You are here

Tôn giáo bình phong?

Vụ 500 biển xe xanh sai đối tượng, vừa được chính Bộ trưởng Công an Tô Lâm thừa nhận là cấp cho “doanh nghiệp và tổ chức tôn giáo”.

“Doanh nghiệp bình phong”, chắc không cần nhắc lại. Nhưng vì sao, tổ chức tôn giáo nào lại được cấp biển xanh, hay đã hình thành những tổ chức “tôn giáo bình phong”?

Dư luận, lâu nay không lạ gì với những đồn kháo về sư trụ trì chùa này hàm “tướng”, sư kia hàm “tá”... Thực hư sao chưa rõ. Thú thật, tôi cũng không tin. Nhưng cứ thấy nhiều sư, hằng ngày ra vào cửa chùa trên những chiếc xe biển xanh 80, loại biển số đặc biệt chỉ dành cho Bộ Công an, quan chức Chính phủ và Trung ương uỷ viên, khối ban ngành của đảng và Bộ Chính trị.

Bức ảnh kèm bài, tôi chụp tại chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn tháng 1/2016. Dàn siêu xe biển xanh 80 là của viên sư trụ trị chùa này. Không biết đến nay đã thu hồi chưa, hay vẫn còn?

Vấn đề không đơn giản chỉ ở cái biển số xe. Nếu thật sự, đã có những sư trụ trì mang quân hàm được cài cắm như thế, những ngôi chùa “bình phong” như thế, thì đây quả là một chủ trương bổ báng Phật giáo. 

Hẳn bạn đọc còn nhớ, khối đại chuông khắc tên Thiếu tướng công an Nguyễn Thanh Hoá ở chùa Thiên Hưng (An Nhơn, Bình Định). Rồi hàng loạt chuông đồng, đại thụ gắn tên quan này tướng nọ ở khắp các chùa chiền từ nam chí bắc.

Có hay không những tổ chức “tôn giáo bình phong”? Tôi chưa dám khẳng định điều này. Nhưng việc ồ ạt xây hàng loạt chùa mới, khoa trương, hình thức như những cung điện xa hoa trong những năm qua, trông rất phản Phật. Cùng các điều tiếng về những “công ty trách nhiệm hữu hạn chùa” của ông này bà nọ, hay chùa của “gã tử tế X” nọ, đến lời thừa nhận về những tấm biển số 80 cấp cho những “tổ chức tôn giáo” nào đó, là một thực tế đáng để nghi hoặc. 

Dàn siêu xe biển 80B của sư trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn.

Đại chuông của tướng Nguyễn Thanh Hoá trong chùa Thiên Hưng (An Nhơn, Bình Định).