You are here

Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp và ngày 30 tháng tư

Lời giới thiệu của Nguyễn An: Nguyễn Xuân Thiệp sinh quán ở Huế, bắt đầu làm thơ đăng báo từ năm 17 tuổi. Ông dạy học, nhập ngũ, trở thành sĩ quan trưởng đài phát thanh quân đội vùng hai chiến thuật QLVNCH, đi tù cộng sản 7 năm. Định cư ở Hoa kỳ từ 1995. Chủ biên tạp chí Phố Văn từ 2000 đến 2008. Hiện ở Dallas, Texas, vẫn đang làm báo.
Nổi trôi theo dòng đời và vận nứơc, Nguyễn Xuân Thiệp trứơc hết và trên hết là một thi sĩ, dù dậy học, đi lính, đi tù hay làm báo. Xin giới thiệu hai bài viết đuợm chất thơ của ông về ngày 30/4.
Lệ Đá

“Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ
Em có bao giờ lệ chứa chan…”
Câu thơ Quang Dũng đã nói lên một điều: Đá cũng biết đau, biết khóc trước những đoạn trường của con người. Thành ra lời Bà Huyện Thanh Quan viết khi đứng trước nỗi hoang phế tịch liêu của Thăng Long Thành, theo Nguyễn tôi nghĩ, chưa được mãn ý lắm: “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt / Nước còn cau mặt với tang thương”. Không, nói như thế là chưa hiểu lòng gỗ đá. Nguyễn tôi, một chiều nào kéo gỗ, vớt sỏi và cát bên bờ sông Giăng ở Nghệ Tĩnh, nghĩ tới hiện kiếp bị vùi dập trong cơn giông lịch sử, có thốt lên những lời sau đây: “…dưới trời xưa có phai vàng nát đá / giọt lệ nào rơi trong chiều nay / ta xót ta thân dã tràng xe cát / biển đông sóng dội xô bờ / nỗi oan khiên một thời không bóng vang / mắt gỗ vàng và mắt ta qua thế kỷ / đã thấy vết chàm in những mặt người…”. Và còn biết bao lời thơ chất chứa nỗi niềm, như "đất đá ong khô nhiều ngấn lệ…" Và rồi “Đôi khi anh muốn tin, đôi khi anh muốn tin... / Ôi những người, ôi những người khóc lẻ loi một mình / Đau đớn lệ là những viên đá xanh / Tim rũ rượi... " (Lệ đá xanh, thơ Thanh Tâm Tuyền) cũng là những trải nghiệm qua cõi đá vàng. Vâng, trước những nỗi tang thương, thiên bi kịch nhiều chương nhiều đoạn bây giờ, đá cũng đau lòng, nhỏ lệ. Lệ đá, hay lệ đá xanh, là thế, nó là một sự thực -hiểu và nhìn theo cách nào đó.
Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi rồi / hỏi nắng phiêu du qua bao đỉnh trời / hỏi ái ân xưa đèn vàng héo hắt / ái ân bây giờ là nước mắt / cuối hồn một thoáng nhớ mong manh... Ai, người đài trang nào dưới bầu trời đêm mưa và sấm, như đêm nào chiến tranh đã xa, đã đọc cho Nguyễn tôi nghe. Những câu hỏi dồn dập không cần lời giải đáp. Và đó là ca từ của bài Lệ Đá do Hà Huyền Chi viết cho một bài nhạc của Trần Trịnh năm nào. Cũng là lệ đá…
Vâng. Hay như Đá Xanh, hóa thân của một mối tình tan vỡ trong nhạc Lê Uyên Phương:
rồi
ngày xanh ngày xanh qua nhanh
rồi ngày xanh qua nhanh
ngày hè đã nứt khô trên môi còn lại tiếc thôi
như viên đá lưng mềm vuốt ve tình nhân
nuôi mộng ước lâu bền
nhưng viên đá nay thành đá xanh thủy chung
đã rơi dọc sườn cao lưng đồi
ngày ngày đợi chết trong lùm cây u uất
ngày ngày nằm nhớ ân tình sâu muôn đời
đá không đổi dời
tình,
tình ơi
tình ơi mênh mông
tình, tình ơi mênh mông
dòng lệ nóng đã trôi trong tim
còn lại xót xa
như viên đá lưng tròng mắt quan tài tươi
ôi mộng đã tan rồi như viên đá nay thành đá trên mộ bia
đá im lìm ngàn thu rêu mờ
người tình giờ đã quên tình sâu xa vắng
Tình yêu của một mùa hè rực rỡ nay đã biến thành cái chết. Như viên đá trong lòng suối thành đá trên mộ bia. Cũng là lệ đá, nhưng đây là lệ của một tình yêu xưa. Nó không phải là điều Nguyễn tôi muốn nói ở thời khắc này. Đã gần hai giờ sáng rồi. Trăng soi trên thềm đá ẩm. Ngồi cầm bút (à, quên, gõ phiếm còm-pu-tờ) viết những dòng này, trong lúc trí óc nghĩ tới những điều, cũng nằm trong thế giới người, nhưng lại liên quan tới những vật vô tri ở chung quanh -vô tri, nhưng nhờ mắt nhìn của thi sĩ chạm tới mà bỗng nhiên có một linh hồn, biết xót thương và rơi lệ. Những con mắt gỗ nhìn qua thiên trường kịch của đời người, những ngọn đèn ủ ê thở than cho thân phận những o nghèo, và những phiến đá rơi lệ trong buổi chiều tiễn đưa một người về nơi cõi gió...
Và, kể từ khi đá biết đau... Hừm, đây có phải là thơ mình không, hay một lời mê sảng nào đó? Nhưng, đúng là vậy. Chuyện kể: ít lâu sau khi bức tường Berlin bị phá sập, có một cô bé leo lên những bậc thang của tòa nhà Quốc Hội nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức cũ, lần theo mấy cây cột, lấy tay sờ lên những vết đạn của cuộc Thế Chiến Thứ Hai còn sót lại trên những phiến đá. Được hỏi, cô bé trả lời "Em đang hỏi chuyện những phiến đá này!" Và cô bé nói tiếp: "Em hỏi đá là bị nhiều vết đạn như thế này, đá có đau không? Đá không trả lời. Nhưng đá đã kể cho em nghe những gì đá đã chứng kiến trong chiến tranh, lúc em chưa sinh ra, với bao nhiêu người chết, bao nhiêu đá gạch đã đổ vỡ, và đá đã khóc...". Lúc đó, ai cũng nghĩ cô bé giầu óc tưởng tượng. Nhưng về sau, người ta mới thấm thía. Trong một xã hội vô nhân tính, như xã hội Đức Quốc Xã hay xã hội Cộng Sản, con người đối xử với con người chẳng khác loài lang sói cắn, xé nhau. Khiến gỗ đá cũng phải đau lòng, như lời cô bé đã nói.
Kể từ khi đá biết đau. Chúng ta lại nghĩ đến những tấm bia trên hai hòn đảo Bidong và Galang. Một tấm ghi hàng chữ nói đến thảm cảnh thuyền nhân đã vùi thây nơi "thủy mộ quan" (từ của Viên Linh) trong những chuyến hành trình tả tơi đi tìm chân trời mới. Người ta đọc thấy: "Tưởng niệm hàng trăm ngàn người VN đã bỏ mình trên đường tìm tự do (từ 1975 đến 1996). Cho dù họ chết vì đói vì khát hay bị hãm hiếp, hoặc vì kiệt sức hay vì bất cứ lý do nào khác, chúng ta cầu nguyện linh hồn họ giờ đây được hưởng phúc nơi an bình vĩnh cửu". Trong khi tấm bia ở đảo Bidong thì bày tỏ lòng biết ơn chính phủ Mã Lai và Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ đã cứu vớt, cưu mang những người vượt biển cách đây mấy chục năm. Cả hai tấm bia mới được dựng lên hồi tháng 3 năm 2005 khi các cựu thuyền nhân, nay đã định cư yên ổn ở Hoa Kỳ và Canada, trở về đảo xưa ghi lại dấu tích tưởng nhớ tới những bạn đồng hành xấu số. Như thế đó, hai tấm bia ở Bidong và Galang hoàn toàn mang ý nghĩa tưởng niệm và đầy tinh thần nhân bản. Vậy mà những anh em ta trong đảng đang cai trị đất nước bây giờ đã không để yên. Được biết tấm bia tưởng niệm thuyền nhân được đặt tại Paulau Bidong vào tháng 3.2005, đã bị chính quyền sở tại phá bỏ vào ngày 20 tháng 10. 2005, do đại sứ Việt Nam vận động triệt hạ. Đây là lần thứ hai họ đã dùng tới hạ sách để áp lực các quốc gia sở tại đục bỏ những tấm bia tưởng niệm thuyền nhân. Trước đó, vào cuối tháng 5. 2005, tấm bia ở Paulau Galang, Indonesia, cũng đã bị phá bỏ.
Nhẫn tâm đến như thế hỏi làm sao đá không đau lòng, nhỏ lệ. Rõ ràng chỉ có kẻ ác mới nuôi lòng thù hận đối với những người đã chết cách đây ba chục năm. Hay bàn tay ai đó muốn xóa vết tích tội lỗi của họ đã gây ra, muốn thế giới quên đi thảm kịch thuyền nhân, muốn thế hệ mai sau quên đi một thời của quỷ. Nhưng họ đã lầm, thảm kịch thuyền nhân Việt Nam đã đi vào lịch sử, mà những gì đã thuộc vào lịch sử thì không thể nào xóa bỏ. Ôi, một hôm nào Nguyễn lên Internet nhìn thấy tấm bia đá thuyền nhân bị đập vỡ ở giữa mà tưởng chừng đá kia cũng như tim người vỡ vậy.
Và, kể từ khi đá biết đau… Vâng. Không cứ gì những những tảng đá ong ở Sơn Tây Bất Bạt ngày nào, và cũng không nhất thiết phải là đá trên bức tường Bá Linh hay toà nhà Quốc Hội Cộng Hòa Dân Chủ Đức, hoặc giả những tượng đài bia đá ở Garlang, Bidong. Ở đây, Nguyễn muốn nói tới những phiến đá lát trên hè phố Sài Gòn. Bạn ơi, thanh xuân ngày ấy, Nguyễn và bạn đã chẳng hơn một lần gõ bước trên những phiến đá của đường Tự Do, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn sao… Những bước chân vui như tiếng huýt sáo của một thời trước cả khi Nguyên Sa viết Sài Gòn phóng solex rất nhanh. Đúng như thế đó, Sài Gòn của tôi ngày ấy. Cho tới khi xe tăng và dép râu, nón cối của bộ đội Cộng Sản vào Sài Gòn thì cuộc đời bỗng dưng lật sang một chương đoạn khác. Người với người chia tay, mưa dầm nắng quái, trẻ con xa lớp xa trường, những đôi mắt đêm đêm hướng về cửa biển… Và mới đây khi gót chân hãnh tiến của bọn thanh niên Trung Quốc trong cuộc rước đuốc ma quỷ dẵm xuống vỉa hè đường phố Sài Gòn thì mọi suy nghĩ bỗng trở thành thứ dụ ngôn của cơn mê sảng. Ôi, nhà thơ tiên tri khải thị, nói gì đi chứ khi đá cũng biết đau biết buồn trước cảnh ngang trái của một thời. Nói gì đi chứ khi lời nguyền thuở nào còn ghi trên đá, nỡ nào lãng quên:
Khi ta đi và mùa xuân đang lại
Máu ta ghi trên đá đợi ta về?..*

*Thơ của một tác giả quên tên
Nguyễn Xuân Thiệp
Nguồn: http://www.gio-o.com/NguyenXuanThiep.html

Tháng Tư, nhớ về Sài Gòn
bài của Nguyễn Xuân Thiệp
Posted on Tháng Tư 13, 2010 by nguyenlieu
Tháng Tư, nhớ về Sài Gòn
Nguyễn Xuân Thiệp
- Thứ Hai, 12 tháng 4 2010
Tháng Tư gợi lại bao nhiêu kỷ niệm cho nhiều thế hệ người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước
Tháng Tư về, gợi lên bao điều để suy nghĩ và để nhớ.
Nhớ Sài Gòn, chẳng hạn. Ờ, tại sao lại nhớ Sài Gòn mà không nhớ Huế, nhớ Đà Nẵng, nhớ Nha Trang? Hay nhớ Đà Lạt? Có thể nhiều người nhớ những thành phố này, còn với Nguyễn thì Sài Gòn là đóa quỳ vàng của một thời. Có lẽ tại vì Nguyễn đã sống ở đó những năm thanh xuân của đời mình, và ra đi từ đó. Lại nữa, Sài Gòn chính là Việt Nam trong tim của Nguyễn và của nhiều người. Ôi Việt Nam / từng là nỗi đau xé trong tôi / sao tôi khóc lúc ra đi / phượng đỏ một lời yêu dấu cũ / là lúc chia xa… Vâng, qua bên này nghe ca khúc Đêm Nhớ Về Sài Gòn của Trầm Tử Thiêng lại càng nhớ da diết. Đêm nhớ về Sài Gòn / Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa / Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa / Ai sầu trong quán úa…

Ôi Tháng Tư. Tháng Tư mở ra những cơn mưa đầu tháng Năm ở Sài Gòn ngày ấy. Mưa. Mưa trái mùa trên rừng cao su An Lộc. Những chiến sĩ Biệt Kích Dù, hàng hàng lớp lớp, đứng nghiêm trong mưa, chào quốc kỳ lần cuối. Rồi chia tay… Vì đâu… Xin hãy nhớ lại kể từ 30 Tháng Tư 1975, không còn tiếng súng xối xả vào kẻ thù, mà đây đó có những tiếng súng lẻ tẻ, tiếng nổ lựu đạn, của các tướng quân, sĩ quan, binh sĩ chấp nhận cái chết chứ nhất định không để rơi vào tay kẻ thù. Những người lính Dù ở Lăng Cha Cả chẳng hạn, hay những người lính Thủy Quân Lục Chiến trong Biển Xưa của Nguyễn Mộng Giác.
Và như vậy, Tháng Tư gợi lại bao nhiêu kỷ niệm cho nhiều thế hệ người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước. Nó là một dấu mốc rất lớn, kể từ năm 1975 trở đi tới nay, và chắc chắn nó cũng nói lên bao điều với những thế hệ sau này. Thật vậy, tháng 4 vẫn luôn là những kỷ niệm thật đau khổ và lớn lao, một vết cháy trong tâm hồn bạn tâm hồn tôi – những người một thời bước đi trên sạn đạo lửa đỏ quê hương – và cho cả lớp người theo cha mẹ vượt biên hồi còn bé dại rồi lớn lên ở những xứ sở xa lạ – như cô bé Phạm Quỳnh Anh người hôm nào đã hát ca khúc Bonjour Vietnam tuyệt vời, hay như cô bé Dao Strom với tiếng đàn thùng, tác giả những bài ca buồn trong tuyển tập Send Me Home – lớp người trẻ hôm nay vẫn chưa quên những năm hãi hùng “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội xã hội chủ nghĩa,” với những ông chủ mới “y trang xúng xính. giọng hét phàm phu” (chữ của Tô Thùy Yên) chĩa mũi súng đẩy hàng trăm ngàn người vào trại cải tạo, đẩy cả triệu dân ra biển Đông sóng dữ hay đi vùng kinh tế mới ma hoang nước độc…
Đúng vậy. Nhà báo Trần Khải viết: Những hình ảnh kinh hoàng, bây giờ nhìn lại vẫn thấy y hệt như là truyện tiểu thuyết Liên Xô. Có vẻ gì rất là siêu thực, như không thể là thực, nhưng lại rất là bi thảm, và đã làm chết biết bao nhiêu người, trên rừng, ngoài phố và sau này là trên biển. Bao giờ thì tháng 4 có thể hàn gắn, không còn là một vết thương, ít nhất là với nhiều triệu người? Với Sơn Ca, có bao giờ cô quên được những hình ảnh hãi hùng đau đớn của Tháng Tư 1975: hôm 28 tháng tư em vào Tân Sơn Nhất / đêm địch pháo phi trường. em ôm hai con / trời tối đen. tắt rồi ánh lửa / không tiếng người. anh ờ nơi đâu… Ôi, cô ca sĩ mắt xếch, tóc màu auburn, em còn nhớ đã cùng chàng chỉ ít hôm sau khi Việt Cộng chiếm Sài Gòn, đã đi mua ngay chiếc xe đạp, đèo nhau đi, để gọi là từ đài các bước xuống bụi đời… Và em nữa, cùng hai con, lúc ấy còn bé xíu, chiều chiều đứng trên ban công nhìn ra sông Thanh Đa, cầu nguyện… Tháng Tư quả như vết dao chém xuống Sài Gòn, chém xuống Việt Nam, cắt đứt những mảnh đời. Kể từ đây xanh thành đỏ, phải thành trái, đúng thành sai, con người lộn ngược đầu kiểu như trong tranh Upsidedown của Nguyễn Đại Giang. Còn gã nhạc sĩ mù ôm đàn gào trong cơn mưa trước rạng đông mặt trời bị cắt cổ (soleil / cou coupé –Apollinaire), bây giờ đi đâu về đâu?
Cuối cùng, Tháng Tư vọng lên câu chửi thề nổi tiếng của thi sĩ Sơn Núi: Đù mẹ cây bông hồng / Mày không lao động / Sao mày trổ bông…
Nguyễn Xuân Thiệp
Nguồn: http://nghiathuc.wordpress.com/2010/04/13/thang-t%C6%B0-nh%E1%BB%9B-v%E1...

Bài bình luận

Lots of specialists argue that home loans help a lot of people to live their own way, because they can feel free to buy needed goods. Moreover, different banks present small business loan for different classes of people.