You are here

Phản kháng dân sự BOT tạo ra bế tắc mới cho chính quyền

Bắt đầu từ Bến Thủy - Nghệ An (Bắc Trung Bộ), phong trào phản đối các trạm BOT đã lan tới Cai Lậy - Tiền Giang (Tây Nam Bộ) và gần đây nhất là Bờ Đậu - Thái Nguyên (Đông Bắc Bộ) với cả chục ô tô treo băng rôn diễu hành trên Quốc lộ 3 đòi dỡ bỏ trạm thu phí này.

 

Tuy nhiên không giống như ở Nghệ An và Tiền Giang, sự xuất hiện của các sắc áo an ninh chính trị cố gắng ngăn cuộc diễu hành phản đối BOT của cánh tài xế ở Thái Nguyên cho thấy trong mắt những người nắm quyền, chuyện các lái xe tìm cách dỡ BOT đang được nhìn nhận từ chỗ chỉ là phản ứng bức xúc nhất thời của một nhóm người, trở thành nguồn khởi sự và nuôi dưỡng tinh thần phản kháng của dân chúng - điều đe dọa đến mô hình cai trị hiện tại, vốn dựa trên sự tuân phục vô điều kiện của người dân.

 

Họ đã đúng. Những chuyển đổi chính trị lớn trong các nền cai trị độc đoán thường bắt đầu từ một nhóm nhỏ thành công khi đòi quyền lợi cục bộ cho nhóm mình (cánh tài xế chẳng hạn); sau đó, thành công và sự tự tin của họ nhanh chóng truyền cảm hứng cho nhiều nhóm nhỏ khác trong xã hội. Sau những trường hợp thành công đầu tiên, số vụ việc thành công tiếp theo sẽ tăng rất nhanh, đồng nghĩa với số lượng những người hiểu rằng họ có sức mạnh và tự tin rằng họ biết cách tạo ra sức mạnh đó cũng sẽ tăng lên tương ứng. Khi tất cả những người từ các nhóm và cộng đồng khác nhau này tập hợp xung quanh một yêu sách tại một thời điểm thích hợp, kẻ cai trị sẽ phải bước xuống. 

 

Tuy nhiên, nhìn ra điều này là một chuyện, có giải pháp cho nó hay không lại là chuyện khác. Qua những gì xảy ra ở Thái Nguyên cho thấy bộ máy cai trị vẫn không có giải pháp gì hơn những bài vở đã học từ Stasi của Đông Đức: Ghi hình xác minh những người phản kháng (lúc này đã bắt đầu được coi là “đối tượng”), Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để thu thập thông tin của họ, Phân tích các thông tin thu thập được để xác định các điểm yếu, Tấn công các điểm yếu để khuất phục sự phản kháng của họ. 

 

Nhưng làm thế thì chỉ khiến cho danh sách những người bị coi là thế lực thù địch dài ra thêm mà thôi, đồng nghĩa với bộ máy an ninh lại phải phình to, vừa tiêu tốn ngân sách lại vừa gián tiếp khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh của xã hội bị xáo trộn vì bộ máy an ninh sau khi phình to phải tìm cách tự nuôi sống nó bằng cách gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

 

Mà sản xuất kinh doanh đình đốn vì người dân và doanh nghiệp bị gây phiền hà thì chính quyền sao có đủ nguồn thu để nuôi bộ máy an ninh khổng lồ đó? 

 

Một vòng luẩn quẩn.