You are here

Một ngày lịch sử bị phán xét

Lê Diễn Đức

Áp phích mừng Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 tại Moscow - Ảnh: GW

Chiến tranh Thế giới II kết thúc vào tháng 9 năm 1945. Cuộc chiến tàn khốc đã lấy đi khoảng từ 50 đến 70 triệu sinh mạng trên khắp thế giới, nhiều nhất ở châu Âu.

2 giờ 41 phút ngày 7 tháng 5, (giờ GMT, tức 5 giờ 41 sáng ngày 7 tháng 5 theo giờ Moskva) tại Reims (Pháp), đại diện quân đội Đức Quốc xã đã ký biên bản xác nhận sự đầu hàng sơ bộ của quân đội Đức Quốc xã tại mặt trận phía Tây và Bắc Ý.

22 giờ 43 phút ngày 8 tháng 5 năm 1945 theo giờ Berlin, tại một trường quân sự cũ ở Karlshorst gần Berlin trước sự chứng kiến của đại diện các cường quốc đồng minh, đại diện toàn quyền được uỷ nhiệm của nước Đức Quốc xã ký vào biên bản xác nhận đầu hàng không điều kiện.

Ngày 8 tháng 5 được Mỹ, Anh, Pháp và các nước đồng minh chống phát xít ở phương Tây kỷ niệm là Ngày Chiến Thắng ở châu Âu (viết tắt tiếng Anh là "VE day" hay "V-E Day"), theo công bố chính thức của văn bản Reims.

Tuy nhiên, do việc hình thành khối Cộng sản sau chiến tranh, từ năm 1946 trở đi, Liên Xô (cũ), các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu (cũ) và các nước xã hội chủ nghĩa khác đều lấy ngày 9 tháng 5 làm ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức.

70 năm trôi qua, biến cố lịch sử này được phán xét lại trong bối cảnh không còn hệ thống Cộng sản ở châu Âu nữa và trước việc nước Nga xâm lược Ukraina.

Ngày 9 tháng 5 năm nay, nước Nga kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng phát xít với quy mô to lớn, duyệt binh rầm rộ tại Quảng trường Đỏ với những vũ khí mới hiện đại nhất. Lời mời tham dự lễ đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi đi hầu khắp thế giới.

Thế nhưng các nhà lãnh đạo như David Cameron (Anh quốc), Angela Merkel (Đức) và Tổng thống Barack Obama (Hoa Kỳ) thấy không có lý do để tới chứng kiến một đội quân hùng mạnh của nước Nga đi ăn hiếp nước láng giềng nhỏ Ukraina.

Xem cuộc diễu hành chỉ có Chủ tịch Trung Quốc, các vị Tổng thống Ấn Độ, Kazakhstan, Turkmenistan, Serbia, Mông Cổ và một số nước châu Phi và châu Á.

Trong khi đó, ngày 22 tháng 4 Quốc hội Ba Lan đã biểu quyết với 396 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 14 phiếu trắng, chọn ngày 8 tháng 5 là ngày lễ quốc gia - Ngày Chiến thắng phát xít Đức, và bãi bỏ ngày 9 tháng 5 được áp dụng mấy chục năm nay.

Đồng thời, Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski công bố sẽ tổ chức tại Westerplatte (nơi phát xít Đức nã pháo vào Ba Lan mở màn Chiến tranh Thế giới II vào ngày 1 tháng 9 năm 1939) lễ tưởng niệm các nạn nhân của chiến tranh vào ngày 8 tháng 5.

Vladimir Putin đã thất bại trong việc thuyết phục các chính trị gia của các nước Liên minh châu Âu tới Moscow dự lễ và nhiều người trong số họ lại bay qua Ba Lan để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II.

Vào ngày 8 tháng 5 tại Westerplatte, Ba Lan, sẽ có sự hiện của tất cả Tổng thống các nước Trung và Đông Âu thuộc khối Cộng sản châu Âu trước năm 1989-1991: Slovakia, Cộng hòa Czech, Lithuania, Latvia, Estonia, Hungary, Romania, Bulgaria, Croatia, Slovenia, và - trong bối cảnh tình hình hiện nay ở châu Âu, Ukraina.

Mặc dù đã nhận lời tới Moscow tham dự lễ, nhưng cuối cùng Tổng thống CH Czech Milosh Zeman đã từ chối và ông sẽ tới Ba lan.

Tổng thống Balearus, Alexander Lukashenko, cũng đã quyết định không đi đến Moscow, với lý do ở Minsk diễu hành cũng sẽ được tổ chức và ông là chỉ huy của lực lượng vũ trang nên phải có mặt. Tuy nhiên, các chuyên gia gọi đây là cái cớ, bởi vì hiến pháp của Belarus không quy định như thế.

Như vậy, Vladimir Putin sẽ lên cơ bắp biểu diễn sức mạnh Nga trước sự vắng mặt các nhà lãnh đạo quan trọng nhất của Mỹ, châu Âu và đặc biệt là lãnh đạo các nước liên quan trực tiếp đến cuộc chiến và bị đẩy sang vùng ảnh hưởng của Liên Bang Xô Viết hơn 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc.

Ỷ nước lớn và mạnh hơn về quân sự, cho quân xâm chiếm Crimea của Ukraina và hỗ trợ quân ly khai gây bất ổn định và phức tạp tình hình ở miền Đông Ukraina, Putin đã phải trả giá đắt, không những bị Mỹ và Liên minh châu Âu trừng phạt về kinh tế và tiếng nói và uy tín của Nga cũng bị suy giảm trên trường quốc tế.

Quyết định của Quốc hội Ba Lan lấy ngày 8 tháng 5 làm ngày lễ quốc gia kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức và tổ chức lễ 70 năm kết thúc chiến tranh tại Ba Lan là một phản ứng thể hiện nội dung đó.

Từ sự kiện trên đây, tôi nghĩ rằng, vào một ngày nào đó, khi nước Việt Nam có dân chủ và tự do, một quốc hội do dân bầu ra sẽ phán xét ngày 30 tháng Tư năm 1975, cái ngày mà 40 năm nay những người Cộng sản vẫn ăn mừng chiến thắng. Bởi vì đây là ngày "chiến thắng" của cái ác, chấm dứt chiến tranh thì cả nước bị áp đặt một chế độ độc tài, toàn trị, một chế độ phát xít kiểu mới. Ngày đánh dấu hàng triệu người phải đối diện với cái chết, liều mình bỏ nước ra đi vì những chính sách tàn bạo và vô nhân đạo. Một ngày đau thương, giống như các nước Trung - Đông Âu, hết thảm hoạ phát xít thì rơi vào thảm hoạ Cộng sản và cuối cùng đã phải vùng lên tranh đấu, xoá bỏ.

© Lê Diễn Đức