You are here

Khởi kiện Formosa: người dân đang vùng dậy (Bài 1)

Ảnh của nguyenvubinh

     Sự kiện biển miền trung nhiễm độc gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế từ ngày 06-22/4/2016 đã được cả nước và thế giới biết đến. Tính đến nay, nửa năm trôi qua, tác hại và ảnh hưởng của sự việc ô nhiễm biển trầm trọng này đã thực sự tác động tới phần lớn người dân các tỉnh miền trung. Trong suốt thời gian nửa năm qua, tất cả việc giải quyết, ứng xử của nhà cầm quyền Việt Nam đối với thảm họa môi trường này là bưng bít, bịt miệng những người quan tâm, lên tiếng bảo vệ môi trường và ban ơn cho nạn nhân của sự việc. Đây là phong cách ứng xử phổ biến và thông thường của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đối với nhân dân. Điều khác biệt với trước đây là hiện nay thông tin nhanh nhạy và công khai ngay lập tức, đồng thời có một cộng đồng mạng xã hội phản biện kịp thời đối với sự bưng bít, bịp bợm và dối trá của đảng cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam. Chính vì thói quen ứng xử như vậy, cộng với những khuất tất trong việc cho phép công ty Formosa đầu tư mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã mất đi cơ hội giải quyết triệt để vấn đề thảm họa môi trường biển miền trung.

     Ngày 26 và 27/9/2016, đã có 506 người dân thuộc huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An gửi đơn tại tòa án thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh khởi kiện công ty Formosa, yêu cầu bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường. Trước đó, vào các ngày 01/9, ngày 20/9 đã có những cuộc xuống đường, tập trung của bà con các xã thuộc huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, và thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh để lên tiếng phản đối công ty Formosa. Đặc biệt, ngày 02/10, có khoảng 18.000 người của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã biểu tình xung quanh trụ sở công ty Formosa. Ban đầu, cảnh sát đã đàn áp và đánh đập một số người, sau đó người dân tới đông quá, bao vây và ngăn chặn cảnh sát đánh người. Cuối cùng, cảnh sát đã phải bỏ chạy, một số còn cởi cả quân phục để chạy trốn mà bà con ghi lại được hình ảnh. Ngày 05/10, Tòa án thị xã Kỳ Anh đã trả lại 506 đơn kiện Formosa của bà con Quỳnh Lưu với lý do không đủ căn cứ tính thiệt hại nên không thụ lý đơn kiện. Ngày 08/10, nhà cầm quyền Việt Nam đã huy động khoảng 3000 cảnh sát cơ động, an ninh cùng chó nghiệp vụ để bảo vệ Formosa, ngăn chặn và đàn áp nếu người dân tiếp tục biểu tình. Toàn bộ ứng xử và diễn biến của sự việc đã khẳng định một điều, nhà cầm quyền Việt Nam quyết tâm bảo vệ công ty Formosa, ngăn cản người dân khởi kiện đòi hỏi quyền lợi chính đáng, và khi cần thiết sẵn sàng đàn áp người dân. Chúng ta cần phân tích đầy đủ về sự việc lớn, phức tạp và nan giải này.

     1/ Bản chất vụ việc khởi kiện

     Dải đất miền trung, bao gồm các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế có bờ biển kéo dài, nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào đánh bắt hải sản và du lịch. Từ ngày xảy ra thảm họa môi trường, dẫn tới việc nguồn nước biển bị nhiễm độc, hải sản chết hàng loạt và người dân không đi tắm biển, du lịch tại các địa phương này thì kinh tế các tỉnh này gần như phá sản. Người dân dọc theo vùng biển, chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản, dịch vụ du lịch đã không còn công ăn việc làm, không có thu nhập. Trải qua 6 tháng trời, tình hình đã không được cải thiện, cá vẫn chết, đánh bắt xa bờ được ít mà không bán được sản phẩm; khách du lịch hầu như không còn, toàn bộ ngành du lịch coi như phá sản. Với diễn biến như vậy, người dân đã rơi vào cảnh lầm than, không còn thu nhập để sống. Trong khi đó, nhà cầm quyền Việt Nam đã đàn áp các cuộc xuống đường, biểu tình bảo vệ môi trường ở Hà Nội và Sài Gòn; liên tục đưa những thông báo dối trá bịp bợm như nước biển đã an toàn, hải sản hết độc và ăn được; tự ý đưa ra mức đền bù cho Formosa là 500 triệu đô-la  mà không có căn cứ, không tham khảo ý kiến người dân; tiếp tục để Formosa thải độc ra môi trường, cả ở biển và trên đất liền; bóp méo, xuyên tạc những hành động ủng hộ, giúp đỡ người dân của lãnh đạo Công giáo, các tổ chức xã hội dân sự... Trong bối cảnh như vậy, người dân nghèo các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã vùng dậy, khởi kiện công ty Formosa đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình. Cần phải khẳng định và nhấn mạnh một điều, việc khởi kiện và biểu tình của người dân hoàn toàn do nhận thức của họ, trong hoàn cảnh và tình thế không công ăn việc làm, không có thu nhập. Như vậy, đây là một cuộc đấu tranh của những người cùng đường, không còn gì để mất đòi lại những quyền lợi chính đáng của mình. Tất cả những sự hỗ trợ, giúp đỡ và hướng dẫn của những chủ chăn, chức sắc tôn giáo, các tổ chức đảng phái và xã hội dân sự chỉ là hỗ trợ về thủ tục pháp lý, về điều kiện và phương tiện để người dân đòi hỏi quyền lợi của mình. Những sự việc này sẽ là vô ích nếu người dân không thực sự có động lực, không có quyền lợi thiết thân, sát sườn với họ. Có thể so sánh đơn giản như sau. Các cuộc biểu tình của người dân Hà Nội, sài Gòn vào các ngày 01/5 và 08/5/2016 và các ngày chủ nhật sau đó, người dân Hà Nội và Sài Gòn xuống đường vì muốn bảo vệ môi trường chung cho đất nước, lo ngại sự nhiễm độc sẽ lan tỏa thông qua các nguồn hải sản và thực phẩm không được kiểm soát. Thực chất, những người xuống đường ở Hà Nội, Sài Gòn chưa hề bị ảnh hưởng tới miếng cơm manh áo và thu nhập do sự kiện thảm họa môi trường gây ra. Nhưng người dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh miền trung có biển bị nhiễm độc khi biểu tình có tâm thế khác hẳn, họ không còn công ăn việc làm, không còn thu nhập, sức khỏe bị ảnh hưởng...chính vì vậy, các cuộc biểu tình, việc gửi đơn khởi kiện, cuộc đấu tranh của họ là cuộc đấu tranh cho chính miếng cơm, manh áo và thu nhập, hay đấu tranh cho chính sự tồn tại, tồn vong của họ. Đó là bản chất vụ việc khởi kiện và đấu tranh của người dân miền trung...

(còn nữa)

Hà nội, ngày 10/10/2016

N.V.B