Lê Diễn Đức
Tổng thống BaLan Bronislaw Komorowski trong thứ Ba ngày 4/06/2013 sẽ công bố lấy năm 2014 để làm lễ kỷ niệm Năm Của Tự Do, chuẩn bị cho ngày hội lớn kỷ niệm 25 năm trong năm tới.
Đây là một mốc lịch sử quan trọng, ngày 4/06/1989, ngày có cuộc bầu cử bán tự do đầu tiên tại một quốc gia cộng sản - kết quả của Hội nghị bàn tròn giữa phe đối lập và chế độ cộng sản, khởi đầu cho sự phá sản toàn bộ hệ thống cộng sản tại châu Âu.
4/06/1989: Ngày bầu cử tự do
Sau 2 tháng đàm phán (từ 6/02 đến 5/04/1989) nhà cầm quyền cộng sản Ba Lan đã phải nhượng bộ, chấp nhận bầu tự do 1/3 số phiếu của Hạ viện (Quốc hội) và 100 ghế của Thượng viện.
Sự kiện này là thành quả của cuộc tranh đấu đòi cải cách chính trị và đời sống liên tục của nhân dân Ba Lan, với hàng ngàn người bị án tù giam; hàng trăm người bị bắn chết trong các cuộc biểu tình đình công; hàng triệu khác bị an ninh mật vụ theo dõi, khống chế; hàng trăm ngàn người phải bỏ nước ra đi...
Nhà cầm quyền cộng sản Ba Lan thực sự bị phong trào tranh đấu dồn vào chân tường: kinh tế kiệt quệ lại bị suy thoái hơn bởi các cuộc đình công, bãi công, không tìm ra lối thoát. Khát vọng thay đổi và tự do thôi thúc, những cuộc bểu tình nổ ra trên khắp đất nước càng làm tình hình thêm bất ổn, đàn áp bằng bạo lực chỉ đổ thêm dầu vào lửa.
Để tránh sự rủi ro, Đảng Cộng sản Ba Lan vẫn giữ 2/3 số ghế quốc hội và tin chắc rằng lực lượng đối lập khó mà đạt được kết quả mong muốn trong vòng một tháng vận động, khó có thể cạnh tranh được khi toàn bộ hệ thống thông tin, tuyên truyền bị kiểm soát bởi nhà nước. Nhưng tình hình đã bất ngờ và đảo ngược. Phe đối lập đã giành được tất cả các ghế của Hạ viện và 100 ghế của Thượng viện.
Kết quả bầu cử đã tạo ra điều kiện thiết lập một quốc hội đa nguyên, mang tính chuyển tiếp với công thức "Tổng thống của các anh, Thủ tướng của chúng tôi", hình thành một chính phủ với Thủ tướng T. Mazowiecki không cộng sản đầu tiên, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng nhất trong toàn bộ tiến trình chuyển hoá từ chế độ độc tài toàn trị qua chế độ dân chủ tự do.
Năm 1990, cuộc bầu cử Tổng thống dân chủ đầu tiên diễn ra với chiến thắng của lãnh đạo Công đoàn Đoàn Kết Lech Walesa. Tháng 1/1990 Đảng Cộng sản Ba Lan tổ chức đại hội và tuyên bố giải tán. Tháng 10/1991 cuộc bầu cử tự do quốc hội toàn phần đầu tiên sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, lực lượng đối lập đã giành chiến thắng toàn vẹn và chính phủ liên minh cánh hữu lên cầm quyền. Liên minh Cánh tả Dân chủ, tập hợp chủ yếu các thành viên của đảng cộng sản cũ, chiếm 12% (60 ghế) đứng thứ nhì. Đất nước Ba Lan mở ra một thời kỳ mới: xây dựng và phát triển dân chủ.
4/06/1989: Ngày thảm sát Thiên An Môn
Khi người dân Ba Lan hân hoan đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong ngày 4/06 thì một sự kiện cùng lúc đã xảy ra trên quảng trường Thiên An Môn. Vào đêm ngày 3 rạng ngày 4/06, cuộc biểu tình của một trăm ngàn sinh viên, học sinh đòi cải tổ chính trị và dân chủ đã bị quân đội Trung Quốc nghiền nát dưới xích sát xe tăng.
Cho đến ngày hôm nay vẫn còn nhiều sinh viên nằm tù. Con số người chết vẫn chưa được xác định cụ thể và có lẽ chẳng bao giờ chúng ta biết được. Theo nhiều nguồn tin thì khoảng 5 ngàn người chết, gấp đôi từng ấy bị thương và 2,5 ngàn án tử hình. Những người mẹ mất con vẫn bị cấm tụ họp, dù chỉ để làm lễ cầu nguyện chung. Thiên An Môn 1989 vẫn là đề tài cấm kỵ tại Trung Quốc. Tất cả các trang web nói về vụ thảm sát Thiên An môn đều bị phong toả, còn ý định nhắc tới nó có thể ngồi tù. Nơi duy nhất trên Hoa lục hàng năm dân chúng được đốt nến tưởng niệm là Hongkong.
Đã 24 năm trôi qua, sự kiện Thiên An Môn đang mờ nhạt dần khỏi trí nhớ trong các thế hệ Trung Quốc. Ở Trung Quốc bệnh mất trí nhớ được nhà nước tài trợ đang giành chiến thắng trong bộ nhớ của dân chúng. Những lỗ hổng lịch sử được lấp đầy những sự kiện tưởng tượng - nhà văn Trung Quốc Yan Lianke, hiện sống ở Bắc Kinh, viết trên "New York Times" tháng 5/2013:
"Cả thế giới đều nhớ kết thúc bi thảm của cuộc biểu tình của sinh viên ủng hộ dân chủ, diễn ra vào ngày 4 tháng 6 năm 1989 tại quảng trường Thiên An Môn. Nhưng trong một đất nước mà người ta tắm máu này, nó đã chết đi trong sự cổ vũ nhiệt tình để vinh danh sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc và sự phát triển có ý nghĩa chính trị của đất nước chúng tôi".
"Những gì khác người ta đã quên? Tất cả những gì đã xảy ra trong những năm gần đây: dịch AIDS gây ra là do buôn bán máu, vô số các vụ nổ ở các mỏ than hoạt động bất hợp pháp, về chế độ nô lệ hiện đại trong các lò gạch bất hợp pháp tại Trung Quốc, sản xuất sữa bột nhiễm độc hàng loạt, trứng và hải sản độc hại, dầu ăn từ nước thải sản xuất, các chất gây ung thư nhiễm trái cây và rau quả, phá thai bắt buộc đối với phụ nữ, tái định cư bắt buộc và phá hủy các tòa nhà, cư xử tai tiếng với người nộp đơn khiếu kiện... Danh sách này có vẻ là vô tận".
Vâng, người ta chỉ hướng dư luận tới một Trung Quốc hùng mạnh, về kinh tế GDP có khả năng đuổi và vượt Hoa Kỳ trong vài năm tới, đầu tư ngân sách cho quốc phòng đứng thứ nhì thế giới sau Hoa Kỳ, một cường quốc hung hăng gây hấn trên Biển Đông và tham vọng bành trướng trên toàn cầu.
4/06/2013: Quốc hội Ba Lan thăm Trung Quốc
Đoàn đại biểu quốc hội Ba Lan do bà Chủ tịch Ewa Kopacz dẫn đầu thăm Trung Quốc từ 3/6 đến 10/06 và trong ngày 4/06 sẽ có lễ đón đoàn tại sảnh đường Quốc hội Trung Quốc, nơi có thể nhìn ra quảng trường Thiên An Môn. Sự kiện đã gây tranh cãi tại Ba Lan. Hai đại biểu thuộc đảng đối lập PiS từ chối tham dự chuyến đi. Tổ chức nhân quyền Hensinki kêu gọi các chính trị gia suy tính, liệu có thể bỏ qua tiêu chuẩn đạo đức cho các hợp đồng thương mại?
Bảo vệ thời điểm thăm viếng, Thủ tướng Ba Lan và một số chính trị gia khác cho rằng đó là lịch ngoại giao được sắp đặt từ phía Trung Quốc, không có ý nghĩa gì, sự trùng hợp chỉ là ngẫu nhiên.
Maria Kruczowska, ký giả quen thuộc về chuyên đề Trung Quốc của nhật báo Gazeta Wyborcza viết:
"Vâng, thưa ngài Thủ tướng Chính phủ, thế giới kinh doanh với Trung Quốc. Tuy nhiên, các quốc gia trong thế giới văn minh cố gắng giữ ít nhất một vẻ ngoài nghiêm túc. David Cameron đã ký hợp đồng, nhưng gặp Đạt Lai Lạt Ma. Angela Merkel gần đây đã tiếp thủ tướng mới của Trung Quốc, nhưng tại Venice Biennale, nước Đức đã đại diện cho Ngải Vị Vị, một tù nhân ngay trong đất nước của mình.
Những người khác cũng làm tương tự. Và không ai đến Bắc Kinh vào ngày 4/06, chỉ có thể là Pakistan hay Nigeria. Liên minh Âu châu vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí được áp đặt sau vụ Thiên An Môn. Bây giờ chúng ta sẽ bỏ phiếu huỷ lệnh đó vì "những người bạn tốt Trung Quốc" nếu được yêu cầu?
Độc tài, nhưng cũng là Trung Quốc giàu có đặt phương Tây vào các tình huống không rõ ràng về mặt đạo đức. Sự thật là trên thế giới, nơi nào sức mạnh lớn lên luôn kèm theo mùi lưu huỳnh. Nhưng điều đó không có nghĩa là thế nào cũng được. Đặc biệt là chúng ta, với lịch sử của mình và tinh thần bảo vệ tự do, nguồn gốc của niềm tự hào và là hình ảnh của chúng ta trên thế giới".
Kết luận
Nhật báo Gazeta Wyborcza tiến hành thăm dò dư luận bằng câu hỏi: "Đoàn đại biểu quốc hội Ba Lan có kế hoạch thăm Trung Quốc vào ngày 4/06, ngày kỷ niệm vụ thảm sát Thiên An Môn. Bạn có nghĩ rằng đó là thời điểm thích hợp?".
Kết quả là:
- 55%: Vâng. Trong lịch sử Trung Quốc không thiếu những ngày buồn.
- 33%: Không. Các chính trị gia Ba Lan nên chọn một ngày khác để đến thăm.
- 12%: Nói chung là không nên đến vào ngày đó.
© 2013 Lê Diễn Đức - RFA Blog
Bài bình luận gần đây