You are here

Con đường của IDS

 

Thật thú vị khi thấy bài « Nghịch lý nhân sự » của tôi nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả C. Nguyễn, khiến ông/bà viết bài trao đổi dưới nhan đề « Vài ý kiến về bài viết “Nghịch lý nhân sự” của Nguyễn Thị Từ Huy ».

Ông/bà C. Nguyễn, trong bài viết của mình, đưa ra một cách nhìn khác với cách nhìn của tôi, và đứng từ một góc nhìn khác với góc nhìn của tôi. Các độc giả, với góc nhìn và sự hiểu biết riêng của mình, tự họ sẽ có cách đánh giá riêng, cách lĩnh hội riêng đối với từng bài viết. Cá nhân tôi luôn tin tưởng ở sự công tâm của công chúng nói chung, và công chúng trên internet nói riêng.

Ở đây, tôi đề cập đến một điểm trong bài của ông/bà C. Nguyễn, điểm làm cho tôi phải suy nghĩ. Đó là lời khuyên mà ông/bà C. Nguyễn dành cho tôi ở cuối bài. Trích nguyên văn :

« Xin cô hãy đừng theo vết chân của nhóm IDS của Hoàng Tụy, Nguyễn Quang A, Tương Lai, Nguyễn Đăng Doanh... »

Lời khuyên này, đối với tôi thực sự rất đáng lưu ý.

Bỏ qua một bên cái động cơ khiến ông/bà C. Nguyễn cho tôi lời khuyên này, đối với tôi, trong trường hợp cụ thể này, động cơ, mục đích của lời khuyên không quan trọng. Điều quan trọng là lời khuyên ấy có chí lí không, có cần phải làm theo lời khuyên ấy không, nếu cần làm theo thì vì sao, và nếu không nên làm theo thì vì sao ? Cái học vị tiến sĩ mà nước Pháp cấp cho tôi có ý nghĩa ở điểm này : các kiến thức và kỹ năng học được góp phần tạo nên một thói quen, đó là trước khi nghe theo, tin theo một điều gì, trước khi thực hiện một điều gì, cần tìm cho mình những cơ sở đủ sức thuyết phục, để hành động của mình không tạo ra những hậu quả tai hại cho người khác, để hành động của mình có thể mang lại ích lợi cho cộng đồng chung trong đó mình tồn tại.

Ông/bà C. Nguyễn không đưa ra lý do vì sao lại khuyên tôi như thế, vì vậy, để đi tới quyết định có thực hiện theo lời khuyên của ông/bà hay không, tôi đã phải bỏ thời gian tìm hiểu hai điều : những việc mà nhóm IDS đã và đang làm là gì, những việc đó có phù hợp với thế giới tiến bộ không, có gây hại cho lợi ích chung không ? Từ đó để xác định nên đi theo vết chân của họ không, hay nên tránh xa.

Sau khi tìm hiểu những việc mà nhóm IDS đã làm, đặt trong bối cảnh chung của toàn thế giới và bối cảnh chung của khối cộng sản cũ Đông Âu, trước đây từng là cùng một hệ thống với Việt Nam, tôi đi tới nhận xét ngắn gọn (xin giải thích thêm, các bài viết trên blog thường thiên về việc đưa ra các ý tưởng mang tính gợi ý, chứ không phải là các nghiên cứu sâu với tất cả các thao tác khoa học cần thiết, vì thế độc giả không nên đòi hỏi bài trên blog phải giống như bài trên các tạp chí khoa học), nhưng hy vọng là tương đối bao quát, sau đây : nhóm IDS và các cá nhân vừa nêu trên trên đây chủ yếu tiến hành hai hình thức hoạt động chính : 1) thực hiện công việc truyền bá tri thức, và những tri thức này cơ bản thuộc hai dạng : tri thức tinh hoa của nhân loại, và những tri thức thời sự, thực tiễn, mà bộ máy truyền thông và giáo dục chính thống đã bỏ qua, do không nhận thấy được tầm quan trọng của chúng. 2) Loại hoạt động thứ hai mà nhóm này thực hiện, đó là hoạt động mang tính phản biện đối với một số chủ trương, chính sách của nhà nước.

Xét trên kinh nghiệm chung mà nhân loại đã đúc kết, hai hoạt động này đều thiết yếu nếu ta muốn xây dựng một xã hội văn minh và một nhà nước mạnh. Lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng minh : nhà nước càng mạnh khi nó để cho các hoạt động phản biện xã hội phát triển một cách mạnh mẽ. Bởi nhà nước sẽ hoàn thiện sức mạnh của mình, cùng với việc khắc phục các yếu kém và các nhược điểm của mình, nhờ có các hoạt động phản biện này.

Do vậy, kết luận của tôi là : nhà nước Việt Nam muốn mạnh thì cần khuyến khích và tạo hành lang pháp lý cho việc thành lập các tổ chức phản biện xã hội hoạt động có hiệu quả. Nhà nước của các quốc gia mà trong bài của mình ông/bà C. Nguyễn gọi là « các nước tân tiến như Anh, Mỹ, Úc, Pháp…  » (trích nguyên văn), nơi mà, theo chính ông/bà cho biết, các quan chức và người dân Việt Nam hiện nay đang gửi con cái du học, đều tạo lập sức mạnh của mình theo cách này. Nguyện vọng của các thành viên IDS là muốn Việt Nam trở thành nước tân tiến như Anh, Mỹ, Úc, Pháp, vì thế họ thực hiện nhiệm vụ và sứ mệnh mà trí thức của các nước này đã thực hiện.

Thế thì, không có lí do gì để không đi theo vết chân của nhóm IDS. Trái lại, cần hiểu rõ rằng, con đường của họ chính là con đường mà nhân loại tiến bộ đã và đang đi. Nếu ông/bà C. Nguyễn chịu khó tìm hiểu lịch sử thế giới, và lịch sử của khối cộng sản cũ ở Đông Âu, thì sẽ thấy rằng rút cuộc, nhân dân tiến bộ ở khu vực này đã tìm đến và hòa nhập vào con đường chung đó của toàn nhân loại : con đường của tri thức, của sự giải phóng các năng lượng cá nhân và năng lượng xã hội để từ các năng lượng đó tạo ra sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần cho xã hội, nhờ vào cơ chế dân chủ và tôn trọng con người, tôn trọng quyền con người.

Điều đáng tiếc chính là ở chỗ : không có nhiều người đi theo vết chân của nhóm IDS. Mặt khác, đối với nhóm này, có lẽ điều mà người dân chờ đợi ở họ là họ có thể làm nhiều hơn những gì họ đã làm, họ có thể thành công hơn, hiệu quả hơn, có thể phát động để tạo thành một phong trào mạnh mẽ chứ không chỉ dừng lại trong phạm vi một nhóm nhỏ giữa họ với nhau. Điều mà nhóm IDS chưa làm được, đó là : họ chưa thuyết phục được những người như ông/bà C. Nguyễn hiểu ý nghĩa và giá trị của công việc mà họ đang làm, họ chưa có được sự ủng hộ của ông/bà C. Nguyễn, nghĩa là chưa có được sự ủng hộ của đa số người dân trong xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là tri thức, sự hiểu biết, khoa học, tinh thần phản biện, chưa được đánh giá đúng như giá trị mà chúng vốn có đối với sự phát triển của xã hội người, và của mỗi cá nhân.

Bao giờ mà những người như ông/bà C. Nguyễn mong muốn sự thành công của các tổ chức xã hội như IDS, bao giờ mà những người như ông/bà C. Nguyễn có các hành động thiết thực để ủng hộ họ, thì lúc đó có thể hy vọng Việt Nam giải quyết được những vấn nạn căn bản của mình.

Với một cách nhìn như vậy, tôi xin bày tỏ ở đây hai mong muốn : mong rằng IDS có thể tái lập để đi tiếp con đường của mình và có thể đi sâu vào lòng dân chúng với các hoạt động chung, mong rằng ông/bà C. Nguyễn và những người Việt Nam khác cùng sát cánh bên IDS để đưa dân tộc và đất nước đi vào không gian chung của sự tự do và phát triển.

Xin cảm ơn ông/bà C. Nguyễn đã cho tôi cơ hội tìm hiểu kỹ hơn những sự kiện, hiện tượng rất đáng tìm hiểu, và cho tôi cơ hội để nói thêm về một số điều cần được nói thêm. Dĩ nhiên, hành trình nhận thức của cá nhân tôi, cũng như của tất cả chúng ta, còn rất dài, nếu chúng ta muốn thực sự hiểu, để từ sự hiểu biết mà có các hoạt động hiệu quả, đáp ứng lợi ích chung.

Để kết thúc, tôi xin gửi tặng ông/bà C. Nguyễn câu này, trích trong cuốn « Giai cấp mới », của Milovan Djilas, người từng là Phó tổng thống Nam Tư, từng ngồi tù nhiều lần vì đã đấu tranh cho tự do của người Nam Tư nói riêng, và của nhân loại nói chung :

« Dù sao mặc lòng, thế giới sẽ tiếp tục thay đổi, sẽ đi theo con đường mà nó đã chọn, con đường mà nó đã bước chân lên, con đường dẫn đến sự hợp nhất, tiến bộ và tự do. Sức mạnh của hiện thực, sức mạnh của cuộc đời đã luôn luôn và sẽ mãi mãi mạnh hơn mọi áp bức, hiện thực hơn tất cả mọi lí thuyết. »

Djilas viết câu này trong tù, năm 1957 ; và từ năm 1991, Cộng hòa liên bang xã hội chủ nghĩa Nam Tư bắt đầu tan rã, các nước thành viên dần dần ly khai khỏi nó để tham gia vào thế giới chung của « sự hợp nhất, tiến bộ và tự do » như Djilas từng dự đoán.

Những việc làm của nhóm IDS chính là để một ngày nào đó Việt Nam có thể hội nhập vào cái thế giới chung này của nhân loại tự do và tiến bộ. Ông/bà C. Nguyễn và tôi, và tất cả mọi người, chúng ta nên ủng hộ họ, phải vậy không ?

Paris, ngày 9/11/2014

Nguyễn Thị Từ Huy

Bài bình luận

Cam on ban Tu Huy da co bai viet chí lý

Tôi có bài viết phản hồi về bài viết này của Từ Huy và tôi muốn cô cho lên blog của cô được không? C. Nguyễn