You are here

Các thách thức của Việt Nam khi Donal Trump làm Tổng thống

Nửa cuối tháng 10/2016, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư đảng CSVN đã có hai chuyến ngoại giao con thoi đi tới 2 cường quốc hàng đầu là Trung quốc và Hoa Kỳ. Đó là chuyến viếng thăm Trung Quốc chớp nhoáng từ ngày 19 đến 21 tháng 10 và ngay sau đó là chuyến công du Hoa Kỳ dài ngày từ ngày 23 đến 31 tháng 10. Chuyến đi của ông Huynh được giới quan sát cho là nhằm yêu cầu phía Hoa Kỳ xác nhận các chính sách quan trọng sẽ không thay đổi trong quan hệ với Việt Nam, sau cuộc bầu cử Tổng thống ngày 8/11. Đây là điều băn khoăn và lo lắng nhất của ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay, vì trước đây họ đã từng phá rào để quan hệ thân thiết hơn với Hoa Kỳ.

Trong bối cảnh chính sách ngoại giao của các quốc gia khu vực Đông Nam Á có liên quan đến vấn đề tranh chấp Biển Đông chịu sự chi phối của Trung Quốc ngày càng gia tăng, giữa lúc các hoạt động xoay trục của Hoa Kỳ sang Á châu thiếu hiệu quả. Đó cũng là lý do dẫn đến Philippines, Malayxia đột ngột thay đổi chính sách ngoại giao của mình, từ những đồng mình thân cận của Hoa Kỳ trở thành tẻ nhạt. Ngược lại quan hệ của những nước này đối với Trung Quốc nồng ấm lên bất thường do những tác động kinh tế của Bắc Kinh mang lại. Đó là điều một số quốc gia khác như Cambodia, Lào... đã tiến hành.

Trong bối cảnh quốc tế vô cùng khó khăn với Việt Nam như vậy, với chính sách ngoại giao đa phương (đu dây) đã khiến cho ban lãnh đạo Việt Nam hết sức lúng túng trong vấn đề quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Hoa kỳ. Một khi chính sách đối ngoại của đa số các quốc gia trong khối Asean tỏ ra ngả sang Trung Quốc nhiều hơn, thì Việt Nam cũng cần có một chính sách ngoại giao để phủ hợp.

Và ông Đinh Thế Huynh viếng thăm Trung Quốc và Hoa Kỳ với mục đích trọng tâm là để thăm dò thái độ của các cường quốc, đặc biệt là Hoa Kỳ, để làm cơ sở cho việc phía Việt Nam đưa ra cách chính sách cho phù hợp. Nhiều người đã cho rằng, việc ông Huynh đến Hoa kỳ tại thời điểm trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Hoa kỳ, với tư cách nhân vật số 2 trong đảng, thì chuyến thăm ngoại giao này hoàn toàn là mạo hiểm. Vì theo họ, nếu Donal Trump đã trở thành tổng thống mới của Hoa kỳ, thì chuyến đi vừa qua của ông Đinh Thế Huynh hoàn toàn vô nghĩa.

Phải chăng việc Donal Trump đắc cử Tổng thống là tình huống bất ngờ, không chỉ đối với các cơ quan truyền thông lớn thế giới cũng như nhiều người, mà ban lãnh đạo Việt Nam cũng không là ngoại lệ?

Không, ban lãnh đạo Việt Nam hoàn toàn không bất ngờ, họ đã chuẩn bị sẵn kịch bản cho tình huống này một khi xảy ra. Chính vì lẽ đó, các chuyến thăm giữa các lãnh đạo 2 nhà nước Việt Nam - Trung Quốc đã diễn ra liên tục, với mật độ dày đặc hơn. Cụ thể các chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh. Đáp lại, phía Trung Quốc cũng có những chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, như Bộ trưởng Bộ Công an Quách Thanh Côn và Ủỷ viên thường trực Bộ Chính Trị kiêm Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc Trương Đức Giang sang thăm và dự phiên họp của quốc hội Việt Nam cũng vào thời điểm này. Kể cả việc, phía Việt Nam tổ chức đón hơn 1.000 thanh niên Trung Quốc sang Việt Nam giao lưu. Những việc làm đó đã cho thấy, từ xưa đến nay trong quan hệ với phía Trung Quốc thì lãnh đạo Việt Nam ngoài mặt luôn tỏ ra coi trọng và tỏ vẻ vâng lời. Nhưng bên trong thì họ luôn thể hiện là những kẻ ăn ở 2 lòng, luôn ngờ vực tất cả. Kể cả đối với phía Hoa Kỳ thì ban lãnh đạo Việt Nam cũng xây dựng quan hệ trên nền tảng như vậy.

Kết quả của cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ ngày 8/11 vừa qua, theo các nhà phân tích sẽ tạo ra một bước ngoặt trong quan hệ quốc tế của Hoa Kỳ nói chung và trong ván cờ tranh chấp Biển Đông nói riêng Khi mà Donal Trump trong quá trình vận động bầu cử, hầu như không công bố các chính sách đối ngoại rõ ràng, kể cả vấn đề Biển Đông, trong lúc chính sách đối nội được tân Tổng thống Hoa Kỳ chú trọng nhiều hơn so với chính sách đối ngoại. Những động thái ban đầu như thế của tân Tổng thống Hoa Kỳ,  phải chăng cho thấy, hầu như chính sách xoay trục sang Á châu trước đây của B. Obama đã bước đầu phá sản.

Báo chí quốc tế gần đây có sự so sánh sự giống nhau giữa Tổng thống Philippines Duterte và tân Tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump. Ông Duterte đã cho người ta thấy sự thay đổi trong chính sách quan hệ giữa Philippines - Trung Quốc 180 độ, từ đối đầu sang hòa hoãn để đổi lấy quyền lợi về kinh tế. Nếu thế thì Donal Trump, một người xuất thân từ con buôn thì liệu có đứng vững trước sự mồi chài, ve vãn của người Trung Quốc về các lợi ích về kinh tế hay không? Đó là một điều khiến người ta không tin tưởng vào chính sách kiềm chế Trung Quốc của Hoa Kỳ trong thời gian trước mắt.

Đối với Việt Nam, Tổng thống Donal Trump của đảng Cộng hòa sẽ có đường lối đối ngoại cứng rắn hơn, ít coi trọng Việt Nam hơn và chắc chắn là xử sự sòng phẳng và kiên quyết với Việt Nam hơn Tổng thống Obama trước đây. Chính vì những lý do đó, đã đặt chính quyền Việt Nam trước một bài toán khó giải. Đồng thời điều đó sẽ dẫn tới 2 phương án.

Một là, Việt Nam sẽ quay lại hữu hảo với Trung Quốc và xa lánh với Hoa Kỳ, đây là phương án hết sức bất lợi, vì một khi Việt Nam quay lưng lại với Hoa Kỳ thì số phận Biển Đông và các hòn đảo của Việt Nam ở khu vực này cũng sẽ được định đoạt. Chỉ cách đây không lâu, Tập Cận Bình đã công khai tuyên bố, các đảo tại Nam Hải đều thuộc về Trung Quốc. Trong trường hợp như thế, thì ban lãnh đạo Việt Nam đã chính thức chấp nhận bán nước cho Trung Cộng. Đòng thời viễn cảnh của phong trào Dân chủ ở Việt Nam sẽ u ám hơn.

Trong phương án thứ 2, nếu như ban lãnh đạo Việt Nam còn có chút lòng yêu nước, thì buộc họ phải xuống thang, chấp nhận thực thi các điều kiện ngày càng cứng rắn hơn từ phía Hoa Kỳ, nhờ đó để tìm cách lấy chỗ dựa, nếu xảy ra đụng độ trên Biển Đông. Khả năng này cũng tạo cho các tiếng nói đối lập và phản biện được tôn trọng hơn.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc Donal Trump mới đây đã xác nhận với Tổng thống Philippines Duterte,  sẽ coi trọng tầm quan trọng cũng như vị trí chiến lược của Philippines, cùng với việc ông này khẳng định rằng, liên minh quân sự của Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc là rất quan trọng. Nếu như thế thì khó có thể nói rằng, ông Trump có ý định hủy bỏ hoàn toàn chính sách xoay trục. Điều đó phần nào cho thấy, các chính sách của Donal Trump sẽ khác với những điều chúng ta đang suy đoán hôm nay.

Trong thời gian trước mắt, phía Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề giao dịch thương mại đối với Hoa Kỳ, nhất là trong lúc thặng dư thương mại của Việt Nam và Hoa Kỳ đã ở mức thâm hụt 31 tỷ USD. Nếu so với lời tuyên bố khi tranh cử của Donal Trump khi tranh cử thì, điều này sẽ là một trong những ưu tiên trong chính sách kinh tế của ông Trump đối với Trung Quốc và Việt Nam sẽ không là ngoại lệ. Đặc biệt, việc Hoa Kỳ có khả năng rút khỏi TPP (Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP), như tuyên bố của Donal Trump hồi tháng 6/2016 là sẽ đưa Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định này nếu như trúng cử. Đây là một hiệp định thương mại mà Việt Nam có lẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất, cái đó sẽ là đòn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và có tác động không hề nhỏ đến tương lai của nền kinh tế Việt Nam.

Có lẽ giữa các phát biểu tranh cử của ông Donal Trump trong thời gian tranh cử Tổng thống, cũng khác khá xa những gì ông ta tuyên bố trong lúc hăng máu. Vì ở Hoa Kỳ có những thiết chế để kiểm soát quyền lực, hết sức hoàn chỉnh, tinh vi và chặt chẽ. Cộng với các chính sách lớn của Hoa Kỳ có những nền tảng bất di, bất dịch. Muốn thay đổi cũng không dễ.

Điều đó sẽ giúp cho việc cân bằng và kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực trong hệ thống chính trị của Hoa Kỳ. Từ đó sẽ có khả năng giảm thiểu mọi tác hại có thể có từ sự thử nghiệm không thành công của mỗi đời tổng thống. Hơn nữa, Donal Trump vốn là một nhà kinh doanh, chưa từng làm chính trị gia, thì bản thân Trump sẽ càng phải cẩn thận hơn những người khác. Vì chỉ cầm một sự bất cẩn, thì sự nghiệp chính trị của Tổng thống Donal Trump sẽ tiêu tan.

Ngày 15/11/2016

 © Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.