You are here

Na Uy-một chính phủ mới, với nữ Thủ tướng mới

Ảnh của songchi


Bà Erna Solberg, nữ Thủ tướng mới của Na Uy. 
Song Chi.
Cuộc bầu cử Quốc hội nhằm bầu ra chính phủ mới ở Na Uy vừa kết thúc ngày 9.9. Ở Na Uy cứ 4 năm lại tiến hành bầu cử Quốc hội một lần. Và xen kẽ từng hai năm một giữa 4 năm đó là cuộc bầu cử địa phương để bầu đại diện cho các thành phố, quận hạt, cũng 4 năm một lần.
Kết quả, Thủ tướng đương nhiệm Jens Stoltenberg, lãnh đạo đảng Lao Động (The Labour Party, tiếng Na Uy: Arbeiderpartiet), đã phải rút lui và bà Erna Solberg, lãnh đạo đảng Bảo thủ (Conservative Party, tiếng Na Uy: Høyre) sẽ lên thay.
Trong lịch sử chính trị của đất nước Na Uy thì đây là lần thứ hai một người phụ nữ lên làm Thủ tướng. Người thứ nhất là bà Gro Harlem Brundtland của đảng Lao Động, một khuôn mặt chính khách nổi bật của Na Uy.
Bà Gro Harlem Brundtland là một tiến sĩ, bác sĩ, chính trị gia, một nhà ngoại giao và hiện là nhà lãnh đạo quốc tế trong lĩnh vực phát triển bền vững và sức khỏe cộng đồng. Bà từng giữ chức vụ Thủ tướng Na Uy trong 3 nhiệm kỳ: từ tháng Tư-tháng Mười năm 1981, nhiệm kỳ 1986–1989, và 1990–1996, từng là Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới của Liên Hiệp Quốc (UN World Health Organization), và hiện là phái viên đặc biệt về biến đổi khí hậu cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon. Bà Gro Harlem Brundtland sinh ở Oslo.
Còn bà Erna Solberg sinh ở Bergen, Thạc sĩ chuyên ngành xã hội học, khoa học chính trị, thống kê và kinh tế tại Đại học Bergen. Như nhiều chính khách khác của Na Uy, bà Erna Solberg tham gia chính trị khá sớm, từ khi còn là sinh viên. Có hai điều mà người ta thường đề cập khi nhắc đến bà Erna Solberg, một là chứng khó đọc (dyslexia) mà bà mắc phải khi đi học và phải nỗ lực hết sức để vượt qua, và cái biệt danh mà báo chí đặt cho bà: "Iron Erna" (Erna Thép).
Như các nước đa nguyên đa đảng khác, ở Na Uy có nhiều đảng chính trị khác nhau nhưng có 8 đảng được xem là mạnh nhất, tính từ cực tả sang cựu hữu như sau: đảng Đỏ (the Red Paty, tiếng Na Uy: Rødt), đảng Xã hội Chủ nghĩa cánh tả (The Socialist Left Party, tiếng Na Uy: Sosialistisk Venstreparti) viết tắt là SV, đảng Lao Động (The Labour Party, tiếng Na Uy: Arbeiderpartiet), viết tắt là Ap, Trung đảng (The Centre Party, tiếng Na Uy: Senterpartiet), viết tắt là Sp, đảng Tự do (The Liberal Party, tiếng Na Uy: Venstre), viết tắt là V, đảng Dân chủ Cơ đốc (The Christian Democratic Party, tiếng Na Uy: Kristelig Folkeparti), viết tắt là KrF, đảng Bảo thủ (Conservative Party, tiếng Na Uy: Høyre), đảng Cấp tiến (The Progress Party, tiếng Na Uy: Fremskrittspartiet), viết tắt là FrP.
Trong số các đảng trên, đảng Lao Động (Arbeiderpartiet) và đảng Bảo thủ (Høyre) là lớn mạnh nhất. Đảng Lao Động với lý tưởng xã hội dân chủ, công bằng cho tất cả mọi người, y tế và giáo dục miễn phí cho tất cả, với mô hình một nhà nước phúc lợi xã hội mạnh mẽ, được hỗ trợ thông qua việc đánh thuế cao...có những giai đoạn gần như chiếm đa số ghế trong Quốc hội Na Uy, thống trị suốt trong những năm 60 và đầu 70.
Nhưng từ cuối những năm 70, Đảng Lao Động bắt đầu chịu sự cạnh tranh của các đảng phái khác, và có lúc phải chấp nhận thỏa thuận hợp tác với các đảng khác để thành lập chính phủ đa số. Trong 8 năm cầm quyền của 2 nhiệm kỳ 2005-2009 và 2009-2013, chính phủ của Thủ tướng Jens Stoltenberg được gọi là chính phủ Liên minh Đỏ-Xanh lá cây (The Red-Green Coalition) tức là Liên minh trung-tả (centre-left coalition) bao gồm đảng Lao Động (Ap), với màu đỏ là màu đặc trưng, Đảng Xã hội chủ nghĩa cánh tả (SV) với hai màu xanh lá cây-đỏ và Trung đảng (Sp) màu xanh lá xây.
Cuộc bầu cử Quốc hội ở Na Uy thường được tổ chức vào ngày Thứ Hai của tuần lễ thứ hai hoặc thứ ba trong tháng Chín. Trong cuộc bầu cử lần này, ngày Thứ Hai 9 tháng Chín 2003, Liên minh Đỏ-Xanh lá cây của chính phủ đương nhiệm bao gồm các đảng Labour Party, Centre Party, Socialist Left Party đã thua Liên minh Trung-Hữu bao gồm các đảng đối lập Conservative Party, Progress Party, Christian Democratic Party, Liberal Party.
Các đảng này chiếm tổng cộng 96 trên tổng số 169 ghế của Quốc hội, trong đó Đảng Bảo thủ đạt 26.8% số phiếu bầu, chiếm 48 ghế, và do đó, bà Erna Solberg lãnh đạo của đảng này sẽ lên làm Thủ tướng thay ông Jens Stoltenberg kể từ ngày 4 tháng Mười, 2013. Nhưng đảng Lao Động vẫn là đảng lớn nhất trong Quốc hội với 30.8% số phiếu bầu phổ thông, chiếm 55 ghế. Đảng có số phiếu bầu lớn thứ ba là đảng Cấp tiến (The Progress Party, Fremskrittspartiet), 16.3%, 29 ghế.
Như vậy kết quả bầu cử lần này đã cho thấy một sự dịch chuyển từ trung-tả sang trung-hữu trong sự chọn lựa của đa số dân chúng.
Như đã nói ở trên, trong nhiều năm dài đảng Lao Động thường hay chiếm được số phiếu bầu lớn nhất. Trong một xã hội mà sự công bằng xã hội, y tế và giáo dục miễn phí cho tất cả mọi người luôn luôn được coi trọng thì những khẩu hiệu cho đến chính sách của các đảng cánh tả có vẻ phù hợp với đại đa số người dân. Với dân Na Uy đã đành, với dân nhập cư càng thế, nhất là những nhóm dân đến từ các nước Hồi giáo Trung Đông, Nam Á và Bắc Phi, tức là từ những quốc gia không hề có phúc lợi xã hội và vẫn còn tồn tại những khoảng cách lớn về sự công bằng trong xã hội, kể cả công bằng về giới tính.
Một lý do khác khiến dân nhập cư thường hay thích bầu cho Đảng Lao Động vì một số lượng không nhỏ vẫn còn sống nhờ vào trợ cấp xã hội.
Nhưng điều đó không hẳn đã đúng với dân Việt. Người viết bài không có điều kiện để tìm hiểu xem dân nhập cư đến từ các nước Đông Á hoặc Đông Nam Á khác thường có khuynh hướng bầu cho đảng nào, nhưng với người VN, thì số người đi bầu cho Høyre thường nhỉnh hơn bầu cho Arbeider.
Có phải vì người VN, đến từ một nước do đảng cộng sản lãnh đạo, có phần nào dị ứng với tất cả các đảng phái khuynh tả, với những lý tưởng chủ nghĩa xã hội cho dù nó không giống với cái "khái niệm chủ nghĩa xã hội lẫn thực trạng xã hội chủ nghĩa giả cầy, méo mó" ở VN? Có phải vì người VN, dù vẫn là dân nhập cư, nhưng số lượng ăn bám vào trợ cấp xã hội không nhiều mà lại thường tự lực cánh sinh, được đánh giá là một cộng đồng chăm chỉ, siêng năng, lo làm ăn, nên không thích chính sách đánh thuế quá cao của đảng Lao Động cũng như mong muốn có nhiều cơ hội cho thành phần kinh tế tư nhân hơn?
Nhưng nếu điểm đáng khen của cộng đồng người Việt ở đây là sự chí thú làm ăn, số người làm những việc bậy bạ gieo tiếng xấu cho đồng hương như trồng cỏ, buôn thuốc phiện, trộm cắp vặt…chưa nhiều, thì nhược điểm của người Việt lại là ít quan tâm đến chính trị-không chỉ chính trị ở quê nhà VN mà kể cả nền chính trị của quốc gia nơi mình đang sinh sống. Do ít quan tâm nên số người Việt không chịu đi bầu cử cũng chiếm một tỷ lệ không phải là ít.
Riêng đối với dân bản xứ, người Na Uy, sự chuyển dịch từ tả sang hữu trong cuộc bầu cử lần này còn cho thấy những khía cạnh khác.
Người ta không bầu cho Thủ tướng Jens Stoltenberg và đảng của ông, có một phần vì ông đã ngồi khá lâu, phần vì đã đến lúc cần phải xem lại những chính sách của Đảng Lao Động với vai trò quá lớn của nhà nước trong kinh tế làm giảm đi tính cạnh tranh trong xã hội, hoặc vấn đề thuế quá cao và gánh nặng chi tiêu công... Và còn vì người dân muốn một sự thay đổi. Nói như bà Erna Solberg trong lời phát biểu cảm ơn cử tri về chiến thắng lịch sử này:
"Người đi bầu có sự chọn lựa giữa 12 năm của một chính phủ đỏ-xanh lá cây và một chính phủ mới với những ý tưởng mới và giải pháp mới”. ("The voters had the choice between 12 years of red-green government or a new government with new ideas and new solutions," she said. Trích từ "Iron Erna' coalition to run Norway”, independent.ie).
Đảng Høyre của bà Erna Solberg hứa hẹn sẽ cắt giảm thuế, mở rộng thành phần kinh tế tư nhân, cạnh tranh nhiều hơn, cho phép xây thêm bệnh viện tư, trường học tư, tập trung nhiều hơn vào giáo dục, tăng chất lượng giáo dục để đào tạo con người giỏi hơn…
Bên cạnh đó, điều mà nhiều người có thể sẽ không thích thú lắm là viễn cảnh một chính phủ liên minh giữa đảng Høyre của bà Erna Solberg với đảng cực hữu Fremkrittspartiet của bà Siv Jensen. Đặc biệt là quan điểm của bà Siv Jensen về dân nhập cư nói chung và Hồi giáo nói riêng.
Bà Siv Jensen là một người không thích chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít và tư tưởng Hồi giáo cực đoan, ngưỡng mộ Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, nhiệt tình ủng hộ Israel. Bà Siv Jensen đã từng lên tiếng cảnh báo về sự xâm nhập từ từ của tư tưởng, văn hóa Hồi giáo vào xã hội Na Uy.
Người ta còn nhớ Anders Behring Breivik, kẻ đã gây ra vụ khủng bố kép làm rúng động xã hội Na Uy và cả thế giới vào ngày 22 tháng Bảy, 2011 làm chết 77 người trong đó phần lớn là thanh thiếu niên, từng là thành viên của đảng Fremskrittspartiet từ năm 1999, nhưng tự rút ra khỏi đảng vào năm 2007 sau khi quan điểm của y trở nên cực đoan hơn.
Sẽ có cơ sở để cho dân nhập cư lo ngại rằng trong nhiệm kỳ tới của nữ Thủ tướng Erna Solberg, những chính sách về nhập cư, về phúc lợi xã hội sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
Nhưng thật ra trong một xã hội dân chủ tam quyền phân lập, một chính phủ cầm quyền không phải muốn làm gì thì làm, muốn thay đổi thế nào thì đổi, mọi việc còn phải thông qua Quốc hội và đảng Lao Động thì vẫn chiếm nhiều ghế tại đây. Cái hay của xã hội dân chủ là vậy, các đảng cứ việc tranh cử, người dân sẽ đi bầu, chọn lựa theo ý mà họ cho là phù hợp nhất với mong muốn của họ. Theo thời gian nếu người dân cho là chính phủ làm việc chưa hiệu quả, hoặc cần một sự thay đổi, thì họ lại bầu cho đảng khác.
Chứ cứ một đảng ngồi hoài suốt mấy chục năm, đứng cao hơn cả quốc hội, cả luật pháp, lãnh đạo luôn cả truyền thông báo chí mà không chịu bất kỳ một sự chỉ trích nào của đảng đối lập thì cái đảng ấy không trở thành độc tài, sai lầm, thối nát, mới là chuyện lạ.