You are here

Vì sao các quan chức cộng sản tài thì ít, tật thì nhiều?

Ảnh của nguyenvandai

Tuần Việt Nam/ Báo VietNamNet mới đây đăng bài viết ‘Thế hệ sau ít người tài hơn thế hệ trước’ của nhà nghiên cứu, phê bình văn học Vương Trí Nhàn.  Ông cho viết: “Người ta cứ nói xã hội nhiều khủng hoảng nhưng với tôi khủng hoảng lớn nhất là con người. Thế hệ sau ít người tài hơn thế hệ trước...” và ông cho rằng nguyên nhân do nền giáo dục phi chuẩn và sứt sẹo nên tạo ra đội ngũ cán bộ như vậy.


Sau đó tác giả Quốc Phong có bài “Vì sao thế hệ cán bộ sau ít người tài hơn trước?”, và ông cũng cho rằng căn nguyên xuất phát từ nền giáo dục.

Khi chúng ta nhìn vào trích ngang của các quan chức cộng sản cấp cao thì 100% có trình độ cử nhân trở lên, trong đó có rất nhiều người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Nhưng chúng ta nghe hay đọc những phát biểu của các quan chức cộng sản thì không chỉ cười ra nước mắt mà còn có cảm giác kinh bỉ và coi thường họ: Như những phát biểu mang tính hoang tưởng hay quá cường điệu của Nguyễn Xuân Phúc, phát biểu ngây ngô của Nguyễn Phú Trọng, ngay cả Nguyễn Thiện Nhân hay Vũ Đức Đam là những người học ở nền giáo dục Tây phương cũng có những phát biểu vi phạm hiến pháp và gây cười. Còn các bộ trưởng thì khỏi phải nói, mỗi phát biểu của họ đều gây ra các cơn bão phê bình, chỉ trích trên mạng xã hội.

Vì sao nên nỗi?

Cả hai tác giả Vương Trí Nhàn và Quốc Phong đều đổ lỗi cho nền giáo dục thì hoàn toàn chưa chính xác bởi nền giáo dục là sản phẩm của chế độ chính trị. Chế độ chính trị nào thì nền giáo dục đó.

Các vấn nạn chạy điểm, sính bằng cấp, hay những người tài năng sau khi du học ở nước ngoài thì đều không về nước,.... Tất cả những điều trên đều do thể chế, môi trường chính trị tham nhũng và hủ bại sinh ra.

Ngay cả những con người được học ở những trường danh giá ở Hoa Kỳ hay Âu châu như Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Đức Đam, Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Bá Cảnh, Nguyễn Xuân Anh, .... Nhưng khi phục vụ trong chế độ cộng sản thì đều trở thành những tàn phế về trí tuệ và nhân cách, đạo đức. Gây ra thất vọng cho Nhân dân.

Bởi vậy nguyên nhân gốc dễ của vấn đề đội ngũ quan chức cộng sản “tài thì ít, tật thì nhiều” là do chế độ chính trị độc đảng phi dân chủ gây ra.

Các cụ ta có câu “tâm tối thì trí mờ”.

Quá trình từ một đảng viên cộng sản phấn đấu trở thành một quan chức cộng sản là một quá trình tha hóa về nhận thức và lối sống đạo đức. Mặc dù họ được học tập lý luận, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ trình độ sơ cấp cho tới cao cấp. Nhưng thực tiễn đã và đang chứng minh một cách rõ ràng là quan chức cộng sản càng ở cấp cấp cao thì mức độ suy thoái càng nghiêm trọng như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Tất Thành Cang, Vũ Huy Hoàng, Trần Tuấn Anh, ...

Bởi vì ngay từ ban đầu những người tham gia đảng cộng sản Việt Nam với cái “tâm” đã không trong sáng. Họ có tham vọng trở thành quan chức cộng sản và khi đã có quyền lực thì tìm mọi cách để vơ vét của công, của Nhân dân để phục vụ cho cuộc sống sa hoa của bản thân và gia đình. Họ trở thành đảng viên cộng sản không phải vì lý tưởng cống hiến và phục vụ Nhân dân và Tổ quốc. Tất cả các quan chức cộng sản đều vì địa vị quyền lực, lợi ích cá nhân và bè phái.

Tư tưởng cộng sản về quyền lực tuyệt đối đã bóp chết mọi tài năng. Bởi người xưa có câu “Quyền lực tuyệt đối sinh ra sự tha hóa tuyệt đối”. Sự tha hóa về chính trị của một quan chức cộng sản diễn ra một cách toàn diện từ tư tưởng, nhận thức cho tới lối sống. Bởi vậy cho dù là một con người dù có tài năng, thông minh và trí tuệ sáng suốt thì khi vào guồng máy của hệ thống chính trị cộng sản cũng sẽ trở thành con người tầm thường về trí tuệ và trở thành tội phạm, thành những kẻ phá hoại đất nước.

Cho nên chúng ta đã thấy trong hơn một thập kỷ qua những tài năng trẻ của đất nước qua cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” được đi du học ở nước ngoài, sau khi tốt nghiệp họ đều không trở về nước. Có một người về nước, thì sau vài năm làm việc trong cơ quan hành chính thì cũng phải bỏ việc ra ngoài,...

Tôi xin trích một đoạn trong bài viết của tác giả Quốc Phong đã phải thốt lên rằng:

“Như vậy thì sẽ tệ hại vô cùng nếu nghĩ sâu xa đến giang sơn xã tắc. Người giỏi bị thui chột, mất niềm tin vào sự công chính, trong khi người không đủ năng lực nhưng thừa tiền, thừa quan hệ lại ung dung vào đại học, ra trường lại “chạy” vào chỗ ngon, chạy để được làm lãnh đạo. 

Bi kịch của đất nước nhiều khi cũng xuất phát từ đây. Đó là người giỏi thì không có chỗ làm trong nhà nước, buộc phải ra đi, không muốn trở về Tổ quốc bởi sợ phải làm tớ cho thằng dốt, sợ phải làm việc trong một môi trường không lành mạnh, nặng về phe phái, bè cánh.” 

Như vậy, chúng ta có thể kết luận được rằng đất nước Việt Nam với trên 90 triệu dân, hàng trăm ngàn người đã tường được du học khắp nơi trên thế giới. Đất nước chúng ta không thiếu nhân tài. Nhưng một phần họ phải bỏ nước ra đi, một phần vì bất đồng chính kiến mà không được sử dụng.

Tất cả chỉ tại chế độ cộng sản phản dân chủ và phản động.