You are here

THU HỒI HAY TƯỚC ĐOẠT ĐẤT Ở PHƯỜNG VIỆT HÒA, TP HẢI DƯƠNG?

Nguyễn Tường Thụy

Hiện trường khi đang thi công đường ống xăng dầu. Ảnh cắt từ clip

Những người dân ở phường Việt Hòa Thành phố Hải Dương đã nhiều lần gửi đơn đến chúng tôi tố cáo việc họ bị UBND Tp Hải Dương tước đoạt đất nông nghiệp để thực hiện dự án xây dựng mới tuyến đường ống xuất nhập khẩu Kho xăng dầu K132. Chúng tôi đã tiếp xúc và tìm hiểu quá trình gọi là “thu hồi đất tạm thời” ở địa phương này. Qua đó, thấy có rất nhiều điều không rõ ràng, các văn bản có liên quan đến việc lấy đất nông nghiệp để thi công vi phạm pháp luật có hệ thống, gây thiệt hại cho những hộ nông dân có đất bị thu hồi… tạm thời.

Từ mượn một năm đến bị hạn chế quyền sử dụng đất

Những người nông dân ở phường Việt Hòa Tp Hải Dương trước đó đang yên ổn làm ăn. Tại các thửa đất nông nghiệp của họ, ngoài ttrồng lúa còn có các trang trại, chăn nuôi thủy sản, gia súc gia cầm, trồng cây lâu năm. Trong đơn kêu cứu, bà con cho biết phần lớn đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến năm 2011, Xí nghiệp Kho vận xăng dầu K132 mượn đất của họ để tập kết vật liệu (có xác nhận của UBND phường Việt Hòa). Thế nhưng sau đó, K132 tự ý đào đất, chôn hai đường ống xăng dầu chạy song song. Đến khi lắp đặt xong thì Công ty xăng dầu thiết lập hành lang bảo vệ.

Hành lang bảo vệ này đến đâu? Nông dân phường Việt Hòa cho biết, việc thiết lập hành lang chủ đầu tư được bên chính quyền bảo kê nên họ không cần nói với dân, cũng chẳng có bất cứ một văn bản nào ký kết bảo vệ hành lang. Theo công văn số 796/CV-GPMB ngày 24/12/2012 của Ban Giải phóng mặt bằng gửi ông Ngô Xuân Thủy thì “hành lang an toàn tuyến ống xăng dầu đã được xác lập 30 mét từ tim đường ống ra mỗi bên”. Như vậy, nếu cộng thêm khoảng cáchh giữa hai đường ống là 5 mét, thì chiều rộng hành lang là 65 mét. Tổng diện tích đất hành lang lên tới 74.094 m2

[Tuy nhiên, theo Nghị định số 47/1999/NĐ-CP sửa đổi và bổ sung thì hành lang an toàn về mỗi bên đường ống đối với trường hợp nhà ở riêng biệt, trại chăn nuôi, các kho nông, lâm nghiệp, vùng cây công nghiệp, vùng trồng cỏ chăn nuôi và vườn cây là 50 mét đối với đường ống cấp IV, 20 mét đối với đường ống cấp V. (chưa rõ đường ống này là đường ống cấp mấy)].

Điều gây thiệt hại đến nông dân ở đây là người nông dân bị hạn chế quyền sử dụng đất trong khu vực hành lang bảo vệ đường ống.

Trong phạm vi diện tích bảo vệ hành lang, bà con nông dân có thể trồng lúa bình thường nhưng  không được trồng cây lâu năm, không được đưa phương tiện máy móc vào để giải phóng sức lao động của con người. Tức là người nông dân phải canh tác theo phương thức thủ công, vừa tốn kém sức lao động, vừa kém năng suất. Họ còn gặp khó khăn hoặc không thực hiện được việc nhượng bán, sang đổi hay thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi vay vốn ngân hàng. Quyền sử dụng đất của bà con nông dân ở đây bị hạn chế rất nhiều bởi đường ống xăng dầu đi qua.

Theo điều 8, Nghị định 97/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ thì những nông dân này nếu thực hiện canh tác như trước đây (đưa máy móc vào phục vụ sản xuất)  thì phải đối mặt với mức phạt lên tới 200 triệu đồng:

Điều 8. Hành vi vi phạm quy định về an toàn, an ninh dầu khí

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các

hành vi vi phạm sau đây:

a)    Trồng cây lâu năm trong hành lang an toàn các công trình dầu khí trên đất”

3. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tiến hành xây dựng các công trình, sử dụng lửa trần, các thiết bị phát nhiệt,

phát lửa và các hoạt động khác trong hành lang an toàn các công trình dầu khí trên đất liền gây nguy hại cho công trình dầu khí đó;”

Từ Quyết định thu hồi đất… tạm thời…

Như đã nói, ban đầu Xí nghiệp Kho vận xăng dầu K132 mượn đất rồi sau đó tự ý chôn đường ống xăng dầu. Dân hỏi thì chính quyền địa phương tuyên bố đây là công trình quốc gia, không phải họp bàn. Đến khi các hộ dân làm đơn khiếu nại thì Hội đồng Giải phóng mặt bằng đột nhiên xuất hiện rồi nhân dân được mời họp để phổ biến thông báo thu hồi đất. Ngày 14/8/2012, UBND Tp Hải Dương ban hành Quyết định phê duyệt phương án bồi thường mà không căn cứ vào cơ sở nào cả vì cơ sở của nó là quyết định thu hồi đất ra đời… sau đó: Ngày 17/9/2012, UBND Tp Hải Dương ban hành quyết định 1909/QĐ-UBND về việc thu hồi đất tạm thời, thời gian 1 năm.

Như vậy quyết định 1909 và Quyết định phê duyệt phương án bồi thường đều không có cơ sở pháp luật:

- Thứ nhất là theo luật, không có cái gọi là “thu hồi đất tạm thời”.

- Thứ hai là quyết định thu hồi đất phải có trước, căn cứ vào đó thì mới quyết định phương án bồi thường. Bà con phường Việt Hòa gọi việc làm tréo ngoe này là “sinh con rồi mới sinh cha”. Các quyết định thu hồi đất tạm thời đối với các hộ dân khác cũng trong tình trạng như vậy, tức là ra sau phương án bồi thường.

- Ngoài ra có thể thấy Quyết định 1909 có những câu chữ đọc phải bật cười như “thu hồi tạm thời để mượn thi công” (đã có quyền thu hồi sao còn phải đi mượn?)

Đã thế, UBND Tp Hải Dương không giao các quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, không niêm yết công khai theo đúng qui định mà chỉ gọi người đến nhận tiền bồi thường. Cho đến khi thực hiện dự án, các hộ dân chỉ nhận được bản tính toán giá trị bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, mức tính cho 1 năm và mời đi lấy tiền chứ không nhận được bất cứ quyết định nào hết.

Theo ông Phạm Văn Trinh, mặc dù quyết định thu hồi đất tạm thời số 1909 ghi ngày 17/9/2012 nhưng mãi đến 5/6/2013 họ mới đưa quyết định cho 4 gia đình. Lúc này việc lắp đặt đường ống đã gần xong. Khi các hộ dân này vạch ra việc làm như thế là trái luật thì họ không giao cho ai nữa.

… đến Ban thực hiện bảo vệ thi công

Theo điều 69 của Luật đất đai 2013 thì “trường hợp người có đất thu hồi không chấp hành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định”. Thế nhưng UBND Tp Hải Dương lại không theo trình tự này, tức là không thành lập Ban thực hiện cưỡng chế mà lại thành lập “Ban thực hiện bảo vệ thi công” mà chức năng giống như Ban thực hiện cưỡng chế.

Việc thực hiện bảo vệ thi công còn sai phạm ở chỗ, Quyết định thu hồi đất tạm thời với thời hạn 1 năm ký ngày 17/9/2012 thì đương nhiên đến ngày 17/9/2014 hết hiệu lực thì căn cứ vào đâu mà ngày 9/1/2015 UBND Tp Hải Dương ra quyết định thành lập Ban thực hiện bảo vệ thi công?

Còn theo quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ thi công thì “Thời gian thực hiện bảo vệ thi công từ ngày 20/1/2015 đến ngày 29/1/2015”. Thế nhưng hết thời gian bảo vệ thi công 2 ngày thì Ban thực hiện bảo vệ thi công vẫn cứ ra tay.

Theo đơn tố cáo của nông dân phường Việt Hòa, vào hồi 4h30’ rạng sáng ngày 31/01/2015 UBND TP Hải Dương huy động lực lượng đông đảo các ban ngành, trấn áp, cướp đất của các hộ nông dân. Trong ngày “bảo vệ thực hiện thi công” này, 7 người đã bị Công an TP Hải Dương bắt người trái pháp luật, các ông bà Vũ Xuân Ái, thương binh con liệt sĩ, Phạm Văn Nguyên, con liệt sĩ, Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn văn Đường, Nguyễn Thị Nhung, Lưu Thị Xoan đã bị bắt, cứ bốn người khiêng một người cho lên xe thùng chở phạm nhân đưa về Công an Tp Hải Dương, bắt viết tường trình từ 6h sáng đến 19h cùng ngày mới thả.

Việc thành lập Ban thực hiện bảo vệ thi công vừa trái luật, vừa không đúng ý nghĩa của từ “bảo vệ”. Bảo vệ là bảo vệ cái mà mình có, chứ không  thể bảo vệ cho việc đi chiếm đoạt của người khác. Vì vậy, Ban này phải gọi là “Ban cướp đất để thi công” mới đúng bản chất của nó. Khi được hỏi việc thu hồi đất diễn ra thế nào, những người nông dân ở Việt Hòa trả lời thẳng: “Họ cướp chứ thu hồi gì”.

Những bản án khó hiểu

Nông dân phường Việt Hòa đã kiện UBND Tp Hải Dương lên Tòa án tỉnh Hải Dương ở cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Trong các bản án, Tòa án tỉnh Hải Dương đều thừa nhận, theo luật “không có qui định thu hồi đất tạm thời”, tức là quyết định 1909 của UBND Tp Hải Dương hoặc các quyết định thu hồi đất tạm thời khác là trái qui định của pháp luật, thừa nhận phương án bồi thường ra trước quyết định thu hồi đất là sai.

Theo điều 163, Bộ luật Tố tụng hành chính:

“Thẩm quyền của Hội đồng xét xử

2. Hội đồng xét xử có quyền quyết định:

b) Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật (chúng tôi nhấn mạnh); buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật;

Như vậy, theo luật, Tòa án tỉnh Hải Dương phải tuyên hủy quyết định 1909 hoặc các quyết định thu hồi đất tạm thời khác liên quan đến dự án này. Nhưng họ đã không làm như thế mà vẫn “QUYẾT ĐỊNH” trong những bản án phúc thẩm: “Xác định Quyết định số 1909/QD-UBND này [ngày?] 17/9/2012 của UBND thành phố Hải Dương về thu hồi đất phục vụ dự án cải tạo tuyến đường ống nhập khẩu xăng dầu Hải Dương là phù hợp pháp luật”.

Phán quyết của tòa án tỉnh Hải Dương cho thấy hoặc là họ nể sợ, phụ thuộc vào chính quyền, hoặc là họ không hiểu biết về pháp luật. Cả hai giả thiết này đều là nguyên nhân gây nên sự bất công, oan ức, thiệt hại cho những người dân thấp cổ bé họng. Với UBND Tp Hải Dương cũng thế, hoặc là họ không hiểu gì về pháp luật, hoặc là họ cố tính cấu kết với chủ đầu tư để làm cách nào đền bù cho người nông dân càng thấp càng tốt. Phán quyết của tòa án tỉnh Hải Dương đã gây nên nỗi bức xúc đối với những hộ gia đình có đất bị “thu hồi tạm thời”. Họ cho rằng, với các quyết định trái luật và tréo ngoe như thế thì họ không có nghĩa vụ chấp hành. Vì vậy, việc khiếu kiện của nông dân phường Việt Hòa vẫn tiếp tục và tình hình vẫn căng thẳng.

 

(Còn tiếp)

14/4/2017