You are here

Hoa Kỳ không có chiến lược rõ ràng trong vấn đề can thiệp ở Libya?

 
Lê Diễn Đức
 

Quân nổi dậy reo hò sau các cuộc không kích của Liên quân quốc tế - Ảnh: Reuters
 
Các chuyên gia và các nhà bình luận chính trị đã chỉ trích chính phủ của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama là mơ hồ trong chiến lược đối với sự can thiệp ở Libya mà trong đó, những mục tiêu, theo họ, đã xác định không đầy đủ.
 
Một trong những nhà phê bình là giáo sư Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh dưới thời Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter.
 
Trong chương trình của đài phát thanh công cộng NPR vào hôm thứ Hai (21 tháng 3), ông Brzezinski cho rằng, các mục tiêu của hoạt động tại Libya không thể chỉ giới hạn vào việc bảo vệ thường dân, bên cạnh đó lại để Muammar Gaddafi tiếp tục giữ quyền lực.
 
"Do đó chúng ta phải quay trở lại Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập và đưa ra với nhau một quan điểm chung là Libya sẽ được quản trị như thế nào và với cá nhân Gaddafi ra sao. Theo ý kiến ​​của tôi, Gaddafi không thể tiếp tục nắm quyền lực, vì điều này sẽ là nguồn của một cuộc xung đột liên tục” - Zbigniew Brzezinski nói.
 
"Chúng ta phải xác định rõ ràng các mục tiêu của chúng ta, đặc biệt là trách nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với tiến trình dân chủ (ở Libya). Điều này sẽ cho chúng ta tính hợp pháp và huy động được công luận”- Brzezinski nói thêm.
 
Theo ông, mục tiêu rõ ràng của chiến dịch can thiệp là loại bỏ Gaddafi.
 
"Tại Libya chúng ta đang đứng trước viễn cảnh của sự thảm sát. Bên cạnh đó, còn là một vấn đề quốc tế. Nếu không giải quyết có hiệu quả dưới sự ủy nhiệm của Liên Hợp Quốc và sự yểm trợ chiến dịch của Liên đoàn Ả Rập, nếu cho phép Gaddafi ở lại, chúng ta phải đối mặt với viễn cảnh của sự phân cực lớn hơn nữa”.
 
Có một người đại tá, nhưng không phải là đại tá Gaddafi, mà là Putin (cựu đại tá KGB), đã phản ứng bằng các khẩu hiệu của Gaddafi, về việc tấn công người Hồi giáo bởi đội quân Thập tự chinh"- Nhà khoa học chính trị cho biết.
 
"Tôi đồng ý rằng, sẽ không phải là tín hiệu tốt nhất, nếu như quyền lực của Gaddafi được kéo dài lâu hơn" - Madeleine Albright, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ xuất hiện trên cùng chương trình phát thanh, nói.
 
Với lý do thiếu một chiến lược rõ ràng ở Libya, Kate McFarlane, chuyên gia an ninh quốc gia trong chính quyền của Tổng thống Ronald Reagan, cũng chỉ trích chính quyền của Tổng thống Obama trên TV Fox News.
 
Mặt khác, cũng cùng lý do trên, nhà bình luận chính trị cánh tả Jacob Stokes của tổ chức National Security Network (An ninh mạng Quốc gia) cũng nhắc nhở chính phủ của Barack Obama.
 
"Hai đêm đầu tiên của cuộc không kích vào lực lượng của chế độ Gaddafi, như người ta cảm tưởng, đã mang lại những kết quả chiến thuật: Thiết lập vùng cấm bay và ngăn chặn được bước tiến của quân đội của Gadafi trước nguy cơ tàn sát quân nổi dậy và thường dân ở miền đông Libya. Nhưng lại chưa được trả lời một loạt câu hỏi về các mục tiêu của hoạt động, vai trò của Mỹ, và vai trò của Quốc hội trong việc giám sát"- Stokes cho biết trong một tuyên bố gửi cho hãng thông tấn Ba Lan PAP.
 
Phản ứng của Tổng thống Barck Obama
 
Cùng ngày, đang thăm chính thức Chile, Tổng thống Barack Obama đã gián tiếp đáp lại những lời chỉ trích chính phủ của ông về các mục tiêu của các hoạt động tại Libya là mơ hồ và không biết liệu có việc lật đổ Qadhafi không, hay là chỉ nhằm bảo vệ thường dân trước đe doạ thảm sát.
 
Tại cuộc họp báo ở Chile có mặt Tổng thống chủ nhà Juan Miguel Sebastián Piñera, Obama cho rằng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tiến tới mục tiêu loại bỏ nhà độc tài Libya, mặc dù không nhất thiết phải bằng các hoạt động quân sự hiện hành.
 
"Rất dễ dàng đối chiếu hành động quân sự của chúng tôi với chính sách được đưa ra. Chiến dịch quân sự được thực hiện nhằm hỗ trợ nhiệm vụ quốc tế do Hội ​​đồng Bảo an của Liên Hợp Quốc uỷ thác, trong đó tập trung vào các mối đe dọa nhân đạo của đại tá Gaddafi gây ra cho người dân của mình. Ông ta nói sẽ không thương xót gì dân chúng của thành phố Bengazi" - Tổng thống Mỹ phát biểu.
 
"Tôi cũng đã nói" - Obama tiếp tục - "Gaddafi phải ra đi. Chúng tôi có cả một loạt các công cụ, ngoài những nỗ lực quân sự, để hỗ trợ cho tiến trình này".
 
Ông nhắc lại các biện pháp trừng phạt chống lại chế độ Gaddafi - đơn phương của Hoa Kỳ và hỗ trợ của Hoa Kỳ cho biện pháp trừng phạt quốc tế.
 
"Chúng tôi đã phong toả những tài sản mà Gaddafi có thể sử dụng để mua vũ khí hoặc thuê lính đánh thuê chống lại nhân dân Libya" – Obama nói.  

"Do đó, chúng tôi sẽ tiến hành những bước khác nhau để tạo ra sự đồng thuận quốc tế cô lập Gaddafi. Nhưng nói về hoạt động quân sự, chúng tôi làm điều đó nhằm hỗ trợ nghị quyết của Liên Hợp Quốc, trong đó kêu gọi các nỗ lực nhân đạo và chúng tôi sẽ ràng buộc trong nhiệm vụ đó" - Ông nhấn mạnh.
 
Tổng thống Obama cũng thông báo sau giai đoạn đầu của các hoạt động quân sự tại Libya, thiết lập xong vùng cấm bay "giới hạn khả năng gây nguy hiểm của Gaddafi đối với cụm dân cư lớn, chẳng hạn như Benghazi", sẽ đến giai đoạn tiếp theo, "trong đó chúng tôi có cả một loạt các đối tác liên minh của châu Âu và các nước thành viên của Liên đoàn Ả Rập".
 
Washington tuyên bố không chính thức về việc chuyển giao vai trò chỉ huy của Hoa Kỳ cho NATO, mặc dù tổng thống đã không nói thẳng điều này. Obama nhấn mạnh rằng trong liên minh quốc tế Hoa Kỳ chỉ là "một trong nhiều đối tác" bảo vệ vùng cấm bay trên Libya.
 
"Trong quá khứ, Hoa Kỳ đã hành động đơn phương, một mình hoặc không có đủ sự hỗ trợ quốc tế, quân đội của chúng tôi, do đó, phải chịu toàn bộ gánh nặng (cho chiến dịch)" - ông nhấn mạnh.
 
Ông khẳng định Hoa Kỳ và các nước châu Âu có sự hỗ trợ hoàn toàn của Liên đoàn các nước Ả Rập trong hoạt động tại Libya. "Họ càng phải được tham gia nhiệm vụ này" - ông nói.
 
Ngay sau khi liên quân bắt đầu đánh bom, chính các quốc gia của Liên đoàn Ả Rập trước đó đã kêu gọi thiết lập vùng cấm bay, lại phản đối rằng sự can thiệp vượt quá sự uỷ quyền của Liên Hiệp Quốc.
 
Obama nói Hoa Kỳ bây giờ sẽ "theo dõi và đánh giá tình hình ở Libya" và gợi ý rằng, tùy thuộc vào sự phát triển của nó mà thực hiện các bước tiếp theo.

Khi được hỏi lại về sự chuyển giao vai trò chỉ huy tác chiến của Hoa Kỳ cho NATO, Tổng thống trả lời rằng, điều này phụ thuộc vào việc đánh giá tình hình trên mặt trận của các chỉ huy quân sự.

"Chúng tôi hy vọng rằng sự chuyển giao sẽ xảy trong ít ngày nữa, chứ không phải tuần". "NATO sẽ tham gia trong việc phối hợp các chức năng vì những năng lực phi thường của liên minh này" – Obama nói thêm. ■

 
-------------------------------------------------------------
 
Nguồn: Biên soạn theo tin của phóng viên Tomasz Zalewski của Hãng thông tấn Ba Lan PAP tại Washington DC, đăng trên Interia.pl ngày 21/03/2011.
 
© 2011 Lê Diễn Đức
 
* Đây là Blog cá nhân của Lê Diễn Đức. Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
 

Bài bình luận

Hoa kỳ không có chiến lược rõ ràng trong cuộc chiến ở Libia? Cũng nên thông cảm với các chính trị gia thời trước như Z.Brzezinski hay bà M.Albright nhiều khi tư duy kiểu cũ, dù sao họ cũng nhiều tuổi rồi. Thế giới ngày nay với sự phát triển chóng mặt của nền khoa học kỹ thuật đã sinh ra một thế hệ các nhà chính trị mới như Obama, Clinton, Merkel, Sarkozy, Hồ Cẩm Đào, Putin… có tầm tư duy khác hẳn so với các vị tiền bối. Hậu sinh khả ố mà. Các cuộc „cách mạng” ở Bắc Phi, Trung cận đông hay cuộc chiến ở Libia chỉ là một mắt xích nhỏ trong kế hoạch toàn cầu hóa của Hoa kỳ-Anh (thế lực nắm quyền thực sự và chính phủ Hoa kỳ và chính phủ Anh chỉ là công cụ thực hiện): thiết lập một trật tự mới trên toàn thế giới và tất nhiên là dưới sự chỉ đạo của cường quốc số 1 này. Mặc dù là cường quốc mạnh nhất thế giới nhưng Mỹ-Anh cũng đang bị ngập trong các khó khăn của nền kinh tế bản thân và cuộc khủng hoảng tài chính thế giới do chính mình tạo ra (khủng hoảng lòng tin vào sự chế ngự của đồng $). Để đạt được mục đích cao kia trong hoàn cảnh khó khăn của mình, Mỹ-Anh có những chiến lược, chiến thuật phụ thuộc vào thời điểm, hoàn cảnh cụ thể và phản ứng của các cường quốc khác (tuy nhỏ hơn nhưng cũng có ảnh hưởng nhất định: EU, Trung quốc, Nga). Quay trở lại vấn đề Libia. Một khi Mỹ-Anh bắn một mũi tên là phải có nhiều mục đích. Nếu chỉ là để tiêu diệt Kadaffi một cách nhanh chóng thì đã thực hiện được từ những tuần 1 tuần 2 của cuộc nổi dậy khi còn cao trào, nhưng ở đây là có những mục đích khác nữa: cứ để Kadaffi lai rai, tạo sức ép cho các cường quốc khác bằng cuộc khủng hoảng năng lượng trong tương lai gần, khủng hoảng nhân đạo (làn sóng di tản) thông qua việc cách kéo dài cuộc chiến Libia và dần rồi sẽ lan sang các nước trong vùng như Jemen (đã bắt đầu), Bahrajn, Arập xê út, Iran và có thể là Thổ nhĩ Kỳ… (nếu chỉ Libia không thì chưa thể gây khủng hoảng năng lượng toàn cầu, nhưng nếu Arập xê út mà loạn thì khủng hoảng là chắc chắn). Tất nhiên là còn nhiều tính toán mà ta không biết được hết nhưng phải nói đây là bài tính sâu rộng kiểu do thái rất. Phản ứng của các cường quốc khác thì sao? EU thì luôn ở tư thế cầu hòa và chấp nhận vai trò cường quốc số 1 của Mỹ-Anh tuy cũng có hành xử khác nhau giữa Paris và Berlin. Nga thì với vai trò cường quốc yếu nhất cũng phải chấp nhận một số thỏa hiệp (chuyến đi Moscow của phó TT Mỹ J.Biden là để mặc cả ) nhưng thực chất trong lòng là phản kháng (phát biểu của Putin)…Tất cả là có tính toán cả. Trung Quốc thì vẫn luôn khó hiểu, ít phát biểu mà có thì cũng chỉ lời lẽ chung chung nhưng hành động cuối cùng: gửi tầu chiến 4000 tấn đến vùng biển Libia không hiểu có mục đích gì? PS. Đấy là bài toán của các nước lớn, còn đối với các nước nhỏ thì quan trọng nhất là không bị rơi vào điểm ngắm và trở thành bãi chiến trường cho các thế lực trên (Vn không có dầu chắc là thoát). Nhưng có một yếu tố tích cực trong quá trình này: một số các chế độ quân phiệt, độc tài, độc đảng (kể cả có đang thân Mỹ, ví dụ Tunisia, Aicập…) cũng sẽ phải ra đi.