You are here

Phỏng vấn nhà báo Võ Văn Tạo, nhân ngày 11/9/2018

https://youtu.be/wf6grfpUQys

 

Sự kiện 11/9 ở nước Mỹ, dù khác xa một đại dương, vẫn đem lại nhiều cảm giác khó tả cho người dân Việt Nam. Suốt trong những ngày ấy, người ta nói với nhau bằng nhiều thái độ. Do chưa có những trang mạng xã hội phổ biến vào lúc ấy, nên các cuộc tranh luận và quan điểm khác biệt không xuất hiện công khai. Nhưng thật ra đó là cả những cơn sóng ngầm.

Cũng tương tự như việc Thượng nghị sĩ John McCain qua đời cũng dấy lên hai luồng dư luận: thù ghét như một tên “xâm lược Hoa Kỳ”, và thương mến vì đó là một nhân cách lớn, sự kiện 11/9 khi nước Mỹ bị khủng bố cũng tạo nên những sự khác biệt lớn nơi người dân Việt Nam.

Miền Nam Việt Nam, với hàng trăm ngàn người đã định cư, tỵ nạn ở Mỹ, cộng với một thời gian dài làm quen và nhiều thiện cảm với thế giới phương Tây đã tỏ ra chia sẻ và thương tiếc cho người dân ở đất nước đó. Nhưng bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người miền Bắc đến từ sau 1975 thì lại mang tâm trạng “hả hê” – như nhà báo Võ Văn Tạo tiết lộ. Dĩ nhiên, đó là một thế hệ chịu quá nhiều sự tuyên truyền “chống Mỹ cứu nước” do Đảng Cộng sản Việt Nam nhồi vào đầu con người, từ giáo dục cho đến hoạt động xã hội.

Nhưng rồi, thời gian trôi qua, mọi thứ dường như có những sự chuyển đổi. Không một nhà lãnh đạo nào của Trung Quốc đến Việt Nam được người dân chào đón như tổng thống Bill Clinton hay Barrack Obama. Và không có cuộc xuống đường nào chống Mỹ như những ngày tháng Việt Nam còn trong cấm vận, mà chỉ có liên tục người dân xuống đường chống Trung Quốc.

Nhân tưởng niệm sự kiện 11/9 tại Mỹ, nhà báo Võ Văn Tạo đã dành chút thì giờ ôn lại ký ức, và cũng nói thêm những suy nghĩ của mình, hôm nay, với ba câu hỏi được đặt ra:

  1. Đã 17 năm trôi qua, kể từ vụ khủng bố 9/11 vào nước Mỹ, chắc hẳn ông (và giới truyền thông Nhà nước Việt Nam) lúc ấy vẫn còn nhớ cảm giác khi nhận được những tin tức này? Có điều gì mà ông vẫn chưa kể về cảm giác lúc ấy?
  2. Có hay không việc bị ảnh hưởng bởi một tâm lý tuyên truyền chống Mỹ quá lâu, khiến cho cho rất nhiều người dân (miền Bắc) cảm thấy hả hê khi nước Mỹ bị tấn công? Và có bất thường không, khi năm 2001 là hai nước đã nối lại quan hệ ngoại giao với nhau?
  3. Người dân miền Nam Việt Nam thì có vẻ quen thuộc và nhiều thiện cảm hơn với nước Mỹ, so với nhiều người dân phía Bắc Viêt Nam (sau 1975) nên có thái độ khác biệt. Nhưng đã 17 năm rồi, những cảm giác "hả hê" ấy đã thay đổi chưa hay vẫn còn như cũ, theo ông nghĩ?