You are here

Chúng ta cũng đang vi phạm nhân quyền với nhau!

Ảnh của songchi

Song Chi.
Khi người dân sống trong một xã hội mà nhân quyền không được tôn trọng, lâu dần họ cũng bị “nhiễm”: hoặc bản thân mình bị chính quyền/người khác chà đạp, hoặc chính mình chà đạp lên quyền tự do, dân chủ, nhân phẩm, tinh thần và thể xác của người khác mà không ý thức về điều đó.
Có thể thấy điều này trong nhiều mối tương quan giữa con người với con người trong xã hội VN hiện nay.
Chẳng hạn, giữa cha mẹ vả con cái. Phần lớn phụ huynh ở VN ít nhiều đang vi phạm nhân quyền trong đối xử với con cái mà không biết. Bắt con phải đi học thêm từ khi chưa vào lớp một, đi học thêm suốt những năm học tiểu học, trung học, không có thời gian nghỉ ngơi giải trí, không có mùa hè, không có tuổi thơ, là vi phạm nhân quyền. Bắt con phải theo học những ngành đại học thời thượng như bác sĩ, kỹ sư, kinh tế…hoặc những ngành thật ra là ước mơ dang dở chưa thể thực hiện được của chính các bậc cha mẹ, trong khi đứa con không thích hoặc không phù hợp. La mắng con hoặc cá biệt, có những ông bố bà mẹ thường xuyên bạo hành với con, đánh đập con đến gây thương tích, hoặc trong lúc say rượu quật chết con…Có ông bố thua bạc gán luôn con vào sỏng bạc ở Campuchia mà báo chí đã đưa tin, có những bà mẹ không chỉ hành hạ con mà còn bán con sang ổ chứa ở Campuchia hoặc bắt con phải đi ăn xin kiếm tiền nuôi mình…
Hình như trong suy nghĩ của những kẻ làm cha mẹ như vậy, con cái là do họ sinh ra, họ nuôi thì họ có quyền kể cả đánh đập, hay gán nợ, bắt đi làm điếm nuôi cả nhà.
Giữa thầy cô đối với học sinh. Bình thường, quan hệ giữa thầy cô giáo với học sinh tiểu học, trung học ở VN vẫn chưa thật sự dân chủ, tôn trọng lẫn nhau mà chỉ có sự tôn trọng một chiều từ phía học sinh. Học sinh thường lắng nghe mà ít khi dám tranh cãi, có ý kiến khác với thầy cô kể cả khi thầy cô nhầm lẫn, sai sót. Nhưng khi vấn đề đạo đức trong môi trường giáo dục cũng bị xuống cấp cùng với đạo đức xã hội, có những giáo viên đối xử với học sinh không đúng với tinh thần của một người thầy, thậm chí rất thiếu tính sư phạm.
Có cô giáo khi trừng phạt học sinh đã nghĩ ra đủ chiêu kỳ lạ không giống ai như bắt học sinh liếm ghế, nuốt phấn, tự vả vào mặt mình, hoặc học sinh này vả vào mặt học sinh kia…Có cô giáo thóa mạ học sinh suốt 15 phút với những lời lẽ rất thiếu văn hóa như trường hợp một cô giáo ở trường Trần Phú, Hải Phòng tháng 9.2010 , bị học sinh quay được đưa lên mạng, một cô giáo khác của trường THPT Dân lập Hàng Hải (Hải Phòng) văng tục, mắng học trò cũng bị quay thành clip tháng 12.2010, cô giáo đánh học sinh dã man ở xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế tháng 12.2011, thầy giáo đánh học sinh gây thương tích ở trường trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (phường B’Lao), Lâm Đồng, tháng 5.2010…. Và mới đây là vụ một cô giáo bắt học sinh chép phạt, lăng mạ đến nỗi học sinh bức xúc nhảy lầu tự tử ngày 7.1.2012 tại Trường THPT Đông Quan, huyện Đông Hưng, Thái Bình! Trước đó, ngày 28.3 tại trường THCS Thịnh Quang (Hà Nội) cũng đã từng có một học sinh nhảy lầu tự tử vì bị cô giáo mắng nhưng may mắn không bị thương tích trầm trọng!
Giữa vợ chồng với nhau cũng không thiếu trường hợp đối xử tàn tệ. Coi vợ hoặc chồng như là món sở hữu riêng của mình, có quyền bạo hành về tinh thần, thể chất, kể cả bạo hành về tình dục.
Giữa người chủ với người đi làm thuê mà đỉnh điểm có những vụ bạo hành như ở thời Trung Cổ-vụ hai vợ chồng một chủ tiệm phở ở Hà Nội hành hạ em Nguyễn Thị Bình suốt hơn 10 năm trời bị đưa ra xét xử năm 2008, vợ chồng một chủ trại tôm giống ở Cà Mau hành hạ dã man em Nguyễn Hào Anh bị đưa ra xét xử năm 2010, mới đây là vụ bà chủ một quán karaoke ở Vũng Tàu đánh, bắt xăm hình quái thú lên mặt và ngực người giúp việc, bà chủ nhà ở Hà Nội bạo hành với người giúp việc gần 60 tuổi, đánh đập, bắt ăn ớt, ăn phân, xối nước nóng vào người…
Có những người ở VN cho đến giờ phút này vẫn có cái suy nghĩ rất sai về mối quan hệ giữa người chủ lao động vả người lao động, coi người lao động đi làm thuê như đầy tớ, người chủ đã bỏ tiền ra là muốn đối xử với người làm thế nào cũng được. Không chỉ với người giúp việc trong nhà mà ở một số công ty, công xưởng, trong một số công việc lao động tay chân khác, mối quan hệ giữa người giám đốc, người có vị trí cao hơn với người lao động, người có vị trí thấp cũng không được công bằng. Trong khi ở các nước tự do dân chủ, họ quan niệm rõ ràng rằng xã hội có sự phân công lao động khác nhau, mỗi người một việc, nhưng về khía cạnh con người là hoàn toàn bình đẳng với nhau, không ai có quyền coi thường, xúc phạm ai.
Sự vi phạm nhân quyền đối với người khác có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, trong nhiều mối quan hệ khác nhau, cái chính là do nhiều người Việt chúng ta vẫn chưa thật sự hiểu được mình hay người khác làm như vậy là đang vi phạm nhân quyền.
Còn mối quan hệ giữa nhà nước/chính quyền với nhân dân ở nước này thì quá tệ. Trong các bản báo cáo thường xuyên của các tổ chức Nhân quyền Quốc tế về những quốc gia có thành tích tệ hại về nhân quyền, VN luôn luôn có mặt. Mặc dù bao giờ nhà nước VN cũng lên tiếng bác bỏ và cho rằng các nước có cái nhìn thiếu khách quan, không chính xác về tình trạng nhân quyền ở VN, rằng ở VN quyền con người luôn luôn được tôn trọng, được nhà nước và luật pháp VN bảo vệ.
Có ông như Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, thời còn tại chức là Thứ trưởng Bộ Công an còn viết cả bài dài về “Hãy hiểu đúng về Nhân quyền VN”, để lý giải:“Vậy, thực chất vấn đề nhân quyền ở Việt Nam là như thế nào? Nhân quyền ở Việt Nam khác với nhân quyền phương Tây ở điểm gì? Và phải hiểu nhân quyền ở Việt Nam như thế nào cho đúng?”. Theo ông Hưởng thì: “Đảng và Nhà nước ta phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam công bằng, dân chủ, văn minh và mọi người dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành… Nhân quyền ở Việt Nam là như vậy!”. Ông Hưởng còn huênh hoang: “Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã tập trung sức lực của cải, tiền bạc bằng những chế độ chính sách cụ thể lo cơm ăn, áo mặc, nhà ở, trường học, bệnh viện, đầu tư trang bị cho mọi nhu cầu đời sống văn minh ti vi, rađiô, sách báo… tạo điều kiện cho bà con hòa nhập với cuộc sống cộng đồng quốc gia và quốc tế. Có lẽ trên thế giới chưa có chính phủ nào làm được việc này. Cách mạng là thế đấy.”!
Không thể kể hết những sự chà đạp lên nhân quyền một cách trắng trợn của nhà nước VN đối với nhân dân. Chỉ cần vào google search “Tình trạng vi phạm nhân quyền ở VN” là sẽ thấy. Trong khi đúng ra, chính nhân dân mới là người có quyền lựa chọn những người lãnh đạo bộ máy nhà nước thông qua lá phiếu bầu cử tự do, chính nhân dân còng lưng nuôi họ, nuôi bộ máy chính quyền bằng đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của mình, chính nhân dân mới có quyền mời hoặc tống khứ họ đi nếu họ làm không được việc.
Trong một xã hội mà hai chữ nhân quyền đã bị hiểu lệch lạc và chưa bao giờ được nhà nước này tôn trọng và thực thi với nhân dân, thì có gì lạ khi người dân cũng vi phạm nhân quyền với nhau?
Khi mô hình thể chế chính trị thay đổi, những giá trị tự do dân chủ nhân quyền sẽ được đặt lên hàng đầu và được pháp luật cũng như người dân giám sát chặt chẽ, lúc ấy, không chỉ mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân mà trong mọi mối quan hệ giữa con người với con người, chúng ta sẽ phải học lại từ đầu để thay đổi cách ứng xử với nhau.

Bài bình luận

Mái trường XHCN không dạy con người ta thành người tử tế. Thực tế cuộc sống dạy con người ta ích kỷ láu cá

Cám ơn chị Song Chi đã viết bài vi phạm nhân quyền dưới chế độ XHCN VN để đánh động sự sự chú ý của mọi người VN trên toàn thế giới. Mặc dù đại đa số người VN đều biết vấn đề vi phạm nhân quyền ở VN, nhưng không nhiều người lại chú ý đến vấn đề này trong những lĩnh vực khác của xã hội như trong nhà trường giữa ban lãnh đạo nhà trường và giáo viên, hay giữa giáo viên và học sinh, trong gia đình giữa vợ và chồng, giữa bố mẹ và con cái, trong công việc giúp việc giữa người chủ và người làm thuê vv... Nếu chọn một lĩnh vực để tìm hiểu một cách chi tiếc, người đọc có thể tìm thấy rất nhiều vấn đề và có thể ghi lại trên nhiều trang giấy. Còn về lời phát biểu của ông tướng Hưởng, nếu chỉ xét về cái gọi là "công bằng xã hội" dưới XHCN VN thì chắc ông đang giải thích lý do vì sao mấy ông lãnh đạo VN cao nhất nước từ trong quá khứ đến hiện tại có lý lịch, trình độ học vấn cao như thế nào. Còn những người có trình độ thực sự, những nhà trí thức thực sự thì ngồi ở địa vị nào trong xã hội. Trong số những trí thức đó, một số đã hoặc đang ngồi trong nhà tù. Và cái "cơ chế chọn ra người tài đức để lãnh đạo đất nước" đã nói lên được nhiều điều về cái "công bằng XHCN VN". À mà quên nói đến một số cán bộ có bằng tiến sĩ gì đó và đang nắm những chức vụ quan trọng gì đó thì sao? Có nên kiểm tra lại bằng cấp không?

Tat ca Can Bo...ke ca can bo cap cao tai VN deu chang co trinh do hieu biet va Bang cap ty nao ca....Tat ca chi biet Mac.Lenin va Ho chi Minh....tat ca deu cho Chu Nghia Cong San...Quy vi hay nhin KHOI DONG Au..KHOI LIEN XO.,,.....la Bac Thay cua quy vi....bay gio ra sao....De nghi may ong Can Bo Cap Cao o vn neu muon dua con di Du Hoc thi nen dua con minh sang Lien Xo...Trung Quoc hay Bac Trieu Tien de Du hoc..ok?Dung dua con cai minh sang MY lam gi...Vi ngya xua may ong Can Bo phai hien than minh de Danh cho MY cut ..day cho nguy nhao... luon luon co tu tuong De Quoc My Xam Luoc...De nghi truoc khi dua con di Du Hoc sang MY..Nen ra Ha noi thap Huong vai vai 1000000..vai truoc lang MO Ho CHi Minh va xin Xam xem ong HO GIA co Dong Y khong da....ok??Mot lu dan don ..ngay xua chi biet Giu Trau..that hoc moi chay Vo BUNG de theo chu nghi Mac Xit....hehheeheheh

Cám ơn tác giả đã diễn tả rất chi tiết cái khó chỉ ra, vì "Nói người chẳng nghĩ đến ta, Thử sờ lên trán xem xa hay gần."

Chúng ta ai cũng vi phạm nhân quyền trừ phi chúng ta là người ăn chay trường , trước khi nói người khác vi phạm nhân quyền haỉ xem lại bản thân đi http://www.youtube.com/watch?v=FHA4HNbmDLg

Khi con nguoi mat di ban chat lam nguoi thi that la nguy hiem cho xa hoi va dan loai. Dieu do cung giong nhu la vuon nguoi trong thoi nguyen thuy. Ho khong co con tim de rung dong cho le phai. the thi dao duc la ngon tu hoan toan xa la doi voi ho.

Chị Song chi thân mến, Cảm ơn chị cho bài viết này. Tuy nhiên tôi cho rằng,nếu như tình trạng " vi phạm nhân quyền đã đi vào máu óc "của người dân như chị viết"lâu dần họ cũng bị nhiễm” thì việc thay đổi thể chế chính trị rồi thiết lập một xã hội sẽ " miễn nhiễm "cho người dân với tình trạng "nhân quyền" được tôn trọng như các nước Phương Tây không hề đơn giản mà ..đôi khi còn hết sức khó khăn. Ý chị viết "...ng khi đúng ra, chính nhân dân mới là người có quyền lựa chọn những người lãnh đạo bộ máy nhà nước thông qua lá phiếu bầu cử tự do, chính nhân dân còng lưng nuôi họ, nuôi bộ máy chính quyền bằng đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của mình, chính nhân dân mới có quyền mời hoặc tống khứ họ đi nếu họ làm không được việc... Nếu dùng khái niệm nhân dân để đối lập với khái niệm" chính quyền" trong bài viết này làm kết luận cho một "thể chế chính trị "cần phải thay đổi thì tôi cho rằng còn vội vàng và chưa đủ thuyết phục. Trong bối cảnh Cộng sản,tình trạng toàn trị được đặt trong lý thuyết "cộng sản". Tuy nhiên cần lưu ý những nước không cộng sản như Ai Cập,.. tình trạng toàn trị cũng hiện tồn. Điều mà tôi cho rằng, việc ý thức về dân chủ,nhân quyền ( như các nước Phương Tây) là sự diễn tiến của một quá trình tự nhận thức cá nhân.Nếu là một đất nước thì là diễn tiến của tầng lớp lãnh đạo và tầng lớp trí thức. Diễn tiến này luôn phải là một quá trình khó khăn, nhiều cam go và thử thách. Không có điều gì là ngay lập tức tốt đẹp hết. Đau khổ, sự ác, hay sự bệnh hoạn có một ý nghĩa nào đó cho sự tốt,sự hạnh phúc được ý thức đầy đủ trọn vẹn ý nghĩa của nó. NNTQ