You are here

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Bình Luận Bóng Đá & Lãnh Đạo Quốc Gia

Ảnh của tuongnangtien

Trung Quốc đang ở vào một “thời cơ lịch sử”, bước vào một “kỷ nguyên mới” sẽ được đánh dấu bằng sự kiện đất nước đang trở thành một “lực vĩ đại” [mighty force] trên thế giới và đóng một vai trò gương mẫu [role model] cho việc phát triển chính trị và kinh tế.

Tập Cận Bình

Cơn suyễn đến bất ngờ khiến tôi phải nằm bẹp (dí) trong một cái nhà trọ tồi tàn, ở ngoại ô Bangkok. Thái Lan lại đang ở giữa mùa mưa, mưa nhiệt đới: tơi tả, xối xả, và tá lả ...

Trời buồn, lòng buồn, cả vũ trụ – tất nhiên – cũng buồn luôn và buồn thê thảm! Rượu không dám nhấp môi, đã đành; bia cũng khỏi dám đụng tới luôn. Thuốc lá chỉ cần nhìn cái bao thôi ... đã muốn ho hen rồi.

Phen này chắc chết, chết chắc. Adieu, nhân loại. Vĩnh biệt cuộc đời!

Nằm chờ vài ngày mà Thần Chết vẫn chưa chịu đến nên đâm ra chán. Tôi bèn bật TV coi chơi chút xíu. Màn hình bất ngờ hiện ra cảnh trận bóng U 23 Việt Nam vs U 23 Nam Hàn, trên sân cỏ Indonesia. Dù hoàn toàn không mặn mà gì lắm với thể dục thể thao, tôi cũng ráng xem cho đến giây phút cuối. Để lỡ mà qua đời (thiệt) còn có chuyện mà “tám” với mấy con ma, ở thế giới bên kia.

Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những cầu thủ đồng hương tranh tài. Thiệt không có gì để có thể phàn nàn. Các em chơi rất tới, rất hết mình, và rất đáng ngợi khen.

Đây cũng là lần đầu tiên tôi được nghe những lời bình, bằng tiếng mẹ đẻ, trong một trận túc cầu. Bình luận viên hay nhắc đi nhắc lại những cụm từ rất nặng nề: xử lý tình huống, quật khởi, nỗ lực kiên cường, phương cách đá, tham gia lấy bóng, khoảng cách lợi thế, sự tiếp cận, sự thay người, toả sáng ...

Nghe sao mà mệt cầm canh. Tiếng nước tôi (vốn) đâu có gò bó, nghiêm trọng, và thậm xưng dữ vậy – hả Trời? Đến phút thứ 69, cầu thủ Minh Vương sút một quả banh tuyệt đẹp vào lưới đối phương, bình luận viên mô tả đây là ... một “siêu phẩm ” của bóng đá!

Loại ngôn ngữ cường điệu này (tôi đoán) đã phát triển qua hệ thống loa đài – giăng mắc khắp phố phường, len lách vào từng thôn xóm, và ăn sâu vào tâm trí người dân – từ rất lâu rồi:

 “Có một lần từ mặt trận đường 9 ghé về thăm nhà, tôi gặp đúng đêm máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội. Còi báo động từ Nhà hát Lớn rú vang. Quầng sáng ánh đèn điện phía nội thành bỗng như dụi tắt bớt. Rồi những chùm đạn phòng không đỏ lừ thun thút lao lên vòm trời. Rồi bom nổ phía Yên Viên, Cầu Giát…

Còi báo yên, đàn chó trong làng vẫn sủa râm ran, đường làng ngõ xóm vẫn rậm rịch bước chân người, không một ai ngủ lại cả. Các cô các chị thức thẳng từ lúc đó cho tới lúc quẩy gánh rau húng, rau thơm tới các phiên chợ sớm. Người làng Láng chia sẻ âu lo với người nội thành như thế đấy!

Giữa phút tĩnh lặng, nghiêm trang ấy tôi bỗng nghe có tiếng gì động mạnh như tiếng ai đập chiếu trên mặt ao, tiếng đổ vỡ loảng xoảng, ngay sau đó là tiếng kêu la của một người đàn bà:

Ối bà con xã viên đội một, đội hai, đội ba, đội bốn ơi! Lão chồng tôi tàn ác, thâm độc như đế quốc thực dân. Nó đánh tôi trường kỳ, gian khổ như thế này làm sao tôi chịu nổi?

Đêm sau máy bay Mỹ tiếp tục đánh phá Hà Nội. Đúng vào giây phút không ai chợp mắt nổi ấy, bà Hin lại chạy bổ ra đường la hét váng động cả xóm:

Ới bà con xã viên ơi! Chiều nay lão chồng tôi không nấu cơm cho tôi ăn. Nó còn giấu biệt hòm gạo đi. Nó rắp tâm triệt hạ kinh tế tôi đấy mà! (Tô Hoàng – “Nỗi Buồn Lâu Qua.” Talawas blog).

Cuộc chiến đã tàn từ lâu nhưng “nỗi buồn chiến tranh” bao giờ mới “qua” thật khó khó có câu trả lời chính xác nhưng rõ ràng là mãi cho đến tuần rồi (vào hôm 29 tháng 8) thì ngôn ngữ thời chiến, cùng mùi thuốc súng lẫn mùi vị tuyên truyền, vẫn còn thoang thoảng trong buổi tường thuật của trận cầu Asiad 2018. Miệng lưỡi của các đồng chí lãnh đạo hiện nay cũng vậy, cũng vẫn còn âm điệu (phèng la) của những người bán thuốc Sơn Đông:

Những ghánh Sơn Đông Mãi Võ có nguồn gốc tuốt luốt bên Tầu. Bởi thế, ngay tại sân nhà, đồng chí Tập Cận Bình còn “nổ” lớn hơn nhiều, lớn đến độ mà có lẽ ngay cả chính đương sự cũng phải ... ù tai:

Trung Quốc đang ở vào một “thời cơ lịch sử”, bước vào một “kỷ nguyên mới” sẽ được đánh dấu bằng sự kiện đất nước đang trở thành một “lực vĩ đại” [mighty force] trên thế giới và đóng một vai trò gương mẫu [role model] cho việc phát triển chính trị và kinh tế.

Những lời bình có cánh không thể làm thay đổi được tỷ số (3 – 1) trong trận banh  Olympic vừa qua. Những câu tuyên bố thậm xưng và cường điệu của những vị lãnh đạo quốc gia cũng thế. Cũng không thể nâng cao “vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế,” hay thay đổi được “chỉ số thị trường chứng khoán” – đang rơi tự do – bên nước (bạn) Trung Hoa Vỹ Đại.

Đến khi mà thực trạng bị phơi bầy hằng ngày, ở khắp mọi nơi, và vô phương che đậy thì giới quan chức của nhà nước Việt Nam lại loay hoay tìm một cách nói mới (newspeak) để làm giảm nhẹ sự nghiêm trọng của mọi vấn đề:

  • Cướp đất = giải phóng mặt bằng
  • Thuốc giả = thuốc không có khả năng trị bệnh
  • Cầu gẫy = cầu tạo hình chữ V
  • Tát = gạt tay trúng
  • Đá = dơ chân quá cao
  • Ngập = tụ nước
  • Lụt = thế nước đang lên
  • Chuyến bay bị hủy hay bị chậm = bay chưa đúng giờ
  • Tầu lạ = tầu Trung Cộng
  • Biểu tình = tụ tập đông người

Theo nhà báo Từ Thức thì những “nhúm từ ngữ ngây ngô” này cũng chả phải là “chuyện tình cờ.” Ông trích dẫn lời của Joseph Goebbels (Bộ Trưởng Thông Tin Tuyên Truyền của Đức Quốc Xã) để minh thị cho nhận xét của mình: “Chúng ta không muốn ( không cần ) thuyết phục dân chúng về tư tưởng của ta. Chúng ta chỉ muốn thu nhỏ cái vốn ngữ vựng của họ, tới độ họ chỉ còn đủ chữ để diễn tả tư tưởng của ta.”'
Thời của Joseph Goebbels đã qua, vã đã xa như dĩ vãng. Mọi thứ ngôn từ ma mị (cùng những trò ma bùn/ma tịt/ma mãnh) đều trở thành lố bịch, và không còn đất sống trong thế giới phẳng hiện nay.