You are here

Nhược điểm trong tính cách người Việt - Nhật Hiên

Nguồn: RFA, 2010-04-07
Có khá nhiều bài viết của các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa và cả những người ngoài ngành, phân tích về những cái xấu, cái dở trong tính cách của người Việt Nam.
Không thích nói đến thất bại
Trong một bài viết đăng trên blog của mình, blogger Trang Ridiculous tức nhà báo Đoan Trang giải thích lý do vì sao thích người Mỹ như sau: “Không biết những gì tôi nghĩ có đúng không, nhưng tôi cảm nhận thấy ở họ - người Mỹ - một tinh thần tự phản biện rất sâu sắc. Họ dám nhìn thẳng vào những cái xấu của mình, không hề ngại chê mình cũng như không ngại để nước khác, dân tộc khác chê.
Ngay sau khi cuộc chiến với Việt Nam kết thúc, đã có không biết bao nhiêu bài nghiên cứu, bài báo, cuốn sách viết về thất bại của Mỹ ở Việt Nam, tại sao Việt Nam thắng, sai lầm của Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũ v.v. Để đến mức giờ đây, 35 năm sau sự kiện tháng 4/1975, chúng tôi đang phải tìm hiểu về lịch sử Việt Nam giai đoạn ấy… qua tài liệu của Mỹ.
Và tìm hiểu một cách hào hứng, tin tưởng nữa mới khổ - tôi tin rằng họ viết với tinh thần khách quan khoa học, họ không cay cú, không có ý định “tuyên truyền” gì cả, mặc dù họ có thể làm điều đó.” Trong khi đó, nói về tính cách của người Việt, blogger Trang ridiculuos nhận xét: “Hình như phải nói thẳng nói thật về thất bại, sai lầm, nhược điểm của mình, phải thừa nhận “tôi sai” là một việc khiến người Việt Nam rất đau khổ. Ngược lại, khi có dịp nói về thành công, về sự tài giỏi, trí tuệ, người Việt hân hoan lắm.”
Ít cảm ơn và xin lỗi
Có những cái dở tưởng là nhỏ nhưng dễ làm cho người nước ngoài có ấn tượng không tốt về người Việt như thói quen ít cảm ơn cũng như ít khi nói lời xin lỗi mà bác sĩ, blogger Nguyễn Văn Tuấn từng đề cập đến trong bài “Văn hóa cảm ơn”:
“Khoảng 2 năm trước đây, viết trên báo Tuổi Trẻ, một người Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam “phàn nàn” rằng người Việt Nam ít nói xin lỗi. Tiếp theo đó là một thư khác của bạn đọc người Việt chỉ ra rằng chẳng những ít nói xin lỗi, mà người Việt còn ít nói cám ơn. Điều này có vẻ mâu thuẫn với truyền thống đạo lý của người Việt, vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, ghi ơn tiền nhân. Nhưng có lẽ trong cuộc sống bề bộn của thời thực dụng kinh tế, không ít người Việt, trong đó có cả những quan chức, quên nói lời cám ơn. Và, sự thiếu sót này có thể ảnh hưởng đến quốc thể và gây ấn tượng không đẹp ở người nước ngoài về người Việt.”
Điều này, tác gỉa viết, cũng lại ngược với văn hóa phương Tây: “Hồi còn nhỏ, tôi thỉnh thoảng nghe người ta nói người phương Tây tuy bề ngoài tỏ ra lịch sự nhưng tâm thì họ vô đạo đức lắm, vô ơn lắm. Nhưng khi có dịp sống và làm việc chung với người Mỹ, Anh, Úc và Âu châu nói chung, tôi thấy quan điểm đó quá sai. Tôi thấy cám ơn và xin lỗi gần như là một nét văn hóa của người phương Tây.
Ngày tôi mới sang Úc, tôi thấy hai chữ “thank you” (cám ơn) và “sorry” (xin lỗi) giống như là những chữ nằm lòng. Thật ra, ngay từ ngày mới vào học tiếng Anh, người ta dạy khi được hỏi “How are you today” (Hôm nay anh khỏe không), thì câu trả lời lúc nào cũng kèm theo hai chữ cám ơn –thank you. Phải có chữ cám ơn đằng sau. Đi chợ mua hàng, sau khi trả tiền, người bán hàng cũng “cám ơn”, và mình (người mua hàng) cũng “cám ơn” lại. Bên Mĩ, họ còn lịch sự hơn nữa: cám ơn, và chúc ông/bà một ngày tốt đẹp.
Ở xã hội Âu Mỹ, trẻ em ngay từ lúc còn rất nhỏ đã được dạy phải có trách nhiệm xã hội, phải biết nói “cám ơn” và “xin lỗi”, và nói thật lòng chứ không nói qua quít. Khi lớn lên, họ chẳng những trở thành những người rất lịch sự mà còn rất có đạo đức, có trách nhiệm với cộng đồng. Họ không bao giờ quay mặt với một tai nạn để cho nạn nhân nằm chết trên đường lộ như ở Việt Nam ta.”
Bệnh hời hợt
Từ những thói xấu nhỏ đến những cái xấu lớn hơn. Nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn, một trong những người đầu tiên đi sâu nghiên cứu về thói hư tật xấu của người Việt, có rất nhiều bài viết về đề tài này. Từ sự nông nổi, thiếu sâu sắc trong tính cách của người Việt “Rằng chúng ta nông nổi nhẹ dạ. Ta dễ dãi chấp nhận của người mà không lo tìm lấy tư tưởng của mình.
Ta có ngay cách tháo gỡ mỗi khi gặp nước bí, nhưng lại rơi vào bế tắc trong những sứ mạng lớn”, hay “Cái gì cũng quan trọng”, “Không đói ăn vụng cũng túng làm càn”, “Thiếu một thói quen suy nghĩ chính xác”, “Những cung bậc của cái hèn”, “Thích ứng đến không còn là chính mình”v.v…
Riêng về sự thiếu sâu sắc, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn có hẳn một bài “Cái mà chúng ta thiếu nhất là sự sâu sắc”. Tác giả nhận xét các cuộc tranh luận về văn học nghệ thuật ở Việt Nam hầu hết là hời hợt “sở dĩ một thời gian dài chúng ta không có được những cuộc tranh luận có chất lượng trước tiên vì các ý kiến (kể cả người xướng lên ban đầu lẫn người phản bác lại) bản thân nó không mấy khi tránh khỏi tình trạng hời hợt, người viết thường không đặt được vấn đề đúng với tầm vóc nó có thể có, lại càng không tìm được cách lý giải có sức thuyết phục”.
Ông kết luận: “Cái mà chúng ta thiếu nhất là sự sâu sắc. Bởi ta không chịu phân tích và suy sét kỹ nên bất cứ vấn đề gì chúng ta cũng không biết được rõ ràng và chu đáo, biết một cách thấu suốt”.
Đồng tình với nhận định này, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc đặt vấn đề “Tại sao người Việt chúng ta lại thiếu sâu sắc trầm trọng và triền miên như vậy?
Trước hết, thế nào là “sâu sắc” trong tranh luận hay nhận định? Theo tôi, một ý kiến sâu sắc phải bao gồm ít nhất hai đặc điểm chính: một, có tính phân tích cao và hai, có độ khái quát hoá lớn.”
Theo tác giả, “khả năng phân tích là điều có thể được đào luyện. Một trong những mục đích chính của nền giáo dục hiện đại là nhằm rèn luyện khả năng phân tích,” nhưng giáo dục Việt Nam từ xưa tới nay lại rất ít khi chú trọng rèn luyện khả năng phân tích, còn khả năng khái quát hóa kém phần nào gắn với ngôn ngữ, mà theo nhiều nhà nghiên cứu, tiếng Việt vốn yếu trong việc diễn tả những khái niệm trừu tượng, lý luận hay triết lý xâu xa.
Thói bạo lực, sự dối trá
Bàn về tính cách người Việt, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn còn đưa ra nhiểu thói xấu tệ hại hơn. Nhân hiện tượng các nữ sinh mới ở tuồi cấp hai đã đánh nhau rồi quay thành video clip tung lên mạng làm xôn xao dư luận, ông cho rằng “Bạo lực có mầm mống trong xã hội Việt” , rằng “mầm mống bạo lực đã có mặt và ta đã chung sống với nó quá lâu - cái cách sống bạo lực ấy - mà ta không biết.”.
Từ những chuyện nhỏ như cách đi đường với thói quen chen lấn, xô đấy…cách sống cách xử với thiên nhiên, loài vật, với con người…Và ông kết luận: “Những việc như thế này tôi cho rằng sẽ còn tiếp tục có những biểu hiện mới, với những cấp độ rồi sẽ còn cao hơn. Nếu chúng ta không tính chuyện chữa trị lâu dài, và trước tiên là tìm về tận gốc để lý giải một cách khái quát, rồi thì sẽ còn lĩnh đủ.”
Nghĩa là thói xấu ấy không chỉ làm hại cho sự phát triển của văn hóa như bệnh hời hợt kể trên mà thực sự nguy hại cho xã hội. Một thói xấu khác cũng nguy hại không kém là sự giả dối. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo gọi đó là quốc nạn: “Hàng giả, bằng giả, chạy thành tích, chạy chức quyền, chạy dự án, chạy tội… đã thành quốc nạn. Trong tất cả những quốc nạn ấy đều bắt nguồn từ sự dối trá. Vậy là dối trá đã thành quốc nạn rồi chăng?
Trên đời, ai chẳng ít lần nói dối, nhưng nói dối đến khi thành quốc nạn thì thật kinh khủng.”
Nói dối mãi thành quen, thành tự nhiên, thành “mày phải”… nói dối. Không nói dối không thành gì cả, không được gì cả. Một xã hội ứng xử bằng nói dối là một xã hội đang đứng bên bờ vực thẳm hay đang rơi tự do xuống vực thẳm.” Cái tai hại của sự dối trá như nhà thơ đã vạch ra là nó bào mòn niềm tin, làm cho con người mất lòng tin và đó là một hậu quả khó chữa. Nhân ngày thế giới nói dối 1.4 nhà thơ kêu gọi:
“Tại sao thế giới có ngày nói dối – ngày cá tháng Tư? Là khi quanh năm nói thật mãi cũng nhàm, vậy thì dành 1 ngày nói dối cho hả, cho vui, cho cuộc đời cần nhớ rằng, 364 ngày khác không nên nói dối nữa.
Việt Nam ta chả lẽ cứ nói dối cả 365 ngày? Vậy có nên có 1 ngày nói thật cho Việt Nam? Ngày ấy có thể là ngày 2 tháng Tư, sau ngày nói dối quốc tế?”
Trào phúng về chuyện này, nhà văn Nguyễn Quang Lập viết tiếp bài “Hãy nói dối tốt hơn nữa”: “Nhờ có nói dối chúng ta có được hàng ngàn dự án bánh vẽ, giải thưởng ma, tiến sĩ giấy, công trình dổm. Nhờ có nói dối mà nhân dân tin tưởng, bạn bè quốc tế nể trọng, cho vay ngày càng nhiều đòi nợ ngày càng khó. Thử hỏi cứ nói thật làm thật thì chúng ta có bao nhiêu thắng lợi rực rỡ, bao nhiêu thành công lớn lao, bao nhiêu công trình vĩ đại. Và lấy đâu ra sự đồng thuận hả các đồng chí, lấy đâu ra? ...
Và : “Chúng ta không thể tồn tại nếu chúng ta không được nói dối, không biết nói dối. Nhân ngày lễ trọng đại này, tôi kêu gọi các đồng chí hãy phát huy tinh thần tiến công, chủ động sáng tạo, đánh bại mọi âm mưu thâm độc của bè lũ nói thật, đánh bại từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến lên dành thắng lợi hoàn toàn. Láu hơn nữa, trơ hơn nữa, lì lợm hơn nữa đó là khẩu hiệu nói dối của chúng ta.”
Những thói quen bạo lực, dối trá và nhiều cái xấu khác nữa đã làm hỏng tính cách người Việt, tạo ra một xã hội Việt Nam mà trong đó điều thiện, sự tử tế, trung thực dần dần trở thành hiếm hoi trong khi cái ác, sự không tử tế, thiếu trung thực thì tràn lan, phổ biến.
Trong mắt nhà báo tự do, blogger Lê Diễn Đức thì Việt Nam là cả một xã hội bị lưu manh hóa, khi không thiếu các tay xã hội đen, giang hồ hảo hớn lại được các ông quan trong ngành công an cũng như nhiều ông lớn “bảo kê” để khi cần thiết thì sử dụng, không thiếu những kẻ giàu nhanh là bởi làm ăn bất lương và biết chạy tiền, hối lộ còn người lương thiện, “giữ được nhân cách, dám nói lên tiếng nói phản kháng với chính quyền, không những chỉ bị bộ máy công an đàn áp, mà ngay cả người thân, bạn bè, hàng xóm cũng vô cảm, thậm chí cô lập, dè bỉu và lăng nhục” v.v…
Có những cái dở cái xấu là do truyền thống giáo dục, thậm chí do ngôn ngữ như nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc đã chỉ ra với bệnh thiếu sâu sắc, có những cái xấu là do cả một thể chế chính trị xã hội lâu ngày tạo ra cộng với trình độ sống còn thấp của cả một dân tộc mà theo nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn cần phải có sự nghiên cứu xã hội ở cả bề sâu và bề rộng, phải đặt vấn đề “chữa trị” lâu dài.
Nhưng dù sao khi một dân tộc bắt đầu nhìn ra những nhược điểm trong tính cách của dân tộc mình thì điều đó cũng có nghĩa là dân tộc đó sẽ biết tìm ra những “phương thuốc” cho chính mình để trở thành một dân tộc tiến bộ, có nhiều dặc điểm tốt đẹp, được các nước khác vị nể.
Nhật Hiên

Bài bình luận

<H5>Đuợc đấy!</H5> <P>Mọi việc có thể sẽ tốt hơn hoặc tồi đi,nghĩa là:</P> <P>Đuợc đấy!</P> <P>&nbsp;</P>

Nói chung là tác giả chẳng biết gì về lịch sử cả, kẻ quay lưng lại với chính dântộc mình thì ko bao giờ có quyền nói gì cả.<br>