You are here

Vui Chuyện Quê Nhà 23: CÒN GÌ VUI HƠN! Quốc Thạch ghi nhận

Trên mạng vài ngày qua, vừa phổ biến rộng rãi một bản tham luận của Nhà thơ Trần Mạnh Hảo, trong đó ông nêu lên ba trong số hàng trăm sự thật mà ông cho là mặc dù giới cầm bút “cố tình làm ngơ,” nhưng đó là “những sự thật cay đắng nhất, khủng khiếp nhất của đất nước chúng ta hiện nay, những sự thật chết người, ai ai cũng biết mà vì sợ tù tội nên không ai dám nói ra.”

Ba sự thật ấy, một cách tóm tắt là:
1. “Chưa bao giờ số phận dân tộc ta, đất nước ta có nguy cơ tiêu vong như hôm nay.”
2. “Chưa bao giờ như hôm nay, trên đất nước ta, giặc nội xâm có tên là tham nhũng lại hoành hành ngang nhiên, kinh hãi như dịch hạch đến thế.”
3. “Đảng, Nhà nước Việt Nam nói thì rất hay, nhưng làm thường ngược lại.”

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo, tác giả của tiểu thuyết “Ly Thân” từng làm xôn xao dư luận một thời khi tổng bí thư NguyễnVăn Linh của đảng cộng sản Việt Nam “cởi trói” cho văn nghệ sĩ hồi giữa thập niên 1980 nói là bản tham luận của ông được “soạn theo thư “mời viết tham luận” của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam,” và đồng thời cũng để “hưởng ứng cuộc hội thảo “Văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực đất nước hôm nay” do Ban Tuyên giáo Trung ương vừa tổ chức tại Đà Lạt.”
Bài tham luận của nhà thơ Trần Mạnh Hảo lý luận mạch lạc với lời lẽ sắc bén mặc dù có phần cay đắng. Có người đã tiên đoán là mặc dù bài viết gửi cho đại hội nhà văn, và nhờ nhà thơ Trần Đăng Khoa đọc, nhưng chắc là sẽ không đựơc đọc, vì đó là một thứ bom tấn mà người ta không hề muốn nó nổ ra ở đại hội nhà văn.

Có điều đáng tiếc là bài tham luận lại …hình như dựa trên một tiền đề sai.

Theo tác giả Trần Mạnh Hảo thì ban tuyên giáo trung ương đảng muốn các nhà văn nói lên sự thật, bởi vì lời hô hào của ban tuyên giáo nguyên văn là “Văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực đất nước hôm nay,” mà cứ theo tự điển mà ông Hảo dẫn chứng thì “hiện thực” đúng là “sự thật” rồi.

Tuy nhiên, e là khi ban tuyên giáo hô hào “Văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực đất nước hôm nay,” thì họ đã không nói lên, nhưng hàm ý mọi người đều phải biết, một cái đuôi từ xưa đến nay vẫn đựơc sử dụng trong mọi lãnh vực để giải thích cho mọi sự “khác thường.” Cái đuôi ấy là “xã hội chủ nghĩa.” Nói khác đi, thì điều mà ban tuyên giáo muốn là “văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực [xã hội chủ nghĩa],” chứ không phải hiện thực theo định nghĩa trong tự điển. Mà tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa thì chẳng có gì khác hơn là đứng từ nhiều vị trí, nhiều góc độ và bằng nhiều kiểu dáng khác nhau, qua nhiều cách diễn tả khác nhau, nhưng chỉ để nói lên những “điển hình tiên tiến” để cổ vũ cho đừơng lối chính sách của đảng rằng “ta bao giờ cũng đúng-hay-giỏi, địch bao giờ cũng sai-dở-kém,” rằng “trăng Trung quốc tròn hơn trăng nứơc Mỹ, đồng hồ Liên xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ” mà thôi.

Những tác phẩm loại này thì có hằng hà sa số và là đặc trưng của văn học nghệ thuật xã hội chủ nghĩa trong suốt mấy chục năm qua. Tiêu đề ấy cũng chính là bài học mà tất cả mọi người cầm bút phải học, phải nhắc đi nhắc lại và phải thực hành. Kết quả là hầu hết các tác phẩm “hiện thực xã hội chủ nghĩa” ấy nay đã nằm yên dưới lớp bụi thời gian, và nhiều nhà văn lớn, khi kiểm điểm lại sự nghiệp của mình lúc cuối đời, đều phải ôm mặt khóc cho những “cái đựơc gọi là tác phẩm” ấy.

Cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” hay “theo định hứơng xã hội chủ nghĩa” khó hiểu - có người đã dùng chữ “quái đản” ấy ngày càng chứng tỏ sự “kỳ quái” của nó, nên chắc là các cấp thẩm quyền cũng chẳng muốn nhắc lại nhiều, e lại tạo cơ hội cho kẻ thù đàm tiếu - trừ những thứ đã lỡ thành “công thức” rồi, nên ban tuyên giáo mới chỉ dùng chữ “hiện thực” thôi, với hy vọng là tất cả mọi người cầm bút đều phải hiểu rằng đó chính là “hiện-thực-xã-hội-chủ-nghĩa.” Có ngờ đâu!

Về phía các nhà văn thì cũng không ai muốn nhớ lại cái bài học đầu đời văn ấy nữa thứ nhất bởi nó hoàn toàn ngựơc lại với thiên chức của ngừơi cầm bút, nó thu gọn sức sáng tạo lại để chỉ còn “tìm cách hót hay hơn và mới lạ hơn” thôi; thứ hai là bởi thời đó đã qua rồi và sẽ không thể trở lại được nữa và, thứ ba là vì chẳng nhà văn nào muốn biến mỗi tác phẩm của mình thành một điều xấu hổ. Nói tóm lại, đó là một bài học không thể thuộc, mà cũng không nên thụôc làm gì.

Nhưng nếu ban tuyên giáo thực sự muốn “Văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực đất nước hôm nay,” nghĩa là nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã hiểu đúng ý của đảng cộng sản Việt Nam thì sao?

Thì “còn gì vui hơn!”

Quốc Thạch