You are here

Tính cách người Việt qua lăng kính từ thiện

Kỳ 2: Tính toàn tri và hành xử

Nói rằng người nông dân Việt vừa là nạn nhân lại vừa là tòng phạm trong vấn đề đất nước tuột hậu, nghe ra có vẻ không thuyết phục và có chút gì đó võ đoán, phiến diện. Bởi từ trước tới nay, cụ thể là từ thời phong kiến đến thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa, nông dân Việt chỉ toàn bị trù dập, đè đầu cưỡi cổ, bị bóc lột chứ làm gì có chuyện tòng phạm làm đất nước chậm phát triển? Đất nước chậm phát triển phải là do giới lãnh đạo, bộ máy lãnh đạo (!?).

Trên thực tế, đại bộ phận nhân dân, trong đó số đông là nông dân đã tiếp tay, là tòng phạm trong vấn đề làm cho đất nước bị tuột hậu mà chưa bao giờ nhìn thấy điều nhày. Bởi nếu người nông dân nhìn thấy điều này thì đất nước không tệ hại như ngày hôm nay. Đặc biệt, ở đây nếu xét trên khía cạnh tâm lý hay thói quen, tính cách toàn tri của người Việt thì dễ dàng nhận thấy nguyên nhân của ngày hôm nay với đầy đủ khổ ải và trả giá mà người dân Việt phải gánh chịu lại do sự tiếp tay của chính người Việt cho hệ thống độc tài chứ không ai khác.

Trở lại tính toàn tri của đại bộ phận người Việt Nam, có vẻ như đã là người Việt thì ai cũng có sẵn máu toàn tri trong người và luôn thấy mình đúng, thậm chí thấy mình là trung tâm thế giới, là kẻ đi tiên phong, là… vân vân và vân vân. Mà truy nguyên tính cách này, thì hỡi ôi, nó lại do Khổng Nho và Cộng sản mà ra. Bởi không có sách vở nào dám khẳng định, dám xem sự hiểu biết của mình là chân lý giống như sách vở của Khổng Tử. Tôi có một người quen, ông này cũng có đọc đông tây kim cổ, cũng có hiểu biết ít nhiều và khá khiêm tốn, chịu học hỏi. Không may cho ông là sau này, ông nghiền ngẫm tất cả sách vở liên quan đến Khổng Tử và xem Khổng Tử là vị thầy lớn nhất của mọi thời đại, ông khẳng định rằng Khổng Tử là “vạn đại sư biểu” và kính thưa các loại ca ngợi. Kết quả là ông ngày càng trở nên ngáo ộp bởi không xem ai ra gì, tất cả đều dưới mắt của ông. Bởi ông tin rằng mình đã đọc được tinh hoa của người xưa, mình đã học toàn điều đúng và những ai ngược với ông đều là sai.

Cuộc sống lúc rảnh nghiền ngẫm sách Khổng Nho, rồi sách bói toán và luôn tự sướng mình là tinh hoa của xã hội, giờ làm việc thì vo nếp, gói bánh chưng, nấu bánh chưng, sáng mai chất lên xe cho vợ chở ra chợ bán, lúc rảnh lại học thuộc lòng một câu nào đó trong sách Khổng (mặc dù ông chẳng biết lấy nửa chữ Hán hay Nôm mà chỉ đọc sách của người ta dịch). Thời gian dần biến ông bạn thành loại người quái dị, chẳng giống ai, mặt mũi thì đen đúa nhọ nồi, tay chân thô thiển, trán hẹp, nói năng lỗ mãng, chẳng mấy khi đi ra ngoài và cũng chẳng biết gì ngoài mấy tờ báo nhà nước… Nhưng lúc nào cũng tự tin là mình biết mọi thứ trong thế giới này và mình luôn đúng.

Có lẽ không nên kéo dài câu chuyện rất ư cá biệt của ông bạn! Điều mà tôi muốn nói là ông bạn tưởng chừng như cá biệt này lại rất phổ biến và đa dạng tại Việt Nam hiện tại. Tôi từng tiếp xúc rất nhiều trí thức, họ nói năng hòa nhã, vui vẻ, thậm chí chơi thoáng. Nhưng chỉ cần đụng đến quan điểm, chính kiến là gân cổ lên cãi, thiếu điều đập nhau với đối phương. Có nghĩa là họ sẵn sàng chia sẻ trong cái họ thấy là họ đúng, trong hệ qui chiếu của họ nhưng họ không chấp nhận ý kiến trái chiều.

Nói rộng ra, hầu như số đông người Việt Nam vấp phải tính cách này, nghĩa là bình thường, người ta sẵn lòng chia sẻ, thậm chí có thể sớt bớt nửa chén cơm mình sắp ăn cho người khác và chịu đói để cho người khác ăn. Nhưng nếu đụng đến chính kiến, đụng đến quan điểm thì mọi chuyện lại khác. Mà chính kiến, quan điểm ở đây nhiều khi chẳng có liên quan gì đến bản thân họ, trong khi có những loại chính kiến, quan điểm trực tiếp liên quan đến họ thì họ bỏ lơ, xem như không phải chuyện của mình và không thuộc về “phận sự” của mình.

Ví dụ, chắc chắn ví dụ này của tôi sẽ bị ném đá nhưng tôi cũng vui vẻ nhận sự ném đá, thậm chí trứng thối hoặc thứ gì tệ hại hơn nữa. Và tôi cũng xin nói trước là tôi cám ơn tất cả những người ném đá và trứng thối (nếu có), đó là chuyện Phan Anh và cứu trợ. Cùng lúc với chuyện của Phan Anh có thêm chuyện của Dũng Vova. Cả hai người này đang bị dư luận ném đá một cách không thương tiếc sau một số trục trặc cũng như sự thiếu minh bạch trong tài chính cứu trợ của họ.

Ở đây, nếu xét trên khía cạnh dư luận và hiệu ứng vết dầu loang của nó, rất dễ dàng nhận thấy cả Phan Anh, Dũng Vova và những người ném đá anh ta đều mắc sai lầm. Nếu như Phan Anh, Dũng Vova mắc sai lầm trong việc thiếu minh bạch về tài chính hoặc sử dụng tiền không đúng mục đích thì phía những người ném đá lại mắc sai lầm toàn tri. Mà cái bẫy toàn tri là một loại bẫy do chính bản thân người ta giăng ra để bẫy lý trí của mình, và chắc chắn là không có kết quả tốt đẹp.

Trở lại vấn đề Phan Anh và Dũng Vova trước, ở đây, nếu Dũng Vova bị tố là ăn chặn tiền cứu trợ thì Phan Anh cũng bị tố tương đương, nghĩa là số tiền sử dụng không đúng mục đích và số còn lại không minh bạch. Cả hai vấn đề này nếu thực sự xảy ra thì đáng lên án và cần phải có những giải pháp thích đáng để điều chỉnh. Nhưng, vấn đề của Phan Anh lại tiến xa hơn một bước khi anh quyết định chuyển 2 tỉ đồng trong số tiền còn lại cho quĩ Hiểu Về Trái Tim. Liền sau đó, Phan Anh nhận tiếp búa rìu dư luận, bị ném đá tới tấp về việc “sử dụng tiền cứu trợ không đúng mục đích”.

Tôi xin nhấn mạnh, tôi không nói Phan Anh đúng, thậm chí anh sai trong vấn đề thiếu minh bạch về vùng cứu trợ cũng như số lượng suất quà (mà cũng có thể anh ta đã minh bạch điều này riêng với những mạnh thường quân thông qua email cũng không chừng!?). Nhưng ở đây, những người ném đá đã rơi vào toàn tri mà không biết. Sự toàn tri này không sai, không xấu nhưng lại đụng chạm đến vấn đề nhân đạo. Bởi lẽ, cũng là một người tham gia cứu trợ ở vùng lũ Quảng Bình, Hà Tĩnh, từng đến từng nhà và tìm hiểu đời sống của người dân vùng lũ. Tôi nhận ra, cái mất của người dân là khó bù đắp. Nhưng không phải ai cũng mất. Và cứu trợ thì luôn có tính chất chung chung, tính đại đồng.

Chính vì tính đại đồng này mà các đoàn cứu trợ không thể dồn hết các suất quà cho riêng các gia đình bị mất mà phải trang trải cho cả cộng đồng chung quanh. Và có một thực tế: Các gia đình bị sập nhà, có người chết thì không gì bù đắp nổi, bên cạnh đó, có những gia định bị ảnh hưởng nhẹ vẫn có những suất quà bằng với gia đình thiệt hại nặng. Và có một số gia đình vừa nhận quà của các đoàn, vừa nhận quà từ bà con phương xa gởi về giúp, tổng số tiền người ta nhận được lên đến 60 triệu đồng – 70 triệu đồng, hàng tấn gạo và vài chục thùng mì tôm. Đó là sự thật!

Và khi đã nhận quá nhiều quà cứu trợ, người ta dễ có thói quen sáng ra uống cà phê, ăn sáng và ngồi nhà chờ xem còn đoàn nào tới nữa không, vì đi làm một ngày công chỉ được cao lắm 200 ngàn đồng, nhận một suất quà có khi lớn hơn nhiều. Điều đáng sợ nhất và nguy hiểm nhất là tâm lý yếu đuối, tự thấy mình là nạn nhân cần được cứu xét. Đây là thứ tâm lý nhanh chóng đẩy người ta xuống mồ, nó còn đáng sợ hơn cả chính sách ngu dân và nô bộc hóa người dân bằng rượu, ma túy.

Đây là vấn đề tế nhị và nhạy cảm nhưng nó đã xảy ra với một số người, một số gia đình. Mà sở dĩ có như vậy cũng do toàn tri mà ra, nghĩa là người ta thấy việc mình làm là đúng, là chuẩn mực và không cần suy nghĩ gì nhiều, người ta nghĩ rằng kẻ có tiền mới mang đi làm từ thiện, nước chảy từ trên cao xuống thấp, mình ít tiền hơn, mình gặp lũ lụt thì mình có quyền nhận. Thậm chí, người ta tin chắc rằng cứ làm từ thiện là phải giàu chứ người ta không thể hình dung ra có những người vì lòng trắc ẩn, vì lòng lân mẫn trước khốn cảnh đồng loại có thể nhịn ăn, có thể mang cả tháng lương ki cóp phòng khi đau ốm mà gởi làm quà cứu trợ!

Và trong tình trạng này, nếu tiếp tục đổ tất cả tiền có được trong tài khoản (do cộng đồng quyên góp) để tặng bà con vùng lũ là có lỗi, thậm chí là tội ác, vô tình làm cho người khác trở nên yếu đuối và tự bi kịch hóa thân phận của họ chứ chẳng còn là nhân đạo nữa. Và là người cầm một số tiền lớn của các nhà hảo tâm trên tay, nếu có lương tâm, chắc chắn không ai dám cho để mà cho, để “giải ngân” cả! Người ta buộc phải cân nhắc cho mục đích cuối cùng là Nhân Đạo. Vả lại, cứu trợ, xét cho cùng là chia sẻ “một miếng khi đói bằng một gói khi no” để người ta tiếp tục sống và đi tới bằng chính sức mạnh bản thân. Việc nên dừng ở đó, và cứu trợ vùng lũ Bắc miền Trung xem như đã hoàn thành sứ mệnh. Người ta sụp cây cầu, sụp ngôi nhà mà không nhìn thấy được nguyên nhân do thủy điện xả đập, do nhà nước vô trách nhiệm và thay vì đấu tranh để lấy lại những gì mình bị hại, người ta lại ơ hờ, lại chờ cứu trợ để bù vào thì mối nguy dân tộc nằm trong chính những gói cứu trợ dông dài chứ không đâu khác! Và không chừng lòng yêu thương, trắc ẩn của nhà hảo tâm lại bị sập bẫy của nhà cầm quyền!

(Còn nữa…).