You are here

Nếu Linh "nựng" được hưởng án treo...

Ảnh của NguyenTrangNhung

Ngày 23/5, báo chí trong nước đưa tin Nguyễn Hữu Linh được Viện Kiểm sát đề nghị áp dụng nhiều tinh tiết giảm nhẹ, cụ thể là các tình tiết sau đây trong Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS):

  • Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, theo điểm i, khoản 1, Điều 51, BLHS
  • Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, theo điểm s, khoản 2, Điều 51, BLHS

Với các tình tiết giảm nhẹ nêu trên, Nguyễn Hữu Linh hoàn toàn có thể được hưởng án treo, là hình phạt thấp hơn mức thấp nhất của khung hình phạt tù trong Điều 146, BLHS (căn cứ vào khoản 1, Điều 54, và khoản 1, Điều 65, BLHS).

Tin này đã gây bức xúc trong dư luận. Với cảm thức thông thường, nhiều người cảm thấy khó hiểu một số điều sau:

(1) Sao có thể xem đây là trường hợp ít nghiêm trọng?

(2) Sao có thể xem đây là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải?

(3) Sao không đề nghị tăng nặng hình phạt đối với một người hiểu biết pháp luật, lại từng làm trong cơ quan nhà nước nói chung và trong ngành tư pháp nói riêng như Linh?

Các câu trả lời cho các câu hỏi trên đây có thể sẽ làm người ta ngạc nhiên và chán ngán.

Về câu hỏi 1, sở dĩ đây là trường hợp ít nghiêm trọng vì tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi được xem là có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là 3 năm tù (căn cứ vào khoản 1, Điều 9, BLHS).

Về câu hỏi 2, thắc mắc này có lý khi Linh từng bao biện rằng hành vi của mình chỉ là "nựng", mà như vậy thì khó tin rằng sau đó hắn đã thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải. Hơn nữa, ngay cả Linh có thái độ như vậy trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra từ khi vụ án được khởi tố, thì thái độ làm việc với cơ quan điều tra phải được tính ngay từ khi hắn làm việc với cơ quan điều tra lần đầu trước khi vụ án được khởi tố, nên một cách bù trừ, Linh không xứng đáng được đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ này. Đó là chưa kể các cơ quan chức năng dường như giải quyết vụ án chỉ để xoa dịu dư luận mà thôi.

Về câu hỏi 3, rất tiếc, không có quy định nào trong BLHS rằng thủ phạm là người hiểu biết pháp luật, làm việc trong cơ quan nhà nước, hay trong ngành tư pháp là các tình tiết tăng nặng cả. Ngay cả khi án lệ đã trở thành một nguồn luật từ năm 2015, song do giới hạn của khoản 1, Điều 2, Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP, rằng án lệ phải đáp ứng được tiêu chí "chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể", nên tòa án hầu như không thể sáng tạo luật, bằng cách thêm vào các nguyên tắc mới cho việc xét xử, chẳng hạn trong tình huống này, là các nguyên tắc xác định các tình tiết tăng nặng mới ngoài khuôn khổ của BLHS để đạt được công lý lớn hơn.

Từ các bất cập này của pháp luật hình sự, có thể thấy cần đặt ra một số vấn đề sau:

(1) Có nên xem tội dâm ô đối với người dưới 16 là tội ít nghiêm trọng với hình phạt cao nhất là 3 năm tù, hay phải xem đây là tội từ nghiêm trọng trở lên với hình phạt nặng hơn? 

(2) Làm sao để biết một tình tiết giảm nhẹ được đề nghị đúng khi tình tiết giảm nhẹ đó không thể được biết một cách rõ ràng và hiển nhiên, và nhất là khi ngành tư pháp không độc lập, chẳng hạn, làm sao để biết tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải – điều mà nói chung chỉ cơ quan điều tra mới biết – được đề nghị đúng? Ngoài ra, để xác định các tình tiết giảm nhẹ, phải xem xét quá trình từ khi thủ phạm làm việc với cơ quan điều tra lần đầu thay vì chỉ từ khi vụ án được khởi tố.

(3) Nên chăng tòa án có quyền sáng tạo luật, bao gồm quyền tìm ra, hay đặt ra các nguyên tắc mới hợp lẽ để xét xử linh hoạt và thấu đáo khi khuôn khổ pháp luật hiện hành cứng nhắc và hạn chế?

Đây là các vấn đề mà các cơ quan chức năng phải xem xét để thúc đẩy sự hoàn thiện của pháp luật hình sự nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung.

Trở lại vụ án, khi đề nghị áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho Linh, có vẻ như Viện Kiểm sát đang áp dụng pháp luật có lợi nhất cho Linh, bất chấp rằng điều này không hợp lẽ.

Nếu Linh được hưởng án treo, đó sẽ là sự thách thức không hề nhẹ đối với công lý, và càng cho thấy sự che chắn của ngành tư pháp đối với thủ phạm.

Đó cũng sẽ là sự mất mát trong niềm tin của dân chúng đối với ngành tư pháp nói riêng và chính quyền nói chung. 

Đó cũng sẽ là chi phí cơ hội quá lớn đối với ngành tư pháp (và do đó là đối với cả chính quyền), nói theo cách của anh Lưu Đức Quang, giảng viên khoa luật, Đại học Kinh tế – Luật, TP. HCM, khi ngành này lựa chọn giơ cao đánh khẽ thủ phạm thay vì bảo vệ nghiêm minh công lý.