Ngày thứ ba 11 tháng 5 năm 2010 là ngày nhân quyền cho Việt nam lần thứ mười sáu tại Hoa kỳ.
Toàn cảnh Lễ Kỷ niệm lần thứ 16 Ngày Nhân quyền cho
Việt Nam 11.5.2010 tại trụ sở Quốc hội Hoa kỳ.
Photo RFA/DoLinh.Ngày này hàng năm được mang tên gọi như thế là do một nghị quyết của quốc hội Hoa kỳ và sau đó được tổng thống Bill Clinton ký thành luật từ năm 1994, mục đích là để cổ vũ nhân quyền cho ngừơi dân Việt Nam. Sở dĩ nhân quyền cho người dân Việt Nam cần đựơc cổ vũ và nhắc nhở là vì nhiều tổ chức quốc tế quan sát nhân quyền có chung nhận xét là ở Việt Nam, quyền con người chưa đựơc coi trọng, mặc dù Việt Nam có tham gia công ước Liên Hiệp quốc về quyền con người và quyền dân sự. Không phải chỉ các tổ chức quan sát nhân quyền nhận xét như thế, mà đại diện dân cử một số quốc gia có quan hệ với Việt Nam ở cả châu Mỹ lẫn châu Âu cũng lên tiếng tương tự. Ấy là chưa kể một số nhà ngoại giao cũng bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, mặc dù họ phát biểu theo kiểu ngoại giao của họ.
Để trả lời, nhà nứơc Việt Nam luôn luôn nói rằng những phê phán đó đều dựa trên thông tin sai lạc, hoặc xuất phát từ những người không có cảm tình, thậm chí hằn học với Việt Nam. Cách trả lời như thế thật ra không thuyết phục đựơc ai, nhưng trong thực tế nó đã đựơc sử dụng nhiều lần, vì suy cho cùng, thì ngoài cách trả lời đó, thì cũng không có cách trả lời nào khéo hơn. Khi một ký giả đề nghị ngừơi phát ngôn của nhà nứơc bình luận về một sự kiện “nóng và nhậy cảm” nào đó liên quan đến vấn đề quyền con ngừơi, thì họ cũng biết là sẽ nhận đựơc trả lời như thế. Rút cuộc thì ngừơi có nhiệm vụ phải hỏi thì cứ hỏi, và người có nhiệm vụ trả lời thì cũng cứ trả lời. Đây chính là sự mâu thuẫn của truyền thông, vì truyền thì có nhưng thông thì không.
Nhà nứơc Việt Nam cũng thừơng nhấn mạnh rằng tại Việt Nam chỉ có tù hình sự, tức là ngừơi bị bỏ tù vì vi phạm luật hình sự, chứ không có tù nhân chính trị, không có tù nhân lương tâm, lại càng không có ai bị bỏ tù chỉ vì phát biểu ý kiến khác với nhà nứơc. Trong thực tế thì họ nói đúng, vì quả nhiên không có ai bị bắt giữ hay đưa ra toà kết án, bỏ tù vì lý do phê phán nhà nứơc một cách ôn hoà cả. Lý do là vì phê phán dù ôn hoà cách mấy cũng bị khép vào tội tuyên truyền chống phá nhà nứơc hay nặng hơn, là âm mưu lật đổ chính quyền. Mà đây là một tội hình sự, nên ai phạm tội ấy thì phải coi là phạm tội hình sự chứ không phải tội chính trị. Rồi một khi cơ quan công an đã cáo buộc tội này cho ai, thì hệ thống báo chí phải làm cho tội ấy trở thành hiện thực bằng những bài vở với luận lý và bằng cớ -nguỵ tạo nếu cần- để thuyết phục dư luận trước khi phiên toà diễn ra. Nói nôm na, là bị cáo bị ném đá hành hình trứơc khi đựơc xét xử.
Khi ra toà thì tiếng nói nào không phù hợp với bản án đã đựơc dự liệu, mà giới thạo tin thừơng gọi là “bản án bỏ túi” sẽ không đựơc trình bày, hay ít nhất sẽ không đựơc nghe. Nếu may mắn mà đựơc nói lên, thì sẽ bị ghim lại, và ngừơi luật sư can đảm ấy một ngày nào đó sẽ bị cáo buộc tội “lợi dụng biện hộ để nói xấu nhà nứơc.” Đó là trường hợp cụ thể đã xẩy ra của lụât sư Lê Công Định và Lê Trần Luật. Thẩm phán xử án thì cũng là đảng viên, nghĩa là đồng chí của cơ quan khởi tố, cơ quan điều tra và bộ máy truyền thông, nên sẽ tuyên một bản án phù hợp với ý mà các “đồng chí” kia đã “quyết.” Nói tóm lại, trong thể chế hiện hành tại Việt Nam, một khi đã bị nhắm, thì sẽ bị cả hệ thống ra tay nghiền nát trong mọi lãnh vực, từ pháp luật, xã hội đến kinh tế, từ công ăn việc làm cho đến chỗ ở và cả chỗ học của con cái nữa.
Vấn đề sau cùng, như thế, không phải là một người có tội hay không có tội đối với luật pháp hiện hành ở Việt Nam, mà là giá trị của chính hệ thống luật pháp ấy. Nhưng phê phán hệ thống luật pháp của một quốc gia thì lại là can thiệp vào chuyện nội bộ của nứơc ấy, vốn là chuyện cần tránh trong quan hệ ngoại giao. Cho nên mọi chuyện sau cùng chẳng bao giờ tiến xa hơn được những lời khuyến cáo. Trong tình hình như thế, mới thấy được sự can đảm của những người dám cất lên tiếng nói của lương tâm, và mới thấy ngưỡng mộ những nhân cách ấy.
Trên nguyên tắc thì bất cứ một hình thức đàn áp nào cũng là sai trái, vì đó là phản ứng của kẻ yếu thế trong lý luận và giao tiếp. Đó là hình thức phê bình bằng vũ khí thay vì sử dụng lý luận phê bình như một vũ khí. Dùng một hình ảnh dân gian, thì đó là “cả vú lấp miệng em.” Khi một nhà nước phải dùng cả một bộ máy đa dạng, đa năng, giàu tài nguyên và nhân lực để đàn áp những tiếng nói bất khuất, thì phải nhìn ra rằng nhà nứơc ấy đang lo sợ. Họ không mạnh như họ muốn tỏ ra, hay ít nhất cái sức mạnh ấy của họ chỉ là sức mạnh nhất thời và đang bị lung lay tận gốc, và bản thân họ thiếu tự tin trầm trọng.
Chính là vì tình hình như thế nên mới có ngày Nhân quyền cho Việt Nam ở quốc hội Hoa kỳ, là ngày 11 tháng Năm. Nhưng cũng đúng ngày ấy, tại thành phố Hồ Chí Minh, đã diễn ra phiên xử phúc thẩm luật sư Lê Công Định và hai doanh nhân nhưng cũng là những trí thức cổ vũ cho dân chủ là Lê Thăng Long và Trần Huỳnh Duy Thức. Tất cả những người này bị cáo buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” và đã bị kết án nặng nề tại toà sơ thẩm. Khá nhiều người, trong đó có cả đại sứ Hoa kỳ Michael Michalak, hy vọng họ sẽ đựơc giảm án và nhiều tổ chức tranh đấu cho nhân quyền đã mạnh mẽ lên tiếng yêu cầu nhà nứơc Việt Nam huỷ bản án sơ thẩm cho họ.
Nhưng mọi lời bào chữa tại toà đều không đựơc tiếp nhận đầy đủ, và tất cả bản án khắc nghiệt của toà sơ thẩm đều được gần như giữ nguyên. Những bản án ấy đã xác nhận và biện minh cho lời kêu gọi nhân quyền cho Việt Nam đựơc nói lên tại thủ đô Washington của Hoa kỳ trong ngày 11 tháng năm 2010.
Thật ít khi có sự hoà điệu nhịp nhàng như thế giữa hai thành phố cách nhau đến một nửa vòng trái đất là Sài gòn và Washington!
Nguyễn An
Bài bình luận
nhân quyền
nhan quyen
Bất bình mà ko dám lên tiếng, bởi ko có nhân quyền ở đất Việt
that nuc cuoi ve nhan quyen?
cong san>>trang se tro thanh den!