You are here

Bị vắt sữa như bò

Ảnh của canhco

Những ngày đầu năm hình ảnh người miền Tây đổ về Sài gòn đông nghẹt trên con đường vào thành phố trong khi ở chiều ngược lại thì sự trống vắng xe cộ khiến người ta ngạc nhiên. Bức ảnh khiến người xem dễ ngậm ngùi chen lẫn một chút sợ hãi bởi tình cảnh đồng hương của họ bi đát quá nếu người xem bức ảnh đang sống tại miền Nam và tưởng tượng nếu sự cố xảy ra trong cái đám đông kinh khủng như thế làm sao mà tránh được chết chóc gây ra do dẫm đạp lên nhau để tìm đường sống?

Họ, những con người tội nghiệp ấy phần đông đang trở lại các hãng xưởng trong các khu công nghiệp thành phố sau khi về quê ăn tết. Họ có thể là công nhân của một hãng dệt may nào đó. Họ có thể lắp ráp những đôi giày đắc tiền cho ngoại quốc hay gò lưng hàn gắn những linh kiện điện tử….nhưng cho dù làm việc gì thì đồng lương kiếm được của những đôi tay khéo léo ấy cũng sẽ không bao giờ kiếm đủ cho bản thân họ sống tương đối đầy đủ nói chi đến việc giúp đỡ cho gia đình đang thiếu thốn nơi quê nhà.

Những con người cần cù trong cái xứ sở hào nhoáng là hai mặt mâu thuẩn nhau một cách quyết liệt. Nếu Sài gòn về đêm đầy ánh đèn màu với những cao ốc lộng lẫy cho dân kinh doanh lớn thì trong những ngõ hẹp của thành phố không biết bao nhiêu là mảnh đời trôi nổi tới đây kiếm sống trong tư thế của một công dân hạng hai, lúc nào cũng nhen nhúm sự sợ hãi từ các cấp chính quyền thành phố.

Miền Bắc hầu như năm nào cũng có dự án xây dựng mới những đường cao tốc trong khi kinh tế của các tỉnh miền Bắc chưa nhất thiết đòi hỏi phải có một hạ tầng cao tốc nhiều đến như vậy. Những cung đường nối liền với các tỉnh biên giới được người dân cho rằng cốt để cho nhu cầu “buôn lậu” với Trung Quốc thêm dễ dàng chứ không nhằm phục vụ những đòi hỏi cần thiết của người dân.

Lại nữa phần đông các dự án cao tốc đều có nguồn vay từ Trung Quốc. Vay 1 đồng phải trả 4 đồng vì tiền lời và tiền rút ruột, những thứ làm cho kinh tế có bề ngoài hào nhoáng nhưng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, các tỉnh miền Nam là nơi đóng góp rất nhiều cho ngân sách nhà nước lại không được chăm sóc hạ tầng cơ sở, đến nỗi có những mặt hàng ngày nay người miền Tây vẫn mang lên Sài gòn bằng đường sông, vốn chậm hơn đường bộ rất nhiều nhưng họ không có chọn lựa nào khác vì đường bộ từ Cà Mau về tới Sài Gòn cơ man nào là trở ngại mà lý do lớn nhất là kẹt đường cộng với sách nhiễu của công an giao thông.

Những ngày gần đây mạng xã hội đã chuyền nhau những con số biết nói về cây số đường cao tốc được xây mới giữa ba miền Nam, Trung và Bắc. Số liệu cho thấy miền Bắc được hưởng lợi nhiều nhất với tổng số chiều dài là 1028 Km, chia cho các tỉnh thành phố như sau: Hà Nội-Hải phòng 105 Km / Hà Nội-Hạ Long-Móng Cái 304 Km / Hà Nội-Thái Nguyên 65 Km / Bắc Thăng Long-Nội Bài- Lào Cai 300 Km / Bắc Giang-Lạng Sơn 170 Km / Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình 84 Km.

Miền Trung có duy nhất một cao tốc nối liền Quảng Nam-Quảng Ngãi dài 104 Km trong khi đó miền Nam chỉ vỏn vẹn 95 Km với 2 đường cao tốc Trung lương-Tiền Giang 40 Km và Sài Gòn-Dầu Giây 55 Km.

Theo số liệu của chính phủ thì ngân sách đóng cho năm 2017 Thành phố Hồ Chí Minh là 306.300 tỷ đồng trong khi đó Hà Nội đóng 175.785 tỷ đồng, chỉ hơn phân nửa so với TP HCM. Các tỉnh miền Nam cũng vậy ngân sách đóng góp hàng năm gần như gấp đôi các tỉnh phía Bắc.

Số liệu của Chính phủ năm 2018 cũng cho thấy các tỉnh thành phía Nam đóng cho ngân sách nhiều hơn các tỉnh thành phía Bắc 1.4 lần. Trong số 10 tỉnh thành có đóng góp nhiều cho ngân sách năm 2016, thì 6 tỉnh thành miền Nam đóng góp 487,593 tỉ đồng, cao gấp 1.8 lần so với 4 tỉnh thành miền Bắc cộng lại là 259,791 tỉ đồng.

Điều này nói lên hiệu quả kinh tế mà mỗi tỉnh thu được nhưng đáp lại chính sách của nhà nước đối với các tỉnh thành phía Nam hoàn toàn khác biệt với các tỉnh miền Bắc mà các tuyến đường cao tốc là một hình ảnh thực tế nhất.

Một thực tế khác là số tiền mà Việt kiều ở nước ngoài gửi về Việt Nam trong những năm qua đã giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển không thể chối cãi. Theo số liệu của chính phủ thì trong năm 2018 số tiền từ nước ngoài gửi về lên tới gần 19 tỷ, cao hơn mọi năm trước. Vậy ai đã gửi tiền về Việt Nam?

Xin thưa ngay 90% số tiền được gửi về là từ những người miền Nam. Họ, hoặc đã bỏ chạy vào năm 1975 rồi sau đó mang thân nhân ra nước ngoài. Họ là những người sĩ quan bị chế độ cho là Ngụy sang Mỹ theo diện HO. Họ là những cô dâu Hàn, Đài có căn cước tại các tỉnh miền Tây. Họ là những công nhân xuất khẩu cũng đa số là người miền Nam, một số ít là dân miền Trung còn miền Bắc thì không thể hơn 3%.

Số tiền mà thân nhân của Việt kiều nhận hàng năm đã tiếp hơi thở cho chế độ bằng những thứ thuế mà họ phải đóng trên số tiền nhận được. Thuế nhà, xe, kinh doanh, tiêu dùng…tất cả mọi thứ nhà nước thu được từ 19 tỷ ấy đã không có đồng nào giúp ngược lại người đóng thuế miền Nam.

Trường học của con em họ vẫn như xưa. Những cây cầu khỉ vẫn là nét văn hóa mà nhà nước hết lòng ca ngợi. Lúa gạo của nơi được xem là đóng góp hơn 80% cho cả nước nhưng đời sống của người nông dân vẫn không ra khỏi vài sào ruộng nhỏ bé cho cả một gia đình với 4 miệng ăn. Nhà nước vẫn thường xuyên kêu gọi người dân yêu Chủ nghĩa Xã hội trong khi cán bộ vẫn yêu chủ nghĩa vun quén cá nhân như thời kỳ chưa vào đảng.

95 Km đường cao tốc của toàn miền Nam so với 1028 Km của miền Bắc đã nói lên tất cả.

Và bức ảnh người miền Tây chen nhau như một đàn bò để về thành phố tiếp tục bị vắt sữa sau tết cũng nói lên tất cả.