You are here

Kết thúc mùa bóng Euro 2012 với những kỷ niệm vui, buồn

 Lê Diễn Đức
 
 
We Are The Champions!
 
Trong ngày 1/7 người Tây Ban Nha có thể tự hào và la lớn như thế! Họ có thể tạm quên khó khăn hiện tại của nền kinh tế và những thử thách phía trước để ăn mừng đội nhà đoạt Cúp Vô địch Euro 2012.
 
Chiến thắng 4:0 - tỷ số cao nhất trong lịch sử giải bóng đá Euro, trước đội Ý, đã nói lên tất cả, không cần lời bình luận nào thêm về một đội bóng tuyệt vời, ngay từ đầu giải đã chinh phục người xem. Ít ai tin vào tỷ số như thế trong trận chung kết, thậm chí nhiều người đặt cược phần thắng cho đội Ý. Đội tuyển Ý dù đã nỗ lực hết sức nhưng không sao ngăn chặn được các chàng trái xứ bò tót tung hoành ngang dọc suốt hai hiệp đấu.
 
Nhật báo thể thao Tây Ban Nha "As" Online ngay lập tức sau trận đấu đã chạy một cái tít đơn giản: Liên tiếp 3 lần đoạt danh hiệu vô địch. Đó là: Vô địch châu Âu năm 2008 và 2012, Vô địch Thế giới năm 2010.
 
Vào hôm thứ Hai, tại Madrid vua Juan Carlos I và gia đình đã chờ đợi những người chiến thắng trở về. Các cầu thủ bắt tay người thừa kế ngai vàng, hoàng tử Philip, Công chúa Laetitia và theo truyền thống miền Nam châu Âu họ hôn vào má con gái nhỏ của hoàng tử. - "Thật không dễ dàng nói chuyện với những nhà vô địch ba lần" - Vua Juan Carlos I nói và cảm ơn các cầu thủ đã mang lại niềm vui cho tất cả.
 
Trên chiếc xe buýt mui trần các cầu thủ đi qua những đường phố Madrid được trang trí rợp cờ để tới Quảng trường Cibeles, nơi những người hâm mộ bóng đá tập trung chào mừng hành công của Real Madrid và đội tuyển quốc gia (tên quảng trường có nguồn gốc từ Cybele - nữ thần của khả năng sinh sản và gặt hái kết quả). Hàng triệu người đứng dọc hai bên đường mặc áo đỏ - màu sắc của đội Tây Ban Nha và hô vang: "Viva Espana" và "Yo soy Espanol" (Tôi là người Tây Ban Nha).
 
Các tờ báo lớn nhất của Tây Ban Nha vào sáng thứ Hai ngày 2/7 chạy các tít trên trang nhất: "Đội tuyển của mơ ước", "Các nhà vô địch huyền thoại", "Tây Ban Nha đã làm thay đổi bóng đá", "Đội tuyển vĩnh cửu", "Độc nhất". Trận đấu cuối cùng của Tây Ban Nha trong giải Euro 2012 Euro đạt kỷ lục với 15,5 triệu khán giả theo dõi truyền hình.
 

Tấm hình chụp trái bóng của David Silva bay vào lưới của thủ môn Buffon vào phút thứ 14 miêu tả sinh động cái thua của đội tuyển Ý - Ảnh: Nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza
 
Bất ngờ lớn nhất
 
Niềm luyến tiếc và bất ngờ lớn nhất của Euro 2012 có lẽ dành đội tuyển Đức.
 
Trong mùa bóng đá Euro 2012 đội tuyển Đức đã được đặt vào ví trị hàng đầu trong số đội có thể lọt vào chung kết. Niềm tin này có cơ sở vững chắc, bởi vì với đội tuyển Đức đã từng đấu 17 trận chung kết của giải World Cup và ba lần đoạt chức vô địch. Trong giải World Cup gần đây nhất vào năm 2010 ở South Africa, huấn luyện viên Joachim Loew đã làm thế giới ngạc nhiên về sự tinh tế và khéo léo. Với các giải vô địch châu Âu, nước Đức được tham gia liên tục từ năm 1972.
 
Đội hình của Đức cho giải Euro 2012 có những ngôi sao đầy kinh nghiệm như Lukas Podolski, Miroslav Klose hay những đỉnh cao khác như Manuel Neuer, Bastian Schweinsteiger, Mario Gomez và Mesut Oezil.
 
Từ đầu giải cho đến khi gặp đội Ý để giành vị trí vào chung kết, đội tuyển Đức ào ạt qua mặt các đối thủ. Thế nhưng quả bóng tròn. Mọi thứ trên sân cỏ đã làm nhiều người hâm một bóng đá không chỉ một lần nhót tim và sững sờ.
 
Hai quả bóng tuyệt đẹp làm tung lưới đội tuyển Đức của Mario Balotelli đã loại bỏ giấc mơ vàng của các cầu thủ Đức, cùng với thất vọng của hàng triệu cổ động viên.
 
Có cả nước mắt trên sân vận động và trong những gia đình người Đức. Và, theo tôi biết, đặt cược vào đội Đức dường như là đa số, nên rất nhiều người Việt trong mùa cá độ này đã ngậm ngùi chia sẻ với người Đức "nỗi đau" chung!  
 
Ghi 2 bàn thắng, Mario Balotelli là người hùng của trận bán kết Euro 2012, đưa đội tuyển Ý vào chung kết gặp lại Tây Ban Nha. Thế nhưng nhiều người chưa biết đời tư của cầu thủ da đen 21 tuổi này và hình ảnh cảm động đã diễn ra sau trận đấu.
 
Khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu, Mario Balotelli đã chạy đến ôm người mẹ nuôi có mặt trên sân hôm đó và nói "những bàn thắng này dành cho mẹ". Hai người đều khóc vì vui sướng.
 
Mario Balotelli từng là đứa trẻ bất hạnh. Anh sinh ra ở Ý trong một gia đình người nhập cư từ Ghana. Gia đình tan vỡ và anh bị bố mẹ ruồng bỏ. Ông bà người Ý Silvia và Francesco Balotellich đã nuôi nấng anh. Ngoài Mario Balotelli, ông bà Silvia và Francesco còn có ba người con khác. Họ nhận Mario làm con nuôi theo yêu cầu của một bác sĩ của bệnh viện nơi cậu bé hai tuổi bị bỏ rơi.
 
"Họ đã cho tôi tất cả mọi thứ, đặc biệt là tình yêu và sự chăm sóc. Họ đã nuôi nấng tôi lớn lên với tất cả mọi sự hy sinh. Đây là cha mẹ thực sự của tôi, các anh và em gái thật sự của tôi" - Mario Balotelli viết trên trang web của mình về gia đình cha mẹ nuôi.
 
Cũng trong trận này, tất cả các cầu thủ của đội tuyển màu thiên thanh đã ra sân với vòng tang đen trên tay để tưởng nhớ một người lính Ý vừa tử trận tại Afghanistan. 
 
Dù thua đậm ở trẫn chung kết, nhưng chắc chắn đội tuyển Ý để lại cho mùa Euro 2012 những nét đẹp của thể thao cùng với tính nhân văn của nó trên sân cỏ.
 
Chiến thắng ngoài sân cỏ
 

Những tấm áp-phích trên đường phố Ba Lan trong giải Euro 2012 - Ảnh: Newsweek
 
Hai nuớc chủ nhà Ba Lan và Ukraine bị loại sớm. Họ thua trên sân cỏ là điều không có gì phải băn khoăn vì đẳng cấp kém nhiều đội mạnh khác. Nhưng cả hai nước đã chiến thắng ngoài sân cỏ và có quyền tự hào, hãnh diện trước cộng đồng quốc tế về khả năng tổ chức thành công một sự kiện thể thao quy mô toàn lục địa.
 
Dường như không có sự ẩu đả nào đáng kể giữa các cổ động viên trong thời gian Euro 2012 ngoại trừ vụ xung đột của một số cổ động viên Ba Lan và Nga trước trận Nga - Ba Lan trong ngày 12/6 tại thủ đô Warsaw. Sự việc đáng tiếc này diễn ra trong bối cảnh nhạy cảm về quá khứ lịch sử giữa dân tộc, đặc biệt là tội ác của chủ nghĩa Satlin, mà tôi đã phân tích trong bài "Euro 2012: Trận đấu Nga- Ba Lan, bóng đá và lịch sử" (trên RFA Blog).
 
Cũng nên nhắc lại rằng, trước giải Euro 2012 trong chương trình Panorama hàng tuần hãng BBC đã nói tới nạn bạo lực của cổ động viên hai nước chủ nhà, tình trạng bài xích Do Thái và tấn công vào học sinh châu Á ở Kharkiv. Cựu cầu thủ bóng đá Anh nổi tiếng Sol Campbell kêu gọi đồng hương không tham dự Euro 2012.
 
Trước đó, gia đình của các tuyển thủ da đen người Anh Walcott, Lescott và Oxlade-Chamberlain nói họ sẽ không qua Kiev và Donetsk, nơi đội Anh chơi ba trận đấu với Pháp, Thụy Điển và Ukraine, vì họ lo sợ nạn bạo lực và các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc.
 
Điều lo ngại của họ đã không đúng. Liên đoàn bóng đá Anh hôm 24/6 đã văn bản chính thức kiện hãng BBC đưa tin sai lệch, đã làm giảm bớt đáng kể cổ động viên người Anh qua ủng hộ đội nhà so với các nước khác.
Người Ba Lan cũng nổi giận. Trước khi vào trận chung kết Ý - Tây Ban Nha, một chiến dịch được phát động tại các lối vào khu vực Fan's Zone nơi có hàng chục ngàn cổ động viên đến vui chơi, xem các trận đấu trên màn hình cực lớn ở trung tâm ở thủ đô Warsaw. Mỗi người có thể nói với BBC và Campbell rằng, "You are wrong! Không ai từ  Ba Lan trở về trong quan tài". Những người tổ chức nói rằng, họ muốn gửi tới BBC và Campbell một quan tài chứa đầy những tấm thiệp phản đối.
 

Chiếc quan tài mà người Ba Lan sẽ gửi cho BBC và Campbell - Ảnh: TVN24
 
Trong cuộc họp báo ở Kiev của Liên đoàn Bóng đá Âu châu (UEFA ) ngày 30/6, Michel Platini, chủ tịch UEFA nói:
 
"Tôi có nhiều cảm xúc và hình ảnh. Ba Lan và Ukraine đã tổ chức một sự kiện tuyệt vời trong bầu không khí đặc biệt và sẽ được giữ mãi trong ký ức của chúng tôi. Tôi tự hào về Ucraine và Ba Lan. Ba Lan và Ukraine đã cho thấy sự nhiệt tình và các tiêu chuẩn cao cho việc tổ chức giải vô địch, một công việc khó khăn để đạt được đối với các nhà tổ chức khác của Euro".
 
Platini thừa nhận rằng bất chấp những nghi ngờ ban đầu về khả năng của Ukraine đăng cai tổ chức giải đấu, UEFA đã tin tưởng sự bảo đảm của nhà chức trách Ucraine và chủ tịch liên đoàn bóng đá Ukraine Hryhoriy Surkis. Ông lưu ý rằng trong trường hợp của Ba Lan thì không có sự nghi ngờ nào và mọi việc đã kết cục tốt hơn người ta tưởng rất nhiều.
 
Mặc dù đã có nhiều ý kiến tẩy chay Euro 2012 tại Ukraine vì lý do chính trị và vi phạm nhân quyền tại Ukraine, Platini cho biết ông chưa bao giờ nghĩ đến việc di chuyển phần đấu trên Ucraina chuyển qua Đức, còn nếu có thay đổi thì sẽ "xem xét thực hiện giải trong 8 thành phố Ba Lan nhưng chỉ trong trường hợp thật cần thiết".
 
Platini cũng cho biết trong giải Euro 2012 con số khách tham dự đạt kỷ lục với 1,3 triệu người và số người xem truyền hình rộng rãi trên khắp thế giới.
 
Được vinh danh về thái độ mẫu mực trong Euro 2012 là cổ động viên của đảo xanh Ireland. UEFA sẽ tặng họ phần thưởng đặc biệt do đích thân Michel Platini mang tới.
 
Đội tuyển của Irland thua tất cả các trận, chỉ ghi được một bàn thắng và để lọt lưới 9 bàn. Thế nhưng họ đã giành được chiến thắng từ các cổ động viên. Trong trận đấu với Italy ở Poznan, 20 nghìn người trong trang phục màu xanh lá cây đã tạo ra bầu không khí có thể nói sôi nổi nhất trong toàn giải vô địch. Và mặc dù thua trận họ vẫn vui chơi hết mình, hát vang bài "We love You" ở khắp nơi, cuồng nhiệt nhưng rất có văn hoá, để lại dấu ấn tình cảm sâu nặng trong lòng dân Ba Lan.
 
Tổng thống Ba Lan Komorowski và Tổng thống Ukraine Yanukovych đã cùng nhau xem trận đấu cuối cùng Tây Ban Nha-Ý của Euro 2012.
 
Cám ơn sự hợp tác thành công giữa hai quốc gia, Tổng thống Ba Lan nói rằng, với vai trò đồng tổ chức Euro 2012, Ukraine chứng tỏ luôn phấn đấu để hội nhập châu Âu và phương Tây, vì thế "với một trái tim chân thành, thân thiện" ông mong ước Ukraine đạt được nguyện vọng của mình.
 
Lời kết
 
Cuộc vui nào rồi cũng tới lúc kết thúc. Gần một tháng của giải Euro đã làm đảo lộn nếp sống bình thường của hàng triệu người trên thế giới. Những người Việt trong nước say mê bóng đá do chênh lệch thời gian đã nhiều đêm thức tới sáng. Chắc chắn nhiều bà vợ thở phào nhẹ nhõm khi sáng dậy không còn phải nhìn mặt chồng phờ phạc...
 
Kẻ thắng, người thua. Ngày hội thể thao ra đi để lại niềm vui và hạnh phúc, nhưng cũng để lại những nỗi buồn. Những người thưởng thức cuộc tranh đua với tinh thần thể thao và giải trí lành mạnh sẽ nhanh chóng và thanh thản quay lại với công việc thường nhật. Giới máu mê cá độ thì sẽ mất nhiều thời gian hơn để lấy lại cân bằng trước hân hoan chiến thắng hoặc bi kịch.
 
Thế nhưng nói gì thì thể thao cũng là một phần quan trọng của đời sống, là phương tiện tranh đua tài năng và nghệ thuật của con người. Những tay nghiền bóng đá có thể tạm nghỉ ngơi, để rồi rất nhanh thôi, hai năm nữa lại tiếp tục ầm vang với Wolrd Cup 2014 tại Brazil và 4 năm sau với Euro Cup 2016 tại Pháp...
 
Ngày 1-2/7/2012   
  
© Lê Diễn Đức - RFA Blog
 

Bài bình luận

Trước giải euro 2012 tại Balan và Ukr rất nhiều những lời cảnh bảo của các cựu quan chức an ninh về khả năng xảy ra khủng bố, đài BBC cũng lên tiếng báo động về hiện tượng phân biệt chủng tộc trên khán đài các sân vận động ở Balan (những ai hay theo dõi thường xuyên các trận thi đấu ở giải ngoại hạng Balan thì những hiện tượng đó là có nhưng ở những nhóm quá khích nhưng không phổ biến). Tất nhiên nói là ở Balan có tệ nạn phân biệt chủng tộc hoàn toàn là sai, bản chất người Balan không vậy...Nhưng nếu nhìn nhận từ khía cạnh khác các cảnh báo, tín hiệu kể cả từ BBC (1 trong những hãng thống tấn hàng đầu về uy tín, tính chuyên nghiệp - tôi còn đánh giá cao hơn cả CNN) lại là một cái tốt cho chính quyền và ban tổ chức giải để nâng cao cảnh giác và không để xảy ra bất kỳ một sự cố nào. Không nên cố chấp giận dữ gì BBC (khi giận dữ thường con người mất tính khách quan). Có một điều muốn nói bây giờ bóng đá đỉnh cao là tiền và chính trị, bóng đá là một thứ công cụ (công nghệ), 1 liều thuốc ru ngủ nhân dân quên đi những bất công, thối nát trong xã hội - Việt nam là ví dụ điển hình, dân thì rất đói, thiếu thốn đủ thứ nhưng trên tivi lại rất nhiều bóng đá từ các giải ngoại hạng cao cấp, mất bao nhiêu tiền phải trả đây? (ở Balan chỉ có những kênh trả tiền mới được xem). Rất mong là anh Đức sẽ có những bài viết đi sâu về lĩnh vực này mặc dù anh nhận xét cũng rất hay về bóng đá mặc dù không phải chuyên môn.