You are here

Báo chí tự do là vũ khí lợi hại bảo vệ chủ quyền nước nhỏ trước cường quốc

 
Lê Diễn Đức
 
 
Vào lúc 18 giờ, giờ Ba Lan, ngày 27/05/2011, Tổng thống Obama tới Ba Lan - Ảnh: PAP
 
Hai năm rưỡi trên cương vị Tổng thống, Barack Obama đang thực hiện cuộc hành trình lần thứ 8, thời gian 6 ngày, tại châu Âu, đặc biệt qua Ba Lan là chuyến đi đúng nghĩa làm việc, không có Đệ nhất Phu nhân đi cùng.
 
Tổng thống Obama thăm Ireland, như là chuyến hành hương về quê cha đất tổ; tới Anh quốc để tái khẳng định mối quan hệ “đặc biệt” và “mạnh hơn bao giờ hết”; tới Pháp dự Hội nghị G8 ở Deauville với chủ đề chính là Bắc Phi, nơi vừa diễn ra cuộc cách mạng Hoa Lài và một số nước đang trong tình trạng bất ổn. Nhà ga cuối cùng là Ba Lan, vào ngày 27 tháng 5.
 
Barack Obama là vị tổng thống thứ bảy của Hoa Kỳ thăm Ba Lan, và là chuyến công du thứ 11 của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ. Ba Tổng thống Hoa Kỳ đã đến Ba Lan thời cộng sản là Nixon (1972), Ford (1975), Carter (1977). Tổng thống George W. Bush thăm Ba Lan 3 lần, lần cuối cách đây gần bốn năm.
 
Mối tình đặc biệt
 
Ba Lan không nằm ở thang bậc cao nhất trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, nhưng không kém phần đặc biệt và nhạy cảm.
 
Cộng đồng người Mỹ gốc Ba Lan rất lớn, khoảng hơn 10 triệu. Riêng người Ba Lan sống ở Chicago nhiều gần gấp đôi số người Ba Lan ở thủ đô Warsaw của mình.
 
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, trong chuyến đi tới Ba Lan tháng 10/2009 nói gia đình ông ở Delawer “mang món nợ” với người Mỹ gốc Ba Lan. Vào năm 1972, lúc 29 tuổi, lần đầu tranh cử vào Thượng Nghị viện trong cuộc đọ sức ngang ngửa, họ đã giúp ông giành được chiếc ghế Thượng nghị sĩ và ông nói “không bao giờ quên điều này”.
 
Người Ba Lan hội nhập sâu rộng vào đời sống văn hoá, xã hội và chính trị của Hoa Kỳ, nhiều người nắm giữ địa vị cao. Giáo sư đại học Haward Zbigniew Brzezinski là cố vấn an ninh của Tổng thống Jimmy Cater.
 
Kết thúc Đệ nhị Thế chiến, Ba Lan đã bị tam cường Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh quốc chia xẻ, gạt qua vùng ảnh hưởng của Liên Xô tại Hội nghị Yalta tháng 2/1945. Người Ba Lan vẫn thường nhắc Ba Lan đã bị Hoa Kỳ và Anh phản bội: Dân tộc Ba Lan vừa ra khỏi hiểm hoạ phát xít Đức, thì lại rơi ngay vào một chủ nghĩa tàn ác không kém: chủ nghĩa cộng sản toàn trị.
 
Nếu nói tới những nguyên nhân quan trọng làm chế độ cộng sản Ba Lan sụp đổ, không thể không kể đến chiến lược của Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan. Phối hợp với Giáo Hoàng Jan Paul II, chính phủ của Reagan đã chi viện lớn cho phe dân chủ Ba Lan thông tin tình báo, tiền bạc, vật chất, và gây sức ép kinh tế mạnh mẽ lên nhà nước cộng sản Ba Lan.
 
Ngay sau khi giành được dân chủ, tự do, năm 1990 Ba Lan là nước cựu cộng sản đầu tiên đơn phương hủy bỏ chiếu khán nhập cảnh cho công dân Hoa Kỳ, xác định chính sách hội nhập Liên Hiệp châu Âu và chọn Hoa Kỳ là đồng minh chiến lược.
 
Thăm Ba Lan hai lần (1994 và 1997), trong bài phát biểu trước công chúng tại Warsaw, Tổng thống Bill Clinton nhắc tới Tướng Ba Lan K. Pulawski, người đã sát cánh với G. Washington chiến đấu cho nền độc lập của Hoa Kỳ giai đoạn 1777-1779 và nhờ sự can đảm của ông mà G. Washington đã thoát chết trong trận đánh Brandywine ngày 11/9/1777. Bill Clinton đã nói lớn bằng tiếng Ba Lan, dường như muốn chuộc lại sai lầm của Hoa Kỳ: “Không có gì về các bạn mà không có các bạn!” [“Nic o Was bez Was”].
 
Nhờ sự giúp đỡ cả quyết của Hoa Kỳ, tháng 3/1999, Ba Lan trở thành thành viên chính thức của NATO. Người Ba Lan cảm thấy được ra khỏi ảnh hưởng truyền kiếp của nước Nga. Từ đây bắt đầu giai đoạn mới trong tình cảm và sự đam mê của Ba Lan với đất nước cờ hoa.
 
Mười ngày sau thảm kịch khủng bố WTC tại New York (ngày 11/9/2001), Ba Lan là một trong vài nước tuyên bố sát cánh với Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố.
 
Bỏ qua tranh cãi với đồng minh châu Âu, Ba Lan đã tham chiến với Hoa Kỳ sớm nhất tại Iraq với quân số đứng hàng thứ hai, sau Anh quốc, hơn toàn bộ quân số gộp lại của các nước khác Đông Âu, hơn cả những đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ như Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức… và hiện đang giữ vai trò quan trọng trong liên minh ở Afghanistan.
 
Trong cuộc đấu thầu mua máy bay tiềm kích, Ba Lan đã làm ngơ trước đơn chào hàng của Anh, Thụy Điển, Đức, Pháp và những lời bàn tán khó chịu, để ký hợp đồng hàng trăm triệu đô la mua F-16 của Hoa Kỳ…
 
Sự phản bội?
 
Đúng giữa đêm ngày 16/09/2009, Tổng thống Barack Obama đã gọi điện thoại cho Thủ tướng CH Czech, sau đó cho Thủ tướng Ba Lan, thông báo Hoa Kỳ từ bỏ kế hoạch xây dựng lá chắn chống hoả tiễn.
 
Ngay lập tức, báo chí Ba Lan và cả tờ “Washington Post”, đều phê phán cuộc gọi điện thoại gấp gáp vào giữa đêm của Tổng thống Obama.
 
Bởi vì ngay hôm sau, 17/09 là ngày Ba Lan kỷ niệm 70 năm quân đội Liên Xô xâm chiếm Ba Lan. Nhiều đoàn đại biểu quốc tế tham dự lễ, trong đó có Hoa Kỳ.
 
Ngày 1/9/1939, từ phía Tây, Đức tấn công Ba Lan, mở màn Đệ nhị Thế chiến. Cuộc tấn công nằm trong thỏa thuận bí mật giữa Liên Xô và Đức Quốc Xã theo Hiệp ước Rribbentrop-Molotov ký một tuần trước đó (23/08/1939).
 
Hơn hai tuần sau, Liên Xô xua quân xâm chiếm Ba Lan từ phía Đông.
 
Ngày 17 tháng 9 là điểm mốc của trang sử bi thảm mà dân tộc Ba Lan trải qua với 6 triệu người chết, bằng ¼ dân số lúc đó. Bi kịch nhất là cuộc thảm sát tập thể 22 ngàn quân nhân Ba Lan tại rừng Katyn bởi Stalin và chiến dịch tắm máu cuộc khởi nghĩa Warsaw năm 1944 của Hitler làm hơn 200 ngàn thường dân và gần 20 ngàn binh sĩ Ba Lan bị chết và mất tích, thủ đô Warsaw bị phá hủy gần như hoàn toàn.
 
Kế hoạch xây dựng lá chắn chống hỏa tiễn của Hoa Kỳ từ nhiều năm nay đã làm chính phủ Ba Lan phấn chấn, dù đa số dân chúng không mặn mà lắm vì quan ngại có thể gây hiềm khích với nước Nga. Tuy nhiên, trước khi Tổng thống W. Bush kết thúc nhiệm kỳ, vào tháng 8/2008, Ngoại trưởng Condoleezza Rice tại thủ đô Warsaw đã ký kết thoả thuận với Ba Lan.
 
Nhưng 6 tháng sau khi nhậm chức, mực ký chưa ráo, Tổng thống Obama đã đột ngột hủy bỏ kế hoạch. Thực ra, bỏ qua khu vực nhạy cảm này, và có lúc đặt lợi ích của các đồng minh trung thành lên bàn thờ của học thuyết “reset”, Barack Obama muốn thiết lập lại mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga, là đối tác quan trọng trong cuộc đối đầu với Iran và giúp Hoa Kỳ cơ sở hậu cần cung cấp cho mặt trận Afghanistan và ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân.
 
Trong ngày 17/09, nhiều tờ báo của Nga đã khen ngợi Tổng thống Obama. Tờ “Pravda” nói “Cú điện thoại giữa đêm của Obama đã thay đổi thế giới”.
 
Còn người Ba Lan nhận tin này trong sự bàng hoàng giống như bị “phản bội” lần thứ hai. Báo chí Ba Lan mở cuộc tổng công kích Hoa Kỳ!
 
Tuần báo “Wprost” chạy tít “Cái tát cho Ba Lan”, với bài phỏng vấn Paul Kengor, giáo sư của City College từ bang Pensylvania. Paul Kengor là tác giả cuốn sách “Ronald Reagan và sự lật đổ chủ nghĩa cộng sản”. Ông nói: “Tuyên bố (của Obama) đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Hồng quân Liên Xô xâm lăng Ba Lan là sự ngu ngốc khủng khiếp, gây nên cú sốc chính trị, ngoại giao và là sự đểu cáng. Ronald Reagan chắc chắn bật dậy dưới mồ”.
 
Với tựa lớn “Kẻ phản bội” choán hết gần nửa trang nhất, nhật báo “Faks” viết Hoa Kỳ “đã bán đứng Ba Lan cho Nga” và là “nhát dao đâm sau lưng”- câu nói cay đắng của người Ba Lan nhắm vào Hiệp ước Ribbentrop-Molotov giữa Stalin và Hitler.
 
Lech Walesa, cựu Thủ lĩnh Công đoàn Đoàn kết nói: “Người Mỹ chỉ lo cho lợi ích của mình. Tất cả chúng ta bị lợi dụng vào những mục đích của họ”, và “Chúng ta phải xem xét lại cái nhìn đối với Hoa Kỳ và phải quan tâm đến lợi ích riêng của mình”.
 
Bình luận gia Kwiecien của nhật báo “Dziennik” trong bài “Chúng ta trả giá cho tình yêu mù quáng” viết: “Người Mỹ là vậy! Chúng ta trao cho họ con tim, còn họ… trao cho chúng ta hóa đơn thanh toán tiền mua F-16. Chúng ta đã dâng hiến cho tình yêu này bất chấp ngăn cản của bạn bè châu Âu về kế hoạch lá chắn. Chúng ta dám chấp nhận quan hệ căng thẳng với Sa hoàng Putin. Còn người Mỹ? Họ không muốn tiếp tục, chỉ hứa suông và bây giờ làm tất cả để quay ngược lại. Đây là mối tình bệnh hoạn của Ba Lan trước Hoa Kỳ”.
 
Rồi ông kết luận: “Chúng ta đã có bài học lịch sử cho tương lai. Chúng ta phải làm tất cả để thế hệ mai sau không bị tổn hại vì chúng ta lãng quên sai lầm và có thái độ ngớ ngẩn trước lịch sử bi thảm. Chúng ta phải biết cân đối lại quan hệ của mình trong chính sách đối ngoại và quốc phòng. Tìm kiếm sự an ninh bằng thiện chí của Washington qua những nụ cười và cái bắt tay chẳng mang lại ý nghĩa gì”.
 
Trong bài “Người Mỹ sẽ phải thay đổi thái độ”, A. Kozinski của nhật báo “Polska The Times” dẫn lời Michael Codner, Giám đốc Viện nghiên cứu Quốc Phòng Hoàng gia Anh (RUSI): “Obama không muốn hệ thống lá chắn với lý do đơn giản: bởi vì W. Bush thích nó”.
 
Cũng trên “Polska The Times”, Tổng biên tập Pawel Fafara với bài “Sai lầm to lớn của Hoa Kỳ” viết: “Với một nước Nga sẵn sàng xâm chiếm nước láng giềng có chủ quyền (Georgia tháng 8/2008), các nhà báo bị bắn vào đầu không tìm ra thủ phạm, luôn mang ý chí tái lập đế chế và bành trướng khu vực, làm sao Obama có thể cùng xây dựng được hòa bình thế giới. Thế giới hôm nay khác hẳn sau cuộc khủng bố World Trade Center, nhân nhượng trước chủ nghĩa đế quốc Nga sẽ đưa lại những hậu quả đau xót”.
 
Phản ứng quá mạnh mẽ và trực diện của dư luận Ba Lan đã làm Washington lúng túng.
 
Ba ngày sau quyết định của Obama, Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định Hoa Kỳ không hề “cất vào tủ” hệ thống lá chắn mà sẽ triển khai hệ thống khác hiệu quả hơn. Bà nói Ba Lan và Hoa Kỳ “kết nối với nhau bằng trách nhiệm chung của đồng minh NATO và những liên hệ lịch sử, kinh tế, văn hóa”, bà nhắc lại điều 5 của Hiệp ước Washington: “Tấn công London hay Warsaw đồng nghĩa với tấn công New York hay Washington”.
 
Tiếp theo, ngày 20/10/2009, Phó Tổng thống Joe Biden tới Ba Lan cam kết hợp tác với Ba Lan trong một hệ thống mới, bao gồm các tên lửa SM-3 1B (Standard Missile 3) thay cho hệ thống “Ground Based Interceptor” của Tổng thống Bush. Hệ thống này dự kiến đặt trên lãnh thổ Ba Lan trong thời gian 2015-2018, phối hợp với hệ thống di dộng Aegis trên các chiến hạm ở biển Địa Trung Hải và biển Bắc. Hệ thống mới không những chỉ ngăn chặn tên lửa tầm xa mà còn cả tên lửa tầm ngắn và trung bình, bảo vệ được Hoa Kỳ cũng như tất cả các thành viên NATO.
 
Đáp lời Joe Biden, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói “Ba Lan cần thiết trong kế hoạch toàn cầu, chứ không phải chỉ với tư cách một nhà nước cần được giúp đỡ. Chúng tôi cố gắng trong con mắt của người Mỹ là đối tác năng động và cùng chung trách nhiệm”.
 
Một chuyến ngoại giao tới khu vực khó khăn
 
Tới Ba Lan lần này, Tổng thống Obama sẽ là khách mời danh dự của hội nghị thượng đỉnh các nước thuộc khu vực Đông, Trung và Đông Nam châu Âu, do Ba Lan tổ chức, với 19 nhà lãnh đạo của các nước cựu cộng sản Đông Âu, các nước vùng Baltic, Balkan, Ý, Đức và Ukraine, được xem là sự kiện ngoại giao quan trọng nhất ở phần này của châu Âu trong nửa đầu năm 2011. Cuộc họp thượng đỉnh của khu vực này có từ năm 1994, lần đầu tiên tại Cộng hòa Séc.
 

Ba ngày trước khi TT Obama tới Ba Lan, 3 chiếc máy bay vận tải US Air Force chở đồ đã đáp xuống sân bay thủ đô Warsaw- Ảnh: TVN24
 
Báo chí Mỹ viết Ba Lan là "phần khó nhất trong chuyến đi ngoại giao" với châu Âu của Barack Obama.
 
Mike Brownfield, nhà báo của Heritage Foundation, một think-tank bảo thủ rất có ảnh hưởng, nói “Barack Obama đã từng kịp thực hiện một tournee xin lỗi khắp thế giới, từ Pháp đến Thổ Nhĩ Kỳ, từ G20 đến Thượng đỉnh Bắc Mỹ về tính độc đáo của Hoa Kỳ và vai trò cảnh sát quốc tế, tuyên bố mea culpa (lỗi của tôi) cho mọi thứ từ di sản xa xưa của Hoa Kỳ đến cuộc chiến chống khủng bố. Giờ thì đã đến lúc tournee xin lỗi của Tổng thống Obama phải chuyển về hướng khác. Ông phải sửa đổi sai lầm bắt đầu từ Ba Lan và Anh Quốc”.
 
Mike Brownfield  khuyên Tổng thống Obama xin lỗi cho Anh quốc về các quyết định làm suy yếu "quan hệ đặc biệt" giữa hai nước. Tổng thống cũng nên xin lỗi Ba Lan vì quyết định của mình trong năm 2009, làm thất vọng một đồng minh đã từng có các quyết định khó khăn để hỗ trợ Hoa Kỳ.
 
Mặt khác, có cả lợi ích chính trị riêng của Obama tại Warsaw. Obama gặp gỡ các nhà lãnh đạo không chỉ của Ba Lan, mà còn nhiều nước Trung- Đông Âu khác có cộng đồng di cư đông đảo tại Hoa Kỳ. Trong những nỗ lực tái tranh cử vào năm sau, số phiếu của các cộng đồng này có thể là vô giá.
 
Lời kết
 
Các chủ đề chính trong chuyến thăm Ba Lan của Tổng thống Obama sẽ là: Hợp tác quân sự song phương và trong NATO, sự tham gia của quân đội Ba Lan tại Afghanistan, an ninh châu Âu, áp dụng kinh nghiệm Ba Lan trong tiến trình chuyển đổi chế độ cộng sản qua dân chủ cho các cuộc cách mạng ở Trung Đông và Bắc Phi, quan hệ thương mại. Đặc biệt Ba Lan muốn tận dụng công nghệ của Hoa Kỳ vào khai thác nguồn shale gas (khí đá) vừa phát hiện, với trữ lượng ước tính 5,3 ngàn tỷ m3, đủ cho Ba Lan sử dụng 300 năm, giúp Ba Lan không còn phụ thuộc khí đốt nhập từ Nga mà ngược lại có thể trở thành quốc gia xuất khẩu.
 
Vào lúc 18.00 giờ Ba Lan, ngày 27 tháng 5, US Air Force One chở Tổng thống Barack Obama sẽ đáp xuống phi trường Warsaw mang tên nhà soạn nhạc Ba Lan lừng danh Frendric Chopin.
 
Tôi không thiên về lời khuyên có phần thái quá của Mike Brownfield. Bởi vì, mặc dù dư luận xã hội và báo chí Ba Lan đã chỉ trích gay gắt quyết định của Brack Obama trong năm 2009 và tới nay vẫn chưa xua tan hết ấn tượng xấu về ông, chính phủ Ba Lan đã luôn cố gắng làm lắng dịu dư luận. Các chính trị gia khuyên dân chúng bình tĩnh, tự chế và không nên làm tổn thương người Mỹ.
 
Với cái nhìn thực tế, Sếp Ủy ban An ninh Quốc Gia bấy giờ là Szczyglo nói: “Thậm chí mối tình không được đáp lại tương xứng, chẳng ai muốn ôm âu yếm chúng ta. Chúng ta cần Hoa Kỳ hơn là Hoa Kỳ cần chúng ta”.
 
Biết người, biết ta, chính phủ Ba Lan đã ứng xử đúng mức, khôn ngoan. Chắc chắn chuyến đi của Barack Obma sẽ “reset”, thắt chặt thêm quan hệ giữa hai quốc gia.
 
Rõ ràng, trong thể chế dân chủ, báo chí tự do đã phản ánh được dư luận xã hội, tạo nên sức mạnh vô song cho việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích công, thậm chí “giúp” nhà nước Ba Lan ứng xử hiệu quả nhất trước thái độ bất xứng của các cường quốc.
 
Từ chuyện Ba Lan, tôi cứ nghĩ rằng, nếu báo chí Việt Nam cũng được đồng loạt lên tiếng, chứ không phải bị buộc dùng từ “tàu lạ” để chỉ tàu Trung Quốc xâm lấn lãnh hải, bắt bớ, giam giữ ngư dân Việt; nếu dân chúng Việt Nam không bị trấn áp, mà được rầm rộ biểu dương lực lượng phản đối Trung Quốc bành trướng lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa – thì chắc chắn Bắc Kinh sẽ phải có thái độ khác. Từng nếm mùi thất bại nhục nhã trong các cuộc xâm lăng Việt Nam, Bắc Kinh hiểu hơn ai hết truyền thống bất khuất lịch sử của dân tộc ta.
 
Nhưng khi tập đoàn Ba Đình hành động trái ngược, vừa ngăn cản tiếng nói của báo chí, bịt miệng phản kháng của nhân dân, vừa nhu hèn trước thế lực ngoại bang để giữ quyền lực, lại không có đồng minh chiến lược và chỗ dựa vững chắc trong cộng đồng các quốc gia dân chủ, Bắc Kinh ngày càng lấn tới là điều dễ hiểu. ■
 
© Lê Diễn Đức – RFA Blog
 
-------------------------------------------------------
* Đây là Blog của cá nhân Lê Diễn Đức. Nội dung bài viết phản ánh quan điểm độc lập của tác giả.
 

Bài bình luận

20:33 Ngày 27 tháng 5 năm 2011 Bài này viết sai chi tiết là TT Obama đi châu Âu không có phu nhân đi cùng ,vì ông bà Obama là khách danh dự của Nữ Hoàng Anh , sao viết báo mà không kiểm chứng gì hết vậy ta

Phu nhân TT Obama chỉ cùng chồng và con thăm Ireland và Anh quốc rồi trở về Mỹ mà không qua Ba Lan. Câu viết của tôi trong bài không nói rõ ý này. Cám ơn sự góp ý của bạn. Trân trọng. LDĐ

Đúng vậy , nếu đảng và nn để cho tự do báo chí , các báo sẽ làm ầm lên chuyện Tầu Cộng đã bắt nạt , cướp giật đất đai, vùng biển ta , hiếp đáp ,cướp bóc, đánh đập ngư phủ ta,,, toàn dân Việt trong và ngoài nước sẽ trào dâng nỗi lòng căm phẫn người Tầu. Chính phủ Tầu Cộng chả dại gì khi gây ra 1 cuộc chiến khi chưa sẵn sàng và có thực lực , họ sẽ xuống nước là điiều chắc chắn, cũng như lúc bà Clinton khẳng định sức mạnh và sự can thiệp của Hoa kỳ ở biển Đông , nhà nước Tầu đã xuống giọng ngay. Rất tiếc đảng và nhà nước VN chủ trương " hèn với giặc , ác với dân " , " cam tâm làm nô lệ, thà mất nước mà còn đảng" " còn đảng còn mình " còn đảng còn ăn cướp và bắt nạt dân được ",,,đành bắt báo chí ,bắt dân ngậm miệng 1 cách cực kì hèn hạ , đến tên kẻ thù mà còn không dám nói ra , như sợ kị húy thiên tử vậy.,,,,đúng vậy ! "bắc kinh càng ngày càng lấn tới là điều dễ hiểu " cực kì chính xác ! Cu Lùn : ráng vươn cao lên 1 chút nhé , bà michelle Obama chỉ đi cùng chồng sang Anh Quốc và Ái nhĩ Lan. Từ lúc đi họp G 8 và sang Ba lan TT Obama đi 1 mình , cu ạ !

Cám ơn bài viết. Bạn viết rất hay nhưng bạn hãy kiểm chứng lịch sử.Chỉ có nước lớn mới chơi bình đẳng được với Mẽo.Các nước nhỏ chỉ là món hàng.Đồng minh nghĩa là cùng có lợi. khi nước Nga và Đức bắt tay Mẽo tuổi gì mà bênh Ba Lan mùa tuyết tan của bạn.Bạn còn trẻ lo cho bản thân còn kịp.Những nhà CM không chịu được gian khổ dù có giỏi mấy cũng không thành(chữ thành có nghĩa đánh nhau ở trong)

Anh Đức à,tôi không hiểu anh viết blog cho ai đọc đây.?Người Việt quốc-gia hay người Việt cộng sản?Nếu như tất-cả hệ thống truyền thông,cũng như mhững người viết blog không dùng ngôn-từ c.s. thì có lẻ bài viết có giá-trị cao hơn.Và tạo được sự hiểu biết sâu sắc hơn và người Việt quốc-gia sẻ đoàn kết hơn,và việc chống công được dể dàng hơn. Cũng vì dùng ngôn từ cộng sản mà người Việt tị-nạn bị nghi ngờ lẩn nhau,khinh bỉ lẩn nhau,cấu xé lẩn nhau và hiềm thù lẩn nhau. Khi phát ngôn một lời gì,viết xuống một câu gì,thì trước tiên lời nói đó nó đã phát sinh,nẩy nở từ khối óc của con người đó.Vậy người nghe,cũng như người đọc hiểu như thế nào về tư-cách của người viết/phát ngôn.???Riêng cá nhân tôi...thì tôi cho đó là thái độ thấp hèn của một con người.Anh thử nhìn lại tổng quát về bọn bắc bộ phủ có thằng nào dủng cảm với dân-tộc và đất nước không???Đương nhiên là không rồi...nhìn tình hình đất nước ai cũng thấy rỏ điều đó...ngoại trừ bọn việt gian cộng sản họ không hiểu gì hết.

Đọc vài hàng của @ chữ nghĩa , mà tôi thấy quá nhiều sai lầm và nông cạn .Tôi nghĩ anh Đúc viết blog và cho người Việt đọc , người Việt là tất cả bao gồm cả nhóm VNCH , VN Cộng sản và không thuộc 2 nhóm trên .Những ngôn từ anh Đức xử dụng là những ngôn từ của hơn 90 triệu người VN đang xử dụng ( một sự thật dù có thích hay không, theo cs hay chống cs !) . Anh Đức xử dụng từ người VN đang dùng tại VN thế thôi. Chẳng có gì chứng minh được là những bài viết không có những từ này " giá trị cao hơn " cả . " chỉ vì dùng ngôn từ cs mà người Việt tỵ nạn bị nghi ngờ , khinh bỉ , cấu xé, thù hằn......" Một Cộng đồng mà có những người như thế thì còn làm gì khá hơn được ? lỗi không phải là ở "ngôn từ " mà là ở tư cách, phẩm chất và trình độ của 1 số người đó.Thật ra Không phải Cộng đồng Hải ngoại nào cũng như thế , xin đừng hạ thấp phẩm chất , bôi nhọ tất cả Cộng đồng người Việt tỵ nạn bằng cách đánh đồng như nhau ( đúng kiểu cs hay làm đó). " tư cách người viết.......thái độ thấp hèn...." Có đọc báo , học hỏi không đó ? hãy đọc lại những bài viết của Lê thị công Nhân , Nguyễn văn Đài , CÙ H.H.Vũ, nguyễn tiến Trung, Điếu Cày,,,,,họ toàn dùng từ cs để chống cs mà có thấp hèn chút nào đâu ? Rồi bạn kết luận những người không cùng trình độ " hiểu biết " như bạn là bọn việt gian cộng sản hết , buồn cười thật , chống cộng kiểu này thì muôn đời chỉ là " thằng tỵ nạn ". Rất may ở hải ngoại và trong nước có rất nhiều người không cùng trình độ với bạn và cũng chẳng phải là việt gian cs như bạn gán ép. Nguyễn Văn.