You are here

Mấy nhận xét về Hôi nghị viết văn trẻ toàn quốc ngày 9/9/2011

Đào Trung Đạo
Một trong những sách lược cai trị chính của các chế độ độc tài toàn trị là cách ly, chia để trị một cách tinh vi,  người dân khỏi những mối liên hệ giữa cá nhân với cá nhân và giữa cá nhân với tập thể, không cho người dân có cơ hội tập hợp thành những đám đông không đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền. Trong những ngày đầu cộng sản ở Trung quốc và ở Việt Nam lên nắm chính quyền chúng ta thường nghe nói tới “tổ tam tam” nghĩa là dân chúng ở trong một làng hay phố được tổ chức thành những nhóm ba người để kiểm soát, báo cáo nhau. Trong giai đoạn đó đã xảy ra những sự việc đau lòng như con cái tố cha mẹ, anh em trong nhà báo cáo nhau, trong một đơn vị chức năng người nọ canh chừng và tố cáo người kia. Cực điểm của chính sách này là cuộc cải cách ruộng đất. Suốt trong một giai đoạn dài nhiều thập kỷ con người sống trong khủng hoảng niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau. Để củng cố và che đậy chính sách phân hóa này chính quyền đứng ra lập những hội đoàn, mặt trận, hay phong trào…, mới nhìn tưởng như để đoàn kết một bộ phân dân chúng, nhưng thật ra là để dễ bề kiểm soát. Từ sau Đổi Mới tình trạng này đã bớt cường độ nhưng về sách lược thì cho đến nay vẫn không có gì thay đổi: Những hội, đoàn, tổ chức… được chính quyền lập ra dĩ nhiên hoàn toàn phải đặt dưới quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng.  Chính vì vậy ở Viêt Nam Cọng sản từ hơn nửa thế kỷ nay – trước Tháng Tư 1975 ở Miền Bắc và sau Tháng Tư trên toàn cõi, bất kỳ một hội đoàn, phong trào, mặt trận… nào – từ chính trị, chuyên môn, đến xã hội hay thiện nguyện, giải trí v.v…- một khi được chính quyền cho phép chính thức hoạt động đều nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền thông qua những cán bộ được Đảng tin cậy cài đặt vào những chức vụ lãnh đạo, dù cho những cán bộ này đa số không đủ những phẩm tính chuyên môn, uy tín,  hay có những thành tựu được giới làm nghề hay xã hội đánh giá cao. Tuy nhiên, cứ mỗi khi có một Hội nghị nào đó được tổ chức là những cán bộ lãnh đạo này được giao việc phát biểu khai mạc, một hình thức ra chỉ thị cho các hội viên.
Hội viết văn trẻ cũng không là một ngoại lệ.
Theo dõi những diễn biến của Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc ngày 9/9/2011 tổ chức ở Tuyên Quang được báo chí, truyền thông luồng chính đưa tin chúng tôi có một vài nhận xét và suy nghĩ sau đây:
Về việc đổi tên từ Hội nghị nhà văn trẻ sang Hôi nghị viết văn trẻ: Được hỏi  về sự thay đổi này ông Hữu Thỉnh Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam không giải thích lý do mà chỉ chính thức xác nhận và cho rằng “Việc thay tên gọi không những không ảnh hưởng gì đến tính chất của Hội nghị mà còn ngắn gọn khi sử dụng nói và viết.” Thứ nhất, sự thay đổi tên gọi này phải chăng chỉ cho Hội nghị lần này còn Ban Nhà văn trẻ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, từ nay cũng được đổi thành Ban Viết văn trẻ? Chúng tôi không được nghe dư luận từ những nhà văn được coi là “trẻ” nhưng theo thiển ý thì những người về họp (hay không họp) từ sau Hội nghị ngày 9/9/2011 sẽ không được coi là nhà văn nữa, đừng có “nghèo mà ham”! Than ôi sự “chính danh” hóa ra cũng đã trở thành chuyện tranh dành nhau giữa thế hệ đi trước với thế hệ đi sau trong cùng một làng có tên gọi là “làng văn”, tương tự như miếng xôi miếng thịt giữa làng thời phong kiến vậy. Nghĩa là phải có danh xưng “nhà” như “nhà văn, nhà thơ” mới được ăn miếng thịt, còn chỉ là “người viết văn/thơ” thì nhiều lắm chỉ được một nắm xôi thôi nhé các bạn. Nhưng điều khôi hài là trong số rất đông những quí vị tự cho mình hay được phe cánh hay Đảng gán cho danh xưng nhà văn nhà thơ thì thật sự có bao nhiêu người xứng đáng danh xưng này? Câu hỏi này chỉ có thể trả lời bằng tác phẩm, hai chữ “nhà văn” không thể là thứ xin-cho hay tự nhận. Và cũng lại theo thiển ý, cứ thử tìm xem trong giai đoạn văn học 1955-1975 ở Miền Bắc và 1975-hiện tại con số tác phẩm và nhà văn đúng nghĩa dường như cũng hơi “bị hiếm.” Phải chăng sự hiếm hoi này đã tạo nên tâm lý tự ti thầm kín nơi những “người viết văn già-trẻ” hiện nay? Và để che dấu mặc cảm  tự ti thì không gì bằng thay vào đó sự tự tôn kệch cỡm?
Nay thử đọc những lời phát biểu khai mạc của “nhà thơ” Hữu Thỉnh [chú thích “nhảm”: Hữu=có, Thỉnh=thỉnh cầu, xin xỏ cấp trên] Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam xem có điều gì có thể học hỏi được không. Phải công nhận ông Hữu Thỉnh có cái lưỡi được “dầu cặn từ cỗ xe xã hộ chủ nghĩa ọc ạch” bôi khá trơn: thay vì nhiệm vụ là “ban huấn thị” ông ta đã khéo léo dùng “thể vè khẩu hiệu tuyên truyền” khá tài tình như “Những người viết văn trẻ, các bạn đến từ đâu?”, “Các bạn viết văn trẻ đến từ đâu?”, “Các bạn viết văn trẻ, các bạn từ đâu đến?” Loanh quanh cứ “đến từ đâu” qua “từ đâu đến” trong “câu chuyện” ra vẻ thân tình này ông Hữu Thỉnh đã tự đưa ra những câu trả lời đầy tính chất phê phán nhắm đến giới “viết văn trẻ” hiện nay như: những hạn chế “khai thác chưa xâu” đề tài, tác phẩm “chưa để lại dấu ấn”,  có năng khiếu nhưng thiếu tài năng, đam mê nhưng không bản lĩnh, và tự giác v.v... Nhưng lạ nhất là ở trên ông Hữu Thỉnh phán “nhiều tác phẩm chưa để lại dấu ấn như một dàn đồng ca” thì ngay sau đó ông lại nói “Các cây bút trẻ phải tự thoát ra khỏi dàn đồng ca mà tạo cho riêng mình một dấu ấn cá nhân.” Thế mới biết đúng  như người đời thường nói (đôi chút mỉa mai?) rằng thi sĩ là kẻ khó hiểu, nhất lại là “nhà thơ nhớn/nhờn” Hữu Thỉnh. Hay là vì ông ta mải miết đưổi theo âm vận của bài vè khẩu hiệu tuyên truyền, đến chỗ “bí vận” nên trong lúc quýnh quáng tráo đi tráo lại “hồn thơ” mắc dịch bị tắc nghẽn? Rồi sau đó khi đến câu vè “đến từ đâu” ông Hữu thỉnh láu cá láu tôm “chơi chữ” kiểu đại thi sĩ: đến từ dâu từ đâu đến, và phán đại: đến từ tương lai nhưng phải dừng lại ở hiện tại, có lẽ ông toan nói thẳng sự thật ra nhưng khôn hồn “quẹo chữ U”, trớ lưỡi nên câu nói  thành ra “một cái hiện tại vừa nhẵn nhụi, xù xì, vừa có nụ cười và nước mắt”, nên khuyên nhủ những người viết văn trẻ sốt ruột đang muốn con đường trước mắt phải phẳng phiu hãy kiên nhẫn. Thôi đi cha nội! Sao cứ tránh né, không huỵch toẹt ra là thực tại xã hội, đất nước hiện nay đầy mâu thuẫn, nghịch lý, đang suy xụp thật đấy     tuy nhiên những người viết trẻ không được “sốt ruột”, đòi thay đổi, mà phải gắng “chịu gian khổ”, mọi chuyện đã có Đảng và Nhà nước lo. Rồi đến pha giải thích sự kế truyền văn chương từ thế hệ trước sang thế hệ sau thì hình như ông Hữu Thỉnh không còn biết mình đang nói gì khi cho rằng sự kế truyền nằm trong câu nói “tre già măng mọc” và rằng “không một nhà văn tài năng nào có thể sáng tạo mãi mãi.” (lại chú thích “nhảm”: có lẽ đã nhận quả thực những tác phẩm mà ông đã tự ban cho mình những văn chương lớn năm này qua năm nọ là nhạt nhẽo, không sáng tạo df9úng như lời Trần Mạnh Hảo phê phán nên ông, trong một phút “hành khẩn khai báo” đã nói ra như vậy) Ngẫm nghĩ một giây cho mọi người có dịp thở hắt ra ông nhẹ nhàng trao “trách nhiệm đầy vinh quang nhưng vô cùng khó khăn” cho những người viết văn trẻ có mặt (hay không có mặt) trong Hội nghị 9/9. Cứ nghe cách lý giải sự kế truyền văn học như vừa kể trên người đời đủ nhận ra kiến thức lịch sử văn học của ông Hữu Thỉnh nông xâu ra sao. Những người ngồi dưới nghe ông nói hẳn có kẻ đã lẩm bẩm “vinh quang cái con mẹ gì, ông đã vồ cha nó hết vinh quang rồi còn đâu, và “vô cùng khó khăn” liệu có khó khăn bằng việc xin giấy phép xuất bản và né bị biên tập, tránh kiểm duyệt không?”
Sự tài tình của ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam lên đến cực điểm khi ông giải đáp thai đố “Các bạn viết văn trẻ, các bạn từ đâu đến?” Câu trả lời khỏi cần suy nghĩ của ông là: “Từ nền văn học mười đầu ngón tay.” Có lẽ bỉ nhân phải đi nhờ những dịch giả ngoại ngữ nổi tiếng dịch câu nói này sang nhiều ngoại ngữ để “cập nhật” những câu nói lừng danh kim cổ trong các sách văn chương hàn lâm kinh điển thế giới! Và những nhà nghiên cứu văn học sẽ ngẩn người kinh ngạc khi hiểu rằng phương tiện (máy vi tính) có khả năng thần sầu “tạo ra những tác phẩm văn học”, chân lý “trước sau như một” lù lù trước mặt mà sao minh ngu đần không nhận ra.  Hóa ra trước đây các nhà văn nhà thơ lẫy lừng dùng giấy bút để sáng tác cho nên tác phẩm của họ đều phải “xổ toẹt” hết? Xin lỗi nhe, ông Hữu Thỉnh đâu có nói thế. Sở dĩ ông ta đưa ý này ra là để nối với ý “hội nhập” và “tạo ra cái mới”! Về ý kiến “hội nhập” bằng máy vi tính của ông Hữu Thỉnh kể ra nghe cũng thật ly kỳ. Ly kỳ hơn nữa là theo ông cứ sáng tác bằng mười đầu ngón tay là ra cái mới, như vậy từ nay kẻ nào viết văn bằng máy vi tính bảo đảm sẽ “xồn xồn” đẻ ra cái mới cho văn chương. Vòng lại khi nói về “tính hiện đại” ông Hữu Thỉnh cuối cùng đưa ra khẳng định “Không phải bất cứ cái gì đến trước là cũ kỹ, lạc hậu và đến sau là hiện đại.” Bỉ nhân thiển nghĩ ý ông muốn nói: Này các cháu, thơ của bác đây đến trước thơ văn của các cháu nhưng vẫn cứ rất là hiện đại! Nghe tuyên bố của ông về tính hiện đại của văn học sao mà quá quen tai, nhạt nhẽo, mòn rỗng, công thức. Kết luận: Bỉ nhân xin “xá chào” từ biệt ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, vì với vốn liếng kiến thức lõng bõng về văn học của mình quả thật bỉ nhân dù có “đào xâu tư tưởng” cách chi cũng không thể hiểu được những tư tưởng cao siêu của ông.
 
Để tiếp nối phần nhận định về bản chất các hội, đoàn, phong trào, mặt trận v.v… dưới chế độ độc    tài đảng trị ờ phần nhập đề xin đưa ra mấy ghi nhận sau đây:
Vào năm 1955 khi Đảng Cọng sản Việt Nam nắm quyền cai trị ở Miền Bắc, đối với văn nghệ sĩ những người lãnh đạo tuy đã quyết định theo đường lối kiểm soát văn học dập khuôn theo chủ trương Stalin-nit/Mao-it như Liên Xô và Trung cộng nhưng chưa kịp thi hành một cách triệt để cho nên khi những nhà văn nhà thơ theo kháng chiến trở về “trong chiến thắng”, với danh tiếng và uy tín sẵn có của họ, đã cất lên tiếng nói phản kháng, tự phát lập thành các nhóm “Nhân văn”, “Giải phẩm” khiến chính quyền phải thẳng tay đàn áp. Rút kinh nghiệm từ bài học này những người lãnh đạo cao cấp đi đến quyết định thi hành sách lược: một mặt cách ly, phân hóa, cô lập giới làm văn học nghệ thuật, mặt khác lập ra Hội Nhà văn, các học viện, tổ chức… để kiểm soát mọi mặt sinh hoạt của giới làm nghề văn chương và giới trí thức. Chế độ kiểm duyệt, biên tập và cấp giấy phép xuất bản là những biện pháp thực thi chính sách này.
Cũng rút kinh nghiệm từ “Nhân văn, Giai phẩm” từ sau 1975 chính quyền e ngại những người viết văn làm thơ trong quân đội khi trở về cũng lại “trong chiến thắng” cũng sẽ có thái độ giống như lớp đàn anh sau năm 1955 nên một mặt duy trì chế độ kiểm soát khắt khe, mặt khác đã lập ra Trường Viết văn Nguyễn Du – nghe nói đây là ý kiến của cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị với Bộ Chính trị và được chấp thuận – nhằm đào luyện uốn nắn những người viết trẻ trở về sau khi chiến tranh chấm dứt. Nhưng lạ thay, những chủ trương này đều thất bại: chứng cớ những nhà văn như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải…kẻ thì từ những năm cuối thập niên 80s, kẻ thì đến cuối đời đã không ngần ngại chống đối chính sách kiểm soát giới viết văn làm thơ của chính quyền. GS Hoàng Ngọc Hiến, vị hiệu trưởng đầu tiên của Trường Viết văn Nguyễn Du khi cùng với Nguyễn Minh Châu viết những bài khảo luận tố cáo “nền văn chương phải đạo, bánh vẽ” một thời đã bị trù dập khốn đốn. Cũng chính từ sự phản kháng của giới học giả, trí thức, nhà văn này mà từ những năm cuối thập niên 80s Đảng phải đưa ra chiêu bài “cởi trói văn nghệ”. Và lạ thay, ngược hẳn với chủ trương đường lối của Đảng, Trường Viết văn Nguyễn Du đã đào tạo ra những người viết văn trẻ trong đó có Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh… là những người đã tạo được tên tuổi bằng những tác phẩm được người đọc một thời yêu mến phần vì sách của họ có tính chất văn chương, nhưng phần lớn hơn vì những nhà văn này đã bỏ lại sau lưng “hiện thực xã hội chủ nghĩa”, đã phớt lờ chủ trương văn nghệ của Đảng. Đây lần thất bại thứ hai của việc đeo vòng kim cô giới văn nghệ sĩ!
Và hiện nay thì sao? Câu hỏi chỉ được giải đáp bởi giới viết văn làm thơ dù già hay trẻ hiện nay. (Khi nêu lại các sự kiện lịch sử Nhân văn Giai phẩn và “cởi trói” chúng tôi nghĩ rằng sự thức tỉnh của giới viết văn làm thơ phải được thúc đẩy, có môi trường phát sinh,  bởi những biến cố lịch sử dấu mốc. Và biến cố Biển Đông cũng như chính sách không minh bạch, che đậy dân chúng của chính quyền hiện nay đối với việc Trung quốc xâm lăng cả biển đảo lẫn kinh tế có lẽ là biến cố có khả năng thúc đẩy, định hướng cho những người viết trẻ). Dường như câu trả lời không thể đến từ những “câu vè khẩu hiệu tuyên truyền” như “đến từ đâu” rồi lại “từ đâu đến” của “nhà thơ” Chủ tịch Hữu Thỉnh. Tuy nhiên, chắc chắn ai cũng hiểu, tuy nhạt nhẽo trơ trẽn trong việc ban huấn thị nhưng ông ta lại có khả năng can thiệp thuận lợi trong việc cấp giấy phép xuất bản, và rất có thể, đề nghị một khoản “bồi dưỡng sáng tác” không chừng. Phải chăng cũng vì lý do này mà một số “những người viết văn trẻ” vào Hội và đi dự Hội nghị tuy trong bụng “nghĩ khác” ông Chủ tịch Hữu Thỉnh nhưng vẫn cứ phải đi dự vì những lý do rất ngoài văn chương này?