You are here

Điểm lại World Cup Nam Phi 2010

Nguyễn Khanh, biên tập viên RFA
2011-01-04
Một trong những sự kiện đáng chú ý của thế giới năm 2010 là World Cup Nam Phi.

AFP PHOTO / TIZIANA FABI
Hai cổ động viên bóng đá Ý hôn nhau khi họ theo dõi trận cầu giữa Ý và New Zealand qua màn hình ngoài trời tại Rome hôm 20/6/2010

Thông tín viên Nguyễn Khanh của RFA đã có mặt từ ngày đầu, khi trái banh lăn ở trận mở màn, cho đến ngày cuối cùng, khi các tuyển thủ của Xứ Bò Tót Tây Ban Nha hân hoan giơ cao chiếc cúp vô địch.
 
Tôi đến Nam Phi 2 ngày trước khi trái banh lăn ở sân Johannesburg trong trận mở màn và rời vùng đất thật xa lạ này cũng đúng 2 ngày sau khi trận chung kết kết thúc. Tổng cộng là 34 ngày. Bao giờ cũng vậy, chuyến đi tác nghiệp World Cup luôn luôn là một chuyến đi rất dài, vì giải kéo dài tới 30 ngày với 64 trận banh diễn ra, nhưng tôi chỉ xem có 63 trận thôi.
 
Trận tranh hạng 3 thì tôi không xem, vì đó là trận “chán nhất” của giải. Chán đây không có nghĩa là hai đội tuyển ra sân đá không hay, mà vì mọi chú ý đều được dồn cho trận chung kết sẽ diễn ra chỉ một ngày sau đó, thành thử mọi người, từ dân ghiền bóng đá cho đến các nhà báo có mặt ở Nam Phi dồn hết thì giờ bàn cãi xem trận chung kết như thế nào, không mấy ai để ý đến trận banh tranh hạng 3, là trận banh mà tôi thường hay gọi đùa là giải an ủi cả.
 
Không ai có thể có mặt trên các sân để xem tất cả 64 trận hết, vì có rất nhiều trận đá cùng giờ với nhau, lại ở những sân cách xa nhau cả mấy trăm cây số. Thành ra, các nhà báo chỉ chú ý đến những trận so giầy của hội tuyển nước mình, và các trận khác thì theo dõi qua màn ảnh truyền hình.
 
Chẳng hạn như tôi trong 2 tuần lễ đầu tiên đi sát với đội tuyển Hoa Kỳ, xem tất cả nhưng trận hội tuyển Mỹ tranh tài, cho đến khi các cầu thủ Mỹ chia tay với giải thì mới bắt đầu - phải nói đúng hơn là mới thật sự - chú ý đến những đội tuyển khác.
 
Tổ chức thành công
 
Tổ chức Giải ở Nam Phi và thành công chính là điều tôi ấn tượng nhất. Đây là lần đầu tiên giải đến với Châu Phi, vùng đất vẫn còn rất xa lạ với mọi người mà tổ chức tốt đến như thế thì phải nói là tuyệt vời. Tôi không quên là cuối năm 2009 đầu năm 2010, có tin nói rằng có thể Hoa Kỳ sẽ phải tổ chức hộ cho Nam Phi vì công trình xây dựng sân vận động, sửa chữa hệ thống giao thông không xong, nhưng cuối cùng mọi chuyện đều tốt đẹp.
 
 

Chủ tịch Qatar 2022 Mohammed Sheikh và vợ Emir Sheikh với chiếc cúp FIFA ngay sau khi Qatar được chọn đăng cai tổ chức World Cup 2022 tại trụ sở FIFA tại Zurich vào ngày 02 tháng 12 năm 2010. AFP photo

Trong thời gian có mặt ở Nam Phi, tôi cũng nhìn thấy khuôn mặt rạng rỡ của người dân bản xứ, tôi cũng chẳng thể nào quên được tiếng kèn vuvuzeela nghe như tiếng ong kêu được thổi ầm ĩ ở trong sân cũng như ở mọi ngã đường. Thú thật với chị là xa nhà tới 34 ngày thì quả là quá lâu, nhưng khi rời Nam Phi tôi vẫn thấy tiếc vì vẫn chưa biết hết về xứ sở của ông Nelson Mandela, một vĩ nhân của thế giới, một khôi nguyên Nobel Hòa Bình.
 
 
Một điều khác nữa là sau khi thành công ở Nam Phi, Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới FIFA mới dám quyết định mở rộng biên giới bóng tròn, điển hình là mới tháng trước họ chọn Liên Bang Nga để tổ chức Giải 2018 và chọn Qatar là nơi tổ chức Giải 2022. Đó cũng là điểm đáng chú ý tới.
 
Tôi chấp nhận kết quả của các cuộc tranh tài thể thao, kể cả kết quả của World Cup Nam Phi. Trong thể thao, yếu tố bất ngờ là một yếu tố thật quan trọng, nên chúng ta phải chấp nhận những chuyện bất ngờ xảy ra trên sân cỏ, những kết quả đầy bất ngờ khi hội tuyển mình đặt niềm tin lại thua hay bị loại khỏi giải.
 
Trước ngày bóng lăn ở Nam Phi, cả thế giới nói đến Pháp, đến Italy, đâu có ai nghĩ hai hội tuyển mới 4 năm trước vào tới chung kết thì 4 năm sau lại xách valise về nước sớm nhất. Cũng không ai dám nghĩ đến chuyện cả Anh lẫn Đức đều gặp khó khăn ở vòng bảng và gặp nhau ngay ở vòng 16. Một ngày trước khi trận banh Châu Âu gặp Châu Âu diễn ra, chính cựu cầu thủ Franz Beckenbauer bảo với tôi là “cả 2 anh này đều đá như những thằng dở hơi, chứ không thì làm sao lại gặp nhau ngay vòng 16”.
 
 

BTV Nguyễn Khanh tại Nam Phi tháng 6/2010. RFA file

Sau chuyện đó thì tới chuyện cả Argentina lẫn Brazil đều bị loại, và rõ ràng không ai ngờ có ngày nhìn thấy những cầu thủ siêu sao của làng banh Nam Mỹ lẳng lặng rời sân. Đó là những điều khó đoán, nhưng điều đầy bất ngờ, nhưng theo tôi thì chính những bất ngờ đó khiến cuộc tranh tài World Cup bao giờ cũng là cuộc tranh tài đầy sôi nổi, rất hào hứng và rất khó đoán, kể cả chuyện Tây Ban Nha đoạt Giải 2010.
 
 
Sau khó khăn ở trận đầu vòng bảng, uy thế của Tây Ban Nha xuống thấy rõ, và mãi đến tứ kết các chàng matador của Xứ Bò Tót mới lấy lại được niềm tin của khán giả.
 
Trận chung kết World Cup Nam Phi rõ là một trận banh không đẹp vì lối đá quá cứng của hội tuyển Hà Lan. Nếu là một trận banh bình thường thì có lẽ ông trọng tài sẽ giơ thẻ vàng, thẻ đỏ, đuổi dăm ba cầu thủ ra sân, nhưng vì là trận chung kết nên chỉ mất một cầu thủ là cán cân lực lượng sẽ thay đổi ngay. Tôi nhìn thấy rõ cái khó khăn, cái áp lực mà ông trọng tài cầm còi trận banh này phải chịu đựng.
 
Năm 2014 World Cup sẽ diễn ra ở Brazil, không quá sớm để dự đoán hội tuyển nào sẽ ẳm giải. Tôi chọn Brazil vì đội tuyển này luôn luôn nằm trong danh sách những đội tuyển có nhiều triển vọng đoạt vô địch World Cup, đồng thời kỳ này ra quân ngay trên sân nhà, có khán giả nhà ủng hộ. Hy vọng năm 2014 ở Brazil tôi sẽ đoán không sai.