You are here

Những nấm mộ đi tù

Ảnh của nguyenlanthang

 

 
Tôi vào Nam thăm gia đình và bạn bè một ngày cuối năm rực nắng. Sài Gòn vẫn hối hả như bao lần tôi đã đến. Gia đình tôi bên nội là dân Bắc, bên ngoại là dân Nam, thế nên từ bé đến giờ tôi chẳng xa lạ gì với mảnh đất này. Mọi lần đến Sài Gòn, tôi thường cố gắng dành thời gian về nghĩa trang thành phố để thăm mộ ông ngoại tôi. Lần này đi, tôi chợt nhớ đến đã đọc đâu đó về nghĩa trang quân đội VNCH cũng nằm tại Biên Hòa. Gia đình tôi không có người thân nào nằm ở nghĩa trang này, nhưng tôi rất tò mò muốn đến đây để mắt thấy tai nghe mọi chuyện và để thắp dù chỉ một nén nhang cho những người đã khuất. Trên đường đi, mặc dù được bạn bè hướng dẫn tận tình qua điện thoại mọi "thủ đoạn" để có thể lọt vào nghĩa trang này dù không có người thân bên trong, nhưng tự dưng tôi nổi lên nỗi băn khoăn rất lớn: Tại sao chiến tranh đã qua lâu mà vào nghĩa trang này lại phải trình chứng minh thư, phải chứng minh được mình có người thân nằm trong đó, và tệ nhất là không được chụp ảnh đàng hoàng? Tôi quyết định sẽ chỉ đi vòng ngoài để quan sát và nhất là lên Đền Tử Sĩ, một nơi hoang tàn chẳng có ai canh gác. Dù đã biết những điều tệ hại nơi đây qua internet, nhưng quả thật chỉ khi chứng kiến tận mắt những gì ở Đền Tử Sĩ tôi mới thấu hiểu phần nào nỗi đau của biết bao gia đình có người thân nằm lại nơi này. Đền nằm trên một gò đất cao án ngữ ngay trước nghĩa trang, phía trước là cổng tam quan vẫn còn mờ mờ dòng chữ gì đó không đọc được nữa. Tôi về tra lại trên mạng mới biết đó là dòng chữ "Vì nước hi sinh" và "Vì dân chiến đấu". Theo những ảnh chụp trước 1975 còn lại trên mạng thì cảnh quan nơi này thay đổi thật nhiều. Cả khu gò phủ kín một rừng cây được trồng chắc mới gần đây thôi. Lần theo những bậc bê tông phủ dày lá khô, tôi bước lên khu đền mà lòng thầm kinh ngạc vì sao những cấu trúc xây dựng này có thể bền bỉ tồn tại đến bốn mươi năm dù không có người chăm sóc.

Bên trong đền, ngoài một cái bàn gỗ dựng tạm làm ban thờ là đống chăn chiếu bẩn thỉu, chắc của một người vô gia cư nào đó tá túc qua ngày. Ngày xưa nơi đây từng là chỗ cử hành những nghi lễ trọng thể để tưởng nhớ người đã khuất, giờ bẩn thỉu hoang tàn không khác xó chợ hoang.

Tôi và người bạn đi cùng không dám dọn dẹp kê đặt lại gì nhiều, chỉ dâng hoa và thắp tạm nén hương mong những người còn nằm lại ngậm cười nơi chín suối.

Dẫu biết chỉ là hành động tượng trưng, nhưng thôi thì quét chút lá quanh đền cho mát lòng những người đã khuất.

Rời khỏi khu đền, chúng tôi đi một vòng vào sâu phía trong nghĩa trang. Người ta đã xây chặn giữa Đền Tử Sĩ và khu chôn cất một nhà máy nước có tên là Bình An. Cả khu nghĩa trang được xây kín tường cao 3m, bên trên có hàng kẽm gai lởm chởm trông không khác gì trại tù. Xe đưa chúng tôi lướt qua khu kiểm soát, ngoài cổng đề tên là Nghĩa trang nhân dân Bình An, phía trong thấp thoáng vài ngôi mộ. Nếu tôi cố vượt qua cổng này vào bên trong thì chắc chắn phải trình chứng minh thư, phải ghi tên vào sổ, phải chịu sự giám sát của nhân viên an ninh và sẽ không thể nào đàng hoàng nâng máy lên chụp bất cứ thứ gì. Đó là điều tôi đã được bạn bè cảnh báo trước và tôi không thể chấp nhận được! Tôi đi thăm nghĩa trang chứ có phải đi thăm tù đâu mà phải như vậy!
Vậy mà bao năm qua, gia đình những người đã khuất vẫn phải nín nhịn, vẫn phải xin xỏ chính quyền để thực hiện những quyền rất chính đáng của mình là được ra vào để thăm nom săn sóc phần mộ người thân nằm lại nơi này. Những người nằm xuống trong nghĩa trang này dù lý tưởng của họ là đối lập với nhà nước hiện nay, nhưng họ cũng là người Việt Nam, cũng là cha là ông của biết bao gia đình, mộ phần của họ đáng được hưởng sự chăm sóc của người thân. Tôi tự hỏi một chính thể với đầy đủ sức mạnh trong tay mà sao lại sợ họ thế? Sao nỡ cầm tù kể cả khi họ đã chết? Đến ngay cả những lính Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc năm 1979, khi chết vô danh trên đất Việt cũng được quy tập chôn cất trong bao nghĩa trang đàng hoàng khắp miền núi phía Bắc? Sao người Việt với nhau mà nỡ đối xử tàn tệ đến mức kinh hoàng như vậy? Còn nhiều câu hỏi nữa cứ luẩn quẩn trong đầu tôi trên đường về, nhưng chắc chắn một điều là chính sách hòa giải dân tộc sẽ không thể thành công nếu nhà nước cứ hành xử như thế này.

Chiến tranh đã lùi qua lâu mà vết thương trong lòng dân tộc hình như vẫn chưa khép lại. Khi tôi đăng một số bức ảnh chuyến đi thăm nghĩa trang này lên Facebook cách đây mấy hôm thì lập tức nhận được vô số phản hồi trái chiều. Người thì rất hoan nghênh, người thì lại phê phán cho rằng tôi là thằng cộng sản con, là kẻ cơ hội làm chuyện chính trị. Tôi nghĩ các bạn có ý phản đối tôi không cần phải nặng nề như vậy. Chính thể Việt Nam Cộng Hòa dẫu gì cũng đã là quá khứ. Chiến tranh đã kết thúc gần bốn mươi năm và chúng ta vẫn phải chung sống với nhau. Điều quan trọng cần làm là nhìn nhận quá khứ, giải quyết tồn tại và hướng tới tương lai. Một mặt cứ sống trong hận thù, phân biệt Nam Bắc thì không thể cùng chấn hưng đất nước được. Mặt khác, phải dũng cảm bỏ qua khác biệt để bắt tay nhau cùng phá bỏ tất cả những điều phi lý, những điều đi ngược lại giá trị nhân bản của dân tộc này. Hãy đi từng bước nhỏ, từng việc cụ thể như việc phá bỏ chế độ kiểm soát nghĩa trang quân đội Biên Hòa giống một trại tù. Hãy lên tiếng, hãy làm trong khả năng mà bạn có thể chịu đựng được. Không bắt đầu thì mãi mãi chẳng bao giờ có đổi thay./.
 

 

Bài bình luận

Thưa ông Nguyễn Lân Thắng, Xin trân trọng tri ân ông đã đến Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa lại còn thắp một nén nhang cho những chiến hữu những đồng đội của tôi "Đã Vì Dân Chiến Đấu và Vì Nước Hy Sinh" ( Chúng tôi viết Hy y dài) Tôi ở xa quá không về để tảo mộ và đốt cho các chiến hữu một nén nhang cho ấm lòng chiến sĩ . Hằng năm chúng tôi có gửi tiền về để các anh em Thương Binh VNCH chúng tôi làm cỏ chung quanh và cúng kiến . Hình ảnh đầy trên internet . Tại sao bọn VC lại sợ hãi . Bởi vì chúng tôi có chính nghĩa . Chúng tôi đi chiến đấu để giữ cho Miền Nam được Tự Do Hạnh Phúc . Do đó bao nhiêu năm rồi, người dân Miền Nam vẫn còn tri ân nhưng chiến sĩ "Vị Quốc Vong Thân" Hằng năm Đại hội Cám Ơn Anh , Người Thương Binh VNCH đã được đồng bào chúng tôi hết lòng ủng hộ . Thậm chí có cả thương binh của VC gửi thư xin giúp đở . Bọn VC chính là bọn người ma giáo đã làm tay sai cho đế quốc đỏ qua lời thú nhận của Lê Duẫn " Ta đánh Mỹ Ngụy là đánh dùm cho Liên Xô và Trung Quốc " Vì không có chính nghĩa lại áp dụng chính sách cai trị dựa trên khủng bố cho nên bằng mọi giá phải xóa sạch những dấu vết thời VNCH chúng tôi . Sách vở tài liệu , băng nhạc đã bị tận diệt trong những ngày đầu chiếm đóng . Bắt giạm Quân Cán Chính VNCH . Tịch thu nhà cửa tống cổ đồng bào chúng tôi đi kinh tế mới . Con cái chúng tôi bị kỳ thị tàn bạo . Hằng triệu người liều chết vượt biên và có trên nửa triệu đồng bào chúng tôi nằm dưới lòng đại dương . Để xóa sạch những chứng tích của VNCH , Nnghĩa trang Quân Đội Biên Hòa cũng cùng chung số phận . Đào mồ bóc mả , trồng cây để rể cây ăn luồng dưới mộ . Đập bỏ Tượng Thương Tiếc . Đài Tử sĩ , Nghĩa Dũng đài, Vành Khăn Tang hoang tàn đổ nát . Chặt cụt thanh kiếm . Cấm người thăm viếng và mới đây do áp lực của Tòa Đại Sư" Mỹ đã cho thân nhân vào thăm viếng . Nói sao cho xiết những cuộc trả thù tàn khốc . Chúng tôi chỉ tự vệ . Bắc Quân là kẻ xâm lược . Chúng tôi chỉ chiến đấu để Bảo Quốc An Dân . Chúng tôi chỉ cố gắng bảo vệ những giá trị mà chúng tôi đã xây dựng trong hơn 20 năm . Nhờ internet mà những giá trị về văn hóa giáo dục kinh tế và lý tưởng của chúng tôi đã thắp sáng . Bao nhiêu anh hùng của chúng tôi đã nằm lại Hoàng Sa để bảo toàn lảnh thổ trước sự xâm lăng của Trung Cộng . Như Quý ông đã biết dù chúng tôi đã thất bại trong công cuộc bảo vệ đất nước nước nhưng lý tưởng và các giá trị về tinh thần vật chất đã nói lên được chúng tôi là những người yêu nước . Không bao giờ là Ngụy, là kẻ bán nước, là tay sai cho đế quốc dù VC đã cố tình bôi bác chúng tôi . Sự tuyên truyền của VC về chính thể VNCH chúng tôi đã hoàn toàn thất bại thãm thương . Bằng chứng là những người tuổi trẻ sinh trưởng ngoài Bắc như ông cũng đã đến thăm và thấp một nén nhang cho các đồng đội chiến hữu của chúng tôi . Làm thế nào mà chúng tôi có thể hòa hợp hòa giải với VC khi mà Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa của chúng tôi hương tàn khói lạnh , hoang tàn đổ nát . Thái độ của bọn người chiến thắng đối với người anh em thua trận chẳng khác gì bọn thổ phỉ . Một lần nữa xin trân trọng nghĩa cử của ông và người bạn Trân Trọng NguySaigon, QLVNCH