You are here

VUI CHUYỆN QUÊ NHÀ 10: Đầu tư nước ngoài ào ạt vào Việt Nam (Quốc Thạch ghi nhận)

Nếu chưa “đang” thì sắp, và nếu không phải là “sắp” thì là “sẽ.” Nhiều quan chức trong nứơc đã xác định như thế, và một số nhà phân tích cũng nhận định như vậy.
Mỗi nhà đầu tư khi quyết định kinh doanh tại Việt Nam ắt có những lý do riêng, phân tích và nhận định riêng. Điều này thì không có gì đáng thắc mắc, kể cả khi họ đầu tư vì đã “móc nối” được với các cấp thẩm quyền, nghiã là gia nhập được vào nhóm mà Greg Rushford goị là “crony commies” hay là nhóm “thân tộc cộng sản” trong Rusford Report phổ biến ngày 25 tháng giêng vưà qua.
Nếu không kể đến điều mà chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói đến khi hô hào giới đầu tư vào làm ăn tại Việt Nam là phụ nữ Việt đẹp đẽ duyên dáng, thì hai ưu điểm thường được nhấn mạnh khi nói về môi trường đầu tư Việt Nam là nhân công rẻ và chính trị ổn định.
Chuyện nhân công rẻ là có thật, chẳng những so với các nước khác ở Đông Nam Á, mà ngay cả so với Trung quốc. Báo chí cho biết hiện đang có một làn sóng nhân công Việt Nam sang sống và làm việc bất hợp pháp tại một số tỉnh thị Trung quốc sát biên giới, như ở khu tự trị Quảng Tây chẳng hạn. Lý do là vì lương ở đó gần gấp đôi lương ở Việt Nam: ít nhất 800 nhân dân tệ một tháng, tương đương hai triệu ba trăm ngàn đồng Việt Nam so với chỉ một triệu ba ở Việt Nam. Một cuộc điều nghiên mới đây cho biết nhiều tập đoàn kinh doanh quốc tế dự định bỏ Trung quốc để đầu tư vào các nước Đông Nam Á, mà Việt Nam là ưu tiên chọn lưạ số một. Đó là nguồn thứ nhất cuả “Đầu tư nước ngoài ào ạt vào Việt Nam.”
Người công nhân Việt Nam như thế sẽ không lo thiếu việc, nhưng lại rơi vào một nghịch cảnh: nếu yên phận với số lương èo ọt để tấm bảng quảng cáo “nhân công rẻ” tiếp tục hấp dẫn đầu tư nứơc ngoài thì đói, thì chết dần chết mòn. Nhưng nếu muốn đòi lương ít nhất đủ để tái tạo sức lao động, thì cần phải cùng nhau đứng lên nói, phải đình công khi cần, mà cả hai thứ này đều bị cấm.
Chuyện chính trị ổn định cũng là có thật, ít nhất thì đó cũng là điều trông thấy trước mắt, mặc dù để tạo ra được sự “ổn định” ấy, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng hơi khó ăn khó nói lúc phải trả lời những câu hỏi liên quan đến nhân quyền và dân chủ khi công du nứơc ngoài, nhưng cứ khoả lấp đi thì rồi cũng tạm xong!
Tuy nhiên, riêng về yếu tố này thì hiện đang có “thuận lợi” là tình hình bất ổn tại Thái Lan với các cuộc biểu tình cuả hàng chục ngàn người với bạo động khiến hơn 20 người chết và hàng trăm người bị thương. Có quan chức đã nói rằng tình hình ấy là hậu quả cuả dân chủ và thể chế chính trị đa đảng. Như thế, về chính trị thì độc đảng mới là tốt, mới ổn định, còn về kinh tế, thì hy vọng giới đầu tư sẽ bỏ Thái Lan để kinh doanh tại Việt Nam. Thật là lợi đủ mọi mặt.
Thật ra, lý luận như thế là lý luận theo kiểu “vơ vào”, nói lấy được mà thôi. Tình hình chính trị tại Thái Lan do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng dứt khoát không thể coi như “hậu quả tất nhiên” cuả thể chế dân chủ và đa nguyên được, và hy vọng các tập đoàn kinh doanh bỏ Thái lan để vào đầu tư ở Việt Nam thì có lẽ là quá lạc quan, hồi trước gọi là lạc quan “tếu,” còn bây giờ thì không biết gọi là gì.