You are here

Lễ trao giải Nobel Hòa bình tại Oslo ngày 10/12: Nhà cầm quyền Trung Quốc thua với tỷ số 0:2

Lê Diễn Đức - RFA 
Ở Minneapolis, so với giờ của Na Uy chênh 7 tiếng đồng hồ, nhưng tôi đã dậy sớm hơn thường lệ để kịp xem TV Online của BBC News truyền trực tiếp Lễ trao Giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay cho nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba.
Đề tài này được tôi quan tâm theo dõi và cập nhật gần như liên tục kể từ ngày Ủy ban Nobel công bố người chiến thắng, đồng hành với thái độ tức tối, điên khùng của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc.
Tôi đã có một số bài viết chuyển tới bạn đọc để cùng nhau chia sẻ qua những phương tiện có thể trong khả năng của mình, như trên các trang Facebook, các trang điện tử Dân Làm Báo, Đàn Chim Việt, Radio Free Asia, v.v... sau khi bị tin tặc đánh sập trang Blog của tôi trên WordPress.
Thật vui khi sáng nay Online, nhìn thấy trên Facebook có nhiều bè bạn ở Việt Nam, một số cũng đang theo dõi buổi lễ trao Giải thưởng Nobel. Chúng tôi cùng chuyển thông tin và link BBC News đến những người không biết.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử kể từ năm 1936, lễ trao Giải thưởng Nobel vắng mặt người chiến thắng và người nhận giải thưởng.
Phòng Khánh tiết tổ chức nghi lễ được bài trí đơn giản, không lòe loẹt, diêm dúa với thẩm mỹ rẻ tiền và quê mùa như chúng ta nhìn thấy ở Việt Nam trong các khung cảnh những lễ hội, mít tinh, đại hội...
Chính sự đơn giản lại toát lên không khí trang nghiêm và trang nhã. Nó làm tăng lên sự xúc động của tôi trong buổi lễ quá đặc biệt này vì có nhiều mối liên tưởng tới tình hình Việt Nam.
Đặc biệt hơn vì ông Lưu Hiểu Ba không có mặt, mà lại có mặt! Ông đã được nhà cầm quyền Bắc Kinh đồng ý trả tự do ngay tức thì, nhưng với chiếc vé máy bay một chiều ra khỏi Trung Quốc! Ông đã có thể sang Oslo vinh dự nhận Huy chương và tấm séc của Giải thưởng Nobel với giá trị 1,4 triệu đôla và sống một cuộc sống an toàn ở nước ngoài, nhưng vẫn có thể đóng góp tiếp tục cho các hoạt động dân chủ và nhân quyền. Nhưng ông đã bác bỏ cử chỉ thiện chí đểu cáng ấy!
Ông đã có bài học trong quá khứ với của các chế độ cộng sản. Cũng như các nhà tranh đấu dân chủ của Ba Lan và Liên Xô cũ, Lech Walesa (năm 1983), nhà văn Nga Adrei Sakharov (1975), ông đã từ chối, vì điều đó đồng nghĩa với sự cách ly, đoạn tuyệt mối liên hệ trực tiếp giữa ông với nhân dân và đất nước mình. Nhưng ông đã mặt tại Oslo!
Tấm hình lớn của Lưu Hiểu Ba trên màn hình đã nói lên điều đó!
Có thể là một cái tát nảy lửa, hay nhẹ nhàng theo ngôn ngữ ngoại giao, là sự trả lời rõ ràng nhất trước những hành động và âm mưu khiếm nhã, thô thiển nhằm tẩy chay buổi lễ của Trung Nam Hải!
Nhà tổ chức đã chọn tấm hình Lưu Hiểu Ba hợp lý làm sao! Khuôn mặt ông với nụ cười lạc quan, nhân hậu, như lời của ông đã nói ngay cả với những kẻ giam giữ hành hạ ông: “Tôi không có kẻ thù...”.
Ông đã có mặt! Vì một bục nói danh dự dành riêng cho người chiến thắng để trống đã thay ông phát biểu.
Ông đã có mặt! Vì chiếc ghế trống danh dự dành cho ông đã thay ông nhận Giải thưởng cao quý.
Trong tiếng vỗ tay ầm vang.
Hơn 1500 người tham dự đã đứng dậy và cổ vũ nhiều lần khi nhắc đến tên ông.
Ông cũng hiện diện trong bài dân ca Trung Hoa “Hoa Nhài” với tiếng đàn violon réo rắt và xúc cảm lạ thường được thực hiện bởi một nhạc sĩ Trung Quốc. Với đội đồng ca của các em bé Na Uy đẹp như thiên thần. Và với sự diễn tả đoan nghiêm và rung cảm của nữ diễn viên Na Uy nổi tiếng Liv Ullman khi đọc bài luận ngắn của người đoạt Giải thưởng Nobel, một trong những bài cuối cùng mà ông Lưu Hiểu Ba đã viết về tự do, dân chủ.
Tôi nghĩ rằng, vào giây phút này, trong cái nhà tù vốn đã kiên cố mà vẫn được tăng cường canh gác nghiêm ngặt trong nhiều gần đây ở Trung Quốc xa xôi, ngày hôm nay nước mắt của Lưu Hiểu Ba đã chảy.
Và vợ ông nữa.
Trong bài viết “Đừng khóc, Xia Liu!” vào mùa Giáng sinh 2009 khi ông Lưu Hiểu Ba bị kết án tù 11 năm, nhà báo Pháp Jean-Philippe Beja muốn nói với chị rằng, cả thế giới đứng bên cạnh chị và bày tỏ tình đoàn kết với vợ chồng chị, cho công lý, cho lẽ phải, cho những quyền tự do cơ bản nhất của con người mà những kẻ khác đã cưỡng chiếm chỉ vì muốn duy trì độc quyền cai trị và nhân danh một thứ ý thức hệ nào đó.
Nhưng chắc chắn hôm nay chị cũng khóc.
Khóc vì hạnh phúc.
Ngay tại nơi ở của mình đã bị nhà cầm quyền bất nhân biến thành nhà tù!
Bình luận về sự vắng mặt của Lưu Hiểu Ba, ông Lech Walesa, người thợ điện của xưởng đóng tàu Gdansk đã từng “làm chập mạch toàn bộ hệ thống cộng sản châu Âu”, Tổng thống dân cử đầu tiên của Ba Lan dân chủ sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, đã nói: “Tỷ số 2:0 cho Trung Quốc!”.
Người sút bóng vào lưới không ai khác chính là Lưu Hiểu Ba.
Không có ông, nhưng ai cũng thấy như chính ông đã nói. Một khi nào đấy có mặt ông lại tiếp tục nói nữa. Người đoạt Giải thưởng Nobel thắng nhà cầm quyền Trung Quốc tới hai lần. Trung Quốc đã rất tệ khi không trả tự do cho ông, chỉ hạn chế được chút xíu trong các hoạt động, nhưng thế mà lại OK”. “Bây giờ chúng ta có thể thấy, chỉ vài nước tẩy chay và chúng ta thì được soi sáng: ai là những người vì bảo vệ nhân quyền, còn những ai chỉ ham muốn tiền bạc” - Lech Walesa nói thêm. ■
Sáng 10/12/2010
© Radio Free Asia

Bài bình luận

Việt Nam có câu: Thiếu mợ chợ vẫn đông. Cái chợ Nobel nhân quyền 2010, dẫu vì "lý do" nào đó mà VN (và mấy nước khác) vắng mặt thì đâu có gì thay đổi, chỉ hơi hơi ngao ngán cho hai chữ "chư hầu".

ĐƯỢC BIẾT, GIẢI THƯỞNG HÒA BÌNH CỦA TQ VỪA VỘI VÃ TRAO CHO PHÓ TT ĐAÌ LOAN ; TQ PHẢN ĐỐI TRAO CHO LƯU HIỂU BA VÌ LƯU HIỂU BA PHẢN ĐỐI TQ ! ( CÓ ĐI CÓ LẠI- ĐƯƠNG NHIÊN! )