You are here

Đôi khi cần phải đọc báo đảng.

Ảnh của canhco

Hầu như người dân không mấy ai thích thú khi nghe những tin tức phát ra từ dòng chính, trên TV, đài phát thanh đủ loại, TTXVN, và cuối cùng thì các cột quan điểm, xã luận của những tờ báo đang sống và...moi tiền người dân.
 
Khi không còn gì để đọc mình thường tranh thủ lục lọi những bài xã luận, những thông cáo hay tin tức của phái đòan này, đại biểu kia làm gì với ai...những thứ tin hổ lốn này mình xếp vào mục "ve chai" và chỉ đọc với mục đích tìm ra những từ ngữ tuyên truyền mới nhằm sưu tập một đống từ "có cánh" từ nhiều chục năm qua.
 
Nếu không tìm được từ mới thì tìm ra một "nhóm từ" cũng tạm hài lòng. Hôm nào tìm ra thì chừng như phấn khởi hồ hởi lắm, vì sau bao nhiêu năm những từ ngữ bốc thơm, hạ bệ, phủ đầu, đe nẹt chừng như không thể xuất hiện thêm từ mới. Người ta đua nhau sử dụng nhiều đến nỗi các nhà lý luận trung ương không kịp đẻ ra những từ ngữ hợp thời để áp dụng vào những tình huống hết sức mới mẻ.
 
Tuy nhiên cũng có những từ cũ nhưng vẫn áp dụng được vào bất cứ tình huống nào, mặc dù hơi khiên cưỡng nhưng dù sao có vẫn còn hơn không khi từ ngữ "có cánh" ngày một khan hiếm.
 
Ông xã mình mỗi lần đi làm về nghe nói vừa phát hiện một từ mới thì rất vui. Hình như chúng tôi không có gì đồng thuận khi đọc báo hơn là săm soi kiếm cho ra một từ mới kêu rổn rảng và không có ý nghĩa cụ thể gì, hay có thì rất ít, không "xứng tầm" với cái áo mà từ ngữ này khoác bên ngoài.
 
Trong khi vật giá leo thang không còn hy vọng gì tuột xuống trở lại, nhìn tủ lạnh trống trơn vì mua bữa nào ăn bữa nấy, thì vui với mớ "chữ không nghĩa" cũng là cách giết thời gian khoa học và không tốn kém, hay thiệt hại gì cho năng lực tư duy của mình. An ủi như thế mới thấy các lợi ích của việc đọc báo đảng mỗi ngày.
 
Hôm nay mình vui vì không những TTXVN loan tin mà hầu như báo nào cũng đặt trang trọng lên trang nhất, tin ông Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp thân mật các đại biểu dự tham dự Diễn đàn nhân dân Việt-Trung lần thứ ba.
 
Trước hết bản tin làm cho mình chú ý là dòng chữ: "Phó Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến về việc tổ chức Diễn đàn và kết quả thảo luận của các đại biểu tại Diễn đàn".
 
Hãy nói về "sáng kiến".
 
Đây là một từ có thể tạm gọi là mới trong "kho tàng" ngôn ngữ đảng. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đảng có bao giờ nghe "sáng kiến" gì của ai đâu. Tất cả những ý kiến để xây dựng đất nước nếu được chấp thuận, thật ra rất hiếm hoi, đều được âm thầm thực hiện mà không nêu là của ai, đóng góp khi nào...do đó "sáng kiến" coi như của chùa, một từ khá...lạ nếu áp dụng vào văn bản chính thức của đảng.
 
"Kết quả thảo luận".
 
Vụ này thì "xưa rồi...dũng"! Khi từ này xuất hiện thì hầu như 100% cái đuôi sau đó đều là thành công rực rỡ, chí ít thì cũng là "tất cả đều nhất trí rẳng..." như vậy không xưa là gì?
 
"...khẳng định mong muốn trước sau như một của Đảng"...
 
Câu này thường bắt đầu khi theo sau nó là một vế hay một nhóm từ có tính áp đặt, cưỡng ép người khác phải thi hành cái mong muốn của đảng. Không tin thì đọc tiếp sẽ thấy: "đồng thời khẳng định mong muốn trước sau như một của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam là tiếp tục củng cố và không ngừng tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và tinh thần bốn tốt, hai nước giải quyết các vấn đề tồn tại thông qua thương lượng hòa bình, hữu nghị".
 
Nhé, chồng nhé, hôm nay mặc sức mà sướng tơi người.
 
Lâu lâu mình mới phát hiện một chữ cũ trong ngữ cảnh mới và đây là từ "đúng" duy nhất trong cả bản tin: "Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chân thành chúc mừng các đại biểu Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 62 năm Ngày Quốc khánh Trung Quốc sắp tới."
 
"Chân thành!" A ha! quá đúng! Phó thủ tướng nước tôi nếu không chân thành thì mới là chuyện lạ. Sau những từ "nguyện" làm cái này, "nguyện" thực hiện cái kia thì chữ chân thành phải nói là "đắt" nhất trong các bài diễn văn vốn "nghèo như miền Trung" của ông Nhân.
 
Có lần mình đọc bài viết của nhà báo lão thành Tống Văn Công đề nghị biên tập lại bài phát biểu của thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho bớt cái khúm núm, quỵ lụy thì mình hiểu rằng cũng còn lắm người yêu nước trong cái không gian tù túng của Sài gòn này. Mình tin rằng khi đọc đoạn văn dưới đây bác Tống Văn Công cũng không thể viết lại cho bớt cái dối trá mà người thảo diễn văn cho ông Phó thủ tướng đọc đã đóng đinh vào từ lời từng chữ:
 
"Kinh nghiệm 20 năm qua cho thấy, tinh thần đoàn kết gắn bó, quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp và bền vững giữa hai nước là cơ sở và động lực hết sức quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh quan hệ Việt-Trung, phù hợp với lợi ích cơ bản, lâu dài của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực."
 
Giải pháp để biên tập lại đoạn văn này là ...viết một đoạn văn khác! Chữ nghĩa nổ lùng bùng trong tai nhưng toàn lời giả dối và xảo trá. Nếu xảo trá với đối phương thì dù gì cũng tạm hiểu, đằng này xảo trá đối với hơn 85 triệu người dân cả nước thì quả thật cái chính quyền này đã trượt quá xa khỏi khu vực cho phép, dù là cho phép nói dối.
 
Ông Nhân từng học ở Trung Quốc hơn 5 năm, do đó kể như ít nhiều gì cũng thấm nhuần văn hóa Trung Quốc. Ông tỏ ra là người thích nghi với nền văn hóa này một cách nhanh chóng qua các hoạt động hồi gần đây.
 
Khi được giao cho nhiệm vụ giao hảo với Trung Quốc ông Nhân trở nên linh hoạt hẳn nếu so với thời kỳ nắm Bộ Giáo Dục và Đào tạo. Ông không còn "nói không" này "nói không" nọ nữa mà quay ngược 180 độ nói "nên" điều này "nên" đìêu kia. Những cái "nên" làm vừa lòng nơi từng dang tay tiếp nhận ông Nhân học hành thứ văn hóa "khom lưng" của họ để đem về áp dụng cho chính nhân dân ông.
 
Mình chưa thấy một ông hay bà nào đi Mỹ đi Tây về nói lời nịnh hót nơi đào tạo hay dung dưỡng họ. Hình như phương Tây khinh bỉ sự quỵ lụy, tâng bốc hơn phương Đông chăng?
 
Không biết bao nhiêu câu cú nịnh nọt được các ông các bà trong chính quyền đi Trung Quốc về chỉ một thời gian ngắn nhưng lại ca tụng như chính mình là người Trung Quốc. Văn hóa mua chuộc của phương Bắc thật kinh hãi và đáng để các bậc thức giả tìm hiểu và nghiên cứu.
 
Mình không cần nghiên cứu cũng biết rằng ai là người có lương tri khi sống ở Trung Quốc sẽ thấy ngay một điều rằng chính quyền của họ đối xử với chính người dân Trung Quốc đã không ra gì, thì thử hỏi bọn giá áo túi cơm lại là gì trong mắt của họ, nếu không là tài nhân thì cũng nô nhân là cùng?
 
Ông xã mình hôm nay lại có cái mà đọc. Mình không nấu cơm chiều vì hai đứa sẽ ra bờ sông Sài gòn, mua hai trái bắp nướng, ngồi gặm với nhau như gặm ý nghĩa thật sự phía sau những bài diễn văn ô nhục.