You are here

Hội Đồng Giám mục Việt Nam khóa XIII: Những ưu tư và hy vọng

Ảnh của nguyenhuuvinh

Đại hội lần thứ XIII của Hội đồng Giám mục Việt Nam đang nhóm họp tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn - Tp. HCM, với sự tham dự đầy đủ của các giám mục của 26 giáo phận. Đây là một hoạt động thường xuyên của Hội Đồng Giám mục Việt Nam.

Trước đây, giáo dân Việt Nam quan tâm đến những vấn đề này chỉ biết thông tin cuối cùng qua các thư chung hoặc các bản thông báo khi Đại hội kết thúc.

Thời đại Internet đã khác, giáo dân có thể theo dõi diễn biến, cùng ưu tư, lo lắng, hân hoan hay đau buồn tùy theo nhận thức và tình cảm cũng như quan điểm của mình đối với từng sự kiện và hoàn cảnh giáo hội từng thời kỳ.

Hoàn cảnh xã hội, đất nước trước Đại hội XIII

Tình hình đất nước ngày càng bấn loạn, hệ thống chính trị với sự "thống nhất lãnh đạo của Đảng cộng sản", nhưng từ trên xuống dưới đang lao đao với nạn "sứ quân", đấu đá, chia rẽ, bè phái và lợi ích nhóm... Việc thanh toán lẫn nhau đã từ âm mưu, khẩu chiến, ném đá giấu tay hạ bệ lẫn nhau đã chuyển sang sử dụng súng và bằng nhiều biện pháp bạo lực khác nhau.

Đất nước vào thời kỳ khó khăn, kinh tế sa sút, thất nghiệp tăng cao và nợ công tăng vùn vụt. Nhà nước lâm vào tình trạng nợ cao như núi, vay không đủ để trả nợ cũ...

Sau hàng chục năm đảng hô hào chống tham nhũng, hối lộ thì đã trở thành "quốc nạn". Cho đến gần đây, nhà nước đã xác nhận "tham nhũng vẫn ổn định".

Hệ thống quan chức, người ăn lương của  dân đã vượt kỷ lục thế giới nhiều lần, với tỷ lệ 11 triệu người ăn lương trên tổng số 90 triệu người dân. Trong khi cả nước Mỹ, chỉ 2,7 triệu người ăn lương trên 330 triệu người dân. Trong số 11 triệu người ăn lương, thì quan chức chính phủ đã khẳng định có 1/3 "sáng cắp ô đi, tối cắp về" - nghĩa là chẳng có tác dụng gì cho người dân ngoài việc hưởng lương bổng từ đồng tiền thuế của họ.

Tài nguyên khoáng sản đất nước sau thời gian dài bị bán đổ bán tháo, nay đã cạn kiệt.

Đời sống xã hội ngày càng đối diện với sự xuống cấp thảm hại như điều ắt có và hiển nhiên phải xảy ra bởi một hệ thống lấy Chủ nghĩa Mác - Lenin vốn tôn sùng bạo lực và điều hành bằng sự dối trá.

Nạn ô nhiễm môi trường trở nên nghiêm trọng và đặc biệt thảm họa môi trường Biển Miền trung như một cú giáng vào hàng triệu người dân và đất nước Việt Nam. Thảm họa đó không chỉ đe dọa hiện tại mà còn cả tương lai dài, không chỉ đe dọa cuộc sống kinh tế người dân mà còn đe dọa sự tồn vong của nòi giống Việt.

Và hẳn nhiên, trong bối cảnh đó, đời sống người dân vốn lầm than, nay càng trở nên cơ cực với hàng hà sa số các loại thuế, phí đổ lên đầu.

Đại hội XIII, những điều lo lắng

Trong bối cảnh đó, Đại hội HĐGMVN họp kỳ họp thứ XIII với những ưu tư và lo lắng của giáo dân. Ngay từ khi Hội đồng Giám mục Việt Nam chưa họp, nhiều trái tim Tín hữu Việt Nam đã có những tâm tư, lo lắng và hy vọng cho kỳ họp này.

Sở dĩ người dân ưu tư, lo lắng bởi thời gian qua, HĐGMVN chưa thể hiện được những gì mà người giáo dân kỳ vọng, thậm chí đã nhiều lần gây thất vọng cho các tín hữu của mình.

Trong bản "Quan điểm của HĐGMVN về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay" năm 2008 có viết: "Giáo hội không có chức năng làm chính trị, nhưng cũng không đứng bên lề xã hội". Thế nhưng, HĐGMVN đã thể hiện được những gì để thể hiện quan điểm đúng đắn đó của mình? Nếu xét thật cụ thể thì có thể nói là rất hiếm.

Bởi chúng ta có thể nói gì, khi Đức Giáo hoàng Fanxico đã nói "người nghèo là sự giàu có đich thực của Giáo hội" - Giáo hội của người nghèo - nhưng đời sống, tiếng nói của Giáo hội chưa thực sự đề cập đủ đến những người nghèo khổ trong xã hội? Nạn cướp bóc đất đai dân lành, nạn tham nhũng tràn lan trọng mọi lĩnh vực xã hội, nạn tăng cường thuế má, chiếm đoạt của người dân ngày càng trắng trợn và bất chấp mọi nguyên tắc sống... đã đẩy người dân đến chỗ bần cùng.

Thậm chí, ngay cả tài sản của Giáo hội nhiều nơi bị cướp đoạt bất chấp luật pháp, bất chấp đời sống của các tu sĩ, giáo dân và những giá trị thiêng liêng của họ, thì HĐGMVN cũng hầu như không nghe, không thấy.

Nhất là nạn duy trì một hế thống cộng sản vô thần vẫn ngang nhiên tước bỏ nhiều quyền cơ bản của người dân... đều chưa được quan tâm đủ để góp phần ngăn chặn nó.

Đặc biệt, sự phản ứng và những hành động của HĐGMVN qua thảm họa môi trường đã để lại cho giáo dân nhiều ấn tượng, mà dù có yêu mến đến bao nhiêu cũng không thể không nói là rất xấu.

Cho đến nay, thảm họa ô nhiễm biển Miền Trung đã nửa năm. Đời sống người dân lao đao, khốn khó và đang đi vào ngõ cụt của sự sinh tồn đã làm đau lòng và kéo theo sự quan tâm biết bao người dân trong và ngoài công giáo, nhiều tổ chức quốc tế cũng như nhiều quốc gia. Trong khi nhà cầm quyền Việt Nam cứ lần khân, câu giờ và có nhiều hành động bao che cho thủ phạm đẩy người dân vào chỗ chết. Nhiều tiếng nói được cất lên, nhiều hành động được thực hiện nhằm cứu vãn tình thế, nhằm lên án kẻ thủ ác và tìm một giải pháp cho vấn đề...

Thì khi đó, HĐGMVN đã lặng thinh như tờ. Bản Tin của HĐGMVN hầu như không coi đó là một vấn đề quan trọng nên không hề đề cập.

Đó là sự vô cảm không thể không nhận thấy từ "Giáo hội của người nghèo".

Bản thông báo của của Đức TGM Phaolo Bùi Văn Đọc được phổ biến với danh nghĩa của HĐGMVN đã làm bùng phát sự bực tức của dân chúng. Ở đó, người ta chỉ đọc được thấy điều chú ý của HĐGMVN chỉ là "khi diễn tả những bức xúc và lo lắng của mình, tránh những hành đông quá khích, dẫn tới xung đột, ảnh hưởng tới sản xuất, giao thông, vi phạm pháp luật"

 Thế rồi sau những phản ứng của dư luận xã hội, HĐGMVN lại làm một điều nực cười hơn, là ra một văn thư giải thích(!) cho bản thông báo "vì quá vội vã đi nước ngoài". Quái lạ cách làm ăn của một TGM với chức vị Chủ tịch HĐGMVN.

Thế rồi, cho đến nay, không có thêm một hàng động hay tiếng nói nào khả dĩ về thảm họa này.  Thậm chí, bản Thông báo và văn thư giải thích cũng không thể tìm thấy trên website của Hội đồng Giám mục Việt Nam nữa. Điều đó có đúng không? Khi mà mới đây thôi, ngày 3/12/2015, HĐGMVN đã cùng ký cam kết "Các tổ chức tôn giáo ký kết tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu" do nhà nước tổ chức.

Vậy nhưng người ta lại thấy TGM Phaolo Bùi Văn Đọc luôn tươi  cười, hớn hở đón tiếp các quan chức của Đảng Cộng sản. Người dân không thể không chạn lòng khi nhìn bức ảnh linh mục Đại diện Tòa TGM khom mình bắt tay Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy Sài Gòn, hay việc TGM Chủ tịch HĐGMVN ký văn bản hợp tác với Trưởng ban An toàn giao thông Quốc gia, trong đó HĐGMVN được giao nhiệm vụ "đưa nội dung an toàn giao thông vào các bài giảng Thánh lễ của các linh mục".

Một vấn đề nữa được nhiều người quan tâm thời gian qua, đó là sự hiệp nhất, thông công trong Giáo hội. Dù trong các văn thư, lời nói cũng như sự giảng dạy, ở đâu, nơi nào cũng kêu gọi sự đoàn kết, hiệp nhất, yêu thương. Nhưng xem ra đó là một vấn đề khó khăn ngay trong chính Giáo hội của chúng ta, thậm chí giữa các thành viên HĐGMVN.

Để tóm tắt vấn đề, hãy nghe một người nêu ý kiến nhận định như sau:

"Dường như có 2 Giáo hội Công giáo Việt Nam:

Giáo hội thứ nhất xa hoa, giàu có, béo tốt. GIáo hội ấy đóng cửa nhà thờ chính toà im ỉm, trong khi đồng bào mình bị đánh đập, bắt giam... ngay trước cửa nhà thờ. Giaó Hội ấy hô hào "tốt đạo đẹp đời", ra thư chung khuyến khích giáo dân tham gia những cuộc bầu cử giả hiệu, ngăn cản giáo dân xuống đường để "giữ trật tự xã hội'.

Giáo hội ấy thoả mãn với việc in nhiều kinh sách, phong chức được nhiều linh mục, xây thêm nhiều nhà thờ tráng lệ ngất ngưởng...

Giáo hội thứ 2 thầm lặng cúi mình trên thân phận những người nghèo khó, chia sẻ với trẻ mồ côi, cầu nguyện và che chở cho những người bị bức hại vì lòng yêu nước.

Giáo hội thứ 2 chia sẻ và đồng hành với đồng bào mình những vấn nạn về an sinh xã hội, y tế, môi trường" ... (Facebooker Phuong Le).

Chúng ta đều biết, không ngẫu nhiên, mà trong kỳ Đại Hội lần này, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Mặt trận đã đến thăm và tặng quà Đại hội của HĐGMVN. Câu nói của ông ta rằng "Ở đâu có Công giáo, ở đó có đoàn kết và bình an". Đó có phải là sự "nhận thức lại"?

Xin thưa là không, ông ta còn nói thiếu một điều: "Nhưng, ở đâu có nhà thờ công giáo, ở đó có nhà nước cướp đất đai và tài sản trắng trợn".

Thậm chí, ngay từ lâu trước Đại hội, đã có nhiều thông tin về việc An ninh đã tiếp cận nhiều Đức Giám mục, đề nghị không bầu cho người nọ, người kia, nhất là Chủ tịch Ủy ban Công lý - Hòa bình.

Những điều đó, tạo nên những lo lắng trong lòng các giáo dân yêu mến Giáo hội.

Những hy vọng

Bản tin từ HĐGMVN về nhân sự Khóa XIII đã gieo vào lòng giáo dân Việt Nam một sự hy vọng. Người ta hy vọng rằng sẽ có những sự thay đổi cả trong không chỉ lời nói, mà cả hành động của HĐGMVN. Để có thể có một sự thay đổi, việc thay đổi nhân sự ở đây cũng là điều cần thiết.

Đây là lần đầu tiên, kể từ năm 1980, HĐGMVN đã thay đổi chức danh Chủ tịch khi vị Chủ tịch mới đảm nhiệm một nhiệm kỳ.

Chủ tịch khóa này là Đức Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, một Giám mục dày dạn kinh nghiệm với xã hội Cộng sản, đã từng đi qua những biến cố khắc nghiệt, đồng hành với những khó khăn của nhiều nơi, nhiều chỗ trải qua những mưu bẩn, trò hèn của nhà cầm quyền. Hy vọng rằng trong sứ vụ mới, ngài sẽ thể hiện bản lĩnh của mình cách xứng đáng.

Phó Chủ tịch là Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục Phát Diệm, nơi đã có truyền thống bao đời nay, là niềm tự hào của người Công giáo Việt Nam. Hy vọng rằng trong sứ vụ này, ngài sẽ phát huy được tinh thần Công giáo như đã từng có ở Giáo phận này.

Tổng Thư ký HĐGMVN là Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục giáo phận Mỹ Tho. Ngài vốn là người được ca ngợi nhiều về học vấn và sự lưu loát, tài ăn nói. Người ta cũng hy vọng ngài sẽ phát huy được thế mạnh của mình để phục vụ HĐGMVN ngày càng vững vàng xứng tầm với sự mong đợi của giáo dân.

Phó Tổng Thư ký HĐGMVN: Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục giáo phận Hải Phòng. Đây là một Giám mục trẻ và đủ bản lĩnh với những khó khăn thử thách. Người ta không quên những nghĩa cử của ngài khi nghe tiếng kêu của những người dân bị đau đớn, oan ức. Vụ Đoàn Văn Vươn là một ví dụ điển hình. Hy vọng rằng trong nhiệm vụ mới của mình, ngài có vị trí để thể hiện điều đó.

Cuối cùng, dù bị nhà cầm quyền bằng nhiều cách bẩn thỉu để mong hạ gục như truyền thông, báo chí, dư luận viên xuyên tạc và bôi xấu, an ninh đi gõ cửa ngỏ lời... Nhưng, HĐGMVN kỳ này vẫn bầu Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P. Giám mục giáo phận Vinh phụ trách Ủy ban Công lý - Hòa bình.

Đây là một sự khẳng định quyền và khả năng, cũng như sự độc lập của mình trong các vấn đề của giáo hội.

Hy vọng là như vậy để mở đầu cho những hy vọng tốt đẹp hơn của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong thời kỳ mới.

Hà Nội, Ngày 6/10/2016

J.B Nguyễn Hữu Vinh