You are here

Tìm hiểu triết lý giáo dục của Hồ Ngọc Đại - Phần 2

Ảnh của nguyenlanthang

Chào mừng các bạn quay trở lại đọc bài viết thứ hai trong loạt 4 bài viết của tôi về chủ đề công nghệ giáo dục (CNGD) của ông Hồ Ngọc Đại. Như các bạn đã theo dõi trong bài viết trước, trong các bình luận ngay bên dưới đó, cuộc tranh cãi về CNGD trong xã hội chúng ta chưa thể kết thúc. Ngay khi tôi đang gõ những dòng chữ mở đầu bài viết này thì điện thoại của tôi vẫn đang nảy tưng tưng thông báo có các bình luận trong bài viết đó. Người khen cũng nhiều, mà người chửi cũng lắm, nên thú thực là tôi cũng bị sức ép vô cùng lớn. Theo như dự định từ trước thì bài viết này tôi sẽ tập trung vào mổ xẻ và phân tích triết lý giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại. Nhưng có lẽ các bạn hãy cho phép tôi trước hết bàn luận xa hơn một chút, đó là bàn về việc tại sao mình cãi nhau.

Từ xa xưa khi con người sinh ra, tổ tiên chúng ta đã vượt trội mọi giống loài khác trên hành tinh này bởi khả năng tư duy, học hỏi, phát kiến, để rồi dần làm chủ cuộc sống. Trong 1 triệu năm tiến hoá, dù hình thể, dáng đứng, bàn tay hay những thứ khác trên cơ thể con người chúng ta có thay đổi để phù hợp với tập tính cũng như việc cầm nắm công cụ lao động, nhưng thay đổi quan trọng nhất chính là tư duy trong não chúng ta. Tư duy là một hệ thống quan niệm, tri thức, bài học mà con người nhận được từ cuộc sống, từ người khác, ghi vào trong não bộ, và rồi chính nó quay trở lại chi phối mọi hành động, thái độ, tình cảm của con người. Nhưng thế giới rất rộng lớn. Mỗi người đều có những trải nghiệm và bài học không hoàn toàn giống nhau, và đó chính là nguyên nhân dẫn đến tư duy của chúng ta là khác nhau. Những tranh cãi về CNGD mà chúng ta đang chứng kiến ở đây không có gì mới trong 1 triệu năm hình thành và phát triển loài người. Con người chúng ta có lịch sử cãi nhau 1 triệu năm, từ chuyện cách hạ con voi Ma mút như thế nào, dựng lều trại, giữ lửa ra làm sao... cho đến những chuyện có Chúa hay Phật không, trái đất tròn hay vuông, mặt trời có phải là trung tâm của vũ trụ hay không. Cãi nhau về mọi chủ đề trong cả triệu năm, nhưng đến giờ chúng ta vẫn rất hăng hái làm việc đó, bởi vì suy cho cùng, nhu cầu nhận thức đúng đắn những điều quanh ta là để con người có khả năng hành động nhằm thoả mãn những điều mong ước của mình.

Bạn mong ước điều gì? Người khác mong ước điều gì? Dù có khác nhau về dân tộc, ngôn ngữ, văn hoá, lứa tuổi, nghề nghiệp, xuất thân, quan điểm xã hội thì con người vẫn có điểm chung là mong mình được thoải mái, được an toàn, được hạnh phúc. Maslow là người đã đưa ra lý thuyết nổi tiếng về tháp nhu cầu, trong đó thể hiện rõ theo từng thứ bậc những mong muốn của con người. Thiếu bất cứ một nhu cầu gì từ thấp đến cao, con người còn đấu tranh, và đó chính là nguyên nhân gây ra xung đột cũng như sự hợp tác phát triển trong thế giới loài người. Trong quá trình lao động và nhận thức thế giới, từ thời cổ đại các nhà triết học đã đưa ra những khái niệm, những lý lẽ khác nhau về vai trò cũng như sự tồn tại của con người với thế giới xung quanh, và đó là tiền đề dẫn hướng cho nhiều trường phái, tôn giáo, văn hoá khác nhau. Mang theo những quan điểm khác nhau đó, loài người vừa hợp tác, vừa đấu tranh trong hàng ngàn năm, để rồi có một thế giới hiện đại như ngày nay chúng ta đang sống. Lý thuyết "CON NGƯỜI LÀ TRUNG TÂM", đây là điều căn bản mà tôi đã phải trình bày rất dài ở trên, cuối cùng chỉ để dẫn các bạn đến điều này.

<<<...Năm 1968, ông Hồ Ngọc Đại là một trong 2 người được cử sang Liên Xô để học tập kiến thức và tiếp thu các phương pháp học tập mới.

Khi đang là nghiên cứu sinh năm thứ 2, ông Đại đã bắt đầu tích lũy được kiến thức về tâm lý học, làm quen với lý thuyết trong lĩnh vực giáo dục của Galperin và có thời gian theo dõi thực nghiệm của các nhà khoa học trong lĩnh vực này là Elkonin – Đavưđov...>>>

Trích: https://m.viettimes.vn/cong-nghe-giao-duc-va-nhung-dieu-la-lung-cua-gs-ho-ngoc-dai-302997.html

Ông Hồ Ngọc Đại đã rất nhiều lần bày tỏ với truyền thông và báo chí về quan điểm lấy "học sinh làm trung tâm". Ngay trong mấy trang đầu tiên sách Tiếng Việt theo CNGD cũng in một bức tranh học sinh tới trường, với hai khẩu hiệu nổi bật là "Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui" và "Đi học là hạnh phúc". Tôi cho rằng triết lý lấy "học sinh làm trung tâm" chính là bắt nguồn từ triết lý lấy "con người làm trung tâm" của phương Tây khi ông học tập tại Liên Xô mà tôi sẽ đề cập dưới đây.

"Con người là trung tâm" là một câu nói rất cô đọng của một chủ thuyết có lịch sử rất lâu đời, có nhiều phái hệ, có sự thăng trầm theo thời đại. Mỗi người chúng ta có thể nghe thấy điều này từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng tôi đồng ý với ý kiến của PGS.TS Hồ Sỹ Quý rằng, khái niệm con người là trung tâm được thừa nhận và bàn luận ở Việt Nam vào khoảng từ những năm 1990, khi Tổ chức phát triển Liên hợp quốc UNDP bắt đầu lấy đó làm tiêu chí cho hoạt động của mình. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, các bạn có thể tham khảo thêm bài viết tại đây: http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/con_nguoi_la_trung_tam_hai_quan_diem_tieu_bieu-e.html

Khi lấy "con người làm trung tâm", UNDP đã đưa ra một quan niệm mà mọi chế độ chính trị xã hội hiện nay đều phải thừa nhận. Cộng sản hay tư bản, quân chủ hay hay lập hiến, độc tài hay dân chủ... dù thực chất bên trong có coi trọng con người hay không, tất cả các chế độ chính trị khác nhau đều phải thừa nhận giá trị này.

Ý niệm coi "con người là trung tâm" không phải do UNDP phát minh ra, mà nó là cả hệ thống lý luận được nghiên cứu từ thời cổ đại phương Tây với nhiều nhánh hệ khác nhau. Tư tưởng đó lúc mạnh lúc yếu, nhưng đã tác động rất sâu rộng đến mọi ngành nghề, trong đó có việc giáo dục con người, đặc biệt là ở phương Tây, nơi sản sinh ra nó. Tuy nhiên, song hành với nó trên toàn thế giới còn nhiều hệ tư tưởng khác, có ảnh hưởng trực tiếp đến quan niệm giáo dục. Trên thế giới có tám nền văn minh chính, bao gồm: văn minh phương Tây, văn minh Nho giáo, văn minh Nhật Bản, văn minh Hồi giáo, văn minh Ấn giáo, văn minh của người Slavơ – Chính thống giáo, văn minh Mỹ Latinh và văn minh châu Phi. Liên quan đến Việt Nam, có thể kể đến ngay Khổng Tử (551-479 trước CN) ở nước Lỗ, là triết gia cổ đại với tác phẩm Luận Ngữ, là có ảnh hưởng nhất. Cách nhìn về giáo dục của Khổng Tử từ hàng ngàn năm đã ảnh hưởng lên xã hội Trung Quốc và các nước láng giềng như Triều Tiên, Việt Nam, và Nhật Bản. Khổng Tử đặt vị thế của người thầy rất cao về tri thức và đạo đức, phải làm gương cho học trò, phải am hiểu để truyền đạt kiến thức cho học trò. Ngay trong ca dao tục ngữ từ bé chúng ta đã được nghe những câu như: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", "Không thầy đố mày làm nên", "Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy".

Nhắc sơ qua như vậy, các bạn đã dần hình dung ra sự mâu thuẫn giữa hai luồng tư tưởng lấy "học trò làm trung tâm" và lấy "thầy giáo làm trung tâm" chưa nhỉ?

Việt Nam với đặc điểm là một nước có một ngàn năm Bắc thuộc, lại ảnh hưởng văn minh phương Tây từ thế kỷ 18 với sự đô hộ của thực dân Pháp, nên thực chất mỗi con người chúng ta sinh ra và lớn lên ở Việt Nam đều chịu sự ảnh hưởng của cả hai nền văn hoá Nho Giáo và Phương Tây. Cho nên, tôi cho rằng cuộc tranh cãi về công nghệ giáo dục thực chất là cuộc xung đột giữa các nền văn minh, ngay trong lòng mỗi người Việt Nam. Đây không phải chuyện thiên hạ chửi nhau với ông Đại, không phải chuyện các bạn chửi nhau với tôi, mà là chính chúng ta đang xung đột với chính mình trong tư tưởng, nhưng không nhận ra. Sự phức tạp này được thể hiện rất rõ trong tác phẩm "Sự Va Chạm Giữa Các Nền Văn Minh" của Samuel P. Huntington (1993), các bạn có thể tìm đọc hoặc tham khảo nhanh trong bài viết sau: http://nghiencuuquocte.org/2013/09/08/54-clash-of-civilizations/

Quay trở lại chuyện CNGD, năm 1978 ông Hồ Ngọc Đại lập trường Thực Nghiệm ở Giảng Võ, Hà Nội. Đây là cái nôi đầu tiên thí nghiệm phương pháp giáo dục mà ông Hồ Ngọc Đại đưa ra. Nhà giáo Phạm Toàn là người cộng sự của ông Hồ Ngọc Đại kể từ lúc đó, cho đến khi tách ra lập nhóm giáo dục Cánh Buồm. Lúc ban đầu tôi có tham vọng viết sâu về triết lý của CNGD, nhưng sau khi tìm tòi tài liệu, tôi thấy mình không thể lý giải hay hơn về vấn đề này bằng ông Phạm Toàn trong tác phẩm "Hợp Lưu Các Dòng Tâm Lý Học Giáo Dục" Nhà xuất bản: Tri thức, Hà Nội, 2008. Các bạn có thể tìm hiểu sơ qua trong trích đoạn sau, là bài viết giới thiệu cuốn sách đó của ông Vũ Quang Việt:

<<<...Triết lý Công nghệ Giáo dục nếu hiểu một cách đại thể, dựa vào chính kinh nghiệm của người đọc này, là một triết lý giáo dục dựa vào các kết quả của nghiên cứu tâm lý giáo dục trên thế giới, đặc biệt là Piaget và sự vận dụng ở Nga vào thực tiễn theo từng giai đoạn phát triển của trẻ em trên trục định hướng không khác mấy với Piaget, và nhất là vào kết quả thực chứng từ công việc các tác giả này thực hiện ở Việt Nam: Công nghệ Giáo dục Việt Nam đã mở rộng và thoát ra khỏi hoàn cảnh chỉ có một trường thực nghiệm như trường Jean-Jacques Rousseau của Piaget và trường số 91 của Viện Tâm lý học ở Moskva. Nó muốn thay thế nền giáo dục nhồi nhét, thày đọc trò chép, về nhà thì học thêm và gò lưng luyện giải bài mẫu. Dựa vào kinh nghiệm ở Mỹ, theo người đọc sách này hình dung, Công nghệ Giáo dục của Hồ Ngọc Đại có thể cũng khá sát phương pháp giáo dục thực hiện ở các trường theo phương pháp Montessori, bắt nguồn ở Geneva, quê hương của Piaget, hay phương pháp mà các trường tiểu học và trung học do Tổ chức Liên Hợp Quốc hiện đang quản lý gián tiếp (tiếp nhận ảnh hưởng của Piaget). 

Đơn giản là các trường loại này phát triển các hoạt động dựa vào hợp tác nhóm, nhưng theo dõi, dạy và để học sinh phát triển theo nhịp điệu của từng em, không tạo cạnh tranh làm trẻ em mất tự tin, do đó trong giai đoạn tiểu học, các trường này không cho điểm, không xếp hạng học sinh, nhưng theo dõi kỹ, đánh giá mặt yếu, mặt mạnh và làm việc thường xuyên với phụ huynh để hướng dẫn học sinh tiến bộ thêm. Không phải hầu hết các trường Mỹ theo phương pháp này, nhưng phải nói là các trường và cha mẹ muốn phát triển trẻ em hài hòa tự tin thì thường đi học các trường này. Các trường áp dụng phương phát này chỉ dễ thực hiện với lớp ít học sinh. Ở lớp theo phương pháp Montessori ở Mỹ, và ở cả trường Liên Hợp Quốc, một lớp học thường không quá 25 em, với một giáo viên chính và một trợ lý giáo viên (đó là chưa kể các giáo viên dạy nhạc, vẽ, thể dục)...>>> 

Nguồn: http://zung.zetamu.net/2012/07/một-bai-của-vu-quang-việt-về-cai-gọi-la-cong-nghệ-giao-dục/

Bài viết tôi vừa dẫn link rất dài, khá phức tạp. Nhưng nói cho đơn giản, bạn có thể nhảy lên một chiếc xe hơi điều khiển rất ngon lành mà chưa chắc bạn đã hiểu hết những công nghệ tinh vi bên trong nó. CNGD cũng y như vậy. Những phát kiến trong mọi lĩnh vực khoa học ngày càng lớn và một con người bây giờ không thể hiểu đủ kiến thức do chính con người phát minh ra. Bây giờ đâu phải như thời tiền sử, cha có thể dạy con mọi điều ngoài kia, như việc đi săn thú hay nhóm lửa nấu ăn. Nhưng nếu bạn vẫn muốn tìm hiểu thực chất bên trong CNGD, ít nhất bạn hãy đọc thật kỹ bài viết tôi vừa dẫn link bên trên. Có rất nhiều điều trong bài viết đó làm bạn vừa hiểu được bản chất của CNGD, vừa hiểu được lý do tại sao CNGD 40 năm qua trầy trật ở Việt Nam. Càng tìm hiểu sâu về bản chất của CNGD, tôi càng thấy kiến thức của mình quá hạn hẹp. Chính vì thế như tôi nói ở bài 1, có rất nhiều phụ huynh hay thầy cô giáo khi mới tiếp xúc với CNGD đã phản ứng dữ đội. Điều này theo tôi bắt nguồn từ việc chưa hiểu rõ triết lý, chưa tin tưởng vào CNGD. Tôi đố ông thợ sửa xe nào đang quen sửa Huyndai chẳng hạn nhảy sang sửa xe đua Ferrari đó, biết gì về nó mà sửa. Đó, những phát ngôn có phần nóng nảy làm phật lòng nhiều người của ông Hồ Ngọc Đại có lẽ cũng bắt nguồn từ đây. 

Hồ Ngọc Đại là một nhà giáo chỉ quan tâm đến học sinh. Chấm hết! Khi bạn đi sửa xe, bạn sẽ chọn nơi có người thợ quan tâm đến từng con ốc trên cái xe của bạn, hay chọn nơi ngon ngọt dỗ dành bạn bằng những lời bùi tai? Và xe hơi nói chung thì cũng có đủ loại từ Mỹ, Đức, Nhật, Hàn Quốc hay Tàu... cái nào cũng chạy được, nhưng sự lựa chọn là ở bạn.

Tôi chưa có điều kiện khảo sát hết những nơi đang áp dụng CNGD trên cả nước, nhưng đã gặp vài cha mẹ có con theo học tại Trường tiểu học công nghệ giáo dục Hà Nội - viết tắt là CGD. Trường tư thục này mua bản quyền CNGD của ông Hồ Ngọc Đại, mỗi lớp chỉ 25 cháu. Các cháu đọc thông viết thạo, bản lĩnh và tự tin, không chửi bậy, rất đoàn kết và có tình thân ái với bạn bè. Giáo viên buổi sáng giảng bài, buổi trưa cùng ăn, buổi chiều xắn quần đá bóng với học sinh. Từ lớp 4 trở lên mới bắt đầu cho điểm học sinh. Cuối tháng có nhận xét từng môn qua email, cuối kỳ có giấy nhận xét từng bạn, của ai nhà đó giữ, ko biết bạn bên cạnh thế nào. Trước đây học sinh về nhà không phải làm bài tập, nhưng do sức ép của một số phụ huynh nên ở đây bắt đầu giao một chút bài tập về nhà. Tuy nhiên khối lượng bài tập là rất nhẹ so với trường công, và không có chuyện phải đi học thêm bất cứ môn nào.

Ngoài trường CGD còn có trường Victory ở Hà Đông cũng đang mua lại chương trình dạy theo CNGD. Trường Thực nghiệm Giảng Võ thì hiện nay là trường công, học phí rẻ, nhưng lớp lên đến 40-45 cháu. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về CNGD theo đường link sau: https://m.facebook.com/congnghegiaoduc.cgd/

 

Xin nhắc lại một ý tôi đã nói trong bài viết trước: "tôi quyết định sẽ viết về vấn đề này, để tự minh định cho mình một thái độ đối với chương trình CNGD, đồng thời chia sẻ ý kiến cá nhân tôi với những ai quan tâm". Tôi không có lợi ích hay bất kỳ liên quan nào trước đây với CNGD. Đậu chủ tịch con tôi năm nay chưa đi học. Tôi vẫn đang tìm hiểu và cân nhắc việc sẽ cho nó đi học ở đâu. Nhưng dù học ở đâu, theo phương pháp nào, tôi vẫn tin rằng nó sẽ hài lòng và vượt qua. Giống như bố nó, khi cuộc đời bắt ta phải đi một con đường xấu đầy ổ gà, ta vẫn phải chấp nhận đi qua, và nuôi ước vọng rồi một ngày sẽ có đủ sức lực để quay lại sửa con đường đó cho tốt hơn.

Cảm ơn tất cả các bạn đã theo dõi bài viết rất dài này của tôi. Xin hẹn gặp lại các bạn trong phần 3, nơi tôi sẽ tìm hiểu về vấn đề nhồi sọ chính trị mà rất nhiều người quan tâm, đồng thời so sánh sách theo CNGD và sách theo chương trình của bộ Giáo dục hiện nay.

Yêu thương tất cả ♥️