You are here

VUI CHUYỆN QUÊ NHÀ 13: Chuyện chữ nghĩa ở Đà Nẵng (Quốc Thạch ghi nhận)

Một đoàn liên ngành trung ương đang công tác kiểm tra những nghi vấn sai phạm tại ‘Silver Shores Hoàng Đạt’ tức ‘Crowne International Casino’ tức ‘Khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài’ tại thành phố Đà Nẵng.

Chuyện kiểm tra thì tất nhiên là đáng hoan nghênh và nên làm rồi. Về phiá “bị kiểm tra,” thì nhờ thế mà biết những hoạt động nào cuả mình là đúng để phát huy, và những hoạt động nào là không đúng để biết mà khắc phục sửa chữa, hay ít ra cũng biết chỗ nào và ai để mà “quan hệ” nếu chưa hay không muốn sửa chữa. Về phía đi kiểm tra thì nhờ có những dịp thế này mà được đi đó đi đây, đựơc tiếp đón nồng hậu, có phong bì dắt túi cho đời sống phong phú hơn, lại được tiếng là thực hiện đúng chủ trương đừơng lối của nhà nước. Dân thì không cần biết đến chuyện này làm gì và báo chí thì cũng chẳng thành vấn đề. Cần thì cấm báo chí tham dự các buổi họp, hay dặn dò cách đưa tin trong các buổi họp ban mỗi ngày là xong, như chuyện vừa xẩy ra tại Đà Nẵng, theo tuờng thuật của báo vietnamnet:

http://vietnamnet.vn/xahoi/201004/Nhieu-dau-hieu-nghi-van-o-mot-TT-giai-...

Bài báo cho biết là cả ba câu hỏi của đoàn kiểm tra liên ngành trung ương đều đựơc trả lời đâu vào đấy. Đại khái như thế này:

Thứ nhất là tại sao chưa hoàn thành công tác xây dựng mà đã mở cửa hoạt động cái gọi là “Khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài?” Câu trả lời là: Để vận hành thử. Quá đúng! Chuyện gì thì cũng phải thử để quan sát xem tốt xấu hay dở thế nào đã chứ? Chuyện to lớn như khai thác bâu xít ở Tây Nguyên cũng đựơc bắt đầu bằng “thử nghiệm” đấy thôi!

Thứ hai là tại sao đưa vào vận hành đến 15 bàn chia bài so với quy định trong hợp đồng là tối đa 8 bàn, ngoài 100 trò chơi điện tử có thưởng? Câu trả lời là: Để làm tốt công tác huấn luyện cán bộ nhân viên. Càng đúng! Định cho hoạt động 8 bàn thì tất nhiêu là phải huấn luyện nhiều hơn để có người thay thế chứ! Nhỡ có người chuyển công tác hay bệnh thì sao? Lãnh đạo là tiên liệu mà?

Thứ ba là tại sao lại gọi tên là casino, có khi người ta tưởng là sòng bài theo nghĩa thông thường thì sao, trong khi đây chỉ là các trò chơi có thưởng thôi mà, chẳng hạn như baccarat, blackjack và tài xỉu chẳng hạn? Đến đây thì bên đựơc kiểm tra có vẻ hơi lúng túng vì cho phép thiết trí các máy đánh bạc, lại cho có các bàn đánh bạc, mà cứ nhất định không chịu nói là cho đánh bạc, mà phải gọi là “Khu vui chơi giải trí có thưởng” thì kỳ quá, nên cách giải thích hơi gượng, đó là gọi “Khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài” là
“Crowne International Casino” cho người nứơc ngoài dễ hiểu. Điều này thì cũng đúng quá đi chứ, vì nếu không thì ai đứng ra mà giải thích được cho người nứơc ngoài những cách nói loanh quanh như đánh bạc thì gọi là “trò chơi có thửơng” chẳng hạn?

Nhớ lại, hồi đầu những năm 1990, khi thành phố Hồ Chí Minh mới bắt đầu cho khiêu vũ lại, thì không đựơc dùng chữ khiêu vũ, mà phải gọi là “múa đôi.” Hồi 30 tháng tư năm 1975, khi mấy trăm ngàn công nhân viên chức Việt Nam Cộng Hoà phải vào trại tù lập ra khắp nơi ở cả hai miền nam bắc (hơi khác với ứơc mơ của Trịnh Công Sơn “Đừơng đi đến những nơi lao tù, ngày mai sẽ xây trừơng hay họp chợ!) thì nhà nứơc nhất định cứ gọi là trại cải tạo và dịch ra tiếng Anh là Re-educational camps cho nó có vẻ nhân ái. Kết quả là mỗi khi nói đến tên này với người nứơc ngoài, lại phải thêm vài phút mô tả, và người nào nghe hiểu xong cũng đều…gật gù ngưỡng mộ.

Ôi những chuyện này thì nhiều lắm, kể sao cho hết… Chắc sẽ phải ghi chép lại thành một cuốn tự điển chăng. Cái hay của những người nói loanh quanh thế này là ở chỗ họ nói mà không cười, không thay đổi nét mặt và hơi thở vẫn điều hoà!

Bài bình luận

<P>nguoi_binhdinh</P> <P><BR>viết bài kiểu đó là chơi chữ mà, nhà báo việt nam lúc nào cũng viết 1 chiều vì có người giật dây mà.</P>