You are here

Chẳng mấy người còn biết Nguyễn Văn Vĩnh là ai?

Mới đây, tình cờ, tôi có dịp xem phim tài liệu về Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), do nhóm Trần Văn Thủy thực hiện năm 2007, gồm 4 tập, dài khoảng 210 phút, nhưng hiện chưa muốn công bố rộng rãi.
 
Phim này có tên đầy đủ là Mạn đàm về “Người man di hiện đại”, tuy làm theo chủ đích gia đình (nhu cầu cá nhân) nhưng lại có tham vọng kỷ niệm 100 năm Đông Kinh nghĩa thục, 100 năm Đăng cổ tùng báo (tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên ở Bắc kỳ) - những tổ chức mà Nguyễn Văn Vĩnh có những gắn kết hữu cơ, quan trọng. Và đương nhiên, phim này cũng được làm nhân 125 năm sinh (15/6/1882 - 15/6/2007) của ông. Cho nên, phim cũng khá quy mô và công phu.
 
Vẫn giữ phong cách và thủ pháp có tính tiền phong về phim tài liệu, từ thời Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế… Trần Văn Thủy đã để cho câu chuyện về Nguyễn Văn Vĩnh tự phái sinh và phát triển, vượt ra ngoài kịch bản và chủ đích đạo diễn. Có lẽ luôn luôn như vậy, phim tài liệu của Trần Văn Thủy chỉ có cái tứ, chứ không có kịch bản.
 
Trong phim, Trần Văn Thủy nhận mình là hậu bối và không biết nhiều về Nguyễn Văn Vĩnh nên phải gặp gỡ các bậc thức giả, trí thức để hầu mong vẽ một chân dung. Còn vẽ rõ nét được bao nhiêu là do các cuộc “hầu chuyện này” mang lại.
 
Các tên tuổi mà bộ phim này đã đến gặp quả là một danh sách dài, tóm lược đã thấy Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Huệ Chi, Chương Thâu, Trần Văn Khê, Nguyễn Vinh Phúc, Nguyễn Chung Tú, Nguyễn Đình Đầu, Philippe Le Failler, Dương Cẩm Chương, Nguyễn Đình Đăng, Trần Hòa Bình, Yên Ba… Có những cuộc phỏng vấn không biết kéo dài bao nhiêu mà lên phim đã đến 15-20 phút. Thế nhưng, đặc điểm chung của những phát biểu này, ngoài sự ngưỡng mộ và tái công nhận về sự nghiệp Nguyễn Văn Vĩnh, thì chẳng có một ai nói nhiều hơn thông tin mà một bách khoa phổ thông như Wikipedia đã viết.
 
Phần lớn ca ngợi Nguyễn Văn Vĩnh thế này thế kia, kiểu hoàng thượng tốt áo, mà chẳng có một so sánh hay chứng minh nào cụ thể. Ví dụ, khi nói Nguyễn Văn Vĩnh là ông tổ nghề báo thì phải đưa ra lập luận và chứng minh vài nét; hoặc khi nói Nguyễn Văn Vĩnh canh tân chữ quốc ngữ, thì canh tân chỗ nào và ra sao. Chứ cứ nói chung chung thì thật khó xứng với cái danh chuyên gia hay nhà nghiên cứu.
 
Dương Quảng Hàm, trong Việt Nam văn học sử yếu (in từ 1941 và tái bản vô số lần trước 1975), từng nhận xét: “Về tư tưởng: Ông là người học rộng, biết nhiều, lại có lịch duyệt, thiệp liệp tư tưởng học thuật của Âu Tây, nhưng cũng am hiểu tín ngưỡng phong tục của dân ta, muốn đem những quan niệm phương pháp mới nào hợp thời để truyền bá trong dân chúng, nhưng cũng chịu khó tìm tòi và biểu lộ cái dở, cái xấu cũng như cái hay, cái ý nghĩa của các chế độ, tục lệ xưa... Về văn từ: Văn ông bình thường giản dị, có tính cách phổ thông, tuy có châm chước theo cú pháp của văn tây mà vẫn giữ được đặc tính của văn ta. Ông lại chịu khó moi móc trong kho thành ngữ, tục ngữ của ta những từ ngữ có màu mẽ để diễn đạt ý tưởng (cả những ý tưởng mới của Âu Tây) thành ra đọc văn dịch của ông tưởng chừng như đọc văn nguyên tác bằng tiếng Nam vậy. Kể về văn dịch tiểu thuyết thì thực ông là người có biệt tài, ít kẻ sánh kịp vậy”.
 
Nhà văn Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại (xuất bản từ 1942 đến 1945) đã viết: “Nguyễn Văn Vĩnh là người rất có công với quốc văn. Nhưng không phải chỉ nhờ ở những sách dịch… còn là vì ông đã đứng chủ trương một cơ quan văn học vào buổi mà đối với văn chương, mọi người hãy còn bỡ ngỡ. Ông đã hội họp được những cây bút có tiếng, gây được phong trào yêu mến quốc văn trong giới thanh niên trí thức đương thời...”.
 
Trong hồi ký Bốn mươi năm nói láo (Sài Gòn, 1969) Vũ Bằng viết: “Không phải nói, ai cũng biết ông Vĩnh là nhà học nhiều biết rộng, vấn đề gì cũng biết. Điểm đó, không phải là một điểm đặc biệt, vì chung quanh ông cũng có nhiều người như thế. Nhưng khác một điều là những người kia thì không ứng dụng được cái biết của mình làm lợi ích cho người khác. Đằng này, ông Vĩnh học và hành ngay. Phải nói ngay, thời ấy, ông đã có một ý thức về nghề báo (...) Ông Vĩnh là người lắm công nhiều việc. Ông làm việc như con trâu cày, không mấy khi muốn phiền người khác. Thú thật, cho đến bây giờ, tôi sợ nhiều người nhưng chưa sợ gì như sợ cái tài viết của ông... Ông viết tin, viết xã luận, làm thơ, khảo cứu, phóng sự và dịch tiểu thuyết thì quả không chê được...”.
 
Sở dĩ tôi phải trích lại các ý kiến của những người cùng thời này, là để thấy 2 điều: Thứ nhất, ngay cả người cùng thời, viết về Nguyễn Văn Vĩnh đã khó, vì hình như họ chỉ trọng con người mà không trọng văn nghiệp, học thuật nên không có nghiên cứu sâu sát. Thứ hai, để nói rằng so với 3 lời có tính đãi bôi này [rất khác giọng văn nghiên cứu] thì các ý kiến của những nhà nghiên cứu hậu hối trong phim này càng lan man, sơ sài.
 
Tại sao như vậy?
 
Có nhiều lý do phụ, nhưng chính yếu nhất là suốt một thời gian dài, từ 1945 về sau, ngay cả khi Nguyễn Văn Vĩnh đã chết, không ai muốn “đụng vào” nhân vật này, vì sợ mang họa. Mà mang họa thật, vì những “vụ án” văn hóa còn “nhẹ” hơn nhưng vẫn bị nhà cầm quyền xử tù đày, thậm chí thủ tiêu mất xác. Cái án văn chương, chữ nghĩa của thế kỷ 20 chẳng kém gì về độ sinh động và hỷ nộ, nếu so với các đại án văn chương thời phong kiến.
 
Chính vì nỗi sợ đó, nên đến đầu thế kỷ 21, khi làm phim tài liệu về học giả này, người biết chuyện đã “chết hết”. Ngay cả con cháu cũng gần như không biết gì về Nguyễn Văn Vĩnh, nên đây là một phim tài liệu độc đáo, diễn tả đúng hiện tượng và bản chất chất của giới nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay. Nó bắt đầu bằng chuyện người cháu nội ông Vĩnh kể chuyện bị bạn bè trong lớp sĩ nhục cho đến kết phim là một câu hỏi lớn: Nguyễn Văn Vĩnh vĩ đại như thế nào? Ai biết trả lời giúp, nhưng chưa thấy ai xuất hiện. Trong phim có nhiều thủ pháp chuyển cảnh và so sánh rất thú vị, khiến người xem nhận ra nhiều sự thật phũ phàng.
 
Nghe tin đồn, sở dĩ phim không được công bố rộng rãi là do có mâu thuẫn giữa nhóm làm phim Trần Văn Thủy và gia đình, mà lý do chính là gia đình muốn làm phim ca ngợi cụ Vĩnh, trong khi đạo diễn chỉ muốn phác họa cả một khung cảnh văn hóa đương thời, với thủ pháp làm phim tài liệu cấp tiến, không gò vào kịch bản.
 
Tiện thể, nếu muốn biết Trần Văn Thủy làm phim tài liệu như thế nào, có thể vào đây xem Chuyện tử tế (1985) http://www.youtube.com/watch?v=3uN1qwjS2CI - có lẽ đây là phim tài liệu xuất sắc nhất của Việt nam từ xưa đến nay.

Bài bình luận

Phan Van Khai & Nguyen Tan Dung To cao CSVN http://www.giaiphapdanchu.com/2011/03/ang-cong-san-viet-nam-nen-lam-gi.html ; http://hochiminhtocaocsvn.wordpress.com

Đọc bài báo này tôi có cảm giác tác giả mới chỉ nghe được thông tin một chiều, phiếm diện. Tôi không nói về những nhận định của tác giả về học giả Nguyễn Văn Vĩnh, về những nhà nghiên cứu hiện nay mà tôi chỉ muốn nói về câu cuối trong bài báo này. .........” Nghe tin đồn, sở dĩ phim không được công bố rộng rãi là do có mâu thuẫn giữa nhóm làm phim Trần Văn Thủy và gia đình, mà lý do chính là gia đình muốn làm phim ca ngợi cụ Vĩnh, trong khi đạo diễn chỉ muốn phác họa cả một khung cảnh văn hóa đương thời, với thủ pháp làm phim tài liệu cấp tiến, không gò vào kịch bản.”........ Việc thông tin không chính xác như trên sẽ làm nhiều người hiểu lầm. Tôi có cảm giác như tác giả bài báo đã nghe và cóp nhặt những chuyện đồn đại xung quan bộ phim và viết nên câu này. Xin mời tác giả hãy đến gặp những thành viên trong gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh để nghe họ nói về Trần Văn Thủy, để xem cách họ thể hiện sự trân trọng đối với công sức của Trần Văn Thủy đã bỏ ra khi làm bộ phim và cũng để hiểu hơn nữa về những câu chuyện đã xảy ra trong quá trình làm phim và sau khi phim đã hoàn thành. Hãy đến và nghe, nghe từ nhiều phía để hiểu hơn tất cả mọi chuyện, mọi đồn đại về những chuyện diễn ra xung quanh bộ phim và hiểu hơn nữa quá trình làm bộ phim này.