You are here

VĨNH BIỆT ANH HÀ VĂN THỊNH, MỘT CON NGƯỜI DŨNG CẢM.

Ảnh của nguyenhuuvinh

Sáng qua, khi 9h, tôi gọi cho anh.
Anh ho nhiều nhưng vẫn gắng nói chuyện, khi tôi hỏi anh khỏe không? Anh đáp: Sắp chết rồi khỏe sao được. Vẫn cái giọng rất bình tĩnh và hài hước, dù rất mệt.

Ngờ đâu chỉ 19 tiếng sau anh từ giã cõi đời. Anh đã ra đi lúc 4h30 ngày 17/10/2019.

Kể từ khi gặp lại anh ngày 18/07/2012 thì đây là lần tôi tự nhiên gọi cho anh, trừ những khi nhắn tin trên mạng, còn lại ít có dịp để nói chuyện trực tiếp với nhau.

Tôi biết đến anh VănThịnh Hà cách đây hơn 10 năm trong một điều kiện khá đặc biệt. Khi đó, tôi và anh ở hai "Chiến tuyến" khác nhau. Tôi viết báo tự do, còn anh khi đó viết báo cho nhà nước.

Sự xung đột dẫn đến biết nhau là vụ anh viết theo đơn đặt hàng của Tuyên giáo về vụ đất đai nhà chung Hà Nội bị nhà cầm quyền cướp đoạt. Và cái đơn đặt hàng quái ác cho anh là bài viết về TGM Giuse Ngô Quang Kiệt.

Bài viết này đã dẫn đến sự giận dữ của giáo dân và những người yêu mến Công lý - Sự thật. Tôi viết lại một bài về anh, bài viết: "Thưa ông Hà Văn Thịnh: “Đáng rủa sả thay” thói cơ hội, lật lọng và phản trắc"

Hẳn nhiên, khi đó, để bảo vệ cái nồi cơm, mấy đồng nhuận bút thì đã có nhiều bút nô bất chấp sự thật và lương tâm đã viết những điều bịa đặt khốn nạn.

Bởi Ban Tuyên giáo buộc mỗi báo phải đăng ít nhất 2 bài về vụ này.

Chẳng hạn, kẻ viết cách trơ tráo, bỉ ổi nhất, bẩn thỉu nhất nhằm tâng cộng trước đại hội đảng, nhăm nhe cái chân Tổng Giám đốc Đài Truyền hình khi đó là Trần Đăng Tuấn. Trần Đăng Tuấn núp dưới bút danh Trần Chí Hiển.

Tôi cũng đã có bài viết đáp trả Trần Đăng Tuấn ngay lúc bấy giờ. Bài viết: "Đọc bài báo của Trần Đăng Tuấn, nghĩ về đạo đức Trần Chí Hiển và Đài THVN".

Thế rồi mọi chuyện cũng qua, và trắng đen đã rõ ràng, sự thật đã đập lại cái miệng Tuyên giáo và đám báo chí nô lệ để chứng minh câu nói: Kẻ đốt lửa sẽ chết vì lửa.

Sau đó một thời gian, chính anh Hà Văn Thịnh đã cảm nhận được lỗi lầm của mình và đã dũng cảm dứt bỏ mối lợi từ báo chí quốc doanh.

Dũng cảm hơn, anh đã viết thư xin lỗi Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt Archbishop Joseph Ngô Quang Kiệt.

Điều đó không phải dễ dàng. Chỉ có những người dám nhìn nhận sự thật, dám từ bỏ cái bả lợi ích vật chất, mới có thể đủ dũng cảm nhìn lại và nhận ra lỗi lầm của mình.

Bởi cho đến nay, những kẻ như Trần Đăng Tuấn vẫn cứ lên mạng dạy đạo đức làm báo, bày tỏ "sự lương tiện" của mình trước thiên hạ. Nhưng hắn đã không tự soi, tự vấn lương tâm những việc hắn đã làm.

Đã 10 năm qua đi. Nhưng những điều ô nhục đó còn gắn với những đĩ bút này chưa phai mờ.

Thì ra, chức trọng, quyền cao chẳng phải là tỷ lệ thuận với nhân cách.

Thế rồi sau đó, tháng 7/2012 có dịp vào Huế, chúng tôi đã gặp nhau và hiểu nhau hơn. Anh đã viết bài: "Một giờ với J.B. Nguyễn Hữu Vinh"

Kể từ đó, chúng tôi vẫn thường nhắn tin và hẹn gặp lại nhau một lần nữa.

Thế rồi những bài viết của anh phản biện xã hội nhanh chóng, thái độ dứt khoát đã liên tục được đưa lên mạng.

Thế rồi anh ốm, ốm nặng dần. Tôi chưa có dịp thực hiện mong muốn đến thăm anh.

Hôm qua, thật tự nhiên, tôi gọi thăm anh. Anh cầm máy, thân hình anh gầy gò, từng cơn ho rũ rượi nhưng vẫn hài hước và nói chuyện rất vui.

Hôm nay, nhận được tin anh đã ra đi.
Thật buồn.

Cầu mong cho anh ra đi thanh thản, như anh đã cố gắng sống thanh thản khi quyết rũ bỏ những điều mình thấy chưa đúng, cố gắng để cất tiếng nói cho con người, đất nước và dân tộc.

Bài viết của anh:

MỘT GIỜ VỚI J.B NGUYỄN HỮU VINH

Hà Văn Thịnh

Một cuộc gọi khá bất ngờ vào buổi tối làm tôi hơi khó ngủ: Người muốn gặp là J.B. Nguyễn Hữu Vinh, “cựu thù” hồi tôi còn viết cho báo Lao Động, với bài “Sáng tỏ sự cân bằng đúng”. Đó là bài báo tôi bị chửi te tua và, cay độc nhất là J.B! Dù sao, chuyện cũng đã qua. Được gặp lại “kẻ thù” ngày nào để có thể nói đôi điều xa xa cũng là điều nên…

Sáng nay, 18.7.2012, tôi đến 1A, Trương Định, Huế. Khi tôi đến, thấy có cả J.B. và Thạch Linh, Mai Xuân Dũng. Câu chuyện quanh ly cà phê và bia thật rôm rả. Té ra, J.B. là người Hà Tĩnh, thảo nào có cái giọng lưỡi vừa chua chát, vừa “đểu” lại vừa cay.

J.B. kể cho mọi người nghe nhiều chuyện – nhưng nhiều nhất là chuyện “làm việc” với công an. Chép sơ ra đây để mọi người cùng ngẫm để cười mà đau, mà xót.

Đầu tiên là chuyện giấy mời. Công an ghi là mời lên “làm việc”. J.B. trả lời là đã về hưu, tức là không đủ sức khỏe để làm việc nên không thể đến. Tất nhiên, nếu làm cái “chuyện đó” thì đôi khi, vẫn là có thể? Vừa rồi, mấy ông mặt trận đến khuyên nhủ không nên đi biểu tình chống TQ vì cổ xúy cho cái chuyện yêu nước không theo quy trình do đảng lập trình, toàn là phản động hoặc sắp sửa thành phản động. Ơ hay, có đời thuở nào yêu nước lại là phản động được không?

Một trong những chuyện hay nhất là J.B. được mời đi học lớp đối tượng đảng. Một vị tầm cỡ GS của Học viện Chính trị Quốc gia HCM lên giảng bài, nói rằng, các đồng chí làm ở ngành bưu điện cần phải biết tiếng dân tộc, tiếng Anh. Vừa rồi (cái năm nảo năm nao nỏ nhớ), rất nhiều cuộc gọi từ trong nước ra nước ngoài bàn chuyện kích động biểu tình chống phá, nhiều người nghe mà có hiểu gì đâu. Vì thế, cần phải học “ngoại ngữ” các dân tộc ít người! “Đối tượng đảng” có thâm niên dài cho đến khi về hưu, J.B đứng lên chất vấn: Nói như thế có nghĩa là đảng và nhà nước cổ súy cho việc nghe lén điện thoại của công dân. Luật pháp có cho phép vậy không? Hỏi như thế thì đến tết Công Gô may ra mới được kết nạp.

Chuyện công an mời lên, đưa cho cả xấp bài photo “của ai đó có thể là của J.B.”, bắt J.B. xác nhận đáng được đưa vào sách giáo khoa của khóa học… đối phó với… công quyền! J.B nói không thể xác nhận vì chẳng phải nhà văn cũng chưa hề là nhà báo nên viết xong nỏ nhớ. Cũng có thể có ai đó trùng tên cũng nên; với lại, có câu tư tưởng nhỏ hay gặp nhau nên thời này khoa học còn “trùng” hàng đống mà có ai bị làm sao đâu… Cán bộ nói lần sau không được viết như thế nữa, trả lời, tất nhiên là không bởi lần sau viết khác về chuyện khác. Cán bộ nói cần phải tóm tắt ý chính trong từng bài viết; trả lời, không thể tóm tắt vì khi viết tôi đã tính toán đến từng dấu phẩy, bớt một chữ là nhiều hơn cả dấu phẩy rồi. Cán bộ nói rằng anh (J.B.) viết về báo Hà Nội Mới có câu “Phải chăng những người làm sai là hệ quả của những sai lầm trong cách dùng người, trong chính sách của đảng”; như thế là phạm vào điều 79, sử dụng biện pháp mạnh là cái lẽ phải làm. J.B trả lời là không phải như thế, các cán bộ đã đánh cắp của tôi một dấu hỏi. Sau câu đó có dấu hỏi. Vì không biết đúng hay sai nên tôi phải hỏi. Chẳng lẽ vì dốt nên hỏi cũng là có tội sao?...

Nghe J.B kể, cười đau cả bụng. “Phản động” mà vui và dí dỏm thế thì cũng đáng làm “phản động” lắm. Chợt nhớ có hồi có cả một “bè lũ phản động” gặp nhau ở Vinh gồm Lái Gió, Bà Đầm Xòe…, vui như là ngày tết! Chỉ tiếc là trí nhớ của tôi quá tồi, nghe đó rồi quên đó, còn bao nhiêu chuyện cười ra… nước mắt. Nhưng, sau khi chia tay, một nỗi buồn thực sự mới thấm, mới đau trong mọi ngõ ngách của tâm hồn và suy nghĩ của tôi của tôi. Có một câu hỏi không dễ trả lời: Tại sao lại có độ vênh ghê gớm đến thế giữa người có quyền và người dân? Không chịu hiểu đúng về nhau, có lẽ, là đầu mối của không ít tai ương trên mặt đất này. Đến bao giờ thì giữa hai bên mới có thể có cái nhìn cùng chiều về một vấn đề thôi: Bày tỏ dứt khoát nhận thức của mình trước họa ngoại xâm, trước sự chà đạp ngày càng ngang ngược của nhà cầm quyền Bắc Kinh? 3.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước vẫn chưa đủ để trả lời câu hỏi giản dị ấy!?

Huế, 18.7.2012

H. V. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

P/s: Bài viết cho Đăng Tuấn Trần tại đây:

https://jbnguyenhuuvinh.wordpress.com/…/d%E1%BB%8Dc-bai-ba…/