You are here

Một nghị định phản nhân quyền

Lê Diễn Đức

Cùng với sự thông qua Hiến pháp sửa đổi vào ngày 28/11, tức Hiến pháp 2013, bản hiến pháp thể chế hoá cương lĩnh hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), một nghị định khác của Chính phủ được áp dụng từ ngày 15/01/2014.
 
Việt Nam có lẽ là quốc gia sản xuất các loại nghị định vô tội vạ nhất, cho dù rất thiếu thực tế và bất khả thi.
 
Điều 7, hành vi vi phạm trật tự công cộng , trong đó điểm "đ) Tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự", rất chung chung, mơ hồ. Khi triển hai thực hiệp thì "tụ tập hơn 5 người tại nơi công cộng để đưa kiến nghị đều phải xin phép"là một trong những ví dụ hết sức bất hợp lý của Nghị định 38/2005 vàNghị định 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ về việc tập hợp đông người.
 
Mặc dù cũng có cái gọi là quốc hội, cơ quan lập pháp, nhưng nghị định là thứ văn kiện dưới luật được chính phủ ban hành, mâu thuẫn và xung đột ngay với bộ luật khung Hiến pháp do chính họ tạo ra.
 
Điều 25 của Hiến pháp (HP) 2013 nêu rõ:
 
"Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".
 
Với các quyền biểu tình, tiếp cận thông tin, lập hội, ... quốc hội đã gian dối trì hoãn, không luật hoá chúng để đưa vào đời sống, trong khi đó lại cho ra các nghị định giới hạn và cấm đoán. Bộ luật khung, trở nên vô nghĩa!
 
Nghị định 174/2013/NĐ-CP áp dụng từ ngày 15/01/2014 là sự tiếp diễn của quy trình sản xuất này. Theo đó, các hành vi hành vi tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam và truyền bá tư tưởng phản động, nói xấu nhà nước trên mạng xã hội bị phạt từ 70 đến 100 triệu đồng.
 
Báo chí nước ngoài, ít đăng về Việt Nam như báo chí Ba lan cũng đưa tin này với những cái tít như "Nhà cầm quyền Viêt Nam dị ứng với việc nói xấu", "Phạt gần 5.000 USD cho việc phê phán chinh phủ", v.v...
 
TRước đó, vào ngày 15/07/2013 ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đã ký Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, công bố ngày 31/07 và có hiệu lực từ ngày 1/09/2013, trong đó quy định "những tài khoản được lập thông qua các mạng xã hội như Facebook sẽ chỉ được đăng thông tin của riêng cá nhân đó (...) Các trang cá nhân thì được phép đưa thông tin về những thứ của chính mình, không được dẫn thông tin tổng hợp, tức là không được trích dẫn thông tin từ các cơ quan báo chí hay các trang web của cơ quan nhà nước".
 
Trong bài "Nghị định bịt miệng xã hội" tôi đã viết:
 
"Nghị định 72/2013/NĐ-CP là một thứ văn bản ngớ ngẩn, nếu không phải là một hình thức bịt miệng toàn xã hội, tước đoạt những tiếng nói có thể cuối cùng".
 
Thế nhưng hàng loạt nghị định phản nhân quyền, tước đoạt thô bạo các quyền dân sự tối thiểu của công dân, cái nọ chồng lên cái kia, có vẻ vẫn chưa đủ cho bộ máy cai trị của nhà cầm quyền. Càng ngày càng thấy nhà cầm quyền lúng túng, hoảng loạn trong việc xiết chặt hơn đời sống chính trị của người dân trong hệ thống kiểm duyệt.
 
Không có một quốc gia bình thường nào áp đặt bộ máy cai trị lên đầu dân chúng rồi sau đó cứ mặc sức hoành hành, người dân chỉ biết cúi đầu cam chịu thân phận nô lệ, không có bất kỳ phản ứng nào.
 
Luật khung (HP 2013) Điều 4 chỉ rõ "Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình".
 
"Chịu sự giám sát" kiểu gì mà phê phán, chỉ trích và vạch ra những tệ hại, xấu xa trong quản lý, điều hành đất nước trên mạng xã hội thì bị phạt? Thế thì cái gọi là Hiến pháp dùng để làm gì? Tạo ra một bộ luật để cai trị dân mà lại đẻ ra cái nghị định phủ nhận nó? Có xã hội nào mà người dân không được nói tới cái xấu của nhà nước, không được chỉ trích các chính sách của chinh phủ và đảng cầm quyền? Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói “người lãnh đạo là đầy tớ trung thành của nhân dân”, “Đảng phải chịu trách nhiệm... từ những cái như tương, cà, mắm, muối, cái kim, sợi chỉ. Một người dân đói là Đảng phải chịu trách nhiệm”, đó sao? Vật giá gia tăng, đời sống khó khăn, y tế, giáo dục sa sút, thất nghiệp, phá sản, cướp giật thường xuyên diễn ra, dân không được kêu à?
 
Hơn thế, ngồi vào ghế thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, cho ra Nghị định này, ông Nguyễn Tấn Dũng không biết xấu hổ là gì ư?
 
Nói cho cùng, ra nghị định chỉ nhẳm mục đích đe doạ mà thôi, khó có khả năng thực hiện. Trên mạng xã hội, mà phổ biến nhất là facebook với khoảng 20 triệu người sử dụng, người ta vẫn chia sẻ thông tin, vẫn trích nguồn từ báo chí chính thống, vẫn vạch trần những trò mị dân, dối trá của nhà cầm quyền và bộ máy quan liêu, tham nhũng thối nát. Làm gì nhau? Chả lẽ đi soi mói và phạt tiền hàng triệu người? Nghị định 72/2013/NĐ-CP vì vậy đã khôg mang lại hiệu quả nào!
 
Sự phẫn nộ của người dân trước bất công và bất bình đẳng xã hội, trước các hiện tượng tham nhũng, rút ruột công trình của quan tham, khó có thể bịt kín và giấu giếm trong lòng. Nếu không có khả năng khác thì ít nhất dân chúng còn được quyền nói, được kêu, thậm chí chửi rủa. Trong đời sống hàng ngày, việc tự xử của người dân bất chấp luật pháp là thể hiện phản ứng trước một nhà nước mà pháp luật bị chà đạp.
 
Nghị định 174/2013/NĐ-CP, trong xu hướng này, cũng sẽ thế thôi, sẽ chẳng có tác dụng gì. Dân nói, dân bàn, dân kiểm tra là việc không thể cấm đoán, đe doạ, dù là nhà cầm quyền của bất cứ thể chế chính trị nào. Tự do ngôn luận là quyền tối quan trọng của con người.
 
© Lê Diễn Đức - RFA