You are here

Mọi chuyện rồi cũng xong.

Trong số các hồ sơ liên quan đến tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt nam đựơc đệ trình cho Uỷ ban Tom Lantos nhân cuộc điều trần hôm thứ ba 23 tháng ba vừa qua tại Quốc hội Hoa kỳ, có trường hợp bị bạo hành của ông Thor Halvorssen. Là một nhà sản xuất điện ảnh, đồng thời cũng là một nhà hoạt động nhân quyền, Ông là chủ tịch sáng lập và điều hành Sáng hội Nhân quyền có trụ sở tại New York.
Ông từng nghe rằng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất không được nhà nứơc công nhận và những sinh hoạt thừơng bị đàn áp. Ông cũng nghe rằng hoà thượng Thích Quảng Độ lãnh đạo giáo hội này là một nhà đấu tranh kiên cường cho nhân quyền và tự do tôn giáo, từng bị tù đầy nhiều năm và hiện vẫn đang còn bị quản chế, nhưng ông cũng đựơc biết qua những tuyên bố chính thức rằng Việt Nam là một quốc gia pháp trị, tôn trọng quyền con người và tích cực bảo vệ sinh mạng cũng như nhân phẩm của người dân.
Chính vì thế mà khi có dịp đến Việt Nam, ông liền đến Thanh Minh Thiền Viện ở thành phố Hồ Chí Minh thăm hoà thượng Thích Quảng Độ để tìm hiểu thực hư mọi chuyện ra sao. Và đây là lời ông kể lại với thông tín viên Ỷ Lan của Đài Á Châu Tự Do:
"Rõ ràng là những công an mặc thường phục thấy tôi đi vào Thiền viện. Nên sau cuộc viếng thăm, mới bước ra, bốn người công an liền áp đến tôi. Một trong bọn họ đánh thúc vào lưng tôi. Cả bốn tên cùng la hét tại sao tôi vào chùa, tôi đến chùa làm gì! Rồi họ dẫn tôi về đồn công an, ở đây tôi bị một sĩ quan năm sao thẩm vấn và giam giữ trong một tiếng rưỡi đồng hồ. Sau đó họ để cho tôi ra về vì tôi nói thẳng với họ rằng không thả tôi ra họ sẽ gặp khó chứ tôi chẳng bị khó khăn gì đâu. Thật là một kinh nghiệm hãi hùng. Tôi phải nói rằng tôi quá vui sướng khi thoát khỏi Sài gòn."http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/NY-human-rights-activist-got-beat...
Thật ra thì chuyện một người nứơc ngoài bị công an thượng cẳng chân hạ cẳng tay ngay trứơc dĩ mục quan chiêm không phải là chuyện mới. Hồi tháng chín năm 2008, trửơng văn phòng tại Hà nội của hãng thông tấn AP là Ben Stocking từng bị đánh khi tác nghiệp tại khu vực toà Khâm sứ. Phía nhà nước mới đầu nói là chuyện ấy không có, nhưng sau thì giữ im lặng khi AP công bố tấm hình Ben Stocking chảy máu ở gáy và mang tai vì bị đánh bằng chính cái máy ảnh của anh. Mọi chuyện rồi cũng êm, vì cả hai bên đều không muốn làm lớn chuyện. Cũng năm ấy, giáo dân Thái Hà đã bị một số côn đồ được gọi là “quần chúng tự phát” hành hung thoải mái để đuổi “ai về nhà nấy.” Một số giáo dân bị đánh đập và một số khác bị bắt, bị đưa ra toà về tội phá rối trị an, nhưng không thấy ai trong số “quần chúng tự phát” ấy bị phạt gì cả. Mọi chuyện rồi cũng xong.
Qua năm sau thì “quần chúng tự phát” lại tấn công 300 tăng sinh và ni sinh của tu viện Bát Nhã bằng cả vũ khí thô sơ lẫn ngôn ngữ thô tục để hoàn tất tiến trình đuổi họ ra khỏi nơi mà họ đang tu hành, mà về mặt pháp lý chính thức còn nhiều uẩn khúc chưa giải quyết được. Dư luận quốc tế ồn ào lên, nhưng mọi chuyện rồi cũng xong.
Tuần trước, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, một ngừơi đấu tranh ôn hoà nhưng rất kiên cường cho tự do dân chủ và nhân quyền bị một nhóm ngừơi tự xưng là cựu chiến binh đến nhà hăm doạ, cấm ông viết bài bày tỏ quan điểm. Ông kể với ký giả Quỳnh Như của đài Á Châu Tự Do như sau:"Tôi thấy có một vài người lạ vào trong cửa nhà tôi rồi một số người đó có gọi tên tôi và giới thiệu là các người đấy là hội viên cựu chiến binh và muốn gặp tôi để nói chuyện, thì tôi mời hai ba người đó vào nhưng khi hai ba người đó vào xong thì chỉ trong vài giây thôi rất nhiều người khác ùa vào và rất lộn xộn. Vào trong nhà thì có rất nhiều người mà bộ dạng có thể nói là mô tả dáng vẻ bên ngoài không được hiền lành lắm. Họ đi luôn vào trong nhà với thái độ rất là hung dữ.
Và sau đó một anh trung niên, anh ta lên tiếng luôn. Anh ta nói rằng là “Chúng tôi là cựu chiến binh trên chiến trường Tây Nguyên xưa, hôm nay vào đây hỏi anh vì anh có những bài viết trên mạng”. Họ nói là tôi nói xấu đảng, nói xấu bác Hồ, phủ nhận công lao hy sinh xương máu của những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh này. Thì tôi cũng bình tĩnh nói chuyện với họ nhưng mà nói chung những lời nói của mình hầu như bị họ át đi. Và nhất là có 3 người rất là dữ dằn, họ luôn luôn có động thái xỉa xói một cách rất dung tục, có những hành động mang tính chất hăm dọa, bạo lực."http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Interview-dr-Pham-hong-son-an-act...
Thật ra thì bác sĩ Phạm Hồng Sơn vẫn còn may mắn hơn nhiều người đấu tranh cho dân chủ có phát biểu khác, khác thôi, với quan điểm của nhà nứơc. Lúc còn sinh tỉền, gia đình ông Hoàng Minh Chính từng bị những người tự xưng là cựu chiến binh này đến la hét chửi mắng, vứt đồ dơ vào cửa mà cũng chẳng ai làm sao cả. Gần hơn, thì nhà văn Trần Khài Thanh Thuỷ và chồng chẳng những bị hành hung, mà còn phải ra toà lãnh án tù vì đã … hành hung người khác. Mọi chuyện rồi cũng xong.
Chỉ có một thắc mắc nhỏ: Tại sao nắm toàn quyền trong tay, có đủ cả luật pháp lẫn lực lượng với những phượng tiện gần như vô tận, mà lại còn phải sử dụng thêm những phương cách thô bạo và vô đạo như thế?
Nguyễn An