You are here

Những cư dân mới của Na Uy.

Ảnh của songchi

Song Chi. 
Tuy có diện tích thuộc hàng trung bình trên thế giới (385,252 km²) nhưng dân số Na Uy lại quá ít-khoảng 4,8 triệu người, trong đó số lượng dân nhập cư là 800.000 người và sẽ còn tăng lên nữa. Từ lâu, ý thức được vấn đề dân số ít là một trở ngại không nhỏ cho sự phát triển của quốc gia nên chính phủ Na Uy đã mở rộng vòng tay chào đón người nhập cư qua những chính sách di dân có phần cởi mở so với một số quốc gia khác, kết quả là dân Na Uy ngày nay cũng đủ màu da, chủng tộc... chẳng khác nào dân Mỹ.
Từ thủ đô Oslo cho đến thành phố Grimstad nhỏ bé, có thể bắt gặp những con người với màu da, ngôn ngữ khác nhau, nay trở thành những cư dân mới của Na Uy. Người nhập cư đến Na Uy theo nhiều cách. Ngoại trừ những con đường thông thường như kết hôn, gia đình người thân bảo lãnh hay đi làm, thì lý do tị nạn chính trị cũng khá nhiều, như người Iraq trong giai đoạn đang có chiến tranh với Mỹ, người Palestine vì đang có chiến tranh với Israel, người Pakistan v.v…Hay “tị nạn kinh tế” như các quốc gia Đông Âu hoặc châu Phi.
Cộng đồng người Việt ở Na Uy có khoảng 19,000 người, cũng thuộc vào một trong số những cộng đồng nhập cư lớn ở Na Uy (theo Wikipedia, các nhóm nhập cư lớn nhất theo nguồn gốc, kích cỡ là Pakistan, Thụy Điển, người Iraq, người Marốc, người Đan Mạch, người Nga, người Ba Lan và người Việt Nam). Phần lớn người Việt ở Na Uy là thuyền nhân vượt biển được tàu Na Uy vớt hoặc được chính phủ Na Uy nhận từ các trại tập trung, họ đến Na Uy từ cuối thập niên 70, cho đến thập niên 80, 90. Rồi dần dần người đi trước bảo lãnh người thân, gia đình sang.

Những năm gần đây, số lượng người nhập cư không có nguồn gốc phương Tây, nhất là từ các quốc gia Hồi giáo như Pakistan, Iraq, Palestine…chiếm đa số. Đối với những người nhập cư thuộc diện “tị nạn” tức không do gia đình, người thân bảo lãnh, chính phủ Na Uy sẽ trợ cấp tiền cho đi học tiếng Na Uy trong suốt hai năm đầu, để họ có thể hội nhập và tìm công việc sau này.

Tại ngôi trường dạy tiếng Na Uy dành cho người nhập cư ở thành phố Kristiansand mà tôi đang theo học, các học viên có khoảng trên dưới 50 quốc tịch, từ châu Âu, châu Mỹ, châu Á cho tới châu Phi. Mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyện đời khác nhau.
Agrefil người Philippines, 26 tuổi. Cố đến Na Uy bằng con đường đi làm việc-cô giúp việc nhà cho một gia đình người Na Uy chỉ có một người cha đơn thân và một cậu con trai 5, 6 tuổi. Nhưng khi có ai hỏi thì cô thường nói mình làm y tá. Có khá nhiều cô gái Philippines đi ra nước ngoài giúp việc nhà như Agrefil. Agrefil luôn miệng nói rằng cô thích cuộc sống ở Na Uy và cô có ý định tìm cách để được ở lại lâu dài trên đất nước này. Bởi vì trong xã hội Philippines cũng như một số quốc gia châu Á khác, mọi người vẫn coi trọng bằng cấp, địa vị và một cô gái giúp việc nhà thì không được ai xem trọng cả. Nhưng ở Na Uy thì hầu như không có sự phân biệt gì. Ước mơ lớn nhất của Agrefil là theo học nghề  chăm sóc người già để có một công việc ổn định và lấy được một người chồng Na Uy tử tế để có thể ở lại đất nước này một cách hợp pháp, như một số cô gái người Philippines khác.
Patchareeporn là một cô gái người Thái Lan đã sống ở Na Uy được hơn 5 năm. Cô lập gia đình với một chàng trai Na Uy và có một đứa con gái gần 4 tuổi. Nhưng hai vợ chồng không hợp nhau lắm-rào cản về ngôn ngữ, văn hóa là vấn đề mà những cuộc hôn nhân đa quốc gia vẫn thường gặp phải. Cuối cùng cả hai quyết định tạm sống ly thân một thời gian. Nếu Patchareeporn lấy chồng ở một nước nào khác, hoàn cảnh của cô chắc chắn sẽ rất bi kịch-hôn nhân thất bại, một thân một mình trên đất người, ngôn ngữ không rành, nghề nghiệp không có, lại thêm một đứa con nhỏ. Nhưng đây là Na Uy, quốc gia có một chế độ xã hội và một chính sách chăm lo cho con người thuộc hàng đầu thế giới. Cô được cơ quan xã hội giúp đỡ tìm ngay cho một chỗ ở cùng với con gái và được trợ cấp tiền sống để tiếp tục đi học tiếng Na Uy và chăm sóc con cho đến khi nào cô có thể đi làm. Và cũng không có giới hạn nào được đặt ra cho cô là bao nhiêu lâu thì cô phải đi làm, cứ việc an tâm mà sống. Patchareeporn tâm sự, cô mừng suýt phát khóc, vì ở Thái Lan chẳng có một chính sách nào như thế cả. Chỉ có một trở ngại duy nhất, cô không thể quay về lại Thái Lan vì nếu về, cô không thể mang con về sống luôn ở Thái Lan cùng với mình, cô chỉ có thể mang con về Thái chơi nếu được chồng đồng ý, còn ngược lại, cô sẽ phạm vào tội bắt cóc con. Nhưng xem ra cô cũng chẳng muốn về, ở đây được nuôi, khỏi phải vất vả đi kiếm tiền, thế là khỏe.
Rahel người Etiopia. Chồng cô cũng là người Etiopia nhưng đến Na Uy trước cô mấy năm. Hàng ngày Rahel đến trường học tiếng Na Uy, chồng cô thì đã học xong rồi nhưng vẫn chưa tìm được việc làm, hiện nay hai vợ chồng sống bằng số tiền nhà nước cấp cho cô đi học, còn tương lai, cô cũng chưa tính xem sẽ như thế nào.
Đối với những cô gái ít học, tính tình đơn giản, đến từ những nước nghèo, cuộc sống ở Na Uy là thiên đường và họ không phải băn khoăn thắc mắc điều gì nữa. Nhưng còn những cô gái đến từ những quốc gia phát triển và nhất là từ những thành phố lớn, sôi động thì sẽ cảm thấy cuộc sống ở Na Uy hơi buồn, vắng vẻ quá. Như Niki đến từ Thượng Hải, Sayuri từ Tokyo, hay Julia từ Virginia, Mỹ. Các cô than thở ở Na Uy không có nơi nào để đi chơi, không có cuộc sống ban đêm sôi động, không có thức ăn phù hợp khẩu vị và cũng chẳng có thời trang! Nhưng Sayuri may mắn vì chồng cô, vốn học ở Tokyo sau đó làm việc một thời gian dài trong Đại sứ quán Na Uy tại Tokyo nên anh lại thích sống ở Tokyo, hai vợ chồng đang dự định mùa hè năm tới sẽ quay lại Tokyo cùng với ba đứa con của họ. Và Niki thì luôn luôn ghen tị với Sayuri về điều đó vì chồng cô nhất định chỉ sống ở Na Uy. Điều an ủi cho Niki là chồng cô đồng ý sẽ chuyển lên Oslo, dù Oslo không phải là Thượng Hải sôi động nhưng cũng còn đông người hơn ở Kristiansand!
Với những người nhập cư còn tương đối trẻ tuổi, trên dưới 30, nếu siêng năng, có ý chí, họ chấp nhận đi học nghề hoặc đi học đại học, sau đại học, để có thể kiếm được một việc làm ưng ý. Như Niki hay Pedro, chàng trai người Cuba, đều quyết tâm đi học tiếp. Còn với những người trên 40, mọi cơ hội công việc cực kỳ khó khăn mà họ thì không muốn nghĩ đến chuyện đi học nữa. Như Eva người Ba Lan, Larisa người Litva hay Maria người Hungari chẳng hạn. Dù khi còn ở quê nhà, họ đều có bằng đại học, có nghề nghiệp ổn định nhưng khi đến Na Uy, họ phải làm lại từ đầu. Cuối cùng họ chỉ có thể tìm được những công việc tạm thời như giúp việc nhà, hoặc đành ngồi không cho chồng nuôi. Với Larisa thì điều đó làm cho cô nhiều lúc cảm thấy xuống tinh thần, nhất là khi đứa con trai riêng của cô mong muốn được đi học đại học ở Anh hoặc Mỹ, nhưng vì không có việc làm, cô không thể đáp ứng được cho con.
Bắt đầu cuộc sống ở một đất nước khác bao giờ cũng là một điều khó khăn. Tùy theo hoàn cảnh, xuất thân của mỗi người mà cái tâm thế sẵn sàng cho một cuộc sống mới cũng khác nhau. Nhưng nếu họ đến một đất nước như Na Uy, bất kể là ai, từ quốc gia nào, điều lớn nhất mà họ sẽ nhận được là sự bình an, là cảm giác an toàn. Dù có kiếm được một công việc ưng ý hay không, hay dù có bất cứ tình huống nào xấu nhất xảy ra, như cuộc hôn nhân thất bại và họ chỉ còn lại một mình, hay họ vừa bị phát hiện ra một căn bệnh trong người, tệ hơn nữa, họ bỗng phát bệnh tâm thần, mất trí nhớ…thì họ vẫn không bị chính phủ và xã hội bỏ rơi, họ sẽ có thể tiếp tục sống và không sợ hãi, lo lắng gì. Chắc chắn là như thế.
 

 

 

 

 

 

 

 

Bài bình luận

SONG CHI den Na Uy nhu the nao ? co hanh phuc va hai long lam kg ?