You are here

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Tiếng Vỹ Cầm & Giai Cấp Trung Lưu

Ảnh của tuongnangtien

Việt Nam không có đa nguyên đang đảng nên giới trung lưu ái quốc và tiến bộ hiện nay chỉ có thể nghĩ đến chuyện thay đổi kinh tế hay vật chất mà thôi. Bị bao bọc bằng các luật lệ về chính trị nguy hiểm nên họ chỉ có thể mơ đến chuyện làm giàu và làm sao để không va chạm với thể chế. Và đó là cái dở, là ngõ cụt của giới trung lưu tiến bộ và ái quốc.

Nguyễn Xuân Nghĩa

Cuối tháng rồi, tôi đọc một bài viết ngắn của facebooker Nguyễn Trung Bảo mà cứ ngỡ như là vừa nhận được một tin vui:

“Cuối cùng thì chính trị cũng tìm đến với gia đình cậu trai kéo Violin ở bờ hồ Hoàn Kiếm, dù như mẹ cậu này viết trên facebook rằng lâu nay muốn ‘tránh xa’ các chuyện liên quan đến chính trị. Những tranh luận về quyền của một công dân là gì khi đến nỗi việc chơi đàn ở nơi công cộng cũng bị cấm cản lại gặp sự phản biện rằng muốn chơi đàn thu tiền thì cần xin phép. Dù rằng, việc chơi đàn để nhận tiền từ người qua đường chẳng có gì lạ ở những nước khác nhưng với các cán bộ ở bờ hồ thì việc này vẫn cần phải có chỉ đạo.

Vượt lên những tranh cãi đó là một tín hiệu đáng mừng. Người dân đã ý thức được họ phải đòi hỏi để con cháu mình có một không gian văn hoá, sinh hoạt cộng đồng, và quyền tự do biểu đạt suy nghĩ trên phương tiện truyền thông. Phía các cán bộ bờ hồ, dù đã hiểu sức mạnh của facebook từ lâu nhưng lâu nay cứ cho đó là công cụ của ‘bọn phản động’, thì bây giờ mới vỡ nhẽ dân thường cũng xài facebook chửi mình và làm ồn ào rộn chuyện. Đó chính là những tranh cãi - đối đầu diễn ra rất thường ở những xã hội có nhiều không gian cho dân sự. Điều này đến dù trễ nhưng đang đi rất nhanh với sự thúc đẩy của mạng xã hội...

Một xã hội mà người được giao quyền nhìn đâu cũng muốn ra oai, muốn ‘trật tự’ im lặng thì đó hoặc là một nghĩa trang hoặc là một xã hội không có dân chủ.”

Trung Bảo

Qua đến phần phản hồi thì mới biết (hoá ra) là mình mừng hụt:

          Le Nguyen Mẹ em ấy vừa đăng stt xin lỗi công an. Khg hiểu sự thật là gì.

          30 July at 03:05

Sự thật hoàn toàn đúng vậy. Báo Giao Thông, số ra ngày 30 tháng 7 năm 2017 có bản tin (“Mẹ ‘cây vĩ cầm 15 tuổi’ bất ngờ xin lỗi công an trên Facebook”) ngăn ngắn:

"Tôi đăng dòng trạng thái này kính gửi lời xin lỗi sâu sắc tới các anh vì sự việc tôi đưa lên Facebook cá nhân tối ngày 28 tháng 7 năm 2017. Do nóng vội và thương con một cách mù quáng, tôi đã đăng tải thông tin xúc phạm lực lượng an ninh các anh về sự việc diễn ra khi mà tôi là người không có mặt ở đó. Điều đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới các anh, làm ảnh hưởng uy tín và danh dự của các anh.”

Tranh của nghệ sĩ vỹ cầm 15 tuổi, sáng tác sau khi bị cấm chơi đàn.  Ảnh: fb Lan Le

Những lời xin lỗi (“sâu sắc”) thượng dẫn, nói nào ngay, cũng chả “bất ngờ” gì cho lắm. Ở Việt Nam mà đã đụng tới công an thì trước sau gì người dân cũng phải nhận lỗi cho rồi – nếu không thì lôi thôi lắm, lôi thôi lâu, và rất có thể là sẽ lôi thôi lớn. Đó là chưa kể những trường hợp nghiêm trọng phải bước vào đồn, rồi được khiêng ra vì đã tự tử mất rồi.

Thân mẫu của nghệ sỹ vỹ cầm 15 tuổi vội xin lỗi rối rít là chuyện cũng ... đúng thôi nhưng chả hiểu sao tôi vẫn cảm thấy thoáng đôi chút buồn buồn. Rồi đột nhiên lại nhớ đến bài báo của một bạn đồng nghiệp, Lê Lô, viết hồi năm 2004:

“Người trung lưu Hà Nội sống giả dối, không biết điều đó có phải là phế phẩm của bảy mươi năm đời ta có đảng không. Họ đãi tiệc, làm đám cưới với bề ngoài cực kỳ linh đình long trọng nhưng món ăn thì lỏng chỏng bình dân. Họ thích tiền nhưng cứ làm vẻ dửng dưng. Họ bắt tay người này nhưng mắt hướng về một người khác đứng ở gần đó có chức vụ cao hơn. Họ nói năng thưa gửi, nói sông dài biển rộng nhưng sau một giờ thì không ai hiểu ý họ muốn tả cái gì hay muốn gì... Trừ một thiểu số quá ít còn tất cả, những người ở ngoài chính quyền và cán bộ cấp trung như đang sống theo một thỏa hiệp bất thành văn, là không động đến chuyện chính trị, đến cơ chế cầm quyền, đến những phi lý trong cuộc sống.”

Tôi thì không tin rằng trong suốt “bảy mươi năm đời ta có đảng” mà Hà Nội vẫn còn giữ được giai cấp trung lưu. Chế độ bao cấp chấm dứt vào cuối thập niên 1980, từ đó đến năm 2004 là vừa vặn một thế hệ người. Một phần tư thế kỷ sống không cần sổ gạo và tem phiếu là khoảng thời gian (e) chưa đủ dài để tạo thành một tầng lớp trung lưu tử tế. Bởi thế, lời trách móc của ông bạn tôi (“người trung lưu Hà Nội sống giả dối”) chưa chắn đã hoàn toàn ... “đúng người và đúng tội!”

Hơn mười năm sau nữa, chính xác là vào hôm 14 tháng 10 năm 2016, một tác giả khác – Lê Dủ Chân – cũng có đôi lời phàn nàn (nghe) hơi na ná:

“Sau thời ‘đổi mới kinh tế’, từ năm 1987 đến nay xã hội Việt Nam ngoài hai tầng lớp cai trị là đảng viên đảng cộng sản nắm toàn bộ quyền lực và tài sản quốc gia và bị trị là tuyệt đại bộ phận nhân dân vô sản đã hình thành một tầng lớp thứ ba, càng ngày càng lớn mạnh đó là tầng lớp tư sản trung lưu. Họ cũng thuộc lớp người bị trị nhưng nhờ vào lỗ hổng của chế độ sau thời mở cửa, nhờ vào kiến thức, kỷ năng sẵn có mà ăn nên làm ra và có thế đứng trong xã hội...

Thế nhưng, điều đáng buồn là giới tư sản trung lưu hình như đã quên đi mình cũng thuộc về gia cấp bị trị, quên đi mình mới chính là lực lượng nòng cốt phải nhận lấy trách nhiệm trước tổ quốc và nhân dân trong công cuộc tranh chống độc tài toàn trị, chống bất công xã hội đang diễn ra trên đất nước này!”

Không riêng gì Lê Dủ Chân, khuynh hướng chung đều tin rằng tầng lớp trung lưu  là xương sống của nền dân chủ.  T.S Alan Phan cũng chia sẻ quan niệm tương tự:

“Dựa trên kinh nghiệm của Âu, Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Singapore…, tôi cho rằng tầng lớp trung lưu đã đóng góp rất tích cực vào sự phồn thịnh của các quốc gia này.

Trước hết, tầng lớp này là những ‘con kiến’ cần cù xây dựng ngày đêm trong công việc được giao phó để tạo một phân khúc sản lượng cao nhất của GDP. Vì tạo được thu nhập lớn theo số đông, họ cũng là những người dân đóng thuế nhiều nhất cho ngân sách quốc gia. Sự đóng góp của họ còn thể hiện qua nhu cầu tiêu dùng, vốn tiết kiệm trong các ngân hàng, quỹ đầu tư và các hoạt động thiện ích ngoài xã hội... Tầng lớp trung lưu thường bao gồm những người yêu nước nhất.”

Đó là kinh nghiệm của Alan Phan về thành phần trung lưu ở Âu, Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Singapore ... hay đâu đó kìa. Chớ còn ở Việt Nam nơi mà những kẻ có học, có chút của ăn của để là họ “tính” ngay đến chuyện bỏ nước ra đi; và cha mẹ của một cậu bé 15 tuổi “lỡ” chơi đàn violon (nơi công cộng) đã phải cuống cuồng và rối rít xin lỗi công an thì vai trò của giai cấp trung lưu – xem ra – vẫn còn mơ hồ lắm.