You are here

Tỏa vào lòng dân như thế nào?

Ảnh của nguyenvubinh

     Trên mạng xã hội Facebook ngày 14/9 vừa qua có đăng tải một bài viết của tác giả Vũ Thạch, với tiêu đề: “Đã đến lúc giới hoạt động tỏa vào lòng dân”. Bài viết hay, nêu ra một phương hướng chiến lược, kết nối cuộc đấu tranh vì dân sinh với phong trào dân chủ. Tuy nhiên, bài viết mới dừng lại ở mức gợi mở vấn đề, và đưa ra một số phương diện để phong trào dân chủ chủ động kết nối với phong trào đòi dân sinh. Trên thực tế, các cá nhân, các tổ chức của phong trào dân chủ đã và đang thực hiện điều này bằng nhiều cách thức khác nhau. Nhưng trong môi trường cộng sản toàn trị ở Việt Nam hiện nay, hiệu quả của việc kết nối còn rất khiêm tốn. Chúng ta cần tìm hiểu những khó khăn của cuộc đấu tranh vì dân sinh, những khó khăn trong việc kết nối với phong trào dân chủ, những bài học từ những điểm nóng đã ít nhiều thành công... từ đó mới đưa ra được các gợi ý về giải pháp có thể thiết thực, hiệu quả.

     1/ Những khó khăn trong đấu tranh đòi quyền dân sinh, những bài học kinh nghiệm

     Đấu tranh đòi quyền dân sinh là việc người dân đứng lên đấu tranh bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình theo pháp luật hiện hành. Có rất nhiều ví dụ về phong trào đấu tranh cho dân sinh, như việc giữ đất của người dân xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), phường Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội); việc đấu tranh chống ô nhiễm môi trường ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi... hoặc đấu tranh di dời và xóa bỏ các trạm BOT đặt sai vị trí, vv... Đã có rất nhiều nơi, người dân bị xâm phạm lợi ích hợp pháp, phần lớn đều cam chịu. Nhưng một số địa phương người dân đã không chấp nhận và đứng lên đấu tranh. Có thể nói rằng, cuộc đấu tranh của người dân là hoàn toàn không cân sức, vô cùng khó khăn, gian khổ mà phần lớn vẫn chịu cảnh thua thiệt. Tại sao người dân hợp lực đứng lên đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình nhưng phần lớn vẫn thất bại? Có những nguyên nhân sau đây lý giải việc này.

     - Tuyệt đại đa số những tiêu cực, hành vi xâm phạm lợi ích của người dân đều được thực hiện bởi đa số quan chức trong hệ thống cầm quyền các cấp. Việc thu hồi, đền bù rẻ mạt, cướp đất, việc lập các trạm BOT hút máu dân, vv... đều được thực hiện bởi một hệ thống cầm quyền các cấp. Đó không phải là quyết định của một hoặc một vài cá nhân mà là cả hệ thống. Chính vì cả hệ thống tham gia nên khi có sự phản kháng, chống đối thì toàn bộ hệ thống được huy động để đàn áp và cưỡng chế người dân. Cả một hệ thống chính trị, với sự gắn kết lợi ích từ việc xâm phạm quyền lợi của người dân, với đầy đủ các ban bệ, gồm cả công an, tuyên huấn, thậm chí quân đội và với nguồn lực nhà nước thì những cá nhân, những nhóm người dân thường không bao giờ có thể kháng cự nổi (đó là nói về nguyên tắc).

     - Người dân vì quyền lợi chính đáng của mình lên tiếng, đấu tranh gặp rất nhiều khó khăn như: nhận thức về pháp luật, không có kinh nghiệm kết hợp, hợp tác và nỗi sợ hãi ăn sâu trong tâm khảm... Về lý thuyết, các cuộc đấu tranh của người dân muốn có kết quả tốt đẹp cần ba yếu tố: có tổ chức; được đào tạo, tập dượt và rèn luyện; quyết tâm và đoàn kết. Ở Việt Nam hiện nay, việc có được cả ba yếu tố này là  điều cực kỳ khó khăn, nhất là đối với những người dân thường.

     Trong bối cảnh đó, vẫn có những địa phương người dân đã ngăn chặn được những vi phạm, hành vi sai trái, trục lợi của nhà cầm quyền. Chúng ta có thể thấy, điển hình trong số các địa phương này là bà con xã (phường) Dương Nội, quận Hà Đông; bà con xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

     Đối với bà con phường Dương Nội, với 200 hộ dân từ chối nhận tiền đền bù thu hồi đất, nhà cầm quyền mà đại diện là phường Dương Nội và các doanh nghiệp đã sa lầy không triển khai tiếp dự án được. Bà con Đồng Tâm, Mỹ Đức đã được chứng minh phần đất của bà con không thuộc đất quốc phòng bằng việc đơn vị quân đội đã làm hàng rào phân chia ranh giới, đồng thời chưa người dân nào trong danh sách khởi tố bị bắt. Có thể nói rằng, cuộc đấu tranh của bà con hai địa phương trên tạm thời có thắng lợi trên góc độ ngăn chặn được bàn tay tội lỗi của nhà cầm quyền.

     Tìm hiểu sâu hơn về cuộc đấu tranh của hai địa phương Dương Nội và Đồng Tâm, chúng ta có thể nhận ra những điều cốt lõi chung, giúp người dân hai địa phương trụ vững và giành kết quả bước đầu tốt đẹp.

     + Nội dung, chủ điểm đấu tranh của người dân hai địa phương là những vấn đề lợi ích thiết thực, sát sườn và sống còn. Đó là việc bảo vệ đất đai, tư liệu sản xuất chủ yếu của người nông dân. Không có đất đai canh tác, không có thu nhập cơ bản để tồn tại, người dân sẽ rơi vào thảm cảnh sống nay biết mai, mất gốc. Yếu tố sống còn chính là động lực thúc đẩy người dân đứng lên, quyết tử giữ đất...

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 21/9/2018

N.V.B