You are here

Bản chất tư tưởng chính trị của chủ nghĩa Mao

Tiếp theo bài trước, tôi định viết một bài về nạn đói kinh hoàng ở Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông, mà chính ông ta phải chịu trách nhiệm về cái chết của nhiều chục triệu người. Tuy nhiên tình cờ tôi đọc được một tài liệu của Viện nghiên cứu Viễn Đông, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên xô, in ở Liên Xô năm 1977, và được Học viện Chính trị Việt Nam dịch sang tiếng Việt dùng làm tài liệu tham khảo nội bộ, năm 1979 (chúng ta đều biết đây là một năm không bình thường ở Việt Nam, bởi tiếng súng đã vang trên bầu trời ở biên giới Trung Quốc). Tôi nghĩ chúng ta cần biết về tài liệu này, dù chỉ là một vài đoạn trong đó.

Tài liệu này có nhan đề « Bản chất tư tưởng chính trị của chủ nghĩa Mao », do một nhóm các nhà nghiên cứu chính trị của Liên Xô thực hiện, phê phán chủ nghĩa Mao trên mọi phương diện.  Công trình này, dưới nhãn quan của một người nghiên cứu như tôi, thực sự rất đáng quan tâm. Nó cho thấy ngôn từ có thể dối trá đến mức độ nào, nó cho thấy ngôn ngữ trở nên  cằn cỗi, nghèo nàn, xơ cứng, công thức đến mức như thế nào khi chỉ phục vụ cho mục đích tuyên truyền. Nó cũng giúp soi sáng rất nhiều điểm của cái gọi là « hệ thống xã hội chủ nghĩa », của nghiên cứu khoa học xã hội kiểu xã hội chủ nghĩa, của « trí thức xã hội chủ nghĩa ».

Chỉ đưa ra đây một điểm : các học giả Liên Xô phê phán Mao và xã hội của Mao về chính những gì đã và đang xảy ra tại Liên Xô.  Và trong khi phê phán Mao kịch liệt, thì họ ca ngợi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô không tiếc lời, rồi cũng chính cái chủ nghĩa xã hội được họ đưa lên tận mây xanh đó lại là cái mà họ sẽ vứt bỏ chỉ hơn một thập kỷ sau cùng với sự tan rã của Liên Xô.

Tôi xin giới thiệu một đoạn trong tài liệu đó, để thấy các học giả Liên Xô đã phê phán Mao như thế nào. Và với tài liệu này, những người mác-xít ở Việt Nam (ít nhất là những người thuộc Học viện Chính trị Quốc gia) biết là Mao Trạch Đông đã phản bội chủ nghĩa Mác-Lê Nin, sự phản bội được đích danh hậu duệ của Lê Nin ở nước Nga chỉ ra, nhưng các học giả Việt Nam hiện nay vẫn dùng chính cao ông Mao ấy làm kim chỉ nam cho tư tưởng của mình. Bài tiếp theo tôi sẽ đưa ra bằng chứng về điều này, bằng chứng về sự tụng niệm Mao của các giáo sư Việt Nam đang được trọng vọng hiện nay.

Trích đoạn dưới đây thuộc chương I, phần V, của cuốn « Bản chất tư tưởng chính trị của chủ nghĩa Mao ». Tôi giữ nguyên cách viết chính tả như trong tài liệu nguồn.

Paris, 20/3/2015

Nguyễn Thị Từ Huy

 

Bản chất phản nhân đạo của những sự xuyên tạc chủ nghĩa xã hội

của những người theo chủ nghĩa Mao

 

Đặc điểm quan trọng trong quan điểm của chủ nghĩa Mao đối với các vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết là đem lý tưởng và phương pháp của chủ nghĩa xã hội phục vụ việc thực hiện những mục tiêu bá quyền sô-vanh nước lớn. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà người mác-xít dùng thuật ngữ « chủ nghĩa xã hội sô-vanh » để định rõ tính chất tư tưởng của chủ nghĩa Mao.

Về thực chất, những người theo chủ nghĩa Mao coi giá trị chủ yếu của chủ nghĩa xã hội khoa học không phải ở cương lĩnh cải tạo xã hội một cách căn bản sau thắng lợi của cách mạng và sau khi thiết lập nền chuyên chính vô sản, mà ở sức lôi cuốn đặc biệt của chủ nghĩa xã hội đối với đông đảo quần chúng. Chúng mưu toan lợi dụng tư tưởng vĩ đại của chủ nghĩa xã hội, tư tưởng có khả năng phát động tất cả những người lao động để thực hiện những mục tiêu bá quyền nước lớn, để chuẩn bị chiến tranh thế giới.

Vì thế, khi phát biểu tại hội nghị toàn quốc bàn về công tác tuyên truyền tháng ba năm 1957, Mao Trạch Đông đã tuyên bố : « Chúng ta phải thấy rằng chúng ta sẽ xây dựng một nước vĩ đại trên nền tảng chủ nghĩa xã hội ». Ở một trong những bài phát biểu năm 1959, Mao đã nhấn mạnh rằng sự quan tâm chủ yếu của Trung Quốc là « thực hiện cho được mục tiêu duy nhất : xây dựng một nước hùng cường bằng những nỗ lực của cả dân tộc trong một vài kế hoạch 5 năm ». Tiếp theo Mao đã trình bày công khai cương lĩnh bá quyền trên phạm vi toàn cầu : « Chúng ta phải chinh phục được trái đất. Đối tượng của chúng ta là toàn bộ trái đất. Còn về công tác và chiến đấu, thì theo tôi, trái đất của chúng ta là quan trọng hơn cả, chúng ta sẽ xây dựng trên đó một quốc gia hùng cường. Nhất định phải thấm nhuần lòng kiên định đó ».

Chủ nghĩa Mao đã tuyên bố lấy bạo lực, chiến tranh, chủ nghĩa quân phiệt làm phương sách thực hiện các mục tiêu sô-vanh nước lớn của mình : « Toàn thế giới chỉ có thể được cải tạo bằng súng », « Súng đẻ ra chính quyền ».

Như vậy, chủ nghĩa Mao đã tỏ ra là một hệ tư tưởng và chính sách hoàn toàn thù địch với hệ tư tưởng nhân đạo vĩ đại của chủ nghĩa xã hội.

Đối với những người cộng sản, tư tưởng của chủ nghĩa nhân đạo không phải là những luận thuyết trừu tượng về bản chất tính « thiện » hay « ác » của con người, về tình yêu đối với con người, mà là kim chỉ nam thực tiễn cho hành động.

Ngay trong « Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản », những người sáng lập chủ nghĩa cộng sản khoa học đã viết rằng những người cộng sản đưa ra mục tiêu xây dựng một xã hội trong đó « sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người ».

Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Liên-xô đã được thông qua năm 1962 là xuất phát từ nguyên tắc « tất cả vì con người, vì lợi ích của con người ». Trong cương lĩnh nói rằng « Chủ nghĩa cộng sản đang thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình là giải phóng con người khỏi sự bất bình đẳng về xã hội, khỏi tất cả các chế độ áp bức và bóc lột, khỏi những thảm họa chiến tranh và kiến lập trên trái đất nền hòa bình, lao động, tự do, bình đẳng, hữu ái và hạnh phúc của tất cả các dân tộc ».

Hoạt động hàng ngày của Đảng Cộng sản Liên-xô, của các đảng mác-xít – lê-nin-nít anh em trong các nước cộng đồng xã hội chủ nghĩa đang chứng minh một cách rõ ràng và hiển nhiên hiệu lực của chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa. Điều đó nói lên rằng chủ nghĩa nhân đạo không phải là ước mơ cao xa, mà là sự nghiệp của ngày hôm nay. L.I.Brê-giơ-nhép, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên-xô, đã nhấn mạnh : « xã hội xô-viết ngày nay là hiện thân của chủ nghĩa nhân đạo vô sản, xã hội chủ nghĩa. Nó đem việc sản xuất của cải vật chất, những thành tựu văn hóa tinh thần, toàn bộ hệ thống các quan hệ xã hội để phục vụ con người lao động ».

Thắng lợi của chủ nghĩa xã hội càng to lớn và hấp dẫn, thì bọn chống cộng càng ra sức bôi đen, vu khống chủ nghĩa xã hội. Trên phương diện đó, những kẻ thù của chủ nghĩa xã hội khoa học đã tìm được đồng minh và đồng lõa trực tiếp là hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mao.

Lý luận của chủ nghĩa Mao xét lại những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học, phủ nhận những tư tưởng của chủ nghĩa nhân đạo, coi chúng là tư tưởng tư sản. Đồng thời, thích ứng với điều đó, chủ nghĩa Mao bằng thực tiễn làm mất uy tín của chủ nghĩa xã hội, vũ trang « luận cứ » cho kẻ thù của chủ nghĩa Mác – Lê-nin để đấu tranh với chủ nghĩa khoa học chân chính. […]

Những sai lầm mang tính chất duy ý chí trong chính sách đối nội càng tăng thêm, khi ở Trung-quốc những quan niệm về bình quân trại lính tiểu tư sản lạc hậu về chủ nghĩa xã hội và những mục tiêu sô-vanh, bành trướng, nước lớn trong chính sách đối ngoại được để lên hàng đầu. Điều đó đã dẫn đến chỗ xuất hiện một lập trường chính trị, tư tưởng đặc biệt, trên thực tế có nghĩa là hoàn toàn xa rời những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội thế giới. Nó đã trở thành thù địch công khai với chủ nghĩa Mác – Lê-nin. 

[…]

Chủ nghĩa Mao tước bỏ linh hồn sinh động của học thuyết về chủ nghĩa xã hội : tư tưởng xã hội phục vụ lợi ích của con người, phục vụ hạnh phúc của con người. Do đó nó làm tổn thất truyền thống xã hội chủ nghĩa đã có hàng bao thế kỷ. Thay cho lý tưởng về mặt xã hội xây dựng nên vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân lao động, chủ nghĩa Mao đưa ra « những ý tưởng » khác : nhân dân phục vụ vô điều kiện « lãnh tụ vĩ đại », phục vụ sự thắng lợi của « tư tưởng », chính sách của lãnh tụ. Những phương châm đó của Mao-Trạch-Đông đã thể hiện trong thực tiễn chính trị của Trung-quốc dưới hình thức tuyên truyền các khẩu hiệu « tinh thần vô tư tuyệt đối » ; « Phấn đấu đạt mức cao nhất trong sản xuất, giữ mức độ thấp trong đời sống ; thiếu thốn là vinh quang, là hạnh phúc »… […] Chúng đã công khai kêu gọi nhân dân lao động Trung-quốc « sống nghèo khổ », « khi ở nhà, thì hãy ăn ít đi » bởi vì « ít cơm đi, thì nhiều súng lên ». Trong vấn đề này, về thực chất, chủ nghĩa Mao đã kết hợp với những quan điểm của Tờ-rốt-kít. Trước đây Tờ-rốt-kít cũng đã yêu cầu : đi đầu trong sản xuất và bình quân trong tiêu dùng.

(Trích các trang 417-424)

Tập thể tác giả : X.A.Vô-e-vô-din, L.M.Gu-đô-sni-cốp, E.Ph.Cô-va-li-ốp (và 9 tác giả khác)

 

 

 

 

 

Bài bình luận

Lâu lắm đọc lại bài viết về nội dung XHCN do các viện sĩ LX viết ra. Hồi trước (1980s) đọc thấy cũng " bình thường", nay đọc lại thấy nó ngô nghê, mông muội, và hoang tưởng... -Chữ nghĩa hoàng tráng như là " tất cả vì con người", "giãi phóng con người khỏi áp bức bóc lột..." -Chữ nghĩa nâng cấp như là "tự do, bình đẳng, hửu ái của tất cả các dân tộc..." -Chữ nghĩa thăng hoa như là "...là hiện thân của chủ nghĩa nhận đạo vô sản..." Cái đáng nói là bác ( Hồ quang) của ta vì dốt mà bập lấy cái CNXH mà không thấy cái bậy, cái vô lý, cái dối trá, cái độc ác của CNXH đối với Dân tộc , Đất nước mà cái di họa kéo dài đến ngày nay. Cái bác vậy thì đám hậu sinh ( tác giã gọi trọng thị người mác xít Việt nam ) làm sao hiểu được Kinh tế thị trường mà gọi là "định nghĩa mới về KTTT định hướng XHCN" Thôi cho dân "xin" mấy vị, không có việc làm thì ra làm kinh tế tư nhân cho hiểu lợi ích cá thể nó mạnh mẽ như thế nào ! Nếu còn chút liêm sĩ thì tham mưu cho đảng ta dẹp cái chế độ độc tài toàn trị, từ bỏ cái XHCN vào sọt rác lịch sử. Với người dân đen kinh nghiệm thì XHCN tức "xếp hàng cả ngày" không thể sai một ly.