôi xanh mặt. Hết giờ. Cô Mai không rầy, cô bảo về nhà quan sát 10 hạt lúa hay 10 hạt gạo, và tìm ra được ba điểm khác nhau. Ngày mai vào lớp, cô kiểm.
Đêm đó, tôi nằm dán mắt vào một hàng thóc, chứ không phải chỉ 10 hạt, và nhặt ra ba hạt thóc khác nhau đem nộp cho cô. Cô Mai không nhìn ba hạt thóc nhưng khen. Con Thu cũng nộp ba hạt thóc, cô lại không khen. Nó tuyên bố, đừng nói chi ba điểm, muốn 10 điểm khác nhau nó vẫn tìm được. Tôi hỏi, bằng cách nào? Nó nói, chính nó làm ra những điểm khác nhau, nó có thể nướng cho màu khác nhau hoặc tách vỏ thóc nhiều, ít. À há, cách này thì hai giọt nước cũng có thể khác nhau đây. Bọn học trò tấm tắc khen Thu thông minh, nhưng tôi nghi, “tìm ra” và “làm ra” những điểm khác nhau cũng lại là hai việc khác nhau.
Buổi học hôm ấy, cô Mai lại dàn hai con heo đất còn lại trên bàn, và đó là đề luận. Nhưng tôi không viết về hai con heo đất còn nguyên vẹn, mà viết về con bị bể. Hai con còn nguyên là hình ảnh của con đã mất. Cô Mai nói, bài của tôi là bài duy nhất cô đọc không thấy chán, tất cả bài khác đều giống nhau. Cô phạt, mỗi ngày chúng tôi có một đề luận về nhà. Đề con chó, con mèo được lập đi lập lại nhiều nhất, và con chó ngày mai không được giống con chó hôm nay. Hình phạt kéo dài cho tới khi nào 45 bài luận là 45 bài khác nhau.
“Nhà tôi có nuôi một con chó. Con chó này từ đâu đến, tôi quên mất. Chị tôi đặt nó tên là Nô. Nô là cách phát âm tiếng Anh của chữ no (nghĩa là không). Nô là con chó khôn ngoan như những chú chó trong phim. Nó như hiểu được tiếng người, bảo đứng thì giơ hai chân trước, bảo ngồi thì bệt đít xuống. Nó luôn luôn quấn quýt với chúng tôi, có thể chơi những trò rượt bắt, trốn tìm,…. Mỗi sáng, nó chạy theo tiễn tôi đi học tới tận cổng trường. Trưa về, học trò mới túa ra đường đã thấy con Nô đứng đợi. Có nó theo, đoạn đường hình như ngắn hơn. Và tôi cũng an toàn vì không ai dám trêu vào. Những ngày mưa gió, con Nô không theo được, nó kêu ăng ẳng nhìn theo bóng tôi đội áo mưa lốp ngốp bước đi. Tôi thương tiếng ăng ẳng đầy tiếc nuối của nó. Tôi coi, đây là một thứ tiểu biệt ly chỉ kéo dài trong 4 tiếng đồng hồ. Thế mà cũng lâm ly ra vẻ. Mà hình như đôi khi tôi quên con Nô chỉ là một chú chó. Chúng tôi đã trở thành đôi bạn thiết tự lúc nào rồi. Có những lúc buồn nhất, cô độc nhất, tôi ôm con Nô vuốt ve cái lưng mượt như nhung của nó, nó ngước mắt nhìn tôi. Tôi cũng nhìn nó. Trong ánh mắt nâu trong suốt hay chớp chớp ấy đầy ắp vẻ mang ơn và hạnh phúc. Nó làm tôi bỗng chốc cảm động, quên hết nỗi buồn phiền.
…Thế mà, ba năm trước, người ta đã giết con Nô. Đó là một đêm không trăng, con Nô vẫn nằm ở ngoài sân giữ nhà. Có ai đó, mẹ tôi bảo là kẻ trộm, đã quẳng cho con Nô một thứ gì đó có tẩm độc. Con chó ngoạm trúng và chết. Mẹ tôi đem xác con Nô chôn ở cuối vườn sau. Mặt trời mỗi chiều cũng lặn về hướng đó. Mấy ngày liền chúng tôi nằm liệt giường như bị ốm, không đứa nào thiết ăn. Đến nỗi mẹ phải vực chúng tôi dậy, mắng cho một trận. Mẹ thề, từ nay không nuôi chó nữa.
Nhưng chỉ ít lâu sau, nhà tôi lại nuôi chó. Nó là một con chó khá lớn, đẹp dáng với bộ lông trắng dài lang nâu. Nó là giống chó ngoại, quý lắm. Tôi nhìn cả nhà xúm xít, vuốt ve, cưng con Ki Ki mà bất nhẫn. Mọi người đã quên con Nô rồi sao? Ôi, tội nghiệp Nô của tôi, một mình nằm lạnh lẽo ở ngoài kia.
Không biết bao nhiêu lần con Ki Ki đến cạ mình làm quen với tôi. Có nhiều lúc tôi cũng định đưa tay để vuốt ve nó. Nhưng mà thời may tôi đã rụt tay về. Xin lỗi Ki Ki. Tôi tự nhủ, rồi nó sẽ được nhiều người thương. Còn con Nô, cuối cùng chỉ còn một mình tôi nhớ nó.”
Nộp bài xong, tôi mới thảng thốt kêu, “Thôi chết, lan man viết tôi quên nhiều điểm chính: hình dáng con Nô, đặc tính trung thành của một con chó,..”
Mấy ngày sau, cả lớp cười tôi một mẻ. Chúng nó trêu, “A ha, thiệt cảm động về lòng trung thành với một con chó… chết.”

Hết tả thú, cô bắt tả người. Đề luận về người gần gũi nhất của chúng tôi là mẹ. Tả mẹ của em. Cô bảo, mẹ là người sinh thành, gần gủi với các em nhất, mẹ thế nào cứ tả thế ấy. Cô tin, 45 bà mẹ không có bà mẹ nào giống nhau. Có thể, hình phạt sẽ chấm dứt sau bài này. Cô Mai vui vẻ nói.
Tả mẹ ư? Không thể được. Mẹ tôi chỉ đẹp, đài các trong những tấm hình xa xưa, khi mẹ chưa lấy chồng. Bây giờ, mẹ tôi xấu lắm, dáng dấp nhà quê, tay chân nứt nẻ, mắt khô hoảnh và lúc nào cũng thiếu ngủ. Tả mẹ như thế, đau lòng lắm. Mà mẹ biết, chắc cũng sẽ buồn. Đâu có bà mẹ nào muốn lưu trong lòng con hình ảnh như thế. Hay tả má Chín, cũng không được, mẹ càng buồn. Cuối cùng thì tôi tả chung chung, một bà mẹ điển hình thường thấy trong những bài tập đọc. Một bà mẹ đại khái, yêu hết tất cả mọi người.
Qua ngày hôm sau, cô Mai nổi trận lôi đình. Bốn mươi lăm bà mẹ đều khác nhau, nhưng có ba mươi bảy bà đẹp như tiên giáng trần. Đại khái ai cũng có làn da trắng mịn, đôi mắt bồ câu, chân mày lá liễu, sóng mũi dọc dừa, môi trái tim, tướng đi dịu dàng, ăn nói khoan thai, lụa là gấm vóc như ba mươi bảy người đàn bà đang sống trong tháp ngà.
Cô lấy ra 8 bài riêng biệt để một bên, rồi rút một bài trong số còn lại ra đọc.
“Làn da mẹ trắng hồng và mịn như phấn. Mẹ có chân mày dài, cặp mắt to, mũi dọc dừa, chiếc cằm nhọn. Lúc mẹ cười, đôi môi nở như hai cánh hồng, khoe hai hàm răng trắng ngời đều đặn, và điểm hai bên má hai cái đồng tiền lúm sâu trông mới duyên dáng làm sao. Nhưng tôi yêu nhất là mái tóc bumbê che nửa mặt mà nhìn bên nào cũng thấy đáng yêu.”
Cô Mai buông tờ giấy xuống, con Lý đứng lên. Cả lớp cười tủm tỉm. Tôi biết ngay nó tả Phương Hoài Tâm.
Cô Mai rút ra một bài khác, cô đọc, “Da mẹ trắng hồng như trứng gà bóc. Gương mặt trái xoan, mũi cao, môi trái tim đỏ mộng như nho. Mắt mẹ mở to, mơ mộng, và hai hàng mi cong vút như những bóng dừa hoang dại.”
“Mẹ em đeo lông mi giả à?” Cô Mai hỏi Trần thị Tho. Con Tho cúi mặt. Có tiếng cười khúc khích.
Chúng tôi nghi, nó tả Thẩm Thúy Hằng. Hình nghệ sĩ, tài tử người ta lồng trong những bịch me cam thảo treo đầy trước những hàng quà vặt. Chúng tôi thường mua những hình ca sĩ đẹp để vừa ngậm me vừa ngắm.
“Ba mươi bảy bài tả ca sĩ, minh tinh điện ảnh, 8 bài tả những bà mẹ chung chung, tại sao không ai tả mẹ thật của mình?” Cô cau mày, “Mẹ sinh ra các em, khó nhọc nuôi con lớn, mà những đứa con ở đây xấu hổ không dám viết về mẹ của mình ư?” Rồi cô mắng cho một mách, “Các em là những đứa bất hiếu.”
Mắng thì mắng, cô vẫn cho chúng tôi cơ hội thực hiện chữ hiếu với lời đe. Ai không tả mẹ thật, cô sẽ mời mẹ đến. Điều này thì kinh hơn bị đòn nhiều.
Thấy môn văn chúng tôi kém, cô giới thiệu một số sách dạy cách viết văn như Luận Văn I, Luận Văn II, của nhiều tác giả. Quyển I, thiên về tả người, súc vật. Quyển II, gồm những bài mẫu về phong cảnh, nghị luận. Tôi mua quyển II, bởi ai cũng mua quyển I, sau này tụi nó sẽ tìm tôi để đổi.
Tôi mượn bạn để đọc bài mẫu về mẹ. Thì ra, bài tả mẹ trong sách chỉ tả ngoại hình sơ sơ, chủ yếu nói về những điều mẹ làm và tình thương yêu của con với mẹ. Biết được điều này giống như tôi đã nhấc được một tảng đá trong lòng. Nhưng, tại sao sau này mẹ tôi lại xấu vậy? Tôi lục những bức hình trắng đen của mẹ từ hồi xa xưa, mẹ mặc áo dài, ngồi xe ngựa, cầm dù,.... Mẹ hồi con gái, đài các và trang nhã, thế mà,… Tôi nhìn mẹ bấy giờ đã biến thành một người khác, mẹ bới tóc, mặc áo vải, đi guốc thô, tay chân nứt nẻ, ngày ngày dọn hàng ra chợ. Sau năm Mậu Thân, gánh nặng đời sống của chị em tôi làm mẹ oằn vai. Ban ngày bán hàng, ban đêm mấy chị lớn phụ mẹ thêu hàng gia công. Tôi chợt nhớ những ngày mưa dầm, bán không được hàng, mẹ ngồi trong bếp khóc một mình. Những giọt nước mắt ấy bây giờ hóa thành muối xát kim châm trong lòng tôi. Vậy mà bấy lâu nay tôi vô tình không nghĩ tới. Đêm ấy, tôi vừa viết, vừa khóc. Và nguyện, bắt đầu từ ngày mai, học bài xong, tôi sẽ phụ xỏ kim, cắt chỉ và làm những việc vặt trong nhà.
Cả lớp chúng tôi thời đó coi quyển 159 bài Luận Mẫu của Minh Văn Xuân Tước như một thứ bí kíp. Khi cô Mai ra đề tả chú bé bán báo, chúng nó mừng ra mặt. Bởi bài luận mẫu trong sách của một nhà văn tả chú bé bán báo rất hay, ai cũng thích.
“Tâm là một chú bé bán báo. Mỗi chiều, khi nắng tắt ngang đầu phố đã nghe tiếng rao lanh lảnh, “Báo đây, báo đây.” Bàn chân nó thoăn thoắt rảo khắp phố phường,…”
Tôi đoán, non nửa lớp sẽ cóp bài văn mẫu, nửa còn lại sẽ viết na ná, thay đổi một vài chi tiết. Dĩ nhiên, tụi nó sẽ thay tên Tâm bằng tên Tài, tên Tèo, tên Tám gì đó. Tôi nghĩ, cóp hay nhại văn mẫu thế nào cũng bị chửi, tôi phải viết khác đi, nhưng viết như thế nào tôi chưa nghĩ ra.
Xóm tôi không có thằng bé bán báo. Muốn mua báo, người ta phải ra tận chợ Cầu Ván. Đầu chợ có một sạp báo, với đủ loại nhật báo, tạp chí, và tiểu thuyết diễm tình, truyện giật gân và cả sách cấm. Tuyệt không có một thằng bé bán báo nào cả. Tả thằng bé thì tôi tả được. Thằng bé bán báo nào chả nghèo, vì vậy tôi chỉ cần tả thằng bé nghèo. Còn bán báo dạo, tôi không biết, người ta bán những đâu? Tôi tưởng tượng, tôi đi bán báo. Mỗi sáng lãnh cả đống báo, ôm nặng lắm, nên phải có túi để vác sau lưng. Bán báo phải rao, mà không phải rao “Báo đây. Báo đây.” như trong sách được, rao thế ai mua. Tôi phải rao khác, rao những tin nóng hổi, tin giật gân, truyện tình nóng bỏng đăng nhiều kỳ trên báo như “Yêu, Chu Tử” hay “Chu Tử, Yêu đây.”, “Vòng Tay Học Trò”, hoặc “Lệnh Xé Xác, đây.” Rao như thế mới gọi là rao. Một tờ báo có thể rao hai, ba kiểu, chả ai cấm. Thấy đàn ông phải rao khác, đàn bà rao khác. Đàn ông thích tin thời sự, đàn bà thích những truyện tình, những tin động trời.
Một điều không thể quên là những thằng bé bán báo đều phải chạy. Báo phải bán hết nội trong ngày. Qua hôm sau, không ai mua những tờ báo cũ. Nghề bán báo là nghề chạy đua với kim đồng hồ. Mà phải chạy đúng nơi, đúng chỗ nữa kia. Thí dụ, tiệm cà phê, bến xe, chợ búa,… Và những ngày mưa, ngày lũ, giông gió, bão bùng, hình ảnh thằng bé ôm xấp báo trở về nhà với những bước chân thất thểu. Nhập vai thằng bé, hóa thân trong cuộc sống nó có chút xíu mà tôi đã thấy khổ. Bấy giờ tôi mới biết quý gia đình, mái ấm này đã che chở và cho tôi biết bao hạnh phúc, thế mà nhiều khi tôi đã vô tình. Tôi chợt thương hết thảy những đứa trẻ bất hạnh ở ngoài kia đang còn lặn lội trong cuộc mưu sinh.
Bài chú bé bán báo phát ra, hai mươi bài cóp nguyên xi bài văn mẫu. Cô Mai nổi cáu, mắng xối xả, “Đồ ngu. Ngu ơi là ngu. Có cóp bài cũng phải đổi tên chứ. Hai mươi bài, hai mươi chú bé tên Tâm. Kể cả một dấu chấm dấu phết cũng không thay đổi.”
Cóp bài như vậy thì quá đáng. Là thầy giáo, lẽ nào những bài văn mẫu cô không đọc qua. Cóp hay nhại cô biết ngay. Bị chửi là đáng, than trách nỗi gì?
“Các em có đầu mà không có óc.” Cô Mai vẫn tiếp tục. Giọng Cô mỗi lúc một khàn đi. “Một bài văn hay như vậy, chính tôi cũng không viết được, huống gì các em.”
Cả lớp im phăng phắc, sắc mặt mọi người chợt nghiêm trọng khi giọng cô Mai nức nở.
“Tôi không muốn đọc những bài văn mẫu, hay những áng văn hay. Tôi chỉ muốn các em viết ra những sự suy nghĩ của chính mình. Hai ba dòng cũng được, nhưng phải là của chính các em chứ không phải đi chép của người khác. Yêu cầu như vậy đâu có phải là một sự đòi hỏi cao quá sức các em?”
Cô Mai đi vòng ra sau tấm bảng xanh, đứng sau đó một hồi lâu để giấu những giòng nước mắt. Nước mắt của cô giống như những giọt acid làm tan chảy trái tim những đứa bé lười nhác, ngu muội như chúng tôi.
Khi cô ra trước lớp, đôi mắt còn đỏ hoe. Cô bảo, tất cả những ai cóp hay nhại bài mẫu phải về nhà viết lại và nộp ngay ngày hôm sau.

Sau bài chú bé bán báo, cô Mai ra đề kể lại câu chuyện cổ tích mà em thích nhất. Tôi đoán chúng nó sẽ lại kể truyện Tấm Cám, truyện Trầu Cau, truyện An Tiêm, Bánh Dầy Bánh Chưng,Trọng Thủy Mỵ Châu,… Tôi không kể về những chuyện này. Bởi vì, từ sau những giọt nước mắt của cô, tôi đã thay đổi. Khi viết, tôi cần phải nghĩ tới người đọc, cần viết cho họ về một điều mới, kể cho họ một câu chuyện mới, mang họ đến một chân trời mới, hay đưa ra một cách nhìn mới. Muốn vậy, tôi phải đọc nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn, tập viết nhiều hơn. Để may ra, trong mươi bài có một bài được người đọc chấp nhận.