You are here

Ông Dương Chí Dũng không thể bị bắt ở nước ngoài?

 


Kami
-
Sáng ngày 5.9.2012, một bản tin đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an đã chính thức thông báo việc bắt giữ ông Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, đồng thời kêu gọi "những ai có hành vi che giấu, tiếp tay cho Dương Chí Dũng bỏ trốn, nếu ra tự thú sẽ được hưởng khoan hồng". Theo nguồn tin từ báo Tuổi Trẻ, ông Dũng bị bắt tại một nước trong khối ASEAN, và được cảnh sát quốc tế Interpol di lý về Việt Nam, đồng thời Thượng tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an đã khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích bắt giữ Dương Chí Dũng.

Được biết ông Dương Chí Dũng, từng nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đã bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ luật Hình sự, do những hành vi trong thời kỳ công tác tại Vinalines. Nhưng sau khi được các cơ quan có thẩm quyền cho phép, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn, trước khi cơ quan điều tra triển khai thi hành lệnh bắt, khám xét, chiều 17/5/2012 Dương Chí Dũng đã bỏ trốn. Theo báo Tuổi trẻ, tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều 5.9.2012, ông Vũ Đức Đam - bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - cho biết "Ngay sau khi Dương Chí Dũng bỏ trốn, Thủ tướng đã trực tiếp nghiêm khắc nhắc nhở Bộ Công an và yêu cầu bộ tập trung chỉ đạo bắt bằng được Dương Chí Dũng. Như từ mà báo chí hay dùng là không có vùng cấm nào". Cũng tại cuộc họp báo, ông Đam còn cho biết quyết định khởi tố bị can và quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn đặc biệt đối với Dương Chí Dũng được Thủ tướng chỉ đạo ban hành theo đúng quy định pháp luật, do việc thực hiện kế hoạch của Bộ Công an chưa chặt chẽ nên Dương Chí Dũng đã bỏ trốn.

Điều mà báo chí cho rằng cũng tương tự như việc trước đó chưa đầy một tháng, các kênh chính thống cũng đã đề cập tới chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong các vụ bắt giữ gây chú ý. Lần trước là sau vụ bắt giữ ông trùm ngân hàng Nguyễn Đức Kiên, hay còn gọi là Bầu Kiên, ngày 20/8, ngay sau khi ông Kiên bị bắt thì 22/8 ông Nguyễn Tấn Dũng đã đồng chủ trì phiên họp lần thứ 18 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong vai trò trưởng Ban. Trong phiên họp ông Dũng khen ngợi cơ quan chức năng đã hành động kịp thời và "yêu cầu điều tra xử lý nghiêm minh bất kỳ đó là ai". Nhưng trên thực tế, báo chí cho biết việc cơ quan công an triển khai kế hoạch bắt giữ bầu Kiên thì Thủ tướng hoàn toàn không hay biết gì. 

Việc ông Dương Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đã bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ luật Hình sự, do những hành vi trong thời kỳ công tác tại Vinalines bị bắt giữ sau khi bỏ trốn hơn 3 tháng là một chuyện nóng hổi được dư luận xã hội quan tâm. Theo đúng tinh thần của Đảng và Nhà nước là tất cả mọi người đều công bằng trước pháp luật, không có bất kỳ ngoại lệ nào, không có vùng cấm nào như lời của ông Vũ Đức Đam - bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu, thì tại sao lại không công khai minh bạch rõ việc ông Dương Chí Dũng bị bắt ở quốc gia nào?

Tin ông Dương Chí Dũng bị bắt trên PetroTimes

Xung quanh việc "ông Dương Chí Dũng đã bị bắt bao giờ và bắt ở đâu?", cũng có nhiều nguồn tin khác nhau. Có tin rằng ông Dương Chí Dũng bị bắt ở Singapore, hay chiều ngày 5.9.2012 ông Dương Chí Dũng bị dẫn độ về sân bay Nội bài trên chuyến bay Hà nội - Bangkok (Thái lan) v.v ... Nhưng chính xác hơn cả có lẽ là một bản tin trên trang Petrotimes của ông Đại tá Nguyễn Như Phong - Tổng Biên tập (nay đã bị gỡ bỏ) cho biết "Theo thông tin riêng của Petrotimes, Dương Chí Dũng bị bắt tại Campuchia. Thời điểm bị bắt là ngày 3/9/2012 (không phải là 4/9 như một số phương tiện truyền thông đăng tải sáng nay)."

Nhưng tất cả các tin tức trên đều không có sức thuyết phục, bởi lẽ nếu đúng như nguồn tin từ báo Tuổi Trẻ tiết lộ cho biết, thì ông Dũng bị bắt tại một nước trong khối ASEAN, và được cảnh sát quốc tế Interpol di lý về Việt Nam. Vì bất cứ trường hợp một công dân nước ngoài bị bắt theo lệnh truy nã của cảnh sát quốc tế Interpol, thì ở các quốc gia có tự do báo chí như Singapore, Thailand, hay Campuchia... tin tức này đều được các phương tiện truyền thông lập tức loan báo và đăng tải rộng rãi. Khả năng Interpol bắt là rất thấp, vì cho đến giờ phút này thấy trên trang website của  Interpol vẫn chưa đưa tin đã bắt giữ được và vẫn còn để nguyên thông tin truy nã ông Dương Chí Dũng.

Trát truy nã của ông Dương Chí Dũng vẫn còn nguyên trên wesite Interpol 

Câu hỏi đặt ra là "Tại sao thông tin về ông Dương Chí Dũng đã bị bắt bao giờ và bắt ở đâu?" lại bị bưng bít, úp úp mở mở không minh bạch với công luận như thế? Vì lý do gì? Liệu nó có liên quan gì đến thông tin cách đây không lâu, ngày 22/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) họp phiên thứ 18 Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy nã, bắt bằng được bị can Dương Chí Dũng? Hay có thể ông Dương Chí Dũng không trốn đi đâu cả, mà chỉ là một quân bài đã bị một thế lực nào đó bắt buộc đưa đi dấu ở đâu đó, chờ dịp sử dụng khi cần thiết. Còn sử dụng như thế nào, hoặc thả cho chạy ra nước ngoài, hoặc bắt lại, hoặc có thể là thủ tiêu... Vấn đề là họ sẽ chọn phương án nào thì tuỳ theo tình hình cụ thể trong cuộc chiến nội bộ.

Họ ở đây là ai? Dư luận vẫn đồn đoán ông Dương Chí Dũng từng được coi như là "con trưởng" của Thủ tướng, đã đến lúc Thủ tướng buộc phải thí tốt để tự cứu thân mình kiểu bỏ của chạy lấy người. Nhưng không ai chịu nghĩ ông Dương Chí Dũng đã bị phe đối thủ của Thủ tướng bắt cóc mang đi khai thác xong xuôi, giờ mới công diễn vở Dương Chí Dũng đã bị bắt. Thế là một công đôi ba việc, nhưng nó là cách đánh đòn cân não Thủ tướng khá hiệu quả khi phe đối thủ của Thủ tướng sử dụng.

Thông tin mà nhà nước không minh bạch và công khai sẽ dân tới hậu quả bất cập là như thế. Nhất là đưa tin mà không lường hết các ngóc ngách mà dân gian có thể khai thác, suy đoán thì vô cùng bất lợi.
Ngày 06 tháng 9 năm 2012

© Kami

————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.

Bài bình luận

Tôi đồng ý với tác giả rằng Dương Chí Dũng được che giấu ở trong nước. Tình hình phức tạo quá phải thí chốt thôi. Ngày 22/8 Ông Thủ tướng chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, trong đó ông ta yêu cầu "bắt bằng được Dương Chí Dũng". Hai tuần sau Dương Chí Dũng chính thức bị bắt. Ở đây, việc bắt Dương Chí Dũng chỉ là việc ông Thủ tướng lấy lại uy tín đã rách nát của mình.

Không thể trách người dân thích đọc blog lề trái và nghe tin đồn vì thông tin là một nhu cầu chính đáng của con người. Người ta cần thông tin về điều gì mà các kênh thông tin chính thống không đưa, hoặc đưa theo kiểu không đáng tin thì người ta phải tìm nguồn khác. Người dân không tin vào "tin đồn", vậy xin hỏi người dân nên tin vào đâu? - Cứ lần nào sắp lên giá xăng cũng có cán bộ của bộ Công Thương hay bộ Tài Chính gì đó lên báo phát biểu là chưa có chủ trương lên giá! - Dịch tay chân miệng lan rộng bao nhiêu tháng qua bao nhiêu tỉnh ai cũng biết nhưng bộ Y Tế nhất quyết không công nhận là đang có dịch! - Thủy điện Sông Tranh lần trước phát hiện rò rỉ nước được cho là "thấm khe nhiệt" để rồi bây giờ lại lòi ra thêm địa chấn đùng đùng! Khi mà đồng lương ít ỏi của bạn, sức khỏe của con cái bạn, an toàn của gia đình bạn cứ bị bầm dập bởi những thông tin chính thống như vậy, bạn có bức xúc đi tìm những nguồn không tin khác đáng tin cậy hơn không? Người ta tin blog vì người ta không còn tin những tin chính thức, còn chưa chưa minh bạch và công khai, không đầy đủ và nhất là luôn bị "chỉ đạo định hướng dư luận", khi các nhóm lợi ích bóc lột người dân, phá hoại đất nước thì không nói mà lại cứ rỉ rả về "thế lực thù địch" nào đó, khi người khiến kiện đất và bị vu oan không có nơi để được nói ? Mất lòng tin là mất tất cả, khi đó tin chính thống chỉ còn là để đọc chơi, có khi còn là để đọc và hiểu ngược lại.